15/11/2024 lúc 19:05 (GMT+7)
Breaking News

ASEAN Tầm vóc: Tâm điểm của tăng trưởng

Rạng sáng ngày 8/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã về tới Hà Nội, kết thúc rất tốt đẹp chuyến công tác tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 43 và các hội nghị cấp cao liên quan từ ngày 4/9 đến ngày 7/9 tại Jakarta, Indonesia.

Với chủ đề "ASEAN Tầm vóc: Tâm điểm của tăng trưởng", Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 43 và các hội nghị cấp cao liên quan  là hoạt động Cấp cao thường niên lớn nhất của khu vực, thu hút sự tham dự của lãnh đạo các nước thành viên ASEAN, Timor Leste với tư cách quan sát viên, các nước đối tác đối thoại, 2 quốc gia khách mời là Bangladesh và Quần đảo Cook, cùng 9 tổ chức quốc tế.

Tầm vóc, sứ mệnh của ASEAN và dấu ấn Việt Nam - Ảnh 1.

Các nhà lãnh đạo ASEAN tham dự Hội nghị - Ảnh: VGP

Các hội nghị diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực từ đầu năm 2023 đến nay tiếp tục chứng kiến các chuyển động, biến động đa chiều, nhanh chóng, phức tạp, khó lường. Kinh tế thế giới đã có những tín hiệu phục hồi tích cực hơn, song còn nhiều rủi ro, tăng trưởng chưa bền vững, thương mại phục hồi chậm, bất ổn địa chính trị ngày càng phức tạp.

ASEAN đứng trước cả thách thức và cơ hội, song với sự nỗ lực chung, đoàn kết của các nước thành viên và sự dẫn dắt của nước Chủ tịch Indonesia, Cộng đồng ASEAN cơ bản vẫn duy trì được sự đoàn kết, tiếp tục phát triển ổn định, vững vàng với "tầm vóc" ngày càng lớn mạnh, khẳng định vai trò là tâm điểm của tăng trưởng, tiếp tục là điểm sáng về tăng trưởng kinh tế, là trung tâm của các mạng lưới hiệp định thương mại tự do (FTA), cũng như khẳng định vai trò trung tâm trong khu vực, là trung tâm của các cơ chế hợp tác khu vực quan trọng như ASEAN+1, ASEAN+3, Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS)…, hướng tới chiến lược phát triển của Hiệp hội đến năm 2045.

Về phía Việt Nam, đây là hoạt động ngoại giao quan trọng, nằm trong chuỗi các sự kiện đối ngoại rất sôi động đang diễn ra khi lãnh đạo Đảng, Nhà nước thăm, làm việc tại nhiều nước, tổ chức quốc tế và nhiều nhà lãnh đạo của các nước đối tác quan trọng tới thăm, làm việc tại Việt Nam.

Trong khuôn khổ Hội nghị, Thủ tướng đã tham dự khoảng 40 hoạt động gồm các hội nghị đa phương, tiếp xúc song phương với lãnh đạo các nước, tổ chức quốc tế, gặp gỡ và tiếp lãnh đạo các doanh nghiệp.

Thông điệp mạnh mẽ về một ASEAN tầm vóc, tự cường và năng động

Tầm vóc, sứ mệnh của ASEAN và dấu ấn Việt Nam - Ảnh 2.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng Lãnh đạo các nước ASEAN dự phiên họp hẹp trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực - Ảnh: VGP

Làm việc khẩn trương với gần 20 hoạt động và khoảng 90 văn kiện được thông qua và ghi nhận, Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 43 và các hội nghị liên quan đã thành công tốt đẹp, bội thu về kết quả.

