Doanh nhân Nguyễn Đình Thắng sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng tại huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Ông nội của Thắng là một nhà chí sĩ yêu nước nổi tiếng vào những năm 1930 - Nguyễn Đan Quế (còn gọi là ông Đốc Quế, khi đó ông làm Đốc học tại phủ Quảng Hóa, Thanh Hóa). Ông nội, bố mẹ và các cô, chú của ông đều tham gia hoạt động cách mạng từ trước và sau Cách mạng Tháng Tám.
Sinh ra và lớn lên từ một làng quê nghèo bên bờ sông Mã, cậu bé Đình Thắng đã trải qua một thời thơ ấu với những tháng ngày “mưa bom, bão đạn” của cuộc kháng chiến chống Mỹ ác liệt. Quãng thời gian khó khăn, vất vả đó đã trở thành ký ức không quên, đồng thời là động lực để vươn lên trong cuộc sống.
Được giới Công nghệ gọi thân mật với cái tên “Thắng - Hồng Cơ” người sáng lập Công ty TNHH Công nghệ Hồng Cơ từ năm 1993, ông là chuyên gia phần mềm nổi tiếng một thời với vai trò là Trưởng phòng Thảo chương Công ty máy tính IBM (nay là Công ty Máy tính Việt Nam 2 tại TP. Hồ Chí Minh) từ năm 1983 - 1993 và là một trong những người tiên phong tiếp cận và giảng dạy về máy Vi tính tại Việt Nam; Năm 2008 Ông là người đồng sáng lập, thành viên HĐQT Ngân hàng TMCP Liên Việt (LienVietPostBank) và được biết đến nhiều nhất khi ông làm Phó Chủ tịch sau đó là Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) từ năm 2017 - 2019, là “cha đẻ” của ứng dụng Ví Việt, sản phẩm nhận giải thưởng APICTA AWARDS 2017 về ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng - được coi là giải thưởng OSCAR trong lĩnh vực CNTT và truyền thông (ICT) tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Ông từ nhiệm “ghế nóng” của LienVietPostBank từ đầu năm 2020 để chuyển sang làm chuyên sâu về Công nghệ Tài chính (Fintech).
Xuất phát điểm là cử nhân Trường Đại học Kinh tế Kế hoạch (nay là Đại học Kinh tế Quốc dân) chuyên ngành Xử lý thông tin bằng Máy tính điện tử, ông trở thành giảng viên của trường Đại học này từ năm 1979 - 1980. Sau đó, từ năm 1980 đến năm 1983, ông tham gia vào quân đội. Với nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy và làm công tác chuyên môn trong lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT), ông không chỉ từng làm lãnh đạo cùng một lúc 15 doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực mà còn tích cực tham gia và giữ cương vị ở nhiều tổ chức xã hội nghề nghiệp trong nhiều năm, như: Phó Chủ tịch Hội Tin học Việt Nam (VAIP), Phó Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA), Phó Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam (VCDA)…và gần đây nhất là Chủ tịch Câu lạc bộ các Quỹ Đầu tư Khởi nghiệp Công nghiệp số Việt Nam (VDI), Chủ tịch Câu lạc bộ Công nghệ Tài chính Việt Nam (Vina Fintech).
Ông Nguyễn Đình Thắng tham dự ngày hội khởi nghiệp của Sinh viên Việt nam - SVStarup 2018
Với hành trình từ tuổi thơ cơ cực, phấn đấu vươn lên khởi nghiệp thành công và luôn góp sức, đồng hành cùng sự phát triển của ngành CNTT Việt Nam hơn 40 năm qua, ông luôn thu hút được sự quan tâm của mọi người trong giới và công chúng. Hiện tại, ông đang được cộng đồng doanh nghiệp và khởi nghiệp Việt Nam xem như là một trong những chuyên gia về chuyển đổi số Doanh nghiệp, người truyền lửa khơi dậy nhiệt huyết kinh doanh và đam mê khởi nghiệp sáng tạo.
