26/12/2024 lúc 17:48 (GMT+7)
Breaking News

Biến đổi khí hậu và vấn đề bảo đảm quyền có lương thực tại Việt Nam: thực trạng và kiến nghị

Trong bài viết này, các tác giả tập trung phân tích những tác động của biến đổi khí hậu đối với quyền có lương thực tại Việt Nam, làm rõ khung pháp lý của Việt Nam về bảo đảm quyền có lương thực, đồng thời chỉ ra những thách thức mà Chính phủ Việt Nam đang phải đối mặt trong việc bảo đảm quyền có lương thực dưới tác động của biến đổi khí hậu, Trên cơ sở đó, tác giả đưa ra một số khuyến nghị cụ thể cho Chính phủ nhằm giảm thiểu và giải quyết các nguy cơ nghiêm trọng của biến đổi khí hậu
Nằm ở châu Á - Thái Bình Dương - một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, Việt Nam cũng được xác định là đối tượng dễ bị tổn thương và chịu tác động của các hiện tượng thời tiết cực đoan. Các báo cáo gần đây trong giai đoạn từ 1999 đến 2018 cho thấy, Việt Nam đang xếp ở vị trí thứ 8 trong danh sách mười quốc gia chịu nhiều thiên tai nhất năm 2021[1]. Việt Nam là quốc gia phụ thuộc đáng kể vào điều kiện thời tiết để phát triển kinh tế nông nghiệp - một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp 15,7% vào tăng trưởng kinh tế cả nước năm 2021. Tuy nhiên, biến đổi khí hậu thông qua mực nước biển dâng, hạn hán, mưa cực đoan, lũ lụt và các vấn đề khác gây ra những thay đổi về khí tượng nông nghiệp và mùa vụ, đồng thời làm gia tăng các mối đe dọa như sâu bệnh, giảm năng suất cây trồng và chăn nuôi[2]. Những tác động này cũng đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc bảo đảm các quyền cơ bản của con người trên thế giới nói chung, tại Việt Nam nói riêng, đặc biệt là việc bảo đảm các quyền về sức khoẻ và lương thực.
1. Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến việc bảo đảm quyền có lương thực tại Việt Nam
Quyền có lương thực thực chất là một nội dung của quyền có mức sống thoả đáng, được ghi nhận cụ thể trong Điều 25 của Tuyên ngôn thế giới về quyền con người năm 1948 (UDHR), đặc biệt là Điều 11 của Công ước về các quyền kinh tế, xã hội và văn hoá năm 1966. Theo đó, quyền có lương thực không chỉ là quyền được hưởng lượng thức ăn ít nhất có calo, protein và các chất dinh dưỡng cụ thể khác mà còn được hưởng thức ăn bổ dưỡng cho sức khỏe và hạnh phúc của một người, và phương tiện để tiếp cận chúng[3]… Một số nghiên cứu chỉ ra rằng, biến đổi khí hậu là nguyên nhân chính dẫn đến mất an ninh lương thực vì nó trực tiếp tạo ra những tác động tàn phá đối với an ninh lương thực bao gồm các yếu tố – tính sẵn có, khả năng tiếp cận, sử dụng và tính ổn định[4], trong đó:
Tính sẵn có nghĩa là việc bảo đảm sản xuất lương thực bằng cách canh tác và trồng trọt hoặc các cách thức khác để tìm kiếm lương thực như đánh bắt, săn bắt hoặc hái lượm, và phân phối lương thực ở chợ và cửa hàng[5].
Khả năng tiếp cận muốn đề cập đến việc bảo đảm thực phẩm có giá cả phải chăng và có thể tiếp cận được với tất cả mọi người. Mọi người đều có thể mua thực phẩm mà không gặp khó khăn về tài chính bằng cách bảo đảm đủ mức lương tối thiểu hoặc phúc lợi an sinh xã hội để duy trì nhu cầu dinh dưỡng cần thiết của họ. Bên cạnh đó, mọi người cần được bảo đảm quyền tiếp cận lương thực, đặc biệt là những người dễ bị tổn thương hơn như trẻ em, người khuyết tật hoặc người già, những người trải qua xung đột vũ trang hoặc thiên tai, những người sống ở vùng sâu, vùng xa, thậm chí là các phạm nhân[6].
