27/04/2024 lúc 13:45 (GMT+7)
Breaking News

Phong trào thi đua ái quốc dưới góc nhìn của một nhà nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh

Nhân dịp 75 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948-11/6/2023), phóng viên TTXVN tại Hong Kong (Trung Quốc) đã có dịp trò chuyện với ông Lý Minh Hán - người có nhiều năm nghiên cứu về Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng thời là cố vấn cho bộ phim “Nguyễn Ái Quốc ở Hong Kong”, lắng nghe ông chia sẻ những cảm nghĩ của mình về phong trào thi đua ái quốc do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động.

Ông Lý Minh Hán, cố vấn bộ phim “Nguyễn Ái Quốc ở Hong Kong.” (Ảnh: Mạc Luyện/TTXVN)

Theo nhà nghiên cứu Lý Minh Hán, sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, chấm dứt ách đô hộ hơn 80 năm của thực dân Pháp, thực dân Pháp vẫn dã tâm dùng vũ lực hòng đặt lại ách thống trị trên đất nước Việt Nam một lần nữa. Trước vận mệnh đất nước trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc” vì thù trong, giặc ngoài, nạn đói, nạn dốt hoành hành khắp nơi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động phong trào thi đua ái quốc nhằm 4 mục đích: xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng; chống lại sự xâm lược của thực dân Pháp; bài trừ nội phản và cải thiện đời sống của nhân dân.

Nghiên cứu về Bác Hồ, ông Lý Minh Hán càng thấm nhuần những lời dạy sâu sắc của Người. Điều mà ông Lý Minh Hán ấn tượng sâu sắc nhất chính là hình ảnh, phong cách gần gũi, giản dị của Bác Hồ. Theo ông Lý Minh Hán, Bác Hồ là người phát động phong trào và cũng là người luôn gương mẫu thực hiện phong trào do mình đề ra. Cả cuộc đời của Bác Hồ luôn sống tiết kiệm, giản dị, dành tất cả những gì tốt nhất cho kháng chiến, cho nhân dân. Bác cũng đã tự đặt tên Nguyễn Ái Quốc cho mình khi tham gia vào Quốc tế cộng sản, cũng là một minh chứng đầy đủ thể hiện lòng yêu nước, thương nòi của Bác.

Ông Lý Minh Hán từng học tiếng Việt nên có điều kiện tìm hiểu qua những sách báo, tư liệu về Bác, về phong trào thi đua yêu nước mà Bác phát động, cả bằng tiếng Việt và tiếng Trung Quốc và qua những câu chuyện từ những bạn Trung Quốc đã có may mắn được gặp Bác. Theo đó, liên quan đến Phong trào thi đua yêu nước và lời kêu gọi thi đua ái quốc của Bác, có hai điều ông Lý Minh Hán tâm đắc và cảm động nhất. Đó là tên gọi Nguyễn Ái Quốc của Bác cũng gắn với phong trao này và nhất là sự gương mẫu, nêu gương trong thực hiện phong trào của Bác.

Về tên gọi Nguyễn Ái Quốc, ông Lý Minh Hán chia sẻ một câu chuyện rất ý nghĩa mà ông từng chứng kiến. Đó là khi quay bộ phim “Nguyễn Ái Quốc ở Hong Kong”, các thành viên đoàn làm phim ở Trung Quốc không hiểu về lịch sử của tên gọi trên, nên đã đề xuất ý kiến nên đặt tên bộ phim là “Hồ Chí Minh ở Hong Kong”, nhưng các nhà làm phim Việt Nam vẫn nhất quyết sử dụng tên phim “Nguyễn Ái Quốc ở Hong Kong” vì như vậy mới thể hiện đầy đủ ý nghĩa của bộ phim này. 

Còn những mẩu chuyện về sự gương mẫu thực hiện của Bác khi phát động phong trào thi đua yêu nước thì rất nhiều, nhưng ông Lý Minh Hán cảm động nhất chính là câu chuyện “hũ gạo kháng chiến”. Khi đó, Bác là người đứng đầu Chính phủ và tuổi bác cũng đã cao, nhưng cũng không đòi hỏi chế độ ưu đãi riêng mà thực hiện giống như mọi cán bộ, người dân bình thường khác là mỗi ngày nhịn ăn một bữa để tiết kiệm, để dành của cải vật chất phục vụ kháng chiến thắng lợi. Theo ông Lý Minh Hán, có lẽ không thể có một lãnh tụ nào trên thế giới được như Chủ tịch Hồ Chí Minh, khi là người phát động phong trào thi đua yêu nước rộng khắp và bản thân Người cũng luôn gương mẫu thực hiện. Đó có thể cũng là lý do vì sao phong trào này có có sức sống mạnh mẽ, trải qua 75 năm mà vẫn nguyên giá trị, ngày càng có sức lan tỏa mạnh mẽ.

Tuy Bác đã đi xa, nhưng những câu chuyện về Người mà ông tự tìm hiểu hay qua lời kể của bố vợ ông (cụ Phùng Hồng, đã mất) vẫn luôn in đậm trong ký ức của ông. Bố vợ ông trước đây là đầu bếp trong Đại sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội. Khi thăm Việt Nam vào tháng 5/1960, Thủ tướng Chu Ân Lai, vốn là một người bạn hoạt động cách mạng thân thiết của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mời Người đến Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam dự bữa cơm thân mật. Khi những người phục vụ bày các món ăn lên, vì chỉ có 2 người dùng cơm, nên Bác bảo chỉ cần ăn một phần, còn lại hay chia cho các gia đình nhân viên Đại sứ quán ăn để khỏi lãng phí. Một hành động tuy nhỏ, nhưng mang ý nghĩa thật lớn lao, thể hiện tinh thần tiết kiệm chống lãng phí trong hoàn cảnh điều kiện kinh tế cả ở Việt Nam và Trung Quốc khi đó đều còn khó khăn, đồng thời cũng thể hiện sự quan tâm của Bác đối với những người phục vụ nói riêng và người dân nói chung. 

Theo ông Lý Minh Hán, trên thế giới hiếm có một quốc gia nào có phong trào có sức sống bền bỉ, mạnh mẽ với ý nghĩa cao cả như vậy, cũng không một nguyên thủ nào phát động phong trào như vậy. Đây là một điều tuyệt vời của Việt Nam, của Chủ tịch Hồ Chí Minh và giống như tên gọi của Người là Nguyễn Ái Quốc. Ông Lý Minh Hán tin rằng phong trào thi đua yêu nước là tài sản vô giá mà Bác Hồ để lại cho đất nước và nhân dân Việt Nam, phong trào này sẽ tiếp tục được gìn giữ, phát huy và có sức lan tỏa mạnh mẽ tới các thế hệ sau. 

Năm 2000, ông Lý Minh Hán có vinh dự được mời làm cố vấn cho bộ phim “Nguyễn Ái Quốc ở Hong Kong”. Bộ phim đã nhận được sự đánh giá cao của Đảng và Chính phủ Việt Nam cũng như khán giả trong và ngoài nước. Ông cũng đã xuất bản cuốn “Giải mã về bí danh Hồ Chí Minh” được đông đảo bạn đọc trong và ngoài nước hoan nghênh.

Ông Lý Minh Hán tâm sự dù Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi xa, song không những nhân dân Việt Nam mà cả nhân dân thế giới, đặc biệt là nhân dân Trung Quốc, trong đó có gia đình ông đều vô cùng kính trọng Cụ Hồ và luôn ghi sâu trong lòng hình ảnh cao đẹp của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu./. 

theo TTXVN

...