Trên tinh thần chủ đề "ASEAN Tầm vóc: Tâm điểm của tăng trưởng", Lãnh đạo các nước ASEAN và các đối tác đã trao đổi về nhiều nội dung chiến lược đang đặt ra cho ASEAN và khu vực, thống nhất các định hướng củng cố và nâng tầm hợp tác, chuẩn bị cho những bước phát triển mạnh mẽ hơn và bứt phá trong tương lai. Theo đánh giá, các Hội nghị lần này có ba kết quả nổi bật như sau:

Thứ nhất, dấu ấn về tầm vóc của ASEAN được khẳng định rõ nét và xuyên suốt. Tầm vóc của ASEAN ngày hôm nay là kết quả của cả một quá trình nỗ lực không mệt mỏi của ASEAN trong suốt hành trình 56 năm qua, trên nền tảng đoàn kết, tin cậy và hợp tác. Trong bối cảnh đầy biến động hiện nay, các giá trị này tiếp tục được phát huy, đưa ASEAN vượt qua khó khăn, thử thách, khẳng định vai trò và uy tín ở khu vực và thế giới.

Tầm vóc của ASEAN còn thể hiện ở việc thành công thu hút sự tham gia của các nước lớn và nhiều đối tác vào hợp tác khu vực, cùng ứng phó thách thức, vì lợi ích chung là hòa bình, ổn định và phát triển. Sự hiện diện của gần 20 đối tác tại các Hội nghị lần này cùng nhiều đề xuất hợp tác và thiết lập, nâng cấp quan hệ (với Nhật Bản, Canada, IORA, PIF) phản ánh cam kết và sự coi trọng của các đối tác dành cho ASEAN.

Tầm vóc, sứ mệnh của ASEAN và dấu ấn Việt Nam - Ảnh 3.

Đoàn Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu đã có nhiều đóng góp quan trọng vào thành công của Hội nghị, được bạn bè quốc tế đánh giá cao - Ảnh: VGP

Thứ hai, các nỗ lực hiện thực hóa ASEAN là tâm điểm của tăng trưởng. Đây không chỉ là khát vọng mà còn là sứ mệnh của ASEAN nhằm bảo đảm tốt hơn, hiệu quả hơn môi trường hợp tác và phát triển cho 680 triệu người dân khu vực.

Để thực hiện mục tiêu này, ASEAN đã có những bước chuyển trong chiến lược hợp tác, cả nội khối và với các đối tác. Đó là chuyển đổi trong nhận thức, chuyển dịch trong tiếp cận và chuyển hướng trong hành động. Các xu thế lớn của thời đại, cùng hệ lụy đa chiều từ các diễn biến phức tạp ở khu vực và thế giới đặt ra yêu cầu cấp thiết cho tất cả các nước, trong đó có ASEAN, phải đổi mới, sáng tạo, chủ động và nhanh chóng thích ứng trước mọi cơ hội và thách thức.

Các thỏa thuận, sáng kiến như Xây dựng Hiệp định khung kinh tế số ASEAN, Chiến lược Trung hòa carbon, phát triển hệ sinh thái xe điện, Khung kinh tế biển xanh… là những bước đi chủ động, sáng tạo của cả ASEAN và đối tác nhằm định hình và dẫn dắt xu hướng hợp tác mới ở khu vực.  

Thứ ba, chuẩn bị những hành trang ban đầu cho giai đoạn phát triển tiếp theo của ASEAN. Hội nghị Cấp cao đã xem xét, ghi nhận Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045 xác lập khuôn khổ chiến lược của ASEAN trong 20 năm tới. Với các định hướng trải rộng trên trụ cột chính trị-an ninh, kinh tế và văn hóa-xã hội, Tầm nhìn 2045 mở ra những hy vọng cho sự chuyển mình của ASEAN, hướng đến một ASEAN "tự cường, sáng tạo, năng động và lấy người dân làm trung tâm".

Dịp này, các nhà Lãnh đạo thông qua nhiều văn kiện quan trọng như Tuyên bố phát triển hòa nhập cho người khuyết tật, phát triển gia đình và bình đẳng giới, tăng cường an ninh lương thực, chăm sóc và giáo dục mầm non, Khuôn khổ về Hệ thống điều phối khẩn cấp y tế công cộng ASEAN…, góp phần củng cố các nỗ lực xây dựng Cộng đồng hướng tới người dân và lấy người dân làm trung tâm.