Tính đầy đủ đòi hỏi nhu cầu ăn uống của con người phải được đáp ứng để duy trì và phát triển sức khỏe thể chất và tinh thần xét trên các yếu tố chính như tuổi tác, sức khỏe, giới tính, điều kiện sống, nghề nghiệp, v.v... Tính đầy đủ của thực phẩm cũng có nghĩa là an toàn thực phẩm mà thực phẩm phải được bảo đảm không chứa các chất độc hại, gây hại cho sức khỏe con người[7].
Để thực hiện quyền có lương thực, theo các quyên gia, các quốc gia có trách nhiệm tôn trọng, bảo vệ và thực hiện quyền này trên thực tế[8]. Các quốc gia nên ngăn chặn việc gây hại cho môi trường và gây ra biến đổi khí hậu mà sau đó làm trầm trọng thêm khả năng tiếp cận với đủ lương thực. Ngoài ra, các quốc gia có nghĩa vụ ngăn chặn và hạn chế những hành vi vi phạm quyền có lương thực; đồng thời phải tạo điều kiện thuận lợi cho một môi trường trao quyền cho mọi người sản xuất, mua sắm hoặc tiếp cận lương thực cho bản thân và gia đình[9].
Việt Nam có mức độ tiếp xúc cao với các hiện tượng thời tiết cực đoan do vị trí địa lý nằm trong các vùng khí hậu sinh thái mà mỗi vùng của đất nước đều dễ bị tổn thương trước các tác động khác nhau của biến đổi khí hậu. Cây trồng và lương thực chính là lúa gạo, chiếm tới 94% diện tích đất canh tác tại Việt Nam. Trong đó, Đồng bằng sông Cửu Long và Đồng bằng sông Hồng là vùng nông nghiệp sản xuất phần lớn cây trồng của cả nước[10] và là vùng trồng lúa hàng đầu, chiếm 54,47% và 24,08% diện tích canh tác của cả nước. Trong những năm qua, Việt Nam đã bị thiệt hại nghiêm trọng về sản lượng lúa, cây ăn quả và cây công nghiệp ở Đông Bắc và Tây Bắc, Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ, Duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long do sự thay đổi về nhiệt độ và lượng mưa dẫn đến những bất ổn về thời tiết như gia tăng số ngày nóng và lạnh cực đoan, mưa cực đoan, lũ lụt, khan hiếm nước, hạn hán, sạt lở đất, nước biển dâng và các hiện tượng thời tiết cực đoan khác[11].
Trong giai đoạn 1994-2016, tổng lượng khí thải mà Việt Nam tạo ra đã tăng gấp 3 lần từ 103,8 lên 316,7 triệu tấn. Từ năm 1994 đến năm 2014, nông nghiệp thải ra lượng khí thải ngày càng lớn, bổ sung thêm 37,3 triệu tấn CO2 từ 52,4 lên 89,7 triệu tấn vào tổng tỷ trọng phát thải khí nhà kính của cả nước[12]. Đến năm 2016, Việt Nam bước đầu thành công trong việc giảm một nửa lượng phát thải từ nông nghiệp xuống còn 44,1 triệu tấn nhờ các hoạt động chuyển đổi mục đích sử dụng đất hiệu quả và thực hiện quyết liệt công tác bảo vệ rừng và phát triển rừng[13]. Tuy nhiên, từ năm 2019-2021, dưới ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tình trạng bụi và phát thải có vẻ như chững lại do sự đóng băng của các ngành sản xuất, nhưng rác thải và vấn đề ô nhiễm môi trường từ rác thải trong và hậu covid lại có chiều hướng gia tăng, đe doạ đến môi trường sống và hoạt động sản xuất của người dân. Chính vì vậy, việc áp dụng cách tiếp cận dựa trên quyền con người trong việc áp dụng các biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu không phải là một nhiệm vụ đơn giản vì các quốc gia chịu trách nhiệm điều hướng các giải pháp hiệu quả và khả thi đối với biến đổi khí hậu, đồng thời phải tạo sự cân bằng về quyền của cá nhân với lợi ích cộng đồng trước các tác động của biến đổi khí hậu[14].
