20/05/2024 lúc 16:29 (GMT+7)
Breaking News

Đề Ngữ văn năm 2022 vừa sức và đảm bảo sự phân hoá

Đề thi môn Ngữ Văn trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 có cấu trúc quen thuộc, ổn định; nội dung bám sát chương trình tinh giản của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đảm bảo sự phân hoá.
Nguồn: Bộ GD&ĐT
  1. Cấu trúc: quen thuộc, ổn định

Phần Đọc hiểu (3 điểm) gồm 4 câu hỏi được thiết kế theo mức độ: Nhận biết (câu 1, 2), Thông hiểu (câu 3) và Vận dụng (câu 4).

Phần Làm văn Làm văn (7 điểm) gồm 2 câu: Nghị luận xã hội (NLXH) (2 điểm) và Nghị luận văn học (NLVH) (5 điểm).

Cấu trúc đề quen thuộc trong những năm gần đây, không có bất ngờ gì đối với học sinh (gần nhất, chúng ta có thể so sánh với đề thi chính thức và đề thi minh hoạ của năm 2019, 2020, 2021).

Đề thi chính thức môn Ngữ văn năm 2022 (Nguồn: Internet).
  1. Nội dung: bám sát chương trình tinh giản của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đảm bảo sự phân hoá

- 4 câu hỏi ở phần Đọc hiểu xoay quanh những kiến thức cơ bản như xác định thể thơ, chỉ ra tính từ (xác định từ loại), nêu tác dụng của biện pháp tu từ, nhận xét về nội dung của đoạn trích.

+ Câu 1, 2 ở mức độ nhận biết, có thể trả lời dễ dàng và lấy trọn điểm.

+ Câu 3 ở mức độ nhận biết, đã chỉ rõ biện pháp tu từ so sánh, chỉ yêu cầu học sinh nêu tác dụng (gắn với hiểu nội dung 4 dòng thơ – khá dễ cảm nhận).

+ Câu 4 ở mức độ vận dụng đòi hỏi khả năng hiểu, cảm và khái quát của học sinh. Câu này thể hiện sự phân hoá khá rõ khi yêu cầu học sinh “nhận xét những suy ngẫm của tác giả về ý nghĩa sự hi sinh của tuổi trẻ trong đoạn trích”, nghĩa là học sinh cần phải hiểu và cảm được nội dung, biết cách diễn đạt, liên hệ… tuỳ thuộc mức độ học sinh Giỏi, Khá, Trung bình… mà có thể có những cách diễn đạt ở mức độ sâu sắc hoặc chỉ đảm bảo, thậm chí có thể hời hợt…

- Câu NLXH yêu cầu học sinh “trình bày suy nghĩ về trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc tiếp bước các thế hệ đi trước”. Đây là vấn đề quen nhưng không cũ, luôn có ý nghĩa xã hội, ý nghĩa thời sự và luôn có “đất diễn” cho học sinh, nghĩa là cũng đảm bảo tính phân hoá, chẳng hạn thông qua cách liên hệ, kết nối giữa thế hệ trẻ hôm nay với thế hệ cha ông đi trước; cách phản biện vấn đề; cách liên hệ với bản thân; cách lựa chọn ví dụ minh hoa… đều có thể là những tiêu chí để đánh giá phẩm chất và năng lực học sinh.

- Câu NLVH có thể phân tách thành 2 vấn đề:

+ Vấn đề thứ nhất: phân tích một đoạn trích trong “Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu. Đây là nội dung cơ bản, trọng tâm của tác phẩm (dĩ nhiên vẫn có tính phân hoá khi soi chiếu vào các yêu cầu về nội dung, nghệ thuật).

+ Vấn đề thứ hai: “liên hệ hình ảnh chiếc thuyền trong đoạn trích với hình ảnh chiếc thuyền đang chống chọi với sóng gió giữa phá để rút ra thông điệp về mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc sống”. Đây là nội dung mở rộng, chuyên sâu, đòi hỏi thêm kiến thức về lí luận văn học. Như vậy, nó thể hiện rõ tính phân hoá. Học sinh lại có “đất diễn”, đặc biệt là với học sinh Khá, Giỏi.

  1. Ngữ liệu: đảm bảo nhiều tiêu chí

Cả ngữ liệu phần Đọc hiểu và phần Làm văn (câu 2) đều đảm bảo về dung lượng và nội dung. Đáng nói, đoạn thơ trích trong “Con đường của những vì sao” của Nguyễn Trọng Tạo đảm bảo nhiều tiêu chí như nội dung giàu ý nghĩa, phù hợp và vừa sức với lứa tuổi học sinh; ngôn từ đẹp, dễ cảm nhận… vấn đề “trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc tiếp bước các thế hệ đi trước” không đánh đố và tạo sự kết nối khá dễ chịu cho học sinh khi vừa đọc và làm xong phần Đọc hiểu để tiếp tục đi đến phần Làm văn.

Có thể có nhiều ý kiến khen – chê, nhận xét về độ khó – dễ… khác nhau nhưng khi đặt trong hoàn cảnh năm học 2021 – 2022 bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 kéo dài (hơn nửa năm học) kết hợp với những yêu cầu nhất định của một đề thi THPT thì mức độ đề như vậy là vừa sức và phù hợp với đại đa số học sinh, đồng thời vẫn đảm bảo sự phân hoá./.

ThS-NCS. Nguyễn Đình Việt