Đóng góp tích cực để giữ vững ASEAN tầm vóc và là tâm điểm của tăng trưởng

Đoàn Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu đã có nhiều đóng góp quan trọng vào thành công của Hội nghị, được bạn bè quốc tế đánh giá cao. Thủ tướng đã có các bài phát biểu quan trọng tại tất cả các Hội nghị, mang tới ASEAN và các đối tác nhiều thông điệp, định hướng và sáng kiến thiết thực nhằm củng cố tiến trình xây dựng Cộng đồng và tăng cường quan hệ với các đối tác.

Tầm vóc, sứ mệnh của ASEAN và dấu ấn Việt Nam - Ảnh 4.

Thủ tướng có các bài phát biểu quan trọng tại tất cả các hội nghị trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 43 - Ảnh: VGP

Về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của ASEAN trong bối cảnh mới, Thủ tướng nêu rõ ASEAN đứng trước sứ mệnh phải khẳng định "là một cực trong thế giới đa cực", là trung tâm trong hợp tác cũng như cấu trúc ở khu vực, và ASEAN hoàn toàn có đủ khả năng đảm nhận được sứ mệnh đó.

Cụ thể, ASEAN có không gian kinh tế rộng mở; nhiều sáng kiến mới cũng đang được thúc đẩy mạnh mẽ để ASEAN kịp thời nắm bắt, tận dụng cơ hội từ những xu thế phát triển mới; ASEAN độc lập, tự cường, là điểm sáng về tăng trưởng kinh tế, tăng cường thương mại – đầu tư nội khối, ứng phó hiệu quả với các thách thức về an ninh năng lượng, an ninh lương thực; vững vàng vượt qua đại dịch COVID-19… ; ASEAN đóng vai trò là một mắt xích quan trọng trong các cơ chế hợp tác khu vực thông qua quan hệ và hợp tác với các đối tác bên ngoài.

Để giữ vững ASEAN tầm vóc và là tâm điểm của tăng trưởng, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh phải nâng cao tự cường của ASEAN thông qua đẩy mạnh liên kết kinh tế, mở rộng thị trường nội khối, khơi thông các dòng chảy thương mại và đầu tư. Các nước ASEAN cần tháo gỡ các điểm nghẽn và rào cản về chính sách và thể chế, duy trì ổn định chuỗi cung ứng nội khối, nhằm nâng cao sức chống chịu của khu vực trước các tác động, thách thức từ bên ngoài. Cùng với đó, củng cố vai trò của ASEAN là tâm điểm của mạng lưới các hiệp định thương mại tự do thông qua việc rà soát, nâng cấp và đàm phán mới FTA giữa ASEAN với các đối tác, nhằm tạo những xung lực phát triển mới cho nền kinh tế khu vực.

Thủ tướng nêu rõ, ASEAN cần xác định bảo đảm hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực là trách nhiệm và nỗ lực tự thân của chính ASEAN. Đặc biệt, trước vòng xoáy của cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước lớn, xu hướng phân mảnh, tập hợp lực lượng ngày càng rõ nét, kéo theo các nước phải đứng trước những lựa chọn chiến lược hết sức khó khăn, Thủ tướng nhấn mạnh để ASEAN giữ vững vai trò trung tâm, câu trả lời duy nhất là phát huy sức mạnh tự thân, củng cố đoàn kết nội khối để khẳng định giá trị chiến lược của mình. Các nước ASEAN phải nêu cao tinh thần đoàn kết, độc lập, tự chủ và tự cường bằng cả lời nói và hành động; thượng tôn pháp luật, kiên định với các nguyên tắc cơ bản và chuẩn mực ứng xử của ASEAN.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh rằng, ở giữa tâm điểm cạnh tranh gay gắt, ASEAN cần giữ vững cân bằng chiến lược với các nước lớn. ASEAN phải thực sự trở thành một cầu nối tin cậy với năng lực điều hòa và cân bằng các mối quan hệ và lợi ích, kiên định mục tiêu xây dựng cấu trúc khu vực rộng mở, minh bạch, bao trùm và quan trọng nhất là thống nhất giữ vững lập trường nguyên tắc của mình trong các vấn đề có liên quan trực tiếp đến môi trường an ninh – phát triển của khu vực.