2. Chính sách, pháp luật của Việt Nam về bảo đảm quyền có lương thực trong bối cảnh biến đổi khí hậu
2.1. Bảo đảm quyền có lương thực thông qua các chính sách trực tiếp về an ninh lương thực
Trên thực tế, Việt Nam đã có những bước chuyển đáng kể trong việc hiện thực hóa quyền được tiếp cận lương thực thông qua các chính sách thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo đảm an ninh lương thực quốc gia. Với Nghị quyết số 63/NQ-CP về an ninh lương thực quốc gia, Chính phủ cam kết bảo đảm nguồn lương thực sẵn có, xóa đói vào năm 2012, tăng năng suất sản xuất lương thực. Để đạt được các mục tiêu trên, Chính phủ tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng của ứng dụng khoa học và công nghệ trong sản xuất lương thực và cam kết tài trợ cho nghiên cứu khoa học và khuyến nông với ngân sách tăng 10-15%; đồng thời nêu rõ sự cần thiết phải củng cố và nâng cao năng lực của nông dân thông qua đào tạo, khuyến khích chia sẻ và trao đổi kiến thức khoa học, xây dựng chiến lược quy hoạch, phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ nông nghiệp và phát điện[15].
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cam kết chấm dứt nạn đói vào năm 2025 bằng việc triển khai Kế hoạch hành động quốc gia về “Không còn nạn đói” được phê duyệt tại Quyết định số 712/QĐ-TTg ngày 12/6/2018 của Thủ tướng. Đây là cột mốc quan trọng trong tiến trình thực hiện quyền có lương thực ở Việt Nam trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Theo Kế hoạch này, Chính phủ đã phấn đấu cung cấp đủ lương thực cho người dân Việt Nam với các mục tiêu cụ thể bao gồm đủ lương thực, đủ dinh dưỡng, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 2 tuổi, phát triển hệ thống lương thực bền vững, tăng thu nhập cho các hộ nông dân sản xuất quy mô nhỏ và loại bỏ thất thoát và lãng phí thực phẩm[16].
Mới đây nhất, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 34/NQ-CP ngày 25/3/2021 về bảo đảm an ninh lương thực quốc gia đến năm 2030 với mục tiêu tổng quát là bảo đảm đủ lương thực cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, nâng cao thu nhập để người dân được tiếp cận với thực phẩm có chất lượng, đủ dinh dưỡng, hợp vệ sinh nhằm nâng cao tầm vóc, thể chất và sức khỏe nói chung của người dân Việt Nam[17].
Để đạt được các mục tiêu nêu tại Nghị quyết số 34/NQ-CP, Chính phủ đề ra các giải pháp chủ yếu, trong đó tái cơ cấu sản xuất lương thực gắn với thị trường là một trong những chủ trương cốt lõi mà Chính phủ hoạch định nhằm tái cơ cấu sản xuất lương thực theo hướng tập trung, quy mô lớn và bền vững. Hơn nữa, Chính phủ áp dụng nhiều cách tiếp cận để duy trì an ninh lương thực toàn diện đầu tư vào xây dựng cơ sở hạ tầng cho nông nghiệp, ứng dụng khoa học, tăng cường nguồn nhân lực trong sản xuất lương thực, phát triển các mô hình sản xuất lương thực thay thế, cải cách chính sách, phát triển phổ biến an ninh lương thực, trao quyền cho sự tham gia và cam kết của cộng đồng trong bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu, thúc đẩy hợp tác quốc tế[18].
Với mục tiêu giữ vững an ninh lương thực, nâng cao chất lượng lương thực, nâng cao sức cạnh tranh của chuỗi giá trị, nâng cao thu nhập cho người nông dân, thúc đẩy nông nghiệp bền vững trong điều kiện thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường, Chính phủ đã triển khai Kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên tất cả các tiểu ngành bao gồm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp và diêm nghiệp. Chính phủ định hướng tái cơ cấu theo sản phẩm chủ lực quốc gia, theo ngành, vùng[19].
