29/03/2024 lúc 18:18 (GMT+7)
Breaking News

Cổ phiếu Đèo Cả (HHV) chuẩn bị giao dịch trên HoSE từ 20/1, giá chào sàn 25.660 đồng/cp

Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM (HoSE) vừa thông báo về việc niêm yết và ngày giao dịch đầu tiên của cổ phiếu. Theo đó toàn bộ 267.384.090 cổ phiếu HHV của CTCP Đầu tư hạ tầng Giao thông Đèo Cả sẽ được niêm yết và chính thức giao dịch trên HoSE từ 20/1/2022.

Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM (HoSE) vừa thông báo về việc niêm yết và ngày giao dịch đầu tiên của cổ phiếu. Theo đó toàn bộ 267.384.090 cổ phiếu HHV của CTCP Đầu tư hạ tầng Giao thông Đèo Cả sẽ được niêm yết và chính thức giao dịch trên HoSE từ 20/1/2022.

Cổ phiếu Đèo Cả (HHV) chuẩn bị giao dịch trên HoSE từ 20/1, giá chào sàn 25.660 đồng/cp

Trước đó, cổ phiếu HHV của Giao thông Đèo Cả được đăng ký giao dịch trên Upcom từ tháng 12/2015. Trong năm 2021 vừa qua, cổ phiếu HHV cũng có nhiều biến động, đã có nhiều lúc xuống sát vùng giá 14.000 đồng/cổ phiếu. Đến những ngày cuối năm 2021, cổ phiếu HHV đã được vực dậy khi vượt mức 27.000 đồng/cổ phiếu.

Cụ thể, HHV giao dịch phiên cuối cùng trên Upcom ngày 6/1/2022. Và cả 3 phiên giao dịch cuối cùng trên Upcom cổ phiếu HHV đều tăng, đóng cửa phiên ngày 6/1/2022 ở mức 28.000 đồng/cổ phiếu.

Nếu so với giá chào sàn HoSE là 25.660 đồng/cổ phiếu thì cổ đông Giao thông Đèo Cả đã "tạm thiệt hại" 2.340 đồng trên mỗi cổ phiếu sở hữu.

Đại diện Giao thông Đèo Cả cho biết việc chuyển sàn là bước đi chính thức nằm trong lộ trình gọi vốn ngoại của HHV. Trước đó, hàng loạt chuyển động tại HHV từ cổ đông lớn nội đã cho thấy sự chuẩn bị để đón tiếp vốn nước ngoài.

Đầu giờ chiều nay 14/01/2021, giá cổ phiếu HHV đang giao dịch ở ngưỡng 28 nghìn đồng/cp.

Về tình hình kinh doanh của Giao thông Đèo Cả, báo cáo tài chính quý III công ty này ghi nhận chi phí lãi vay chưa phân bổ của công ty là gần 3.000 tỷ đồng, vượt qua vốn góp thực tế của doanh nghiệp.

Theo đó, đầu tháng 11, Cục Tài chính Doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã có công văn số 2310/TCDN-VP gửi Công ty Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả về việc tháo gỡ những bất cập về phân bổ chi phí lãi vay của dự án BOT theo đề xuất của doanh nghiệp này.

Ngay sau đó Đèo Cả đã phát hành lại báo cáo tài chính năm 2020 và 6 tháng năm 2021 thay thế cho báo cáo trước đó và cập nhật nguyên tắc ghi nhận chi phí tài chính.

Cụ thể, đối với các dự án BOT, chi phí đi vay liên quan trực tiếp đến các khoản vay tài trợ vốn cho dự án BOT trong giai đoạn vận hành được phân bổ theo tỷ lệ giữa doanh thu thu phí phát sinh trong kỳ và doanh thu theo phương án tài chính của dự án BOT.

Giá trị chênh lệch giữa chi phí đi vay phát sinh và chi phí đi vay được phân bổ vào kết quả hoạt động trong kỳ sẽ được ghi nhận vào chi phí trả trước, giá trị này được phân bổ vào các kỳ tiếp theo.

Trên thực tế, trong các báo cáo tài chính cũ, Đèo Cả đã ghi nhận một phần chi phí lãi vay theo cách tương tự dựa theo nguyên tắc Phù hợp quy định trong Chuẩn mực kế toán Việt Nam. Do đó, việc công ty phát hành lại các báo cáo này không làm thay đổi lớn các số liệu tài chính đã công bố.

