10/05/2024 lúc 02:44 (GMT+7)
Breaking News

Tạo nguồn lực mới cho du lịch Lào Cai

Xuất phát từ nhu cầu tất yếu, đáp ứng cho sự lớn mạnh không ngừng của ngành du lịch địa phương, tại Kỳ họp thứ III, ngày 8/12/2021 Hội đồng nhân dân tỉnh Lào Cai khóa XVI đã quyết nghị thành lập Sở Du lịch trên cơ sở chia tách từ Sở Văn hóa, Thể Thao và Du lịch.

Việc thành lập Sở Du lịch Lào Cai được đánh giá là cần thiết, đảm bảo các điều kiện theo quy định; phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch của tỉnh; tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lào Cai lần thứ XVI (2020-2025) đã xác định phát triển du lịch là lĩnh vực đột phá.

Tạp chí Phansipăng vừa có cuộc phỏng vấn ông Hà Văn Thắng, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Du lịch Lào Cai về quy hoạch tổng thể hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh theo hướng phát huy lợi thế của từng địa phương, dần định hình thương hiệu du lịch của tỉnh với các sản phẩm du lịch đặc thù có giá trị tăng cao. Việt Nam hội nhập trân trọng gửi tới độc giả.

Ông Hà Văn Thắng, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Du lịch Lào Cai

Phóng viên (PV): Xin kính chào ông Hà Văn Thắng – Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Lào Cai. Trong không khí hân hoan mừng xuân Quý Mão 2023, du lịch Lào Cai đã và đang có những bước chuyển mình vượt bậc đáng tự hào. Ông có thể khái quát tình hình du lịch Lào Cai trong thời điểm hiện tại để độc giả có một cái nhìn tổng quan về du lịch tỉnh nhà?

Ông Hà Văn Thắng: Năm 2022 là một năm nỗ lực của ngành du lịch Lào Cai nhằm khắc phục những khó khăn kéo dài liên tiếp do dịch bệnh Covid cũng như các dịch bệnh khác. Một trong những điểm nhấn nổi bật phải kể đến đó là sự thành lập của Sở Du lịch tỉnh Lào Cai - ngày 15/4/2022 theo tinh thần Nghị quyết số 38/NQ-HĐND ngày 08/12/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh trên cơ sở chia tách từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai.

Sở Du lịch đã chủ động tham mưu cho Tỉnh Ủy, UBND tỉnh nhiều giải pháp hiệu quả, thiết thực để phục  hồi và phát triển du lịch Lào Cai và tăng cường công tác quản lý nhà nước về du lịch, tiêu biểu như: Chỉ thị số 13/CT-UBND ngày 07/9/2022 của UBND tỉnh về Một số nhiệm vụ giải pháp cấp bách nhằm nâng cao hình ảnh, chất lượng du lịch trên địa bàn tỉnh Lào Cai, Quyết định 2626/QĐ-UBND ngày 04/11/2022 của UBND tỉnh về ban hành khung chiến lược phát triển du lịch tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050,… Bên cạnh đó Sở đang tiếp tục tham mưu thực hiện các quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật, xây dựng (dự thảo) Quyết định của UBND tỉnh ban hành quy định một số nội dung về quản lý hoạt động du lịch, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Lào Cai (thay thế Quyết định số 23/2018/QĐ-UBND ngày 31/8/2018); Kế hoạch tổng thể tổ chức “120 năm Du lịch Sa Pa - 120 years Sa Pa Tourism”;…góp phần thúc đẩy các hoạt động du lịch Lào Cai phục hồi nhanh sau đại dịch Covid -19, đồng thời định hướng các chiến lược, tầm nhìn, giá trị cốt lõi để phát triển du lịch, tạo tiền đề thúc đẩy du lịch Lào Cai phát triển bền vững với mục tiêu xây dựng ngành du lịch Lào Cai “Xanh” và “Thông minh”.

