Với tinh thần trách nhiệm cao, định hướng thông tin rõ ràng, tạo được hiệu ứng xã hội tích cực và thiết thực trên nhiều lĩnh vực, thời gian qua Tạp chí Việt Nam Hội nhập đã có những bài viết phản ánh nhiều mô hình hay kinh nghiệm quý, cũng như những tồn tại khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn cuộc sống sản xuất và đời sống xã hội trên địa bàn tỉnh Đắk Nông. Để có cái nhìn cụ thể, sâu sắc hơn trong công tác tuyên truyền, phản ánh về địa phương, Tạp chí Việt Nam Hội nhập đã có buổi phỏng vấn với đồng chí Ngô Thanh Danh - Bí thư Tỉnh ủy Đắk Nông.
Phóng viên: Thưa đồng chí Bí thư Tỉnh ủy: Công tác tuyên truyền, xây dựng Đảng trong đồng bào dân tộc hiện nay được triển khai như thế nào?
Bí thư Tỉnh ủy: Dân số toàn tỉnh Đắk Nông hiện có khoảng 640.000 người, trong đó, 32,17% là đồng bào dân tộc thiểu số, với 40 dân tộc khác nhau. Xuất phát từ đặc điểm này công tác tuyên truyền, xây dựng Đảng trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Đắk Nông luôn được Tỉnh ủy chú trọng quan tâm và đặt lên hàng đầu.
Về công tác tuyên truyền, ngay từ những năm đầu mới thành lập tỉnh, Đảng bộ tỉnh đã xác định và thực hiện phương châm “Toàn Đảng làm công tác tư tưởng”, “mỗi đảng viên là một tuyên truyền viên hiệu quả ở cơ sở”, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đảm bảo tính sắc bén và sự thuyết phục, lan tỏa. Trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số công tác tuyên truyền được xác định một số phương châm: lấy yếu tố dân tộc, tôn giáo là tác động cơ bản; lấy quan điểm “tất cả đều phải từ bon, buôn và tất cả phải đến bon, buôn” làm mục tiêu chính; các biện pháp tuyên truyền phải phù hợp với đặc điểm tâm lý, truyền thống dân tộc và yếu tố tín ngưỡng, tôn giáo của từng đối tượng; giải quyết các vấn đề nảy sinh ngay từ cơ sở.
Trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, Tỉnh ủy đã xác định lấy buôn, bon là địa bàn trọng điểm để xây dựng tổ chức cơ sở đảng, chính quyền cơ sở. Trong những năm qua, công tác phát triển đảng viên, đoàn viên, hội viên là người dân tộc thiểu số đã được các cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai thực hiện. Đến hết năm 2020, toàn tỉnh có khoảng hơn 70 ngàn đoàn viên, hội viên là người dân tộc thiểu số, chiếm gần 30% so với tổng số đoàn viên hội viên, hội viên đã tập hợp; có 3.597 đảng viên là người dân tộc thiểu số, chiếm 14,5% tổng số đảng viên toàn tỉnh. Trong kỳ bầu cử HĐND các cấp vừa qua, có 09 đại biểu là dân tộc thiểu số trúng cử HĐND tỉnh, chiếm tỷ lệ 17,31%; 33 ứng cử viên là người dân tộc thiểu số trúng cử đại biểu HĐND cấp huyện chiếm tỷ lệ 12,18%.
Đồng chí Ngô Thanh Danh - Bí thư Tỉnh ủy Đắk Nông (ảnh: Nguyễn Hương)
Phóng viên: Được biết, Đắk Nông là tỉnh có hơn 40 dân tộc cùng sinh sống và có khoảng 141km đường biên giới; vậy trong công tác tuyên truyền, xây dựng Đảng có những khó khăn gì thưa đồng chí?.
Bí thư Tỉnh ủy: Mặc dù là một tỉnh biên giới, có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống nhưng nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nên những năm gần đây đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh một lòng một dạ đi theo Đảng, tin tưởng vào đường lối lãnh đạo của Đảng, đồng thuận cùng cấp ủy, chính quyền các địa phương, chung sức, đồng lòng xây dựng và phát triển Đắk Nông đạt được những thành tựu, quan trọng.
Đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt. Trong cuộc khảo sát dư luận xã hội do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đắk Nông tổ chức trước Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XII, trả lời câu hỏi tìm hiểu về sự phát triển của gia đình, có đến 65,3% số người trả lời là đồng bào dân tộc thiểu số cho rằng “đời sống gia đình họ tốt hơn so với 5 năm trước” - cao hơn so với tỷ lệ chung - không phân theo tiêu chí dân tộc. Điều đó cho thấy những chỉ đạo, lãnh đạo của Tỉnh ủy đối với công tác tuyên truyền, xây dựng Đảng trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, còn một số tồn tại, hạn chế có ảnh hưởng đến hiệu quả công tác tuyên truyền, xây dựng Đảng trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, như: đặc điểm đa dân tộc, trong khi còn không ít bà con chưa thông thạo tiếng phổ thông dẫn đến hạn chế trong tiếp thu chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; chất lượng nguồn nhân lực trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; sự tác động từ quá trình tiếp biến văn hóa làm thay đổi nhận thức về các giá trị văn hóa truyền thống của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số…
Công tác tuyên truyền, xây dựng Đảng được nâng lên rõ rệt (ảnh: Nguyễn Hương)
Phóng viên: Với mô hình thí điểm thi tuyển công chức được đánh giá cao rất thiết thực, công bằng trong công cuộc cải cách, tìm kiếm cán bộ có tâm có tầm, có năng lực. Nói không với chạy chức chạy việc, người nhà, người quen biết xin đồng chí cho biết những khó khăn, thuận lợi trong việc thí điểm này? Và đồng chí có tiếp tục nhân rộng mô hình thi tuyển này không?
Bí thư Tỉnh ủy: Tuyển dụng công chức đầu vào là một khâu rất quan trọng trong việc xây dựng, tạo nguồn đội ngũ cán bộ, công chức có chất lượng cho giai đoạn tiếp theo. Chính vì thế, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Nông đặc biệt quan tâm chỉ đạo các cơ quan chuyên môn nghiêm túc tham mưu, triển khai tốt nội dung này. Cụ thể, yêu cầu các địa phương, cơ quan, đơn vị đăng ký vị trí tuyển dụng phải đúng với yêu cầu vị trí việc làm; đồng thời, cũng phải đảm bảo được lộ trình tinh giản biên chế của từng cơ quan, đơn vị, địa phương; việc tuyển dụng công chức với hình thức thi cạnh tranh tự do, nhưng phải đáp ứng được các điều kiện, tiêu chuẩn chung của từng vị trí tuyển dụng.
Các khâu tổ chức thi tuyển được thực hiện một cách công khai, minh bạch, tránh để xảy ra sai sót, tiêu cực trong công tác tuyển dụng. Cụ thể như việc tổ chức thi tuyển công chức năm 2019 tỉnh Đắk Nông đã hợp đồng với Viện Khoa học tổ chức nhà nước thuộc Bộ Nội vụ trong các khâu ra đề thi, tổ chức chấm thi, để tạo sự khách quan và nâng cao chất lượng trong công tác tuyển dụng. Việc tổ chức thi tuyển công chức theo hình thức này đã tạo được tính cạnh tranh một cách công bằng, qua đó lựa chọn, tuyển dụng được những người có chất lượng vào làm việc trong hệ thống chính trị của tỉnh.
Năm 2021, tỉnh tiếp tục tổ chức kỳ thi tuyển công chức để vào làm việc tại các cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức đoàn thể và các sở ngành thuộc cơ quan Nhà nước. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Nông sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan tham mưu triển khai thực hiện nghiêm túc, với tinh thần kế thừa, phát huy những ưu điểm, kết quả đạt được trong những lần thi trước đây, để tổ chức kỳ thi một cách công khai, minh bạch, cạnh tranh đảm bảo công bằng, đúng luật, nói không với tiêu cực trong thi tuyển, qua đó nhằm tuyển chọn được lực lượng công chức thật sự có chất lượng vào làm việc tại các cơ quan, đơn vị.