Tính đến hết quý 3/2021, Đèo Cả đang vay và nợ thuê tài chính dài hạn xấp xỉ 21.000 tỷ đồng. Phần lớn các khoản vay dài hạn là các hợp đồng tín dụng với Vietinbank để triển khai các dự án BOT.

Tuy nhiên, chi phí trả lãi vay của công ty ghi nhận trên báo cáo kết quả kinh doanh chỉ gần 400 tỷ đồng sau 9 tháng năm 2021. Tương tự, cả năm ngoái số lãi vay mà Đèo Cả ghi nhận trên báo cáo lãi lỗ là hơn 480 tỷ đồng.

Thực tế, dư nợ vay ngân hàng gần 1 tỷ USD khiến lãi vay của Đèo Cả phải trả hàng năm rất lớn và được ghi nhận chủ yếu vào khoản mục lãi vay chờ phần bổ. Cụ thể, đến cuối quý 3 của công ty ghi nhận chi phí lãi vay chờ phân bổ ngắn hạn là 263 tỷ đồng, và dài hạn là xấp xỉ 2.600 tỷ đồng. 

Số lãi vay chờ phân bổ này lớn hơn vốn điều lệ của doanh nghiệp tại ngày 30/9 là hơn 2.673 tỷ đồng. Nếu phải phân bổ toàn bộ chi phí lãi vay này như các doanh nghiệp thông thường, Đèo Cả sẽ bị giảm gần hết số vốn chủ sở hữu đang có.

Cũng do đặc thù của doanh nghiệp đầu tư cơ sở hạ tầng, Đèo Cả đang gặp khó khăn trong việc chuyển niêm yết cổ phiếu từ UPCom lên sàn HOSE. Hiện tỷ lệ ROE năm gần nhất của doanh nghiệp này chưa đạt 5% theo yêu cầu tiêu chi niêm yết của HOSE.

Điểm đáng chú ý là trong cơ cấu vốn chủ sở hữu của Đèo Cả hiện có 3.271 tỷ đồng (chiếm 43%) là nguồn kinh phí hình thành tài sản cố định. Đây được hiểu là nguồn vốn Nhà nước nằm trong các dự án BOT mà Đèo Cả đang thực hiện nhưng chưa hoàn thành quyết toán.

Là đơn vị hoạt động chính trong mảng hạ tầng, Đèo Cả triển khai hàng loạt các dự án hạ tầng giao thông đường bộ lớn và trọng điểm như chuỗi dự án hầm Đèo Cả, hầm Cổ Mã, hầm Cù Mông, hầm Hải Vân, hầm đường bộ Phước Tượng - Phú Gia, cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn…

Theo kế hoạch năm 2022, công ty dự kiến sẽ đầu tư vào các dự án cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo, cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận, cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh... cũng như một số dự án bất động sản khác thông qua đa dạng các hình thức như góp vốn đầu tư trực tiếp, hợp tác kinh doanh, chuyển nhượng cổ phần.... Tổng số vốn tham gia đầu tư dự kiến gần 4.000 tỷ đồng.

Đối tác hỗ trợ tài chính lớn nhất của Đèo Cả là Vietinbank. Từ năm 2013, Vietinbank đã song hành với các dự án do Tập đoàn Đèo Cả triển khai. Dự án đầu tư xây dựng hầm đường bộ Đèo Cả - Quốc lộ 1 tỉnh Phú Yên và tỉnh Khánh Hòa bao gồm hầm Đèo Cả, hầm Cổ Mã, hầm Cù Mông và hầm Hải Vân có tổng mức đầu tư 26.154 tỷ đồng đã được chủ đầu tư thế chấp tại Vietinbank để đảm bảo cho các khoản vay.

Vietinbank cũng là một trong 4 ngân hàng đã ký hợp đồng tín dụng cho Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, được thực hiện theo hình thức BOT với tổng mức đầu tư 9.668 tỷ đồng. Sau 10 năm triển khai chậm, Tập đoàn Đèo Cả đã được mời tham gia phát triển dự án này để đẩy nhanh tiến độ. Hiện ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả đảm nhận vị trí Chủ tịch HĐQT Công ty BOT Trung Lương - Mỹ Thuận.