Phù hợp với định hướng và để thực hiện các chính sách nêu trên, Luật Trồng trọt quy định chi tiết về giống cây trồng, canh tác và các hoạt động nông nghiệp khác. Luật Trồng trọt thừa nhận phòng ngừa và kiểm soát thiên tai, dịch hại và thích ứng với biến đổi khí hậu là nguyên tắc trong trồng trọt (khoản 5 Điều 3 Luật Trồng trọt năm 2018). Theo đó, Chính phủ khuyến khích nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ trong tất cả các khâu sản xuất cây trồng bằng cách tạo ra giống cây trồng năng suất, chất lượng cao, chống chịu sâu bệnh và thích ứng với biến đổi khí hậu.
2.2. Bảo đảm quyền có lương thực thông qua các chính sách thích ứng và giảm thiểu biến đổi khí hậu
Với các kịch bản biến đổi khí hậu, Chính phủ Việt Nam đã có sự chuẩn bị quan trọng thông qua việc ban hành kế hoạch chiến lược thích ứng với biến đổi khí hậu được phê duyệt tại Quyết định số 896/QĐ-TTg ngày 26/7/2022 của Thủ tướng. Chiến lược này thể hiện mong muốn mạnh mẽ về việc chủ động và thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính xuống mức 0% và ứng phó với các tác động bất lợi do biến đổi khí hậu gây ra. Bên cạnh đó, Chiến lược này cũng ưu tiên tính cần thiết của việc chủ động ứng phó với các hiện tượng thiên tai, cải thiện giám sát khí hậu, tăng cường an sinh xã hội và các biện pháp ứng phó với nước biển dâng và ngập lụt đô thị[20].
Trên tinh thần cam kết cắt giảm phát thải khí nhà kính khi phê chuẩn các điều ước quốc tế giải quyết vấn đề nóng lên toàn cầu và biến đổi khí hậu, Chính phủ ban hành Kế hoạch quốc gia về thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định số 1055/QĐ-TTg ngày 20/7/2020; đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải chuyển đổi sang nền kinh tế xanh thể hiện qua việc ban hành Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 01/10/2021 phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quyết định số 1658/QĐ-TTg, năm 2021).
Tại Hội nghị các Bên lần thứ 26 (COP26), Thủ tướng cũng đã truyền đạt và khẳng định cam kết liên tục của Việt Nam về mục tiêu phát thải carbon ròng bằng 0 vào năm 2050 trong việc thực hiện các điều ước quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu[21]. Khẩn trương hành động để thực hiện cam kết khử cacbon cho nền kinh tế trên mọi lĩnh vực sau COP26, Việt Nam đã xác định nhiệm vụ và giải pháp thực hiện các kết quả của COP26 theo Quyết định số 888/QĐ-TTg ngày 25/7/2022. Những sáng kiến này có thể được hiểu là nỗ lực đóng cửa nền kinh tế tuyến tính và chuyển sang nền kinh tế tuần hoàn để giảm bớt gánh nặng cho môi trường. Theo cách tiếp cận tăng trưởng xanh, Chính phủ đã hoạch định chiến lược mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính để duy trì an ninh lương thực quốc gia, trong đó một trong những giải pháp then chốt là hình thành nền nông nghiệp bền vững, chống chịu tốt hơn với tác động của biến đổi khí hậu thông qua hiện đại hóa các phương thức canh tác nông nghiệp, sử dụng các sản phẩm hữu cơ và công nghệ xanh trong trồng trọt, canh tác, chuyển đổi cơ cấu sản xuất cây trồng, vật nuôi, đẩy mạnh phát triển rừng lâu dài.
Để hỗ trợ phát triển nền kinh tế xanh, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia, trong đó chỉ rõ chính sách mới phát triển năng lượng quốc gia với trọng tâm là phát triển năng lượng bền vững. Đối với vấn đề hiệu quả trong sản xuất và sử dụng năng lượng, Nghị quyết số 55 khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để khu vực tư nhân tham gia phát triển năng lượng, đặc biệt là năng lượng tái tạo và kêu gọi sử dụng năng lượng hiệu quả, tiết kiệm năng lượng cũng được coi là trách nhiệm chung của cộng đồng[22]. Quốc hội cũng đã ban hành Luật Phòng, chống thiên tai và mới đây, Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai giai đoạn 2007 – 2025 để thực hiện Chiến lược phòng, chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Mục tiêu chung của các chính sách pháp luật này là nhằm nâng cao khả năng chịu đựng, chống chịu của đất nước trước thiên tai, chủ động phòng ngừa, ứng phó và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra.