Lào Cai đã thành công trong việc xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng mang thương hiệu của địa phương như: Festival Tinh hoa Tây Bắc với chủ đề “Kết nối khát vọng xanh”; Sản phẩm du lịch “Sa Pa lặng lẽ yêu - The Mong Show”; sản phẩm du lịch thể thao mới Giải “Triathlon 2022” tại Bắc Hà Tái hiện Chợ tình Sa Pa; Festival Cao nguyên trắng Bắc Hà năm 2022; Lễ hội Tình yêu và Hoa hồng năm 2022 tại Dinh Hoàng A Tưởng (huyện Bắc Hà); Sa Pa Thổ cẩm và Hoa năm 2022; 08 sản phẩm du lịch thể thao kết hợp nhiều loại phương tiện như: đi bộ, xe đạp, ô tô, cano, kayak, chạy bộ, cưỡi ngựa tại Bắc Hà; Chương trình nghệ thuật khai mạc Festival cao nguyên trắng Bắc Hà, chủ đề “Nghiêng say mùa đông”,… đưa vào hoạt động thử nghiệm 02 sản phẩm tour thể thao mạo hiểm trượt thác nước: Love canyoning và Wild Canyoning tại Vườn Quốc gia Hoàng Liên (Sa Pa) được du khách đón nhận và đánh giá cao. Với các hoạt động nổi bật, đã đưa Lào Cai trở thành điểm đến ưa thích của du khách, góp phần thu hút lượng lớn khách du lịch đến với Lào Cai.

Ước thực hiện hết năm 2022 tổng lượng khách đến Lào Cai đạt khoảng 4.477.000 lượt khách (trong đó: khách quốc tế 109.000 lượt, khách nội địa 4.368.000 lượt), gần bằng 12% so với kế hoạch năm, tăng gần 220% so với năm 2021. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt khoảng 15.840 tỷ đồng, gần bằng 105% so với kế hoạch năm, tăng 258% so với năm 2021.

Thực cảnh " Sa Pa lặng lẽ yêu" (12/2022) - Điểm nhấn du lịch tại Sa Pa

PV: Ông có thể cho biết những thuận lợi, cũng như khó khăn, thách thức của du lịch Lào Cai trong tình hình mới, nhất là khi đất nước đã mở cửa lại gần 1 năm sau dịch bệnh Covid 19?

Ông Hà Văn Thắng: Mặc dù dịch bệnh kéo dài và ảnh hưởng toàn diện đến ngành du lịch khiến cho một số địa phương phải đóng cửa đối với ngành du lịch nhưng tỉnh Lào Cai luôn tự hào là địa phương luôn mở cửa chào đón khách du lịch. Du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp, tái khởi động ngành du lịchViệt Nam trong trong bối cảnh mới mang lại cho du lịch Lào Cai những thuận lợi như: (1) Tăng lượng khách du lịch nhất là khách du lịch quốc tế đến Lào Cai; (2) Giải quyết được phần nào những khó khăn cho doanh nghiệp kinh doanh các dịch vụ du lịch do thiếu hụt khách tiêu thụ các sản phẩm du lịch; (3) Thúc đẩy thị trường lao động, các ngành kinh tế khác cùng phát triển như ngành dịch vụ vận tải, thương mại, nông nghiệp, … tạo thành chuỗi liên kết trong việc cung ứng các sản phẩm du lịch; (4) Tạo cơ hội mới trong việc thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đến khảo sát và đầu tư tại tỉnh Lào Cai;…

Bên cạnh những thuận lợi cũng đưa đến cho ngành du lịch những khó khăn, thách thức như:

(1) Khó khăn trong việc đầu tư, nâng cao chất lượng dịch vụ sau thời gian dài trầm lắng vì thiếu hụt khách du lịch; Khó khăn trong việc tuyển dụng, bổ sung và nâng cao chất lượng nguồn lao động du lịch do lực lượng lao động của ngành đã luân chuyển sang lĩnh vực khác do dịch bệnh kéo dài.

(2) Thách thức trong việc nắm bắt xu hướng du lịch từ đó tạo ra những sản phẩm du lịch phù hợp đáp ứng thị hiếu của khách bám sát mục tiêu du lịch bền vững, du lịch xanh và thông minh; Thách thức trong việc duy trì các biện pháp, giải pháp đảm bảo an toàn cho cả khách du lịch và các đơn vị cung ứng dịch vụ du lịch, người dân; Thách thức trong giải pháp quản lý ứng phó rủi ro để linh hoạt, chủ động và có biện pháp dự phòng khi có những tình huống phát sinh xảy ra; Thách thức trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh đối với các tỉnh thành trong cả nước và thế giới; Thách thức trong đổi mới phương thức quảng bá xúc tiến hấp dẫn để thu hút khách du lịch.

