Tại Đại hội XIII của Đảng, tổng kết nhiệm kỳ khóa XII và nhìn lại 35 năm đổi mới, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định “Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.

BITEXCO - Góp phần định vị Việt Nam trên bản đồ kiến trúc thế giới và 3 bí quyết thành công

Với việc thiết lập quan hệ ngoại giao với 192 quốc gia, xác lập khuôn khổ quan hệ ổn định, lâu dài với 30 đối tác chiến lược và toàn diện trên khắp thế giới, có quan hệ kinh tế - thương mại với hơn 230 quốc gia và vùng lãnh thổ, uy tín và vị thế của Việt Nam ngày càng đánh giá cao, được bạn bè quốc tế hoan nghênh, ủng hộ.

Nhân dịp ngày lễ trọng của nhân dân Việt Nam, Đại sứ, Trưởng đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam đã có những chia sẻ, chúc mừng những thành tựu mà Việt Nam đạt được, trong đó khẳng định, Việt Nam đã và đang là đối tác ngày càng quan trọng của cộng đồng quốc tế trong việc chung tay giải quyết những thách thức chung toàn cầu, đồng thời cam kết sẽ sát cánh, ủng hộ để xây dựng, phát triển một đất nước Việt Nam thịnh vượng, phát triển bền vững.

Việt Nam sẽ tiếp tục thể hiện vai trò dẫn dắt trong khu vực

Gửi những lời chúc mừng nồng nhiệt nhất tới các nhà lãnh đạo và toàn thể nhân dân Việt Nam nhân dịp Quốc khánh 2/9, Đại sứ Singapore tại Việt Nam Jaya Ratnam khẳng định: “Thế giới đánh giá cao Việt Nam vì các bạn có những nguyên tắc mạnh mẽ, có tinh thần trách nhiệm quốc tế cao cả; nhận được sự tin tưởng và ghi nhận của cộng đồng quốc tế”.

Theo Đại sứ Jaya Ratnam, vị thế của Việt Nam trên toàn cầu thể hiện qua những vị trí, vai trò đã, đang và sắp đảm nhận tại các diễn đàn khu vực và thế giới, đặc biệt tại Liên hợp quốc.

“Tất cả những điều này đều thể hiện sự tin tưởng và tôn trọng mà các nước dành cho Việt Nam. Và tôi rất tin tưởng rằng, Việt Nam sẽ tiếp tục đảm nhận thành công nhiều hơn nữa các vị trí lãnh đạo, thể hiện vai trò dẫn dắt trong khu vực và trên toàn thế giới”, Đại sứ nhấn mạnh.

Thế giới đang hướng tới Việt Nam

Đánh giá cao vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế không ngừng tăng lên, Đại sứ Canada tại Việt Nam Shawn Steil cho rằng, một phần đóng góp vào điều này chính là sự tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Việt Nam đang dẫn đầu khu vực, và có thể là thế giới về tốc độ phát triển kinh tế. Thế giới đang ngày hướng tới Việt Nam như là trung tâm sản xuất.

Đại sứ Shawn Steil tin tưởng, sớm thôi, Việt Nam sẽ không chỉ là nơi sản xuất mà sẽ còn là nơi ghi nhận những sáng tạo và đổi mới. Chúng ta sẽ không chỉ mua sản phẩm sản xuất ở Việt Nam mà sẽ là sản phẩm được sáng chế ở Việt Nam. Tương lai của Việt Nam rất tươi sáng, Canada nhận thấy Việt Nam đang ngày càng thể hiện vai trò lãnh đạo trong khu vực và trên toàn cầu. Và với một đối tác như Canada, những gì Việt Nam có thể làm là không có giới hạn.

Việt Nam có thể biến thách thức thành cơ hội

Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam Pauline Tamesis khẳng định với Việt Nam, Liên hợp quốc tin rằng thách thức có thể biến thành cơ hội để chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trở nên bền vững, toàn diện và kiên cường hơn, trong đó không ai bị bỏ lại phía sau.

Đánh giá cao những cam kết và hành động của Chính phủ Việt Nam trong việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG), bà Ramla Khalidi - Trưởng Đại diện Thường trú Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam cho rằng: Việt Nam đã có những cam kết để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

“Điều đó rất đáng hoan nghênh. Tôi nghĩ tất cả các nước trên thế giới đều đang đấu tranh để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. Các yếu tố như đại dịch COVID, xung đột ở Ukraine và một số cuộc khủng hoảng khác đều gia tăng thách thức trong việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng Việt Nam đã đạt được tiến bộ ấn tượng trong nhiều mục tiêu. Việt Nam đứng thứ 51 trên 165 quốc gia đạt chỉ số về Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Các bạn đã đạt được tiến bộ đáng kể ở 5 trong số 17 mục tiêu trong đó có giáo dục và giảm nghèo, nước sạch, v.v.”, bà Ramla Khalidi chia sẻ.

Theo Trưởng Đại diện Thường trú UNDP, Việt Nam là một hình mẫu về giảm nghèo nhất là trong một khoảng thời gian đặc biệt ngắn. “Tôi nghĩ rằng nhiều quốc gia sẽ nhìn vào Việt Nam để học hỏi những bài học đó. Xin chúc mừng các bạn và thực sự mong muốn UNDP tiếp tục hợp tác với Chính phủ Việt Nam trong việc giải quyết những thách thức còn lại của mục tiêu phát triển bền vững và những thách thức mới trong thế kỷ 21 này”, bà Ramla Khalidi cho biết.