Với những giải pháp tích cực đổi mới, sáng tạo, nâng cao hiệu quả các hoạt động xúc tiến đầu tư, năm 2022 tiếp tục đánh dấu Bắc Ninh là một trong số địa phương thu hút được hơn 2 tỷ USD vốn FDI (dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài). Năm 2022 cũng đánh dấu mốc quan trọng trong lĩnh vực xúc tiến đầu tư khi Bắc Ninh bước vào giai đoạn thích nghi với trạng thái bình thường mới sau ảnh hưởng của dịch COVID-19. Nhiều nhà đầu tư lớn đã đến tìm hiểu, tiếp cận và nghiên cứu cơ hội đầu tư vào Bắc Ninh.
Bắc Ninh là tỉnh thu hút nhiều lao động làm việc tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp với hơn 450.000 lao động, trong đó, trên 75% là lao động ngoài tỉnh. Do đó, việc đảm bảo đời sống cho công nhân lao động, giúp họ yên tâm làm việc, ổn định cuộc sống là một trong những nhiệm vụ hàng đầu mà tỉnh đã đặt ra.
Con thống kê cũng cho thấy, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh Bắc Ninh cấp mới đăng ký đầu tư cho 49 dự án đầu tư trong nước với tổng số vốn đầu tư đăng ký hơn 16 nghìn tỷ đồng; 124 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 318,8 triệu USD. Các cơ quan chức năng cấp điều chỉnh vốn cho 118 dự án FDI và 38 dự án trong nước với số vốn điều chỉnh tăng hơn 1.669,9 triệu USD và 1.828 tỷ đồng.
Công tác xúc tiến, kêu gọi đầu tư được lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh và các ban ngành tập trung đẩy mạnh hơn bao giờ hết, năm 2022, tỉnh Bắc Ninh tổ chức làm việc với nhiều Tập đoàn lớn trên thế giới như: Samsung, Hanwha Techwin, DAEWOO E&C (Hàn Quốc); Canon, Yoshida Kaiun, Itochu (Nhật Bản), Goertek (Đài Loan)... Các hoạt động xúc tiến đầu tư trực tiếp với các tổ chức, địa phương từ Nhật Bản, Hàn Quốc; hội nghị đối thoại với doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI năm 2022 với chủ đề “Cùng khát vọng, đồng hành và phát triển” thu hút hơn 370 doanh nghiệp (DN) tham gia.
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng và cạnh tranh như hiện nay, tỉnh Bắc Ninh đã chủ động nắm bắt xu thế để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nhằm tiếp tục “trải thảm đỏ đón nhà đầu tư”, tạo môi trường hấp dẫn, thu hút nhiều nhà đầu tư.
Năm 2022, Bắc Ninh tiếp tục vinh dự là một trong 10 tỉnh, thành phố có điểm Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI, Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh PAPI cao nhất cả nước. Thông qua các hoạt động đồng hành cùng doanh nghiệp như duy trì, nâng cao hiệu quả hoạt động Tổ công tác “3 nhất” nhằm hỗ trợ tích cực nhà đầu tư trong việc hoàn thành các thủ tục có liên quan sẽ tạo điều kiện thuận lợi; đưa Bắc Ninh trở thành một trong những tỉnh hàng đầu cả nước trong thu hút các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước, tạo bước đột phá mạnh mẽ trong phát triển kinh tế - xã hội.
Công tác xúc tiến, thu hút đầu tư được tập trung đổi mới theo hướng có trọng tâm, trọng điểm và đối tượng cụ thể phù hợp với tiềm năng, thế mạnh, quy hoạch phát triển địa phương. Để tăng tính sẵn sàng trong công tác xúc tiến, kêu gọi đầu tư, tỉnh thống nhất công khai danh mục dự án, danh mục thu hút đầu tư 2021-2025 của tỉnh.