Những khó khăn, thách thức đối với ngành du lịch là rất nhiều, tuy nhiên chúng tôi cũng hi vọng những khó khăn, thách thức sẽ là động lực để ngành du lịch cải thiện và phát triển, nâng cao hình ảnh, thương hiệu du lịch Lào Cai trên bản đồ du lịch Việt Nam và thế giới.

Khu nghỉ dưỡng sinh thái Topas Ecolodge (Thị xã SaPa)

PV: Được biết xu hướng và cũng là nhiệm vụ của phát triển du lịch hiện nay là “Phát triển du lịch bền vững”, ông vui lòng cung cấp những minh chứng cho thấy Lào Cai hiện nay đang phát triển du lịch bền vững, gắn liền với du lịch văn hoá, cộng đồng?

Ông Hà Văn Thắng: Luật Du lịch 2017 giải thích “Phát triển du lịch bền vững là sự phát triển du lịch đáp ứng đồng thời các yêu cầu về phát triển kinh tế - xã hội và môi trường, bảo đảm hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia hoạt động du lịch, không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu về du lịch trong tương lai”.

Bám sát những tiêu chí đó trong thời gian qua du lịch Lào Cai đã cụ thể hóa thành những hành động thiết thực như:

  1. Xây dựng, ban hành chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển du lịch cộng đồng, gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống. Đối với tỉnh Lào Cai, ngoài việc thực hiện các chính sách chung do Trung ương ban hành, HĐND tỉnh Lào Cai đã ban hành Nghị quyết số 06/NQ- HĐND ngày 09/04/2021 quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2021 – 2025 để hỗ trợ người dân nhất là phụ nữ, vùng đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi với lãi suất thấp dành cho hộ cận nghèo (0,66%/tháng) (hàng năm tỉnh Lào Cai dành tối thiểu 11 tỷ để hỗ trợ thực hiện chính sách này), đồng thời tỉnh Lào Cai cũng đã công nhận 16 điểm du lịch cộng đồng trên địa bàn Sa Pa, Mường Khương, Si Ma Cai, Bắc Hà và Bát Xát.
  2. Ban hành Chỉ thị số 13/CT-UBND ngày 07/9/2022 của UBND tỉnh về Một số nhiệm vụ giải pháp cấp bách nhằm nâng cao hình ảnh, chất lượng du lịch trên địa bàn tỉnh Lào Cai, Quyết định 2626/QĐ-UBND ngày 04/11/2022 của UBND tỉnh về ban hành khung chiến lược phát triển du lịch tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050… làm định hướng phát triển du lịch theo đúng lộ trình và nguyên tắc, phấn đấu đến năm 2050 Lào Cai trở thành điểm đến du lịch thiên nhiên, thể thao mạo hiểm “xanh” và “thông minh” hàng đầu Việt Nam và khu vực gắn với bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc.
  3. Bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch, coi đó là hướng đi bền vững giúp người dân không chỉ giữ được bản sắc riêng của dân tộc mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Phát huy vai trò của chính quyền và người dân địa phương, trong đó phát huy vai trò cá nhân có ảnh hưởng và uy tín trong cộng đồng. Du khách đến với không chỉ được nhìn, được nghe mà còn được trải nghiệm và hòa mình với cuộc sống mang đậm bản sắc văn hóa lâu đời của cộng đồng các dân tộc.
  4. Xây dựng kế hoạch tổng thể về phát triển du lịch cộng đồng, sinh thái và nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh và các dự án chi tiết tại mỗi điểm du lịch cộng đồng trên cơ sở tiềm năng thế mạnh của các mỗi địa phương và dân tộc.

