06/05/2024 lúc 06:43 (GMT+7)
Breaking News

Báo chí càng hiện đại càng phải nhân văn

Trong niềm tự hào lớn lao về truyền thống vẻ vang của Báo chí Cách mạng Việt Nam và nhận thức sâu sắc trách nhiệm của người làm báo đối với đất nước và nhân dân, ngày 21-6 năm nay, giới báo chí cả nước kỷ niệm 98 năm ngày ra đời báo Thanh Niên - tờ báo đầu tiên của Báo chí Cách mạng Việt Nam - với một tâm thế mới.

Báo chí càng hiện đại càng phải nhân văn

Trong niềm tự hào lớn lao về truyền thống vẻ vang của Báo chí Cách mạng Việt Nam và nhận thức sâu sắc trách nhiệm của người làm báo đối với đất nước và nhân dân, ngày 21-6 năm nay, giới báo chí cả nước kỷ niệm 98 năm ngày ra đời báo Thanh Niên - tờ báo đầu tiên của Báo chí Cách mạng Việt Nam - với một tâm thế mới.

Luôn ở trên tuyến đầu, đội ngũ báo chí nước nhà đã có những đóng góp to lớn, rất đáng tự hào trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Trong thời bình vẫn có những cuộc chiến đấu âm thầm nhưng rất quyết liệt của báo chí. Đó là cuộc đấu tranh bảo vệ cái đúng, bảo vệ cái mới, chống lại những gì cản trở công cuộc đổi mới và con đường phát triển của đất nước. Là những chiến sĩ tiên phong trên mặt trận văn hoá - tư tưởng, đội ngũ người làm báo Việt Nam đã và đang phản ảnh chân thực mọi mặt của đời sống xã hội; tham gia tích cực, có hiệu quả trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và các tệ nạn xã hội; bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh chống các quan điểm sai trái, các hoạt động chống phá của các thế lực thù địch. Nhiều nhà báo và tập thể cơ quan báo chí đã thể hiện phẩm chất dấn thân, quả cảm, kiên quyết đấu tranh vì công lý và lẽ phải. Bằng lòng tự trọng nghề nghiệp, nhiều nhà báo đang nỗ lực vượt qua thách thức, khó khăn, tiếp tục dấn thân, miệt mài với cây bút, có người đã hy sinh khi đang làm nhiệm vụ. Nhiều nhà báo tuổi nghề còn trẻ nhưng đã thể hiện được phẩm giá nghề nghiệp đáng trân trọng, đó là sự kết nối truyền thống rất tốt đẹp giữa các thế hệ người làm báo Việt Nam.

 Lửa chiến đấu, lửa nhân văn trong ngọn bút

 Nói đến báo chí là nói đến chức năng làm rõ sự thật, sứ mệnh bảo vệ lẽ phải và công lý. Tuy nhiên, khi bảo vệ lẽ phải và công lý, báo chí không chỉ có tính chiến đấu mà còn phải nêu cao tính nhân văn. Hiện nay, mạng xã hội với lượng thông tin khổng lồ hỗn tạp, từng giờ, từng phút không được kiểm soát đang có hấp lực như một thứ “ma túy” lôi cuốn người đọc. Thật sự, bên cạnh những tiện ích to lớn, mạng xã hội cũng đang gây áp lực rất lớn cho các cơ quan báo chí bởi tốc độ truyền tin và tính liên kết không giới hạn. Những thông tin không chính xác, có “độ sát thương cao” từ những người làm báo không tử tế lan truyền trên báo chí và mạng xã hội có thể gây nên những hậu quả khôn lường. Đằng sau mỗi tác phẩm báo chí là thân phận một con người, số phận một gia đình, một cộng đồng, hay thậm chí tác động đến cả xã hội, tùy từng vấn đề và góc độ mà bài báo đề cập.