3. Một số thách thức đối với Việt Nam nhằm bảo đảm quyền có lương thực trong bối cảnh biến đổi khí hậu
Thách thức đầu tiên có thể thấy là Việt Nam sẽ tiếp tục trải qua những biến đổi khí hậu trong những thập kỷ tới. Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường[23] về các kịch bản biến đổi khí hậu, tất cả các kiểu thời tiết sẽ cho thấy những thay đổi đáng kể. Đặc biệt, đến cuối thế kỷ 21, nhiệt độ trung bình năm tăng ở cả Bắc Bộ và Nam Bộ, lượng mưa cũng sẽ có xu hướng gia tăng với tỷ trọng tăng từ 20% đến 40%[24]. Bên cạnh đó, Việt Nam sẽ đối mặt với thực tế mất khoảng 40.000 km2 tương đương 12,1% tổng diện tích và ảnh hưởng đến 17,1 triệu người chiếm 23,1% tổng dân số[25]. Mực nước biển dâng cao cũng sẽ mở đường cho tình trạng xói lở bờ biển và xâm nhập mặn, đặc biệt là ở Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long là hai vùng sản xuất nông nghiệp trọng yếu nhất của Việt Nam. Ít nhất khoảng 1,3 đến hơn 1,7 triệu ha đất canh tác ở Đồng bằng sông Cửu Long có nguy cơ bị nhiễm mặn. Các vụ lúa chính sẽ bị ảnh hưởng đáng kể do nước biển dâng và xâm nhập mặn[26].
Một khó khăn nữa liên quan đến việc áp dụng các biện pháp thích ứng và bền vững với biến đổi khí hậu:Các biện pháp giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu là một phần không thể thiếu trong các nghĩa vụ của Nhà nước nhằm tôn trọng, bảo vệ và thực hiện các quyền con người. Nhà nước sẽ không tiến hành bất kỳ biện pháp nào ảnh hưởng xấu đến quyền con người và ngăn chặn các chủ thể phi nhà nước góp phần vào biến đổi khí hậu[27].Các biện pháp thích ứng đã được lên kế hoạch thực hiện trên phạm vi rộng nhưng thiếu xem xét đến những khu vực kém thuận lợi nhất và nông dân ở những khu vực đó, hoặc hạn chế khả năng tiếp cận của họ với những lợi ích của sự phát triển. Bên cạnh đó, việc sử dụng đất và các hoạt động thay đổi mục đích sử dụng đất có thể khiến những người phụ thuộc vào đất đai để sinh sống dễ bị tổn thương hơn[28]. Xu hướng chuyển đổi mục đích sử dụng đất để đáp ứng sự phát triển kinh tế - xã hội đã đe dọa đến diện tích đất sản xuất lương thực, đặc biệt là đất trồng lúa, góp phần làm mất đất, thoái hóa đất do chua hóa, sa mạc hóa, xâm nhập mặn và xói mòn[29].
Dân số đông hơn đòi hỏi phải sản xuất nhiều lương thực hơn, do đó làm tăng lượng phát thải khí nhà kính và gây ra các tác động tiêu cực đến môi trường. Trong bối cảnh giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu trong khi vẫn duy trì đủ lương thực cho dân số ngày càng tăng, thâm canh bền vững là một cách tiếp cận thay thế vì việc mở rộng gây ra nhiều thiệt hại cho môi trường hơn là lợi thế của việc sản xuất thêm lương thực trên những vùng đất mới. Thâm canh bền vững nhấn mạnh đến việc khôi phục các vùng đất bị suy thoái để cải thiện và tăng năng suất cũng như hấp thụ các-bon[30]. Tuy nhiên, việc áp dụng thâm canh bền vững ở Việt Nam còn thiếu đồng bộ và do đó chưa mang lại thành công lớn trong việc bảo đảm an ninh lương thực và thích ứng/giảm thiểu biến đổi khí hậu[31].