- Thời gian tới, tỉnh Lào Cai dự kiến hình thành 5 điểm du lịch cộng đồng theo tiêu chuẩn ASEAN gắn với đặc trưng 05 dân tộc thiểu số trên địa bàn thị xã gồm: Mường Hoa gắn với văn hóa dân tộc Mông, Bản Hồ gắn với văn hóa dân tộc Tày, Tả Phìn gắn với văn hóa dân tộc Dao, Liên Minh gắn với văn hóa dân tộc Phù Lá (nhóm ngành Xá Phó), Tả Van gắn với văn hóa dân tộc Giáy.

- Định hướng xây dựng du lịch cộng đồng theo tiêu chuẩn ASEAN: Lào Cai hiện có 2 nhóm cơ sở lưu trú tại gia của đồng bào dân tộc Giáy tại xã Tả Van (Sa Pa) và dân tộc Tày tại Tà Chải (Bắc Hà) được Hiệp hội du lịch các quốc gia ASEAN công nhận đạt chuẩn Homestay ASEAN. Trong năm 2022, Sở Du lịch đã có văn bản số 420/SDL-QLDL ngày 20/9/2022 về xây dựng hồ sơ đăng ký nhận giải thưởng homestay ASEAN 2023 và 412/SDL-QLDL ngày 19/9/2022 về xây dựng hồ sơ đăng ký nhận giải thưởng Spa ASEAN 2023 gửi các cơ sở kinh doanh trên địa bàn tỉnh;  sau khi rà soát, đối chiếu, đánh giá sự đáp ưngs các tiêu chí của các giải thưởng ASEAN 2023 trên địa bàn tỉnh Lào Cai, Sở Du lịch đã đề xuất 03 đơn vị nhận giải thưởng ASEAN với các hạng mục homestay ASEAN và Dịch vụ Spa ASEAN đối với các đơn vị: Cụm homestay xã Nghĩa Đô, Chez Pa Homestay Bắc Hà và dịch vụ Spa khách sạn Silkpath Sa Pa.

  1. Ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số tạo điều kiện thuân lợi để du khách tiếp cận, lựa chọn điểm đến, dịch vụ du lịch theo nhu cầu của mình.
  2. Trú trọng đào tạo nhân lực du lịch địa phương: Năm 2022, các cơ sở đào tạo trên địa bàn toàn tỉnh đã đào tạo được 459 lượt học sinh sinh viên tốt nghiệp lĩnh vực du lịch, trong đó: Đại học: 49 sinh viên; Cao đẳng 60 sinh viên, Trung cấp 200 sinh viên, Sơ cấp 150 học sinh, sinh viên. Sở Du lịch đã phối hợp với: Vụ Pháp chế Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch; Trường Cao Đẳng Lào Cai tổ chức 03 hội nghị (lớp) đào tạo, bồi dưỡng cho hơn 350 doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hướng dẫn viên về các nội dung như Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch; bồi dưỡng kỹ năng phục vụ khách du lịch; bồi dưỡng định kỳ cho Hướng dẫn viên quốc tế và nội địa,…

Những kết quả này góp phần tích cực vào việc nâng cao chất lượng nhân lực, dịch vụ các sản phẩm du lịch đóng góp chung vào mục tiêu phát triển du lịch bền vững.

Lễ hội hoa hồng 2022 tại SaPa

PV: Ông vui lòng cho biết định hướng phát triển du lịch Lào Cai trong thời gian tới để độc giả có hướng tiếp cận dễ dàng, đồng thời có những động thái tích cực để ủng hộ du lịch tỉnh nhà?

Ông Hà Văn Thắng: Về định hướng phát triển du lịch Lào Cai trong thời gian tới: ngày 04/11/2022 Sở Du lịch đã tham mưu UBND tỉnh Lào Cai ban hành Quyết định số 2662/QĐ-UBND ban hành Khung Chiến lược phát triển du lịch tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; trong đó đã xác định Tầm nhìn (“Khát vọng” phát triển) du lịch Lào Cai: “Đến năm 2050 Lào Cai trở thành điểm đến du lịch thiên nhiên, thể thao mạo hiểm “xanh” và “thông minh” hàng đầu Việt Nam và khu vực gắn với bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số vùng núi, nơi du khách sẽ có được những trải nghiệm khác biệt và đích thực vượt cả sự mong đợi với những cảm xúc đặc biệt trên mỗi hành trình”. Những giá trị cốt lõi của “Tầm nhìn” này sẽ bao gồm:

- Điểm đến hàng đầu: trở thành điểm đến du lịch chất lượng cao, đặc biệt là du lịch trải nghiệm thiên nhiên, thể thao mạo hiểm, nghỉ dưỡng và du lịch văn hóa dân tộc vùng núi hàng đầu (trong tâm trí du khách) khi du khách có kế hoạch lựa chọn một quốc gia ở khu vực Đông Nam Á hoặc Châu Á để đi du lịch.