 Một nhà báo giỏi đương nhiên phải là nhà báo có đạo đức. Có thể có những nhà báo rành rọt, điêu luyện các “mánh lới” nghề nghiệp nhưng lại thiếu đạo đức. Một khi không chính trực, ngòi bút bị bẻ cong, người làm báo sẽ dẫn dắt dư luận theo hướng tiêu cực. Cho dù có tinh thông nghề nghiệp đến mấy nhưng nếu không xác định được tâm thế làm nghề đúng đắn thì không bao giờ có thể làm tròn trách nhiệm của người làm báo, thậm chí những người thao tác nghề nghiệp điêu luyện mà không có đạo đức nghề nghiệp thì hệ luỵ gây ra đối với xã hội nói chung và trực tiếp đối với cơ quan báo chí của mình và đối với bản thân mình nói riêng là không thể tránh khỏi. Có thể một lúc nào đó, một ai đó có những thao tác lắt léo rất tinh vi vì lợi ích cụ thể trực tiếp nào đó nhưng hậu quả về sau thì không thể lường được. Chính vì vậy, sự chính trực trong làm nghề là vô cùng quan trọng. Cây bút ở trong tay những người làm báo chính trực thì mới đủ sức mạnh làm sáng tỏ sự thật, bảo vệ công lý và lẽ phải.

Mạng xã hội là biển thông tin hỗn tạp, trong đó có những thông tin tốt và cả thông tin xấu độc. Nguồn sống của báo chí chính là thông tin, chúng ta phải tiếp cận với tất cả nguồn tin, nhưng phải có gạn lọc, có thẩm định, dứt khoát không theo đuôi mạng xã hội, không để mạng xã hội dẫn dắt. Một khi để mạng xã hội dẫn dắt thì chúng ta làm mất đi vai trò của báo chí, tự loại bỏ mình. Bản thân các nhà báo phải tự kiểm soát mình và các cơ quan báo chí cũng phải hình thành hệ thống tự kiểm soát. Điều tạo nên môi trường báo chí lành mạnh chính là sự tác nghiệp đúng đắn và chuẩn mực của các nhà báo. Nhà báo bảo vệ xã hội, bảo vệ mình mình bằng cách tác nghiệp đúng đắn, bằng sự chuẩn mực, bằng sức mạnh của thông tin mà chúng ta truyền tải đến xã hội.

Xã hội dù hoa lệ đến mấy, nếu không có tình thương yêu con người thì cũng không thể là một xã hội hạnh phúc. Mỗi tác phẩm báo chí, vì thế, phải toát lên ánh sáng nhân văn. Nêu cao tính chiến đấu và tính nhân văn là đòi hỏi nóng bỏng với báo chí, tính chiến đấu và tính nhân văn của báo chí đan hòa vào nhau. Lan toả điều tích cực, cái tốt, cái thiện là nhân văn. Đấu tranh với cái xấu, cái ác, tiêu cực cũng là nhân văn. Không để cái ác, cái xấu lộng hành cũng chính là nhân văn.

Nội dung hay công nghệ?

Cần nhận thức rõ rằng, để báo chí vượt qua thách thức trong thời đại kỹ thuật số, giải pháp không chỉ là có công nghệ mà đòi hỏi phải có đội ngũ những cây bút giỏi, những bài viết chuyên sâu, những sản phẩm báo chí có chất lượng tương thích với công nghệ thời đại kỹ thuật số. Nghĩa là, lối làm báo truyền thống không hẳn là hoàn toàn mất giá trị nhưng đòi hỏi phải được vận hành trong một điều kiện công nghệ mới. Không ít nhà báo, cơ quan báo chí đang bị hối thúc quá mức trong cuộc đua để trở thành “người số 1”về tốc độ đưa tin. Tuy nhiên, thực tế, dù báo chí có chạy đua đến đâu cũng khó vượt trội mạng xã hội về tốc độ. Xu hướng báo chí đua nhau trong việc ai nhanh hơn không còn là lợi thế, mà lợi thế thuộc về ai bình luận hay hơn, sâu hơn, ai phân tích, kiến giải tốt hơn, ai dự báo chuẩn xác hơn. Để báo chí khẳng định được sức mạnh, thì không đơn thuần là việc có sử dụng được công nghệ tiên tiến nhất hay không mà quan trọng hơn là việc báo chí có tỏ rõ được sự tin cậy, tính thuyết phục hay không. Nội dung là trái tim của báo chí. Có người nói nếu nội dung là “Vua”, thì công nghệ là “Nữ hoàng”. Một tác phẩm báo chí xuất sắc về nội dung lại được truyền tải trên nền tảng công nghệ tiên tiến thì chắc chắc sẽ đạt hiệu quả cao. Trong thời đại truyền thông kỹ thuật số, tôi nghĩ, tính thuyết phục và độ tin cậy là con đường sống của báo chí.  