Tuyển dụng công chức đầu vào là một khâu rất quan trọng trong việc xây dựng, tạo nguồn đội ngũ cán bộ, công chức có chất lượng cho giai đoạn tiếp theo (ảnh: Nguyễn Hương)
Phóng viên: Phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, trong xây dựng Đảng thì công tác cán bộ là khâu then chốt của vấn đề then chốt. Vậy đồng chí có thể cho biết trong thời gian vừa qua tỉnh có những hoạt động, phương án nào để đội ngũ cán bộ ngày càng trưởng thành, phát triển về nhiều mặt, chất lượng được nâng lên, từng bước đáp ứng được yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước?
Bí thư Tỉnh ủy: Trong những nhiệm kỳ Đại hội vừa qua, Đảng ta luôn xác định xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, trong xây dựng Đảng thì công tác cán bộ là khâu then chốt của vấn đề then chốt. Với Đảng bộ tỉnh Đắk Nông, qua các nhiệm kỳ đã bám sát các chủ trương, quan điểm của Trung ương, trên cơ sở đó chỉ đạo cụ thể hóa sát với tình tình thực tiễn của địa phương.
Cũng như các địa phương khác, tỉnh Đắk Nông luôn xác định việc xây dựng đội ngũ cán bộ là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, xem đây là tiền đề để phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh của địa phương. Chính vì thế, thời gian qua, đặc biệt là trong các nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh gần đây, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Nông quan tâm chỉ đạo thực hiện nhiều hoạt động liên quan đến xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp, cụ thể như:
Kịp thời cụ thể hóa các quy định, hướng dẫn của Trung ương liên quan đến công tác cán bộ; đồng thời, thường xuyên rà soát để sửa đổi, bổ sung đúng quy định và phù hợp với thực tiễn của địa phương để thuận lợi trong quá trình thực hiện. Qua đó chỉ đạo các cơ quan tham mưu, các đảng bộ trực thuộc thực hiện nghiêm túc các quy định liên quan đến xây dựng đội ngũ cán bộ.
Thực hiện nghiêm công tác nhận xét, đánh giá; làm tốt công tác quy hoạch và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; kịp thời giải quyết các chế độ, chính sách đối với cán bộ, đặc biệt là đối với các trường hợp thuộc đối tượng khuyến khích tinh giản biên chế theo quy định.
Đặc biệt quan tâm đến công tác tạo nguồn cán bộ, qua đó đánh giá, lựa chọn một số cán bộ trẻ, có năng lực nổi trội, được đào tạo cơ bản để tiếp tục cử tham gia đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nhằm tạo nguồn cán bộ kế cận cho những nhiệm kỳ tiếp theo. Đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025, để thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII, Tỉnh ủy chỉ đạo xây dựng Đề án tạo nguồn cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ người đồng bào dân tộc thiểu thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý từ nay đến năm 2030 và định hướng đến năm 2035. Từ những việc làm nêu trên, đã góp phần từng bước nâng cao được chất lượng đội ngũ cán bộ của tỉnh, cơ bản đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ chính trị của địa phương trong tình hình hiện nay.
Đắk Nông luôn xác định việc xây dựng đội ngũ cán bộ là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, xem đây là tiền đề để phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh của địa phương (ảnh: Nguyễn Hương)
Phóng viên: Được biết, những năm qua, hệ thống giao thông, cùng các thiết chế văn hóa ở các cấp có bước cải thiện khá rõ nét. Tuy nhiên, so với yêu cầu phát triển và mong muốn của nhân dân còn khoảng cách khá xa. Bí thư có thể cho biết ý kiến về hướng chỉ đạo thực hiện các công trình hạ tầng quan trọng như đường cao tốc, các cơ sở văn hóa lớn của tỉnh?
Bí thư Tỉnh ủy: Trong những năm qua được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao, hỗ trợ từ Trung ương, cùng với tinh thần đoàn kết, quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh, các công trình văn hoá và hệ thống giao thông của tỉnh có sự phát triển đáng kể, từng bước đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí, phát triển kinh tế - xã hội, rút ngắn thời gian đi lại, giảm nhẹ thiên tai, đảm bảo quốc phòng - an ninh.