Các dự án xúc tiến, kêu gọi đầu tư cụ thể được UBND tỉnh Bắc Ninh chấp thuận chủ trương đầu tư, với các tiêu chí cụ thể trên cơ sở rà soát, khảo sát hiện trạng, xác định diện tích, quy mô, quy hoạch và các vấn đề liên quan phù hợp với định hướng phát triển, phát huy năng lực cạnh tranh của tỉnh. Công tác truyền thông, marketing tiềm năng, thế mạnh, cơ hội đầu tư của địa phương ngày càng đa dạng hóa như tăng tần suất xuất hiện của các chủ đề liên quan xúc tiến đầu tư trên các báo, tạp chí trong và ngoài nước. Giới thiệu cơ hội đầu tư thông qua các hội nghị, hội thảo, kết nối xúc tiến đầu tư thông qua các đối tác của nhà đầu tư đang hoạt động trên địa bàn, các đơn vị kinh doanh hạ tầng; nhất là ở những thị trường trọng điểm như Hàn Quốc, Nhật Bản.
Bắc Ninh được ví như “Trung tâm công nghiệp” của vùng Đồng bằng sông Hồng nói riêng và của miền Bắc nói chung, thời gian qua tỉnh Bắc Ninh đã đạt được nhiều thành tựu trong phát triển các khu công nghiệp. Tính đến nay, tỉnh Bắc Ninh có 16 khu công nghiệp tập trung với 24 dự án đầu tư xây dựng phát triển hạ tầng khu công nghiệp đã và đang được triển khai thực hiện đầu tư; với tổng diện tích đất quy hoạch cho phát triển khu công nghiệp được duyệt là 6.397,68 ha (trong đó diện tích đất công nghiệp đã đưa vào sử dụng là 2,238,92 ha); tỷ lệ lấp đầy bình quân trên diện tích đất quy hoạch của các khu công nghiệp đã được thành lập đạt 54,23%.
Hiện nay, tại các khu công nghiệp đã đi vào hoạt động có 1.165 dự án đang hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo việc làm thường xuyên cho gần 320.000 người lao động ở trong và ngoài Tỉnh, và cả lao động người nước ngoài.
Hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp phát triển đã góp phần quan trọng làm gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp (các khu công nghiệp chiếm gần 90% giá trị sản xuất công nghiệp của Tỉnh), kim ngạch xuất khẩu và nguồn thu lớn cho ngân sách địa phương. Đóng góp quan trọng vào tăng trưởng và ổn định kinh tế - xã hội của toàn Tỉnh, tạo việc làm cho hàng trăm nghìn lao động với thu nhập bình quân chung của người lao động đạt khoảng 8,75 triệu đồng/người/tháng.
Không chỉ đưa ra những chính sách đầu tư thông thoáng, hấp dẫn “Trải thảm đỏ đón nhà đầu tư”, tỉnh Bắc Ninh cũng triển khai nhiều giải pháp, chính sách chủ động nhằm giữ chân người lao động từ doanh nghiệp và chính quyền địa phương, góp phần giảm nguy cơ thiếu hụt lao động trong các khu công nghiệp.
Theo đó, các cấp chính quyền tỉnh Bắc Ninh đã thực hiện đồng đều các hoạt động xúc tiến đầu tư và thu hút người lao động với nhiều hình thức đa dạng, phù hợp với thực tiễn.
Đồng thời, tỉnh Bắc Ninh cũng đã triển khai các hội nghị đối thoại với doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp trong nước và hợp tác xã, công nhân và người lao động nhằm điều chỉnh chính sách, đưa ra các giải pháp hỗ trợ kịp thời tới các cá nhân và tập thể.
Cùng với đó, tỉnh Bắc Ninh cũng đẩy nhanh các dự án nhà ở xã hội dành cho người có thu nhập thấp và công nhân để người lao động yên tâm làm việc và gắn bó với địa phương.
Bên cạnh đó, Bắc Ninh đã hoàn thành thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động trên địa bàn tỉnh với tổng số lao động đủ điều kiện được phê duyệt là 163.619 lao động; tổng kinh phí giải ngân hỗ trợ gần 200 tỷ đồng.
Ngoài ra, các cấp ngành địa phương tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch COVID-19.