Trong “cuộc đua” này, chúng ta không chỉ “đua” bằng công nghệ, mà cốt lõi vẫn phải dùng tinh thông nghề nghiệp, phẩm giá, đạo đức nghề nghiệp để tỏ rõ tính vượt trội. Thời cuộc càng biến động, xã hội càng nhiều va đập thì thông tin trên mạng xã hội càng xô bồ, mất kiểm soát. Công chúng đang mệt mỏi bởi những thông tin hỗn loạn, xô bồ trên “chợ mạng”. Nhu cầu có thông tin “sạch”, thông tin trí tuệ vẫn được đông đảo độc giả quan tâm. Báo chí - với bản lĩnh chính trị, sự chuyên nghiệp và đạo đức nhà báo - phải trả lời được các vấn đề mà mạng xã hội tung ra. Có như vậy, mới xây dựng được một nền báo chí nhân văn và hướng thiện, vì con người và tôn trọng con người. Báo chí càng hiện đại càng phải nhân văn!

Văn hoá là môi sinh của báo chí

 Báo chí là một bộ phận khăng khít của văn hóa. Báo chí có nhiệm vụ rất quan trọng là truyền toả những giá trị văn hóa tốt đẹp cho xã hội. Văn hóa báo chí gắn  liền với tính nhân văn của báo chí. Có thể nói, văn hoá là môi sinh của báo chí.

Một số tờ báo có biểu hiện lệch chuẩn văn hóa, tình trạng nhà báo vi phạm đạo đức nghề nghiệp chưa được ngăn chặn và khắc phục. Trong bối cảnh đó, việc triển khai phong trào thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí” do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông và Hội Nhà báo Việt Nam phát động rất có ý nghĩa. Tôi nghĩ, đợt sinh hoạt này cần phải được tiến hành một cách sâu rộng trong từng cấp hội, trong từng cơ quan báo chí gắn với việc tiếp tục quán triệt, thực hiện thật tốt 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp để cho từng người làm báo thấm nhuần được một cách sâu sắc văn hóa trong báo chí và người làm báo có vai trò quan trọng như thế nào khi truyền tỏa văn hóa thông qua báo chí.

 Xác lập bản sắc là mục tiêu của nhiều cơ quan báo chí. Bản sắc của tờ báo được tạo dựng bởi nhiều yếu tố, nhưng trước hết phải gắn liền với tôn chỉ mục đích của tờ báo, bởi đó chính là lý do để ra đời, tồn tại và phát triển tờ báo. Chính các nhà báo phải tìm kiếm bản sắc bằng sự khẳng định thông qua chất lượng các tác phẩm báo chí, bằng sự độc đáo và tính chuyên biệt.

Rõ ràng, ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, sự lấn lướt của mạng xã hội và các phương tiện truyền thông mới khiến nhiều cơ quan báo chí bị cuốn vào vòng xoáy cạnh tranh để tìm kiếm nguồn thu. Không ít cơ quan báo chí hiện nay mất cân đối thu chi, thậm chí có những nơi phải vật lộn gay go với chuyện cơm áo gạo tiền. Nhiều cơ quan báo chí nợ lương, nợ nhuận bút, nợ tiền công in ấn, nợ bảo hiểm xã hội… dẫn đến đời sống của nhiều người làm báo gặp khó khăn. Đương nhiên, bản thân báo chí phải chủ động, sáng tạo hơn nữa để tìm kiếm nguồn thu. Ngoài phát hành, quảng cáo, tổ chức sự kiện…, báo chí cần tập trung để nâng cao chất lượng nội dung để có thể có nguồn thu từ nội dung, nhất là báo điện tử. Thật đáng khích lệ khi một số  cơ quan báo chí đã mạnh dạn thực hiện thu phí từ nội dung báo chí như Vietnamplus, Ngaynay, Vietnamnet... Tôi cho rằng, đó là thông điệp mạnh mẽ, thể hiện quyết tâm nâng cao chất lượng thông tin, chất lượng sản phẩm báo chí. Đó là một nét rất đẹp của văn hoá báo chí: Tạo dựng nguồn thu chính đáng từ lao động sáng tạo. Mong rằng, ngày càng nhiều tờ báo hưởng ứng xu thế này, từ đó hình thành một thói quen thụ hưởng thông tin trong xã hội: muốn có thông tin chất lượng cao, đặc sắc, bổ ích, có chiều sâu phải trả phí cho cơ quan báo chí. Đó là công bằng và văn minh. Đó là văn hoá báo chí nhìn từ góc độ người tiêu dùng.  