Nhân Kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10/2004 - 13/10/2021), Phóng viên Tạp chí Việt Nam Hội nhập có dịp gặp gỡ và trao đổi với Ông Nguyễn Đình Thắng - Doanh nhân Sài Gòn tiêu biểu năm 2005, để tìm hiểu thêm về Chuyển đổi số và khởi nghiệp sáng tạo trong cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0.
PV: Chào ông Nguyễn Đình Thắng, được biết Ông đã có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực CNTT, lãnh đạo các Doanh nghiệp, từng ngồi “ghế nóng” tại một Ngân hàng hàng đầu Việt Nam và đang là chuyên gia về chuyển đổi số; Ông đánh giá thế nào về quá trình chuyển đổi số Doanh nghiệp Việt Nam.
Ông Nguyễn Đình Thắng: Các nước trên Thế giới đang chạy đua chuyển đổi số để bước nhanh vào Kỷ nguyên Số hóa với mục tiêu xây dựng nền Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số và công dân số.
Cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) đánh dấu điểm gẫy (cũng có thể gọi là điểm dị biệt) trong tiến trình phát triển tuần tự của các cuộc cách mạng trước, sẽ tạo nên sự thay đổi toàn diện trong mọi lĩnh vực về nhận thức, thể chế, công nghệ, quản trị điều hành, nghiên cứu, sản xuất, thương mại, dịch vụ, tiêu dùng...; CMCN 4.0 mà trọng tâm là chuyển đổi số tạo cơ hội cho các quốc gia, các doanh nghiệp, cá nhân có thể cùng bước vào vạch xuất phát điểm của cuộc chạy đua chuyển đổi số, với rất nhiều khó khăn và thách thức phải vượt qua.
Ký kết Hợp tác công nghệ giữ LienVietPostBank với Tập đoàn công nghệ Mitsui và Dorreming tại Tokyo, Nhật Bản
Trích lời Chủ tịnh nước Nguyễn Xuân Phúc trong bài phát biểu tại Diễn đàn cấp cao và Triển lãm Quốc tế về Công nghiệp 4.0 năm 2018, với vai trò là Thủ tướng Chính phủ: “CMCN 4.0 thực sự là cơ hội để dân tộc Việt Nam thực hiện khát vọng phồn vinh” và “với quyết tâm của cả Hệ thống Chính trị và ý chí của người Việt Nam, chúng ta sẵn sàng vượt qua thách thức để nắm bắt lấy cơ hội, nhanh chóng bước lên con tàu 4.0”.
Chuyển đổi số là một quá trình thay đổi toàn diện, theo tôi thì Doanh nghiệp Việt Nam có các điều kiện thuận lợi cơ bản:
Nhận thức và chủ trương đúng, kịp thời của Đảng, Chính phủ về CMCN 4.0 và chuyển đổi số;
Ý chí và khát vọng của hệ thống chính trị, doanh nghiệp, con người Việt Nam về xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường;
Không bị áp lực và tổn thất lớn do phải chuyển đổi mô hình cũ, công nghệ cũ;
Hạ tầng CNTT (Internet, 4G, 5G), tỷ lệ người dân sử dụng điện thoại thông minh, ứng dụng công nghệ phát triển rất nhanh;
Nguồn nhân lực trẻ, thông minh, ham học hỏi, sáng tạo và có khát vọng làm giàu;
Điều kiện tốt về vị thế chính trị ổn định, dân số, địa lý, khí hậu, tài nguyên...
Song cũng có nhiều khó khăn, thách thức:
Là nước đang phát triển có thu nhập trung bình thấp;
Thể chế, khung pháp lý, chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế, doanh nghiệp… chưa hoàn thiện, chưa đáp ứng vai trò kiến tạo cho phát triển kinh tế trong CMCN 4.0 và chuyển đổi số;
Hạ tầng công nghệ chưa đồng bộ, chưa có nền tảng công nghiệp công nghệ cao;
Đầu tư cho nghiên cứu, đổi mới công nghệ, sáng tạo; đào tạo nhân lực chưa được thật sự quan tâm, có tỷ lệ đầu tư thấp so với các nước trong khu vực và thế giới;
Nguồn nhân lực công nghệ cao thiếu; Giáo dục, đào tạo chưa theo kịp chuẩn thế giới, chưa đáp ứng nhu cầu nhân lực của đất nước về chuyển đổi số;
Thói quen bảo thủ, lạc hậu, ngại thay đổi công nghệ, cách làm cũ;
Tỷ lệ doanh nghiệp, người dân hiểu biết, sử dụng công nghệ cao còn thấp;
Triển khai chủ trương, chính sách mới chưa quyết liệt, chưa đồng bộ;
Ngoài ra, dưới tác động của dịch COVID-19 sẽ có nhiều doanh nghiệp gặp thêm các khó khăn.
