25/04/2024 lúc 00:58 (GMT+7)
Breaking News

Kiên quyết phòng chống dịch COVID-19 tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Nam Định

Trước làn sóng bùng phát dịch COVID-19 lần thứ tư có diễn biến ngày càng phức tạp, các doanh nghiệp thuộc Ban Quản lý các khu công nghiệp (KCN) tỉnh Nam Định luôn trong tư thế chủ động, đồng loạt kích hoạt các biện pháp, kịch bản ứng phó với dịch bệnh, góp phần thực hiện đa mục tiêu, trong đó vừa đảm bảo an toàn phòng dịch, vừa đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh doanh.

Trước làn sóng bùng phát dịch COVID-19 lần thứ tư có diễn biến ngày càng phức tạp, các doanh nghiệp thuộc Ban Quản lý các khu công nghiệp (KCN) tỉnh Nam Định luôn trong tư thế chủ động, đồng loạt kích hoạt các biện pháp, kịch bản ứng phó với dịch bệnh, góp phần thực hiện đa mục tiêu, trong đó vừa đảm bảo an toàn phòng dịch, vừa đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh doanh.

Tổ chức diễn tập kịch bản xử lý tình huống khi có ca nghi nhiễm COVID-19 tại doanh nghiệp trong KCN Hòa Xá, Nam Định

Theo Ban Quản lý các KCN tỉnh Nam Định, trong năm 2021 các KCN trên địa bàn vẫn duy trì hoạt động ổn định gồm 4 KCN: Hòa Xá, Mỹ Trung, Bảo Minh và Dệt may Rạng Đông với tổng số 158 doanh nghiệp tham gia sản xuất kinh doanh, trên 4,53 vạn lao động. Nhằm ngăn chặn, không để lây lan dịch bệnh, bảo đảm an toàn cho người lao động (NLĐ) và cộng đồng, ổn định sản xuất, kinh doanh, Ban Quản lý đã thành lập ban chỉ đạo phòng chống dịch và xây dựng kịch bản xử lý nếu xảy ra tình huống các ca bệnh nghi dương tính trong các cơ sở sản xuất, nhà máy. Các doanh nghiệp có nhiệm vụ nghiên cứu và căn cứ tình hình cụ thể của đơn vị mình xây dựng phương án, các bước xử lý tình huống trong phòng, chống dịch trên tinh thần chủ động, không để chuỗi sản xuất đứt gãy trong mọi tình huống.

Theo ông Nguyễn Hoàng Anh, Trưởng ban Ban Quản lý các KCN tỉnh Nam Định: “Các KCN là nơi tập trung nhiều lao động đến từ nhiều nơi, nếu không có các biện pháp phòng, chống dịch quyết liệt thì rất dễ hình thành các ổ dịch lớn, nguy cơ lây nhiễm chéo cao. Xác định được tầm quan trọng của việc phòng, chống dịch trong các KCN, Ban Quản lý đã chỉ đạo các doanh nghiệp đang hoạt động tại các KCN phải tăng cường các biện pháp phòng dịch, siết chặt công tác kiểm soát người ra vào doanh nghiệp”.

Ban Quản lý các KCN vận động các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong các KCN trên địa bàn tỉnh chung tay quyên góp, ủng hộ phòng, chống dịch COVID-19 tại tỉnh Nam Định

Ban Quản lý các KCN tỉnh Nam Định phối hợp thành lập 04 đoàn kiểm tra, tổ chức kiểm tra công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại trên 150 lượt doanh nghiệp KCN. Kiểm tra các doanh nghiệp về việc triển khai thực hiện các phương án phòng chống dịch COVID-19 như kiểm tra y tế, xét nghiệp tầm soát SARS-CoV-2 cho NLĐ, công nhân khai báo y tế hằng ngày trước khi vào làm việc, thực hiện giãn cách trong lao động, sản xuất và ăn uống sinh hoạt trong công ty.