Nhưng con đường sống bằng nội dung của báo chí sẽ còn rất khó khăn, khi các trang thông tin tổng hợp, các trang tự chế mọc lên như nấm, tình trạng vi phạm bản quyền báo chí chưa bị ngăn chặn và xử lý khiến người đọc không phân biệt được đâu là báo chí, đâu là trang tin trôi nổi.Vì vậy, các cơ quan quản lý cũng cần rà soát lại các quy định pháp lý liên quan đến báo chí. Phải có những quy định chặt chẽ, phù hợp hơn nữa, tạo điều kiện thuận lợi cho báo chí phát triển, kiên quyết xử lý những sai phạm trong lĩnh vực báo chí và truyền thông, trong đó có việc “báo hóa” các trang tin điện tử, các trang mạng xã hội, các trang tin giả mạo thương hiệu các cơ quan báo chí…

Đạo đức nghề báo và kinh tế báo chí

Nghề báo một nghề đặc biệt. Làm nghề báo, ngoài việc để mưu sinh, kiếm sống thì nghề này có một đặc thù, tạo nên sứ mệnh thiêng liêng, cao quý, đó là bảo vệ công lý và lẽ phải. Đạo đức là nền tảng, là cốt lõi của hoạt động báo chí. Nếu không có đạo đức thì nhà báo không bao giờ có thể hoàn thành được trách nhiệm của mình đối với xã hội. Cho nên, không thể vin vào chuyện đời sống còn khó khăn, thu nhập của còn thấp để giải thích, bào chữa, biện hộ cho những vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Thật đau xót khi gần đây một số nhà báo bị xử lý kỷ luật, thậm chí bị vướng vòng lao lý. Số đó không nhiều nhưng gây tổn hại rất nghiêm trọng đến uy tín của báo chí, lòng tự trọng và thanh danh của những người làm báo chân chính. 

Nhưng chúng ta không tách rời việc xây dựng văn hóa báo chí, đạo đức làm nghề với kinh tế báo chí, tức là điều kiện cơ bản để các nhà báo làm nghề. Cần tạo một môi trường làm việc thuận lợi cho các cơ quan báo chí và cho các nhà báo tác nghiệp để ở đó nhà báo không bị quá vật lộn với vấn đề cơm áo gạo tiền, để nhà báo có thể làm nghề một cách tử tế, đàng hoàng.