Về giao thông: Tỉnh Đắk Nông hiện có một phương thức vận tải đường bộ, toàn tỉnh có 4.683km đường bộ, trong giai đoạn 2016 - 2020 đầu tư được khoảng 555km đường bộ, nâng tỷ lệ nhựa hoá đường toàn tỉnh từ 53% lên 65%. Tuy nhiên, hệ thống giao thông của tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế như: quy mô đầu tư các tuyến trục chính (quốc lộ, tỉnh lộ) chưa đồng bộ, nhiều tuyến hiện đã xuống cấp; tỷ lệ đường đất, đường cấp phối còn cao (chiếm 35%); đường cao tốc theo quy hoạch kết nối tỉnh Đắk Nông nói riêng và Tây Nguyên nói chung với các tỉnh Đông Nam bộ chưa được triển khai; đường sắt, sân bay chưa được đầu tư. Nguyên nhân là do xuất phát về kinh tế - xã hội của tỉnh rất thấp, nguồn lực đầu tư còn hạn chế.
Kiến nghị Trung ương đầu tư cao tốc qua Tây Nguyên (trong đó đề nghị ưu tiên đầu tư đoạn Gia Nghĩa - Chơn Thành) và đầu tư cải tạo nâng cấp một số đoạn tuyến quốc lộ qua đô thị.(ảnh: Nguyễn Hương)
Về văn hoá: Toàn tỉnh hiện có 03 nhà văn hóa cấp tỉnh; 05/08 huyện đã xây dựng được nhà văn hóa cấp huyện; 42/71 xã, phường có Trung tâm văn hóa - Khu thể thao, trung tâm sinh hoạt cộng đồng; có 644/713 thôn, bon, buôn, tổ dân phố đã có nhà sinh hoạt, hội trường, nhà văn hóa cộng đồng (đạt tỷ lệ 89,1%); có 09 di tích lịch sử - văn hóa và 02 danh lam thắng cảnh được nhà nước xếp hạng, trong đó có 02 di tích đã được Nhà nước đầu tư xây dựng, trùng tu, tôn tạo, chính thức đi vào hoạt động (Ngục Đắk Mil và Căn cứ kháng chiến B4 - Liên tỉnh IV) và 01 di tích đang trong quá trình đầu tư xây dựng, tôn tạo, phục dựng. Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn nhiều khó khăn cần khắc phục như: chưa thu hút được các dự án đầu tư quy mô lớn; hạ tầng thiếu đồng bộ, quy mô hoạt động nhỏ; việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá đạt hiệu quả chưa cao...
Để tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Nông lần thứ XII đã xác định đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông là một trong ba nội dung đột phá chiến lược; bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá các dân tộc, xây dựng môi trường và đời sống văn hóa lành mạnh là một trong các nhiệm vụ trọng tâm nhằm xây dựng tỉnh Đắk Nông trở thành tỉnh trung bình khá vào năm 2025 và phát triển khá vào năm 2030 của vùng Tây Nguyên. Để hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết đại hội đã đề ra, Tỉnh ủy xác định mục tiêu cụ thể giai đoạn 2021 - 2025:
Về giao thông: Đầu tư nhựa hóa, bê tông hoá khoảng 375km, nâng tỷ lệ nhựa hoá đường toàn tỉnh từ 65% lên 73%; đầu tư cải tạo, nâng cấp khoảng 82km tỉnh lộ, nâng tỷ lệ đường tỉnh lộ đạt quy mô 2 làn xe từ 19% lên 55%; tiếp tục kêu gọi đầu tư hệ thống bến xe theo quy hoạch; kiến nghị Trung ương đầu tư cao tốc qua Tây Nguyên (trong đó đề nghị ưu tiên đầu tư đoạn Gia Nghĩa - Chơn Thành) và đầu tư cải tạo nâng cấp một số đoạn tuyến quốc lộ qua đô thị.
