28/04/2024 lúc 12:50 (GMT+7)
Breaking News

Hội họa tôn vinh di sản

Thưởng lãm những tác phẩm trong Triển lãm “Di sản văn hóa Việt Nam qua hội họa” tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, công chúng yêu nghệ thuật đã có trải nghiệm được đằm mình vào vùng đất của nghệ thuật Việt.

Với 100 bức tranh xuất sắc nhất của các họa sĩ được chọn lọc trưng bày từ 839 tác phẩm dự thi, triển lãm giúp công chúng nhìn thấy và hiểu thêm những giá trị tinh hoa qua các di sản thiên nhiên, kiến trúc, vật thể lẫn phi vật thể độc đáo, đa dạng, trải dài khắp mọi miền Tổ quốc.

Qua lăng kính vẻ đẹp hội họa từ di sản văn hóa vật thể, người xem thấy được sự hùng vĩ của rừng quốc gia Cúc Phương cho đến những vùng đất lịch sử như Thành cổ Sơn Tây (Hà Nội), đền Vua Đinh (Ninh Bình), lăng Vua Minh Mạng (Huế), Thánh địa Mỹ Sơn (Quảng Nam), Tháp Bà Ponagar (Nha Trang)... Bên cạnh đó là những tác phẩm về phong tục, tập quán, lễ hội khiến người xem thích thú khi được hòa mình vào các làn điệu hát xoan, hát then, ca trù, đờn ca tài tử, hò khoan Lệ Thủy...

PGS, TS Đỗ Văn Trụ, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam nhận định, Cuộc thi và triển lãm tranh “Di sản văn hóa Việt Nam qua hội họa” lần thứ I thành công tốt đẹp về nhiều mặt, vượt dự kiến ban đầu về số lượng tác phẩm dự thi. Hầu hết các tác phẩm đi sâu khai thác những nét hay, nét đẹp trong kho tàng di sản văn hóa của đất nước. Bên cạnh sự phong phú về nội dung đề tài, triển lãm cho thấy sự đa dạng trong phong cách thể hiện với nhiều chất liệu như: Sơn dầu, sơn mài, acrylic, in khắc gỗ, lụa, đồ họa, chất liệu tổng hợp, trong đó acrylic vẫn sung sức nhất với số lượng lên đến 319 tác phẩm dự thi.

Tác giả Lại Lâm Tùng, đoạt giải xuất sắc với tác phẩm “Lễ hội Khmer ở Cà Mau”, cho biết anh có ý tưởng vẽ bức tranh từ 10 năm trước và tập trung hoàn thiện trong vòng 8 tháng. Anh Tùng chia sẻ: “Ấn tượng nhất của tôi tại triển lãm là việc giới họa sĩ nước ta ngày càng chú trọng đề tài di sản văn hóa Việt Nam. Từ đó đặt ra trách nhiệm cho thế hệ trẻ hôm nay trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Việt Nam”.

Đến với “Nghìn xưa lưu dấu” của họa sĩ Lê Thị Thanh, tác giả đã làm nổi bật các hình ảnh tượng và phù điêu tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám như rồng đá, tượng đá cổng Thái Học, bút lông bằng đá... được in rập và khắc cao su, cùng nghệ thuật in độc bản thủy ấn gợi cảm giác về sự huyền bí. Bằng kỹ thuật in lưới, họa sĩ Lê Thị Thanh khéo léo và tỉ mẩn trong việc tạo ra các quầng sáng đậm nhạt tựa ánh hào quang, xuất phát từ trọng tâm tác phẩm là hình tượng Khuê Văn Các, biểu tượng cho văn chương và trí tuệ.

Tác phẩm “Tiên nữ, cánh diều và mái đình” của họa sĩ Phạm Hùng Anh hướng về chủ đề di sản kiến trúc đình làng ở vùng Bắc Bộ. Tác giả tập trung thể hiện hình tượng tiên nữ thông qua 22 bản in được khắc bằng cao su. Đặc biệt, mỗi bản in được cho vào hộp tái chế, tạo thành một bức tranh lấp lánh dưới ánh sáng của đèn LED 3V. Sự sáng tạo nằm ở chỗ tác phẩm không chỉ gây ấn tượng về thị giác, mà còn bởi kết cấu linh hoạt. Khi người xem chạm tay xoay nhẹ hộp chứa bản in, màu sắc và hình ảnh lần lượt thay đổi.

Qua Cuộc thi và triển lãm tranh “Di sản văn hóa Việt Nam qua hội họa”, họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam khẳng định: “Nghệ sĩ trẻ đang có hướng đi mới trong hội họa, tuy nhiên điều này đến từ sự thừa hưởng, phát triển từ các thế hệ trước. Điều cốt yếu là thế hệ trẻ của nền mỹ thuật đương đại Việt Nam phải tự tin nghĩ khác, làm một câu chuyện khác, không được núp bóng người đi trước. Vẽ được là cái duyên, sự mách bảo của tiền nhân, nhưng muốn vẽ khác thì nền tảng văn hóa phải vững ngay từ thời điểm trên ghế nhà trường”.