Vấn đề cân đối thu chi, tự chủ tài chính gắn với vấn đề kinh tế báo chí. Các cơ quan hoạch định và điều hành chính sách cần nghiên cứu để có chính sách thuận lợi hơn, tạo những điều kiện tốt hơn để cho các nhà báo hoàn thành được trách nhiệm chính trị của mình. Đã có nhiều ý kiến rằng nếu đẩy người làm báo “ra đường “ và dùng cái nghề của mình - một nghề rất cao quý - để đi “kiếm ăn” thì vô cùng nguy hiểm. Cho nên, cần phải có một đề án tổng thể để giải quyết vấn đề kinh tế báo chí một cách căn cơ, từ cấp hoạch định và điều hành chính sách của Nhà nước cho đến các cơ quan chủ quản, các cơ quan báo chí. Kinh tế báo chí không phải là chuyện riêng của cơ quan báo chí. Để làm sao cho những cơ quan báo chí chịu trách nhiệm trực tiếp làm nhiệm vụ chính trị thì phải được cấp ngân sách ở mức độ phù hợp để thực hiện. Còn nếu thu chi của báo chí được nhìn nhận một cách lạnh lùng hoàn toàn theo cơ chế thị trường, thì báo chí khó tránh khỏi bị thương mại hóa, không thể nào hoàn thành được nhiệm vụ chính trị của mình. Lợi nhuận lớn nhất, quan trọng nhất của báo chí là đưa thông tin chính xác, tin cậy, bổ ích ra xã hội, tạo sự đồng thuận xã hội, xây đắp niềm tin xã hội. Sản phẩm báo chí là một loại sản phẩm đặc biệt, tác động trực tiếp đến nhận thức, tư tưởng, tâm lý xã hội. Không thể do hiệu quả của báo chí đơn giản chỉ bằng lỗ lãi tiền nong.  

Kinh tế báo chí gắn liền với đặt hàng báo chí. Nếu làm tốt vấn đề đặt hàng báo chí thì sẽ giải quyết được một phần khó khăn cho các cơ quan báo chí. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng khi thực hiện nhiệm vụ “đặt hàng” thì vai trò của báo chí trong việc phát hiện những tiêu cực, sai trái và phản ánh trên báo chí sẽ giảm đi. Vậy, đâu là “điểm cân bằng” để cơ quan báo chí vẫn làm tốt vấn đề đặt hàng, vừa thực hiện đúng chức năng của mình? Báo chí được tin cậy và được đặt hàng, từ những đề án lớn đến những công việc, hoạt động cụ thể ở các mức độ khác nhau, nhưng báo chí không được quên trách nhiệm của mình là làm sao phải hài hòa được các lợi ích: Lợi ích của Nhà nước, lợi ích của cộng đồng xã hội, lợi ích của doanh nghiệp và lợi ích của chính cơ quan báo chí. Không thể nhận tiền để quảng bá theo kiểu làm hàng, tô vẽ, bốc thơm, việc không tốt thì nói là tốt, dẫn đến sản phẩm báo chí đưa ra xã hội lại lừa dối xã hội, rất có hại.

Cho nên tính khách quan, công tâm, chính trực, tôn trọng sự thật của người làm báo là vô cùng quan trọng. Một khi báo chí xem nhẹ, bỏ quên chức năng này thì báo chí, thay vì là một vũ khí sắc bén phục vụ lợi ích của xã hội, thì lại gây nên những tổn hại khôn lường đối với xã hội. Tôi nghĩ, người làm báo, dù trên một tờ báo chính thức hay trên mạng xã hội thì tư cách nhà báo cũng chỉ có một thôi. Đó là người cung cấp thông tin cho xã hội. Thông tin đó phải là chính xác, trung thực, tin cậy. Đây cũng chính là yếu tố cốt lõi của tính nhân văn. Ca ngợi cái tốt, cái đẹp, hay chống lại cái các ác, cái xấu, tôi nghĩ, sứ mệnh của báo chí là làm cho niềm tin vào lẽ phải, vào công lý luôn là ánh sáng trong cuộc đời này. Lửa chiến đấu, lửa yêu thương! Đó là tính nhân văn cao cả của báo chí. Đó cũng chính là ý nghĩa sâu sắc của cuộc vận động xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí, các cấp hội nhà báo hiện nay.

Khát vọng xây dựng đất nước hùng cường là dòng chảy mãnh liệt xuyên suốt từ thuở đầu lập nước của nhiều thế hệ người Việt Nam. Một nền báo chí giàu tính chiến đấu và nhân văn là phải xây đắp niềm tin xã hội, thổi bùng khát vọng thịnh vượng vào trái tim mỗi người dân. Trước dòng chảy cuồn cuộn của thời cuộc, nhà báo với cái tâm trong sáng và ngòi bút sắc sảo đã trở thành những “thư ký của thời đại, khẳng định và làm đẹp thêm những giá trị nhân văn cao cả, vì sự phát triển vững bền của đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân./.

Hồ Quang Lợi

Phó Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam

Nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam

...