Theo tôi, để bước lên con tàu 4.0, vận dụng được tốt nhất các cơ hội mà CMCN 4.0 đưa đến là chuyển đổi số, cần có 3 điều kiện (thành tố để thành công): (i) Thể chế: là cơ sở pháp lý, nền tảng kiến tạo sự đổi mới, sáng tạo và phát triển, (ii) Công nghệ: là khoa học sáng tạo, cải tiến, sử dụng công nghệ cao; (iii) Con người: là nhân tố quan trọng nhất tạo ra sự đổi mới, sáng tạo và là đối tượng sử dụng, hưởng thụ môi trường sống và làm việc với chất lượng ngày càng tốt hơn. Trong thành tố này có bao gồm vai trò tiên quyết của các Doanh nghiệp Việt Nam.
PV: Việt Nam là một trong những nước bị ảnh hưởng nặng nề vì dịch COVID - 19, đặc biệt là TP.HCM trong 4 tháng qua, nhiều doanh nghiệp đã phá sản, giải thể, nhiều doanh nghiệp thì cố cầm cự. ... theo ông Chuyển đổi số có phải là yếu tố sống còn cho các Doanh nghiệp hay không? Và các Doanh nghiệp nên làm gì cho phù hợp với cuộc cách mạng 4.0 để có thể vượt qua đại dịch và phát triển nếu tái diễn?
Ảnh hưởng của đại dịch COVID -19 đối với nền kinh tế Việt Nam nói chung và doanh nghiệp nói riêng là rất nặng nề, đặc biệt là tại các địa phương bị phong tỏa như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai và các tỉnh phía Nam. Nhiều doanh nghiệp phá sản, giải thể, phần lớn là bị suy yếu về nội lực do đứt gẫy chuỗi cung ứng trong nước và thế giới; Hậu COVID thì doanh nghiệp cần có thời gian kết nối lại chuỗi cung ứng, hệ sinh thái; Các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, kinh doanh sử dụng nhiều lao động tay nghề sẽ bị thiếu hụt nguồn nhân lực do lao động đã về quê trong đại dịch và không hoặc chưa trở lại làm việc; Nhu cầu đầu tư, mua sắm, tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp suy giảm; một số doanh nghiệp nước ngoài có thể chuyển đơn hàng hay nhà máy ra các nước khác trong khu vực...
Tuy nhiên, trong đại dịch COVID-19 cũng đã nâng cao nhận thức, hiểu biết và triển khai ngay các ứng dụng CNTT, truyền thông, ứng dụng số trong phòng chống dịch bệnh, quản lý hành chính các cấp; thay đổi quản trị, điều hành sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đặt biệt là cộng đồng người dân phần lớn đã biết, đã sử dụng các ứng dụng online như: mua sắm, học tập, họp, hội thảo online, thanh toán không dùng tiền mặt, sử dụng các ứng dụng (app) phòng chống COVID-19…
Như vậy, để tồn tại, duy trì sản xuất, kinh doanh trong đại dịch COVID-19 và trong thời gian tới là “thích nghị với dịch bệnh” thì bắt buộc doanh nghiệp phải thay đổi nhận thức, chiến lược, giải pháp quản trị, điều hành, sản xuất, kinh doanh... Cần phải đổi mới, sáng tạo, ứng dụng công nghệ 4.0, chuyển đổi số vì lợi ích sống còn của Doanh nghiệp.
