19/12/2024 lúc 19:08 (GMT+7)
Breaking News

Bình đẳng giới và vị thế của lao động nữ trong ngành khai khoáng

Định kiến giới, khuôn mẫu giới, tác động và ảnh hưởng tới việc tạo cơ hội cho phụ nữ tham gia vào các lĩnh vực lao động luôn là câu chuyện được bàn luận bấy lâu nay, đặc biệt là định kiến giới trong ngành khai khoáng. Nhằm nâng cao nhận thức cho sinh viên về vấn đề này, ngày 27/4, Đại diện Trung tâm nghiên cứu Giới, Gia đình và Môi trường cùng thầy và trò Trường Đại học Mỏ-Địa chất và Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã có buổi làm việc và tham quan thực tế tại Công ty Masan High-Tech Materials.

Đại diện Trung tâm nghiên cứu Giới, Gia đình và Môi trường cùng hơn 30 thầy và trò Trường Đại học Mỏ - Địa chất và Học viện Báo chí và Tuyên truyền tại buổi tham quan.

Là một trong những doanh nghiệp có số lượng lao động nữ cao nhất trong ngành khai khoáng tại Việt Nam cũng như trên thế giới, Masan High-Tech Materials hiện có hơn 25% CB-CNV nữ trong tổng số 2.237 CB-CNV trên toàn cầu (Số liệu tính tới tháng 2/2023). Với chặng đường gần 13 năm hình thành và phát triển, Masan High-Tech Materials vẫn luôn nỗ lực thực hiện bình đẳng giới tại nơi làm việc, tạo điều kiện làm việc bình đẳng giữa nam và nữ để tăng cường nguồn lực con người. Công ty nhận thức sâu sắc rằng, một môi trường làm việc bình đẳng, không khuôn mẫu, không định kiến về giới chính là nền móng vững chắc nhất để doanh nghiệp ổn định tổ chức và phát triển trong tương lai. Do đó, ngoài việc thực hiện đầy đủ chế độ chính sách cho lao động nữ, những năm qua Ban Lãnh đạo Công ty còn phối hợp chặt chẽ với Công đoàn cơ sở hoàn thiện chính sách chăm lo, đãi ngộ cho đối tượng này.

Lao động nữ chiếm tỷ lệ > 25%  tại Masan High-Tech Materials

Trên thực tế, không quá khó để tìm thấy sự có mặt của những phụ nữ có chuyên môn cao, đóng góp to lớn cho sự phát triển của Công ty: Phó Tổng Giám đốc Masan High-Tech Materials, Giám đốc Công nghệ và Đổi mới Sáng tạo toàn cầu, Quản lý nhà máy H.C. Starck (Goslar, Đức), Kế toán trưởng, Trưởng phòng Hành chính Nhân sự, Giám sát trưởng Môi trường (Bộ phận Môi trường & Phát triển bền vững), Phó Giám sát trưởng Dịch vụ kĩ thuật (Bộ phận Khai thác & Địa chất), Giám sát vận hành sản xuất (Bộ phận Sản xuất), Giám sát Quản lý Vật tư cấp cao (Bộ phận Quản lý Chuỗi cung ứng) … tất cả đều có sự hiện diện của phái nữ.

TS. Nguyễn Thị Tuyết Minh - Giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền/Cố vấn Dự án Giới và Khai khoáng chia sẻ: “Những lao động nữ trong lĩnh vực chuyên sâu về khai khoáng, khoa học, kỹ thuật, chuyên gia tại Mỏ Núi Pháo, theo quan sát của tôi là có, nhưng chưa nhiều. Thế nhưng đây là vấn đề mang tính hệ thống trong việc lựa chọn ngành nghề, đào tạo ngành nghề. Tôi tin rằng trong tương lai, khi mọi thứ có sự thay đổi theo chiều hướng mở rộng cơ hội ngành nghề cho tất cả, cùng với những chính sách phát triển và chế độ đãi ngộ cho CB-CNV vô cùng tốt tại Masan High-Tech Materials, thì chỉ 5-10 năm nữa thôi, tỉ lệ lao động nữ tham gia vào các vị trí công việc chuyên môn cao của Công ty sẽ gia tăng đáng kể.”

Tại buổi tham quan thực tế, các giảng viên và sinh viên cũng đã được nghe giới thiệu chung về Masan High-Tech Materials, các hoạt động kinh doanh sản xuất, định hướng và chiến lược phát triển trong tương lai của Công ty. Sau buổi trao đổi thảo luận, Đoàn đã đi thăm Moong Khai thác, Nhà máy sản xuất, Khu xử lý nước thải và bãi lọc sinh học để hiểu thêm về mô hình hoạt động cùng định hướng khai thác xanh hướng tới phát triển bền vững của Công ty.

Đoàn đi tham quan khu vực điểm xả thải và bãi lọc sinh học

Đoàn tham quan khu vực điểm xả thải và bãi lọc sinh học.

Bạn Châu Anh – Sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết: “Là người con của Thái Nguyên và đã biết tới mỏ Núi Pháo từ bé, nên em rất kì vọng ngày hôm nay được mục sở thị nơi này. Khi tới đây, một màu xanh bao phủ khắp nơi chính là điều làm em ấn tượng nhất. Em đã từng tới một vài công ty nhưng đây là nhà máy đầu tiên em thấy nhiều mảng xanh như vậy. Nước thải trong sản xuất và sinh hoạt tại nhà máy cũng được xử lý chuyên nghiệp qua hệ thống xử lý hiện đại và đạt chuẩn. Bước vào trong khu vực nhà máy cũng là một trải nghiệm bất ngờ bởi hầu hết máy móc tự hoạt động 24/7 thay vì con người phải trực tiếp làm mọi việc. Em cảm thấy rất vui và tự hào vì có một Công ty sản xuất vật liệu công nghệ cao hiện đại như vậy tại chính quê hương mình.”

Những năm qua, với uy tín và trách nhiệm cao, Masan High-Tech Materials đã đón tiếp nhiều đoàn cán bộ, học sinh, sinh viên… đến tham quan, trải nghiệm thực tế, để lại dấu ấn tốt đẹp về một công ty vật liệu công nghệ cao hàng đầu thế giới.

Cơ quan miền núi phía Bắc