Chỉ có như vậy, vai trò của ASEAN mới có thể phát huy thực chất và nhận được sự coi trọng trên thực tế của các đối tác, nhất là các nước lớn.

Tầm vóc, sứ mệnh của ASEAN và dấu ấn Việt Nam - Ảnh 5.

Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 43, các nhà Lãnh đạo thông qua nhiều văn kiện quan trọng - Ảnh: VGP

Tại Hội nghị, Thủ tướng đã cùng các Lãnh đạo trao đổi sâu rộng về các vấn đề khu vực và quốc tế, tái khẳng định lập trường nguyên tắc của ASEAN. Trong vấn đề Biển Đông, Thủ tướng nhấn mạnh bảo vệ hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông - vừa là lợi ích, vừa là trách nhiệm của tất cả các nước, đề nghị thúc đẩy thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố DOC và phấn đấu đạt được Bộ Quy tắc COC thực chất, hiệu quả, phù hợp luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982, kêu gọi các đối tác ủng hộ lập trường của ASEAN, cùng ASEAN bảo đảm môi trường thuận lợi cho đàm phán COC.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh thông điệp cần bám sát cách tiếp cận toàn dân với tinh thần cốt lõi "người dân là trung tâm, chủ thể, mục tiêu, nguồn lực và động lực" của sự phát triển và của tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN. Thủ tướng đồng thời nhấn mạnh định hướng phát triển đồng đều và bền vững, đặc biệt ở các vùng sâu, vùng xa, tiểu vùng; không hy sinh công bằng, tiến bộ xã hội và bảo vệ môi trường để đổi lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần.

Thủ tướng thông báo Việt Nam sẽ đăng cai tổ chức Diễn đàn Tương lai ASEAN về phát triển nhanh, bền vững, lấy người dân làm trung tâm, nhằm bổ trợ cho các diễn đàn, cơ chế chính thức của ASEAN, tạo cơ hội trao đổi rộng rãi về các ý tưởng, sáng kiến cho hợp tác khu vực, góp phần xây dựng Cộng đồng ASEAN tự cường và bền vững.

Để nâng tầm hợp tác giữa ASEAN với các đối tác, Thủ tướng đề nghị tập trung đẩy mạnh giao thương, đầu tư, kết nối doanh nghiệp, ổn định chuỗi cung ứng, hỗ trợ tiếp cận thị trường của nhau; mong muốn các đối tác hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho hàng hóa của Việt Nam và các nước ASEAN.

Hướng tới tương lai bền vững, Thủ tướng đề nghị các cơ chế hợp tác của ASEAN nhằm mở rộng các lĩnh vực tiềm năng, như chuyển đổi số, kinh tế số, thương mại điện tử, chuyển đổi năng lượng, tài chính xanh, công nghệ xanh… nhằm tạo thêm xung lực cho tăng trưởng bao trùm, hướng tới phát triển bền vững, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân. Thủ tướng cũng đề nghị các đối tác phối hợp thúc đẩy các khuôn khổ hợp tác Mekong, đóng góp hiệu quả cho phát triển bền vững tiểu vùng Mekong.

Thủ tướng nhấn mạnh chuyển đổi các cơ cấu kinh tế, hướng tới xây dựng nền kinh tế số, phát triển kinh tế xanh, áp dụng kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ là những định hướng, phù hợp, đúng đắn, huy động nguồn lực bằng hình thức hợp tác công-tư. Theo đó, Thủ tướng đề nghị các nước cần phối hợp chặt chẽ với nhau, phát huy các tư duy mới, phương thức mới và công nghệ mới trong quá trình chuyển đổi sâu sắc này.