Theo tôi thì doanh nghiệp cần phải làm ngay là ứng dụng công nghệ online để đưa các dịch vụ đang cung ứng sản phẩm đến người tiêu dùng lên các sàn giao dịch thương mại điện tủ lớn đã có ở Việt Nam như: Lazada, Tiki, Shopee, Chodientu... và thế giới như Amazon, Ebay, Alibaba, Walmart… để giới thiệu về doanh nghiệp, sản phẩm đến tệp khách hàng lớn sẵn có của sàn giao dịch và bán được sản xuất.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp lớn cần xây dựng Website riêng để giới thiệu, kinh doanh online tích hợp với các ứng dụng công nghệ về quản trị, điều hành sản xuất, kinh doanh, tài chính, nhân sự… Các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ có thể sử dụng các mạng xã hội như Zalo shop, FB để giới thiệu và bán sản phẩm online.
Ngoài ra, hình thức kinh doanh online cần phải tích hợp với thanh toán không dùng tiền mặt, đơn vị vận chuyển, shipper để giao hàng. Đồng thời, tham gia vào Hệ sinh thái kết hợp cơ sở dữ liệu khách hàng để bán chéo sản phẩm.
Về phương thức chuyển đổi số thì Doanh nghiệp có thể tự triển khai nếu đủ nguồn lực, hoặc mời đơn vị tư vấn chuyên về chuyển đổi số, kết hợp với đơn vị cung ứng giải pháp ứng dụng để triển khai chuyển đổi số từng bước phù hợp. Đối với Doanh nghiệp lớn về sản xuất, phân phối hàng hóa nên xem xét chiến lược chuyển từ tập trung sang phi tập trung các mảng không nhất thiết phải tập trung để giảm thiểu rủi do đứt gẫy chuỗi cung ứng khi các địa phương bị phong tỏa do đại dịch.
PV: Là người đã từng làm Chủ tịch LienVietPostBank theo ông thì chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính ngân hàng đóng vai trò như thế nào trong việc chuyển đổi số doanh nghiệp nói riêng và xây dựng nền kinh tế số Việt Nam nói chung.
Theo nhận định của tôi thì doanh nghiệp Việt Nam đã có các điều kiện cơ bản về chuyển đổi số, trong đó các tổ chức tài chính, ngân hàng có điều kiện tốt nhất để đóng vai trò tiên phong chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ tài chính 4.0, xây dựng Ngân hàng số, kết hợp với các doanh nghiệp Fintech để triển khai các ứng dụng số và tạo dựng hệ sinh thái số.
Qua đó các tổ chức tài chính, ngân hàng tác động ngay và trực tiếp đến đến mọi lĩnh vực: quản lý nhà nước, dịch vụ công, tín dụng, thanh toán; thúc đẩy chuyển đổi số doanh nghiệp sản xuất, thương mại điện tử, chuỗi cung ứng, dịch vụ y tế, giáo dục, nông nghiệp công nghệ cao…Đồng thời chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng sẽ giải quyết mục tiêu tài chính tòan diện bền vững, thúc đây chuyển đổi số quốc gia, xây dựng nền kinh tế số.
Ký kết Hợp tác công nghệ giữ LienVietPostBank với Cty BC Card tại Seul - Hàn Quốc
PV: Được biết ông đang là Chủ tịch Câu lạc bộ các Quỹ Đầu tư Khởi nghiệp Công nghiệp số Việt Nam (VDI), Chủ tịch Câu lạc bộ Công nghệ Tài chính Việt Nam (Vina Fintech) và nhận vai trò Trưởng Ban cố vấn cho Làng Fintech Việt Nam, Làng Sinh viên và Tuổi trẻ khởi nghiệp Việt Nam trong chuỗi sự kiện TechFest 2021; ông đánh giá như thế nào về phong trào Khởi nghiệp sáng tạo của Việt nam?
CMCN 4.0 và chuyển đổi số đang tạo ra cơ hội đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo trong mọi lĩnh vực, tạo ra các doanh nghiệp trở thành “kỳ lân” trong lĩnh vực ứng dụng số, fintech trên thế giới như Facebook, Alibaba, Tiktok, Solana, Coinbase, AfterPay… và ở Việt Nam như VNPay, Lazada.. và mới đây Trò chơi AXE Infinity với đồng tiền số ASX đã do người Việt phát triển đạt vốn hóa 8,5 tỷ USD thị trường đang giao dịch (tính tổng số cả phần đồng ASX đang bị ‘khóa” thì tổng trị giá lên tới 28 tỷ USD).