Thách thức tiếp theo là khả năng thực thi các quy định về bảo vệ môi trường nói chung chưa thực sự hiệu quả, gây tác động đến việc bảo đảm các quyền của người dân, trong đó có quyền lương thực. Hệ thống pháp luật Việt Nam về bảo đảm quyền được tiếp cận lương thực trong bối cảnh biến đổi khí hậu khá toàn diện. Mặc dù Nhà nước Việt Nam đã hình thành khung pháp lý tương đối đầy đủ hỗ trợ ngành nông nghiệp vì mục tiêu an ninh lương thực, nhưng việc thực thi khung này còn nhiều vấn đề.
Sự yếu kém trong việc thực thi các chính sách, quy định của pháp luật và tập trung nhiều hơn vào công nghiệp hóa, phát triển công nghiệp và thu hút đầu tư nước ngoài để cải thiện nền kinh tế quốc gia và địa phương là dấu hiệu cho thấy Việt Nam đang phải đối mặt với những thảm họa môi trường do con người gây ra. Những trường hợp không tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường vẫn xảy ra do thiếu cơ chế để giám sát hoạt động của doanh nghiệp nhằm bảo đảm tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường, các biện pháp xử phạt đối với chủ thể gây ô nhiễm và khắc phục hậu quả chưa thực sự nghiêm khắc. Vụ việc gây ô nhiễm môi trường ở Thị Vải- Vụ Vedan, hay Formosa là những điển hình[32].
Cuối cùng, cùng với tác động của biến đổi khí hậu, sự bùng phát của dịch Covid-19 đã đe dọa đến an ninh lương thực và làm trầm trọng thêm tình trạng suy dinh dưỡng. Covid-19 đã tác động tiêu cực đến nền kinh tế toàn cầu và nền kinh tế quốc gia, gây ra lạm phát và suy thoái, sản xuất lương thực bị gián đoạn và ảnh hưởng xấu đến đời sống của người dân với tỷ lệ thất nghiệp và nghèo đói gia tăng do việc áp dụng các biện pháp quyết liệt để ngăn chặn sự lây lan của virus[33]. Đại dịch đã khiến giá lương thực tăng cao do nguồn cung cấp lương thực không chắc chắn, từ đó hạn chế khả năng tiếp cận lương thực của người dân ở một số quốc gia, trong đó có Việt Nam, quốc gia chịu nhiều rủi ro hơn do biến đổi khí hậu[34].
4. Kiến nghị và kết luận
Trước tình hình biến đổi khí hậu hiện nay và các kịch bản có thể xảy ra cùng với những thách thức, Chính phủ Việt Nam có thể xem xét những hạn chế và thách thức đang tồn tại để đưa ra một số giải pháp nhằm đạt được các mục tiêu mà Chính phủ đã đề ra để phát triển bền vững. Với hỗ trợ quốc tế, Việt Nam có thể tối đa hóa tổng lượng phát thải khí nhà kính giảm được tới 27% tương đương 250,8 MtCO2e so với mục tiêu quốc gia là giảm phát thải khí nhà kính xuống 9% tương đương 83,9 MtCO2e trong trường hợp không có hỗ trợ quốc tế. Trong lĩnh vực nông nghiệp, để đạt được mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính bằng 0, Chính phủ cần thúc đẩy hợp tác quốc tế để tìm kiếm thêm nguồn tài chính hỗ trợ kế hoạch khử cacbon và học hỏi, trao đổi công nghệ cao hỗ trợ kế hoạch đó.
Bên cạnh đó, Chính phủ cần thường xuyên rà soát, đánh giá việc thực hiện các chính sách về thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu và an ninh lương thực. Sẽ không đủ nếu chỉ áp dụng các biện pháp nhằm giải quyết biến đổi khí hậu mà không xem xét ưu và nhược điểm của các chính sách có thể cản trở sản xuất lương thực. Nhà nước nên dự kiến và cân nhắc những thuận lợi và khó khăn gây ra cho điều kiện sống của người dân khi áp dụng các biện pháp giảm thiểu và thích ứng liên quan đến việc phân bổ lại đất đai[35].