- Điểm đến du lịch xanh và thông minh: phát triển du lịch trên nguyên tắc du lịch xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu và ứng dụng công nghệ tương tác qua các ứng dụng thông minh lấy con người là trung tâm.

- Trải nghiệm đích thực về thiên nhiên, văn hóa và con người: dựa trên những dịch vụ đạt tiêu chuẩn quốc tế trong một môi trường thiên nhiên trong lành, an ninh và an toàn được đảm bảo tuyệt đối để mang đến cho du khách cảm giác được tự do, được sống hòa mình, “tìm thấy chính mình” trong thiên nhiên, văn hóa cộng đồng địa phương để khám phá và tận hưởng những giá trị đích thực trong một chuyến đi.  

- Phát triển bền vững và công bằng xã hội: phát triển du lịch trên nguyên tắc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa và bản sắc dân tộc; phát huy tối đa sự tham gia và đảm bảo hưởng lợi công bằng cho phụ nữ và người dân tộc thiểu số trong các hoạt động phát triển du lịch tại tỉnh Lào Cai.

Tầm nhìn và sứ mệnh của du lịch Lào Cai đã được cụ thể hóa trong các nhiệm vụ triển khai nhằm kiên định với các mục tiêu, hướng đến đích đến cuối cùng là phát triển bền vững như:

- Tập trung xây dựng hệ thống sản phẩm du lịch giàu bản sắc, hấp dẫn và chất lượng cao trên cơ sở phát huy giá trị tài nguyên du lịch độc đáo, đặc sắc, có thế mạnh nổi trội;

- Phát triển thương hiệu, chú trọng giá trị di sản văn hoá: phát triển một số thương hiệu du lịch nổi bật quốc gia trong khu vực và trên thế giới, hướng tới việc tạo dựng thương hiệu du lịch Lào Cai.

- Đẩy mạnh và chuyên nghiệp hóa hoạt động xúc tiến quảng bá nhằm vào thị trường mục tiêu theo hướng lấy điểm đến, sản phẩm du lịch và thương hiệu du lịch làm đối tượng cho hoạt động xúc tiến trọng tâm.

- Xây dựng lực lượng lao động ngành du lịch đáp ứng yêu cầu về chất lượng, hợp lý về cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo để đảm bảo tính chuyên nghiệp, đủ sức cạnh tranh và hội nhập vùng, quốc gia và khu vực, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, đáp ứng nhu cầu xã hội

- Đầu tư nâng cao năng lực và chất lượng cung ứng du lịch, tăng cường đầu tư cho kết cấu hạ tầng, xúc tiến quảng bá và xây dựng thương hiệu du lịch.

- Ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ đặc biệt là công nghệ thông tin để nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, xây dựng điểm đến thông minh và nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu điểm đến du lịch Lào Cai.

- Tạo cơ hội cho phụ phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ dân tộc thiểu số được tham gia đầy đủ vào hoạt động phát triển du lịch theo khả năng của mình, góp phần nâng cao năng lực nguồn nhân lực du lịch của tỉnh Lào Cai đồng thời qua đó nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc ở vùng sâu, vùng xa nơi có tiềm năng du lịch.

- Định hướng và tổ chức phát triển du lịch trên ba vùng trọng điểm phát triển du lịch phù hợp với đặc điểm tài nguyên du lịch gắn với các định hướng lãnh thổ về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, hành lang kinh tế Vân Nam - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; định hướng lãnh thổ về bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá, phân vùng địa lý, khí hậu. Xác định các địa bàn trọng điểm du lịch tạo thành các cụm liên kết phát triển mạnh về du lịch. Phát triển một số loại hình du lịch chuyên đề gắn với vùng ưu tiên.

Thùy Dương (thực hiện)

...