Chính phủ Việt Nam đã và đang phát động phong trào quốc gia khởi nghiệp và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho giới trẻ Việt Nam; chuỗi sự kiện TechFest Việt nam 2021 do Bộ Khoa học Công nghệ chủ trì với chủ đề “Đổi mới sáng tạo - Kiến tạo tương lai” nhằm mục đích tìm kiếm tài năng khởi nghiệp sáng tạo và nuôi dưỡng, kiến tạo khởi nghiệp thành công, đồng hành với các chính sách khuyến kích, hỗ trợ khởi nghiệp của các địa phương, các trường Đại học, tổ chức xã hội nghề nghiệp và khát vọng vươn lên làm chủ công nghệ, khởi nghiệp sáng tạo để làm giàu, phát triển kinh tế nước nhà của tuổi trẻ Việt Nam đang tạo nên phong trào khởi nghiệp sáng tạo trong nhiều lĩnh vực và hứa hẹn nhiều dự án khởi nghiệp sẽ thành công.
Làm việc với SAP tại hội sở LienVietPostBank với cương vị là Chủ tịch HĐQT
PV: Vậy theo ông, cần chính sách, giải pháp gì để thúc đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số doanh nghiệp, quốc gia và hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo thành công?
Theo ý kiến đề xuất của tôi thì cần:
Chính phủ sớm ban hành khung pháp lý liên quan đến đổi mới, sáng tạo để kiến tạo, mở đường cho Doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và hạn chế được rủi ro về pháp lý.
Có các chính sách khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho Doanh nghiệp ứng dụng công nghệ mới và chuyển đổi số. Quan trọng nhất là cho ban hành pháp lý thử nghiệm sản phẩm mới, công nghệ mới (Sandbox).
Thúc đẩy, hỗ trợ để hình thành các Doanh nghiệp công nghệ lớn làm đầu tầu dẫn dắt chuyển đổi số cho cộng đồng doanh nghiệp và tạo dựng hệ sinh thái số.
Tuyên truyền để nâng cao nhận thức, hiểu biết của xã hội, công dân về ích lợi của chuyển đổi số và hưởng thụ công nghệ số.
Định chuẩn cơ bản (Flatform) xây dựng chính phủ số; chuyển đổi số cho Doanh nghiệp để hỗ trợ Doanh nghiệp thiết kiệm chi phí, giảm thiểu tủi ro về chuyển đổi số.
Đầu tư thỏa đáng của Chính phủ về xây dựng Hạ tầng công nghệ và CSDL quốc gia dùng chung (có phân quyền).
Cải cách, xã hội hóa giáo dục đào tạo để cung ứng nguồn nhân lực công nghệ cao cho chuyển đổi số.
Có các chính sách khuyến khích, hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo (Xây dựng các Trung tâm Khời nghiệp Quốc gia).
Cùng với đó là vai trò tư vấn, hỗ trợ của các Hiệp hội, Câu lạc bộ công nghệ, các Doanh nghiệp công nghệ cho Chính phủ, địa phương, doanh nghiệp chuyển đổi số.
Doanh nghiệp Việt Nam mà tiên phong là các định chế Tài chính, Ngân hàng có đủ điều kiện cơ bản để có thể thực hiện ngay chuyển đổi số và là nhân tố thúc đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số Doanh nghiệp, xây dựng Hệ sinh thái số, Khởi nghiệp sáng tạo và Chuyển đổi số Quốc gia. Điều kiện tiên quyết là Chính phủ kiến tạo và Doanh nghiệp, giới trẻ khởi nghiệp Việt Nam cần nhận thức được cơ hội của CMCN 4,0, của chuyển đổi số; khảng định ý chí, bản lĩnh, khát vọng vươn lên, dám nghĩ, dám làm quyết liệt để đi đến thành công, làm giàu cho mình, cho Doanh nghiệp, làm chủ công nghệ để xây dựng đất nước Việt Nam phát triển kinh tế, xã hội và giàu mạnh.
Xin chân thành cảm ơn ông !