23/12/2024 lúc 21:28 (GMT+7)
Breaking News

Bá Thước (Thanh Hoá): Chú trọng bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá gắn với phát triển du lịch

Những năm qua, công tác bảo tồn, gìn giữ văn hóa các dân tộc được huyện Bá Thước chú trọng quan tâm và xác định đây là biện pháp hiệu quả nhằm phát huy giá trị văn hóa trong đời sống cộng đồng và tạo điều kiện cho du lịch phát triển bền vững.
Thung lũng Kho Mường ẩn hiện với những ngôi nhà sàn nho nhỏ được bao quanh bởi các thửa ruộng bậc thang xanh ngát đượm hương lúa đẹp đến ngỡ ngàng.

Văn hóa và du lịch có mối quan hệ gắn kết, hỗ trợ lẫn nhau, xu hướng du lịch văn hóa rất phù hợp với tiềm năng, định hướng phát triển hiện nay. Có thể thấy, giữ gìn được các giá trị văn hóa, những lễ hội, phong tục tín ngưỡng sẽ tạo ra các sản phẩm du lịch đặc sắc, có sức hút lớn với khách du lịch. Mặt khác, hoạt động du lịch cũng là cầu nối hữu hiệu giúp quảng bá, phát huy giá trị di sản, mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng, từ đó giới thiệu hình ảnh, văn hóa huyện Bá Thước nói riêng tỉnh Thanh Hoá nói chung tới du khách cả nước và bạn bè quốc tế.

Bá Thước là huyện miền núi nằm ở phía Tây của tỉnh Thanh Hoá, cách Thành phố Thanh Hóa 120 km. Có diện tích tự nhiên hơn 77.757 km2, dân số 110.216 người, trong đó có 3 dân tộc chủ yếu (dân tộc: Mường chiếm 53%, Thái 34%, Kinh 13%). Toàn huyện được chia thành 21 đơn vị hành chính, trong đó có 20 xã và 01 thị trấn, chia làm 5 Cụm kinh tế. Trên địa bàn huyện có Quốc lộ 217, Tỉnh lộ 521C, 523B chạy qua là trục giao thông quan trọng nối liền Bá Thước với các huyện miền núi Thanh Hóa, các huyện đồng bằng, các trung tâm phát triển lớn của tỉnh như: Trung tâm Đô thị Miền Tây (huyện Ngọc Lặc), Thành phố Thanh Hóa…các tỉnh, thành phố trong cả nước và với nước bạn Lào, là điều kiện thuận lợi cho việc giao lưu, hợp tác phát triển kinh tế và du lịch. Đặc biệt, Khu bảo tồn thiên thiên Pù Luông có diện tích hơn 45.000 ha, trong đó vùng lõi 17.662ha, vùng đệm hơn 35.000ha và có đỉnh Pù Luông cao 1.700m; đây là khu rừng nguyên sinh có hệ động thực vật phong phú, với 598 loài động vật, trong đó có 51 loài quý hiếm là những giá trị thiên nhiên ban tặng để Bá Thước tận dụng phát triển du lịch sinh thái.