Chính phủ cần sửa đổi, bổ sung và cải cách các thủ tục pháp lý để cung cấp các biện pháp bảo vệ pháp lý nhiều hơn cho các nạn nhân của thảm họa ô nhiễm do con người gây ra. Việc hình thành và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu cũng rất cần thiết. Các quy định hiện hành còn đơn giản và thiếu các cơ chế bảo vệ để hỗ trợ các bên bị thiệt hại trong việc tìm kiếm các biện pháp khắc phục và không đủ mạnh để ngăn chặn các chủ thể tư nhân gây ô nhiễm môi trường. Nếu pháp luật còn kém phát triển và chưa đủ chặt chẽ để đáp ứng nhu cầu của người dân về sự bảo vệ của pháp luật trong trường hợp các quyền cơ bản của họ như quyền có đủ lương thực, thực phẩm bị xâm phạm, thì hành vi vi phạm của các tổ chức tư nhân sẽ gia tăng./. 

TS. NGUYỄN THỊ HỒNG YẾN, Trường Đại học Luật Hà Nội,

THS. NGUYỄN PHƯƠNG DUNG, Đại học RMIT Việt Nam.


[1] CRED. (2022). 2021 Disasters in numbers (p. 8). Center for Rural Economy Development (CRED). https://cred.be/sites/default/files/2021_EMDAT_report.pdf; Nguyen, Y. T. H., & Nguyen, D. P. (2022). The efforts to respond to climate change and implementation of the Sustainable Development Goals (SDGs) from the hardest-affected countries: Vietnam case analysis. Revista De Direito Internacional (Brazilian Journal of International Law), 19(1), 164–191.
[2] Nguyen, T. H. Y., & Nguyen, P. D. (2021). Climate Change and the Challenges for Developing Countries in the Implementation of the Human Right to a Healthy Environment: Case of Vietnam. Asia-Pacific Journal on Human Rights and the Law, 22(2), 222–254, https://doi.org/10.1163/15718158-22020005.
[3] OHCHR. (2010). Fact Sheet No. 34: The Right to Adequate Food, https://www.ohchr.org/Documents/Publications/FactSheet34en.pdf, p.2.
[4] IPCC. (2019a). Climate Change and Land: An IPCC special report on climate change, desertification, land degradation, sustainable land management, food security, and greenhouse gas fluxes in terrestrial ecosystems (p. 874) [Special Report]. Intergovernmental Panel on Climate Change (IPCC), https://www.ipcc.ch/srccl/.
[5] CESCR. (1999). CESCR General Comment No. 12: The Right to Adequate Food (Art. 11). https://www.refworld.org/pdfid/4538838c11.pdf, p.11-13; CESCR. (1999). CESCR General Comment No. 12: The Right to Adequate Food (Art. 11). https://www.refworld.org/pdfid/4538838c11.pdf, p2-3
[6] Như trên
[7] Như trên
[8] Caesens, E., Schutter, O. D., Rodríguez, M. P., Figueroa-Irizarry, I., Gillard, T., Pershing-Foley, Z., & Rosenblum, P. (2009). Climate Change and the Right to Food: A Comprehensive Study. Heinrich Böll Stiftung. https://www.boell.de/sites/default/files/Series_Ecology_Volume_8_Climate_Change_and_the_Right_to_Food_0.pdf, pp.43-44.
[9] Như trên.
[10] FAO & UNDP. (2020). Integrating Agriculture in National Adaptation Plans (NAP-Ag) Programme: Viet Nam case study (p. 16). FAO and UNDP, https://www.adaptation-undp.org/resources/experiences-integrating-agriculture-sectoral-and-national-adaptation-planning-processes, p.6.
[11] Woillez, M.-N., Espagne, E., Ngo, D. T., Nguyen, M. H., Pannier, E., Drogoul, A., Huynh, T. P. L., Le, T. T., Nguyen, T. T. H., Nguyen, T. T., Nguyen, T. A., Thomas, F., Truong, Q. C., Vo, Q. T., & Vu, C. T. (2021). Climate Change in Vietnam, Impacts and Adaptation (p. 612) [A COP26 assessment report of the GEMMES Vietnam project]. AFD Group, https://www.afd.fr/en/ressources/gemmes-vietnam-climate-change-impacts-and-adaptation, pp.199-200.