Tầm vóc, sứ mệnh của ASEAN và dấu ấn Việt Nam - Ảnh 6.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Trưởng đoàn các nước tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN-Australia lần thứ 3. Cuối năm 2023, Đối thoại cao cấp ASEAN-Australia về Biến đổi khí hậu và Chuyển đổi năng lượng do Australia, Việt Nam và Lào đồng chủ trì tổ chức tại Hà Nội được trông đợi sẽ đóng góp thiết thực cho nỗ lực chuyển đổi xanh hướng tới phát triển bền vững - Ảnh: VGP

Là một đối tác tin cậy, thành viên tích cực có trách nhiệm, Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Indonesia và các nước ASEAN khác nỗ lực để xây dựng một ASEAN đoàn kết, thống nhất, tự cường và phát triển, tiếp tục thúc đẩy hợp tác đa phương và đoàn kết quốc tế, góp phần duy trì môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển chung ở khu vực và trên thế giới.

Các nước trông đợi Đối thoại cao cấp ASEAN-Australia về Biến đổi khí hậu và Chuyển đổi năng lượng do Australia, Việt Nam và Lào đồng chủ trì được tổ chức vào cuối năm nay tại Hà Nội, sẽ đóng góp thiết thực cho nỗ lực chuyển đổi xanh hướng tới phát triển bền vững.

Thúc đẩy quan hệ với các đối tác đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả hơn

Tầm vóc, sứ mệnh của ASEAN và dấu ấn Việt Nam - Ảnh 7.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng thống nước chủ nhà Hội nghị Cấp ASEAN 43 Indonesia Joko Widodo - Ảnh: VGP

Nhân dịp này, trên tinh thần chân thành, tin cậy và trách nhiệm, trong không khí cởi mở, trao đổi thẳng thắn về các vấn đề lớn của khu vực và quốc tế, Thủ tướng đã có gần 20 cuộc gặp gỡ, tiếp xúc với lãnh đạo các nước, các tổ chức quốc tế tham dự hội nghị. Qua đó, góp phần tăng cường quan hệ giữa Việt Nam với các đối tác, đưa hợp tác chính trị-ngoại giao, kinh tế-thương mại-đầu tư, an ninh- quốc phòng, văn hóa- giáo dục, giao lưu nhân dân… ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả hơn.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cùng Lãnh đạo các nước và các tổ chức quốc tế cũng nhất trí đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực mới như đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, năng lượng tái tạo, phát triển bền vững… và phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, tận dụng tối đa các cơ hội trong triển khai các thỏa thuận đa phương, trong đó có các hiệp định thương mại tự do.

Tầm vóc, sứ mệnh của ASEAN và dấu ấn Việt Nam - Ảnh 8.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres tại Hội nghị - Ảnh: VGP

Đáng chú ý, trong bối cảnh vấn đề an ninh lương thực, đặc biệt là thiếu hụt nguồn cung về gạo đang là quan tâm của nhiều nước ở khu vực, Thủ tướng khẳng định Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ các nước bảo đảm nguồn cung ổn định và góp phần tăng cường an ninh lương thực trên phạm vi toàn cầu.  Thủ tướng đề nghị và nhiều nhà lãnh đạo nhất trí cần đàm phán và ký kết các hiệp định về hợp tác thương mại về gạo để bảo đảm các mục tiêu về an ninh lương thực.

Các đối tác đều đánh giá cao kết quả phát triển kinh tế - xã hội, điều hành của Chính phủ Việt Nam trong thời gian qua. Các đối tác cũng đánh giá ngày càng cao vai trò năng động và những đóng góp tích cực của Việt Nam tại ASEAN và khu vực. Lãnh đạo nhiều nước bày tỏ mong muốn sớm thăm Việt Nam và nâng cấp, nâng tầm quan hệ song phương trong thời gian tới.

Các Chính phủ và doanh nghiệp cần hợp tác ngày càng chặt chẽ, hiệu quả, thực chất hơn

Tầm vóc, sứ mệnh của ASEAN và dấu ấn Việt Nam - Ảnh 9.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh và Đầu tư ASEAN (ASEAN BIS) 2023 - Ảnh: VGP

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng tiếp lãnh đạo các doanh nghiệp, tập đoàn hàng đầu của Indonesia và phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh về kinh doanh và đầu tư ASEAN - diễn đàn liên quan đến doanh nghiệp thường niên lớn nhất của khu vực Đông Nam Á, với đại diện hơn 2.000 doanh nghiệp ASEAN và quốc tế, hơn 100 diễn giả quốc tế, trong đó có lãnh đạo nhiều nước ASEAN và các nước đối tác.