Thường xuyên, liên tục, kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo, quán triệt, yêu cầu các doanh nghiệp trong các KCN thực hiện nghiêm các biện pháp cụ thể về phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Chính phủ, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, các Bộ, ngành Trung ương; chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và hướng dẫn của cơ quan y tế về phòng, chống dịch COVID-19.

Phối hợp với Sở Y tế, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh tổ chức các đợt tập huấn, phổ biến kiến thức liên quan đến công tác phòng chống dịch COVID-19 cho cán bộ, người làm công tác y tế tại các doanh nghiệp KCN như: phổ biến kiến thức VỀcác biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, thực hành kỹ năng xét nghiệm nhanh kháng nguyên đối với NLĐ....

Ban Quản lý các KCN đã phối hợp, tham gia với Bộ chỉ huy quân sự, Sở Y tế trong việc xây dựng kịch bản và tổ chức diễn tập khi có dịch xảy ra tại KCN Hòa Xá; phối hợp với Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh tiến hành khảo sát, xây dựng phương án bố trí khu cách ly NLĐ tại một số doanh nghiệp lớn, sử dụng nhiều lao động trong trường hợp xảy ra dịch tại các KCN.

Tham mưu, giúp UBND tỉnh tổ chức hội nghị đối thoại tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại các doanh nghiệp KCN.

Triển khai vận động các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong các KCN quyên góp, ủng hộ quỹ phòng chống COVID-19 của tỉnh; phối hợp với các đơn vị tổ chức Lễ trao kinh phí ủng hộ Quỹ phòng, chống dịch COVID-19.

Triển khai, tuyên truyền, phổ biến đến các doanh nghiệp và NLĐ tại các KCN các văn bản chỉ đạo, quy định, hướng dẫn của Chính phủ, các cơ quan chức năng về việc triển khai, thực hiện chính sách hỗ trợ NLĐ và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, UBND các huyện, thành phố Nam Định và các đơn vị có liên quan trong việc tuyên truyền, hướng dẫn, tổ chức thực hiện với phương châm hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất có thể về thủ tục, thời gian để doanh nghiệp, NLĐ sớm được hưởng các chính sách hỗ trợ của Chính phủ.

Thường xuyên nắm bắt thông tin, phối hợp với các cơ quan chức năng kịp thời hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp giải quyết, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc như chỉ đạo, hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện các biện pháp phòng chống dịch khi có trường hợp NLĐ tại doanh nghiệp là F0, F1...; tháo gỡ vướng mắc về việc tổ chức đưa đón, đi lại của NLĐ ngoại tỉnh làm việc tại doanh nghiệp đi về trong ngày...

Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng về kế hoạch sản xuất, kinh doanh, cùng các biện pháp phòng chống dịch hiệu quả, nhiều DN tại các KCN trong tỉnh đã tiếp tục duy trì sự phát triển, góp phần thực hiện có hiệu quả đa mục tiêu, trong đó có vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa đảm bảo mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2021.

Tuy chịu ảnh hưởng không nhỏ của đại dịch COVID-19, có một số doanh nghiệp phải giảm quy mô hoạt động nhưng cơ bản các doanh nghiệp KCN vẫn ổn định sản xuất kinh doanh, bảo đảm việc làm và thu nhập cho NLĐ. Ước kết quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp KCN năm 2021: Giá trị SXCN ước đạt 25.000 tỷ đồng bằng 96.38% kế hoạch năm (25.940 tỷ đồng). Doanh thu ước khoảng 30.000 tỷ đồng. Giá trị xuất khẩu ước đạt 900 triệu USD, bằng 90% kế hoạch năm được giao (1.000 triệu USD). Giá trị nhập khẩu ước khoảng 800 triệu USD. Lao động làm việc: 4,7 vạn người, thu nhập bình quân 6,3 triệu đồng/người/tháng. Nộp ngân sách nhà nước ước khoảng 450 tỷ đồng.