Say lòng vẻ đẹp mê hồn của Thác Hiêu (xã Cổ Lũng) giữa núi rừng Pù Luông.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Bá Thước lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2020 - 2025; Chương trình hành động số 01-CTr/HU ngày 10/12/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Bá Thước về thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2020 - 2025. UBND huyện Bá Thước ban hành Kế hoạch tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh (gọi chung là di tích); phục dựng các loại hình văn hóa, văn nghệ dân gian và từng bước hoàn thiện cơ sở vật chất văn hóa, giai đoạn 2021 – 2025. Theo kiểm kê toàn huyện có hơn 55 di tích với nhiều loại hình phong phú như: Di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, khảo cổ học (gọi chung là di tích), số lượng di tích, danh lam thắng cảnh cấp tỉnh được xếp hạng đến nay là 09 di tích gồm: Mái Đá Điều (xã Hạ Trung); Hang Cổ sinh  làng Tráng (TTCN); Hang Thiết Ống (xã Thiết Ống); Hang Bụt – Hang nước (xã Điền Hạ); Hang cá Văn Nho (xã Văn Nho); Đồn, Sân bay Cổ Lũng (xã Cổ Lũng); Thác Muốn (xã Điền Quang); Thác Hiêu (xã Cổ Lũng); Đền thờ Quận công Hà Công Thái (xã Điền Trung). Trong mỗi di tích đều gắn liền với nhiều di sản văn hóa phi vật thể mang giá trị văn hóa truyền thống lâu đời của dân tộc như: Lễ hội, tín ngưỡng, nghệ thuật dân gian, phong tục tập quán... Theo thời gian, một số di tích đã tồn tại lâu năm, chịu tác động của môi trường khí hậu, thời tiết làm cho một số di tích đã xuống cấp hư hỏng, bị lấn chiếm như: Đồn, Sân bay Cổ Lũng (hiện nay Sân bay Cổ Lũng đã trở thành ruộng canh tác lúa 2 vụ); Đền thờ Quận công Hà Công Thái xuống cấp nhiều hạng mục do mối mọt, mưa nắng; di tích danh lam thắng cảnh Thác Hiêu bị xâm lấn khu vực bảo vệ I... Chính vì vậy, trong những năm qua, công tác quản lý nhà nước về di tích lịch sử, văn hóa luôn được huyện chú trọng quan tâm. Những chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, cũng như các quy định của pháp luật về di sản văn hóa được chính quyền các cấp, các ngành tuyên truyền sâu rộng tới toàn thể Nhân dân. Do đó, nhận thức và ý thức trách nhiệm đối với việc bảo vệ, gìn giữ các di tích được nâng lên rõ rệt. Trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức được giao nhiệm vụ quản lý di tích được nâng cao. Công tác chỉ đạo thực hiện các nội dung chuyên môn sát sao, cụ thể, có hiệu quả. Việc xếp hạng, khoanh vùng bảo vệ di tích đã tạo cơ sở pháp lý cho việc quản lý và bảo tồn các di tích ở địa phương. Nhiều di tích lịch sử đã trở thành sản phẩm du lịch văn hóa và là điểm đến của nhiều du khách trong và ngoài nước. Điều này có tác dụng thúc đẩy phát triển kinh tế du lịch, làm thay đổi cơ cấu kinh tế, tạo việc làm và nâng cao đời sống cho Nhân dân.

Đền thờ Quận công Hà Công Thái ở thôn Muỗng Do, xã Điền Trung.

Bên cạnh đó, những năm qua các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp đã quan tâm chú trọng thực hiện các chương trình phục hồi, bảo tồn một số loại hình văn hóa, nghệ thuật truyền thống có nguy cơ mai một; giữ gìn và phát huy di sản văn hoá các dân tộc thiểu số, các giá trị văn hoá trong tôn giáo, tín ngưỡng. Công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân gian, đặc biệt là văn hóa dân gian của các dân tộc thiểu số đã ngày càng được đẩy mạnh và quan tâm. Qua đó, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết các dân tộc, vì một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến và đậm đà bản sắc dân tộc. Đồng thời, công tác sưu tầm, nghiên cứu, phổ biến các giá trị văn hóa và phục dựng bảo tồn các lễ hội truyền thống đặc sắc có nguy cơ mai một, tạo môi trường văn hóa lành mạnh, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, tạo điều kiện để phát triển mô hình văn hóa - du lịch cũng được triển khai và từng bước đi vào thực tế. Đến nay, trên địa bàn huyện đã khôi phục và tổ chức được một số hoạt động như: Lễ hội Mường Khô (dân tộc Mường); lễ hội Căm Mương (dân tộc Thái); Các trò chơi, trò diễn dân gian như: Kéo co, Đẩy gậy, Bắn nỏ, Đánh mẳng, Tung còn, Chơi đu, Chọi gà… được đưa vào các môn thi đấu trong lễ hội; Tổ chức hội thi Hát Du, Hát Sường, Khặp Thái; thi đánh Trống Ràm… thu hút đông đảo quần chúng Nhân dân tham gia, hưởng ứng.

Lễ hội Mường Khô được tổ chức vào ngày 10 âm lịch hằng năm, thu hút đông đảo khách thập phương tham gia.

Bảo tồn, lưu giữ và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử gắn với phát triển du lịch là hướng đi phù hợp với xu thế hiện nay. Nhu cầu khám phá của du khách tìm hiểu về văn hóa vùng miền ngày càng nhiều, đây là hướng đi mang tính bền vững cho việc khai thác sâu tiềm năng, lợi thế của địa phương; tạo thêm việc làm cho lao động nông thôn tham gia làm việc trực tiếp, các cơ sở lưu trú và dịch vụ ăn uống của các đơn vị, hộ kinh doanh cá thể, mang lại lợi ích phát triển kinh tế bền vững cho người dân. Đây là một trong những hướng đi mà Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân các dân tộc huyện Bá Thước kỳ vọng phát triển bền vững. Góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội trên địa bàn./. 

Hải Nam - Hoàng Trang