Các doanh nghiệp đều đánh giá Việt Nam là thị trường lớn, rất tiềm năng, hấp dẫn cho các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh và tiêu thụ hàng hóa, các sản phẩm chất lượng. Về phần mình, Thủ tướng khẳng định Việt Nam luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư với tinh thần thành công của nhà đầu tư là thành công của Việt Nam, "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ".

Để phát huy hơn nữa vai trò của doanh nghiệp trong thúc đẩy tăng trưởng, tạo bứt phá mới cho ASEAN, Thủ tướng cho rằng các Chính phủ và doanh nghiệp cần hợp tác ngày càng chặt chẽ, hiệu quả, thực chất hơn để: (1) cùng nhau hoàn thiện thể chế; (2) chung tay phát triển cơ sở hạ tầng chiến lược, kết nối kinh tế; (3) xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát huy nguồn lực con người.

Những vấn đề nêu trên cần được phối hợp ở cả ba cấp độ: giữa Chính phủ với Chính phủ để hài hòa chính sách, giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp để đồng bộ trong triển khai, giữa Chính phủ với doanh nghiệp để tăng cường quan hệ đối tác công - tư, sự tin cậy và đồng thuận. 

Tầm vóc, sứ mệnh của ASEAN và dấu ấn Việt Nam - Ảnh 10.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp lãnh đạo các tập đoàn lớn của Indonesia - Ảnh: VGP

Thủ tướng mong muốn các doanh nghiệp phải đi đầu trong đổi mới sáng tạo, tăng năng suất lao động, kết hợp hài hòa giữa sản xuất kinh doanh và nghiên cứu phát triển; tuân thủ pháp luật, nâng cao năng lực và đạo đức kinh doanh, xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng, kinh doanh bền vững; phát huy vai trò, trách nhiệm với cộng đồng, với xã hội, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo để không có ai bị bỏ lại phía sau; phát triển văn hóa trong doanh nghiệp và thúc đẩy phát triển văn hóa ngang tầm kinh tế, xã hội, góp phần xây dựng nền văn hóa ASEAN đậm đà bản sắc; đoàn kết, chia sẻ, hỗ trợ với tinh thần "trong tôi có bạn, trong bạn có tôi".

Có thể khẳng định, chuyến công tác tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN 43 và các hội nghị liên quan của Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã thành công tốt đẹp. Đoàn Việt Nam đã tận dụng tối đa thời gian, tranh thủ được mọi cơ hội, đạt được các mục tiêu đã đề ra, đóng góp tích cực vào thành công chung của Hội nghị, thể hiện rõ quan điểm, lập trường rõ ràng, nhất quán, khẳng định vị thế, vai trò ngày càng quan trọng của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.

Dư luận quốc tế, ASEAN quan tâm, đánh giá cao chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu Việt Nam. Báo chí quốc tế quan tâm nhiều tới chuyến đi, tiếp tục ấn tượng với sự tự tin, chủ động, chân thành, tin cậy, trách nhiệm, thẳng thắn, mạnh mẽ, nhiều năng lượng, sự chủ động, linh hoạt, hiệu quả và tầm nhìn chiến lược của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam.

Phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ, chặt chẽ và hiệu quả với các hoạt động đối ngoại quan trọng khác trong thời gian qua và sắp tới, chuyến công tác của Thủ tướng tiếp tục triển khai đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chỉ thị 25 của Ban Bí thư về việc đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương; truyền tải thông điệp lớn của Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam đến bạn bè ASEAN và quốc tế về một Việt Nam hòa hiếu, hợp tác, hội nhập, tham gia tích cực hơn, chủ động, hiệu quả hơn vào các tiến trình khu vực, là bạn bè tốt, đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế./.

PV