[12] MONRE. (2020b). Vietnam Third Biennial Updated Report: To the United Nations Framework Convention on Climate Change (p. 181). Ministry of Natural Resources and Environment (MONRE). http://www.dcc.gov.vn/kien-thuc/1080/The-third-Biennial-Updated-Report-of-Viet-Nam-(BUR3)-for-the-UNFCCC.html, p.39.
[13] MONRE. (2021). National Environment Assessment Report for the 2016-2020 Period (pp. 1–168). Ministry of Natural Resources and Environment (MONRE). https://moit.gov.vn/upload/2005517/fck/files/20211108_Bao_cao_HTMT_2016-2020_F_a4980.pdf, tr.30.
[14] Lewis, B. (2015). Balancing human rights in climate policies. In Climate change and human rights: An international and comparative law (1st edition, p. 410). Routledge, pp.39-44.
[15] Petersen, E. (2017). Vietnam food security policy review (Canberra ACIAR Monograph No. 196; ACIAR Monograph Series, p. 126). Australian Centre for International Agricultural Research (ACIAR), p.45.
[16] Dao, T. A., & Pham, C. N. (2020, July 31). New Challenges for Food Security in Vietnam. FFTC Agricultural Policy Platform (FFTC-AP). https://ap.fftc.org.tw/article/2547
[17] Xem Nghị quyết số 34/NQ-CP ngày 25/3/2021 về đảm bảo an ninh lương thực quốc gia đến năm 2030, mục II.
[18] Xem Nghị quyết số 34/NQ-CP, 2021, phần III.
[19]Quyết định số 255/QĐ-TTg ngày 25/2/2021 về việc phê duyệt Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025.
[20] McElwee, P. (2020, January). Vietnam Fighting Sea Level Rise: Victim or Enabler? Positions Politics, https://positionspolitics.org/episteme-1-1-3mcelwee/.
[21] Luong, B. (2022, March 21). Net zero emissions: A strong commitment from Vietnam. Vietnamnet Global. https://vietnamnet.vn/en/net-zero-emissions-a-strong-commitment-from-vietnam-816951.html.
[22] Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
[23] MONRE. (2020a). Updated Climate Change Scenarios 2020 (p. 254). Ministry of Natural Resources and Environment (MONRE). http://www.dcc.gov.vn/kien-thuc/1090/Kich-ban-bien-doi-khi-hau-cap-nhat-nam-2020.html. pp.59-81
[24] Như trên
[25] IPCC. (2001). Climate Change 2001: Impacts, adaptation, and vulnerability: Contribution of working group II to the third assessment report of the Intergovernmental Panel on Climate Change (p. 1042). Intergovernmental Panel on Climate Change (IPCC), https://www.ipcc.ch/site/assets/uploads/2018/03/WGII_TAR_full_report-2.pdf, tr.49
[26]World Bank. (2016). Transforming Vietnamese Agriculture: Gaining More From Less (Vietnam Development Report 2016, p. 148). World Bank Group. https://openknowledge.worldbank.org/bitstream/handle/10986/24375/108510.pdf?sequence=5&isAllowed=y, tr.53-54.
[27] Lewis (2015), Tlđd, tr. 39–44.
[28] Roht-Arriaza, N. (2010). Human Rights in the Climate Change Regime. Journal of Human Rights and the Environment, 1(2), 211–235; Lewis (2015), Tlđd, tr. 39–44.
[29] MONRE (2021), Tlđd, tr. 97-111.
[30] IPCC (2019a), Tlđd, Chương 5 trang 501.
[31] Như trên.
[32] Nguyen, T. H. Y., & Nguyen, P. D. (2021), tr. 229–231.
[33]FAO, & UNDP. (2020). Integrating Agriculture in National Adaptation Plans (NAP-Ag) Programme: Viet Nam case study (p. 16). FAO and UNDP. https://www.adaptation-undp.org/resources/experiences-integrating-agriculture-sectoral-and-national-adaptation-planning-processes, tr.2.
[34] Như trên
[35]Lewis (2015), Tlđd, tr. 44.