Toàn tỉnh có 4.683km đường bộ, trong giai đoạn 2016 - 2020 đầu tư được khoảng 555km đường bộ, nâng tỷ lệ nhựa hoá đường toàn tỉnh từ 53% lên 65%.(ảnh: Nguyễn Hương)
Về văn hoá: Tập trung nguồn lực chương trình phát triển văn hóa và tiếp tục thực hiện tôn tạo các khu di tích lịch sử văn hóa và tạo điều kiện để các cá nhân, tổ chức doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở hoạt động văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí trên địa toàn tỉnh. Tranh thủ nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ đầu tư xây dựng các thiết chế nhà văn hoá, khu thể thao. Trước mắt tập trung xây dựng hoàn thành khối C (khối biểu diễn) Trung tâm văn hóa - Điện ảnh tỉnh; sân vận động tỉnh; khu liên hợp bảo tàng, thư viện; chỉ đạo mỗi huyện có Trung tâm Văn hóa - Thể thao, thư viện.
Phóng viên: Đến thời điểm hiện tại, Cuộc bầu cử tại Đắk Nông đã thành công tốt đẹp và an toàn. Để có kết quả như vậy tỉnh đã có những hoạt động, phương án nào để đảm bảo tỷ lệ cử tri đi bầu và bảo đảm an toàn trong quá trình bầu cử với tình hình dịch bệnh hiện nay ?
Bí thư Tỉnh ủy: Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã thành công tốt đẹp; tỷ lệ cử tri đi bầu đạt 99,77%; ở tất cả các cấp HĐND đều bầu đúng, bầu đủ. Để có được kết quả đó, ngay sau khi Bộ Chính trị có Chỉ thị số 45-CT/TW về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, Tỉnh ủy Đắk Nông đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cả hệ thống chính trị vào cuộc triển khai sớm, đồng bộ công tác bầu cử theo đúng các quy định pháp luật.
Trong quá trình thực hiện đặc biệt chú ý việc kiểm tra từ Ủy ban bầu cử tỉnh đến từng điểm bỏ phiếu, qua đó hỗ trợ, xử lý ngay những vấn đề phát sinh. Công tác thông tin tuyên truyền được triển khai từ sớm, bằng nhiều hình thức sinh động; cân đối, hài hòa giữa các nội dung đã được xác định; phù hợp với từng thời điểm, từng địa bàn, từng đối tượng.
Cuộc bầu cử diễn ra trong thời điểm tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, do vậy công tác đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống dịch bệnh được đặc biệt coi trọng. Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng Tỉnh ủy đã chỉ đạo bố trí đủ nguồn lực, thực hiện nghiêm các hướng dẫn phòng dịch Covid-19 của Bộ Y tế; chính vì vậy nên cử tri an tâm khi đi bầu; kết quả điều tra dư luận xã hội ngay sau ngày bầu cử cho biết có đến 97,7% số người được hỏi đánh giá “Công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong ngày bầu cử” được “thực hiện rất tốt”.
Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã thành công tốt đẹp (ảnh: Nguyễn Hương)
Phóng viên; Bí thư có ý kiến, nhận xét gì về những người trúng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 này?
Bí thư Tỉnh ủy: Theo kết quả chính thức được HĐBC Quốc gia và UBBC các cấp công bố, trên địa bàn tỉnh đã bầu được 06 đại biểu Quốc hội, 52 đại biểu HĐND tỉnh; 271 đại biểu HĐND cấp huyện và 1.760 đại biểu HĐND cấp xã.
Khảo sát ngay sau công bố kết quả bầu cử, có từ hơn 91% số cử tri biết về kết quả cuộc bầu cử HĐND tỉnh đã đồng ý với nhận định các đại biểu trúng cử thật sự tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân và HĐND khóa mới có cơ cấu (lứa tuổi, giới tính, ngành nghề, tôn giáo, dân tộc…) hợp lý.
Điều này cho thấy, đại biểu HĐND các cấp vừa trúng cử thật sự tiêu biểu, đủ điều kiện về phẩm chất, năng lực, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân./.
Phóng viên: Xin chân thành cám ơn và chúc sức khỏe đồng chí Bí thư Tỉnh ủy.