Bộ Tài chính vừa có TCBC về công tác điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2021 và kế hoạch triển khai nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2022.
Bộ Tài chính triển khai nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2022
Theo dự báo của Bộ Tài chính bối cảnh năm 2022, tình hình quốc tế, trong nước tiếp tục có những cơ hội, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. Kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại, áp lực lạm phát tăng khiến nhiều quốc gia phải từng bước thắt chặt chính sách tài khóa, tiền tệ.
Ở trong nước, dịch Covid-19 có thể kéo dài, xuất hiện biến thể mới, phức tạp, nguy hiểm hơn làm giảm hiệu quả vắc-xin. Nguy cơ chậm phục hồi kinh tế, suy giảm tăng trưởng vẫn còn tiềm ẩn nếu không kiểm soát cơ bản được dịch Covid-19; rủi ro lạm phát gia tăng; thiên tai, biến đổi khí hậu tiếp tục ảnh hưởng đến việc phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Căn cứ Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN đã được Quốc hội thông qua, bám sát chủ đề năm 2021 của Chính phủ: “Đoàn kết kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển”, xác định mục tiêu, nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2022 như sau:
Huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực của Nhà nước để phòng, chống, kiểm soát dịch Covid-19, tận dụng tốt các cơ hội thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm quốc phòng, an ninh và an sinh xã hội; tiếp tục cơ cấu lại NSNN, quản lý nợ công, bảo đảm vai trò chủ đạo của NSTW, phát huy sự chủ động của các bộ, ngành, địa phương; đẩy mạnh cải cách hành chính, hiện đại hóa gắn liền với sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, đổi mới khu vực sự nghiệp công lập, siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách, triệt để tiết kiệm chi NSNN.
Từ đó Bộ Tài chính đưa ra giải pháp để hoàn thành tốt nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2022 như sau:
Một là, điều hành chính sách tài khóa linh hoạt, thận trọng, bám sát diễn biến của dịch Covid-19, phối hợp chặt chẽ với chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác, nhằm thực hiện mục tiêu vừa phòng, chống dịch, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Hai là, tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách tài chính - NSNN; đẩy mạnh cải cách hành chính; đẩy nhanh xây dựng chính phủ số.
Ba là, phát triển bền vững, vận hành an toàn, thông suốt thị trường tài chính và dịch vụ tài chính; thực hiện quản lý giá theo nguyên tắc thị trường, thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực, ổn định các cân đối lớn, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Bốn là, đẩy mạnh tái cấu trúc, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp; nâng cao hiệu quả hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước; bảo đảm dự toán thu NSNN.
Năm là, tiếp tục rà soát, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, biên chế, hiệu lực, hiệu quả theo Nghị quyết số 18, 19 của Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII), đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngành Tài chính được giao trong năm 2022.
Sáu là, tăng cường kỷ cương, kỷ luật tài chính, ngân sách trong thực thi công vụ; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và công khai, minh bạch trong quản lý thu, chi NSNN, tài sản công, đất đai, tài nguyên. Đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Thực hiện nghiêm các kết luận thanh tra, kiểm toán.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, chống gian lận xuất xứ hàng hóa có hiệu quả. Làm tốt nhiệm vụ cơ quan Thường trực của Ban chỉ đạo 389 quốc gia.
Bảy là, tích cực, chủ động hội nhập tài chính quốc tế, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại; tiếp tục thực hiện lộ trình cắt giảm thuế quan trong khuôn khổ các hiệp định thương mại tự do đã ký kết.
Tám là, tập trung chỉ đạo, điều hành đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh trước và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022; theo dõi chặt chẽ tình hình biến động giá cả, thị trường; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, gây biến động giá bất thường.