01/05/2024 lúc 04:17 (GMT+7)
Breaking News

Để Du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Du lịch đang hướng tới để thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần quan trọng tạo việc làm, xóa đói, giảm nghèo, thu hút đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống, lịch sử, văn hóa của dân tộc, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu ấy, ngành Du lịch còn nhiều việc phải làm và phối hợp để thực hiện…

Thời gian qua, tình hình thế giới diễn biến nhanh, khó khăn, thách thức bất thường, phức tạp hơn nhiều so với dự báo. Trong nước, quy mô nền kinh tế còn khiêm tốn, nội lực chưa lớn, sức chống chịu, khả năng thích ứng còn hạn chế và với độ mở nền kinh tế lớn nên chịu tác động nhiều bởi diễn biến tình hình thế giới. Trong bối cảnh đó, du lịch Việt Nam vẫn nỗ lực để phục hồi và phát triển. Đến hết tháng 10/2023, tổng lượng khách du lịch quốc tế đạt khoảng 10 triệu lượt, khách nội địa đạt 99 triệu lượt. 

 

Cần sự vào cuộc mạnh mẽ của các bộ, ngành, địa phương và người dân

Mặc dù cố gắng như vậy, nhưng hoạt động du lịch vẫn còn nhiều khó khăn, phải đối mặt với nhiều thách thức, nhất là việc đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường trong nước, sự cạnh tranh của các nước trong khu vực, quốc tế. Lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam phục hồi tương đối chậm, chưa đáp ứng kỳ vọng của các đồng chí lãnh đạo, của ngành, của cộng đồng doanh nghiệp… 

Trong bối cảnh chung ấy, ngày 15/11/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến "Phát triển du lịch Việt Nam nhanh, bền vững'', nhằm tạo đà cho những kết quả tốt hơn trong năm 2024 và thời gian tiếp theo. Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng: Ngành Du lịch phải lưu ý phát triển với tinh thần: “Sản phẩm đặc sắc, dịch vụ chuyên nghiệp, thủ tục nhanh gọn, giá cả cạnh tranh, môi trường sạch đẹp, điểm đến an toàn và thân thiện”. Ngoài ra, các địa phương, đơn vị tập trung vào hoạt động liên kết chặt chẽ; phát huy vai trò đầu tàu dẫn dắt các trung tâm du lịch lớn như: Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Quảng Ninh…; hình thành các liên kết vùng để tạo những trục du lịch “một cung đường nhiều điểm đến… Để du lịch phát triển, ngoài sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương còn cần sự vào cuộc của người dân với tinh thần "mỗi người dân là một đại sứ du lịch””… Đó cũng chính là những giải pháp cơ bản ngành Du lịch phải thực hiện để có thể phát triển nhanh, bền vững và thực hiện được mục tiêu tổng quát: Đến năm 2025, Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn, có năng lực phát triển cao trên toàn cầu; Năm 2030, du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển xanh, trở thành điểm đến có năng lực phát triển hàng đầu.

Mục tiêu và giải pháp

Để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, hoàn thành mục tiêu đến năm 2025 đón ít nhất 35 triệu lượt khách quốc tế và 120 triệu lượt khách nội địa; đến năm 2030 đón 50 triệu lượt khách quốc tế, 160 triệu lượt khách nội địa, ngành du lịch cần thực sự đổi mới tư duy, cách làm với các biện pháp sáng tạo, đột phá, đồng bộ, hiệu quả; thực hiện liên kết chặt chẽ, phối hợp nhịp nhàng, hợp tác toàn diện. 

Một câu hỏi đặt ra là: Vì sao chúng ta vẫn chưa thu hút được nhiều khách du lịch quốc tế đến với Việt Nam? 

Có nhiều nguyên nhân, nhưng trước hết là do công tác xúc tiến du lịch của ta triển khai còn chậm và chưa mang lại hiệu quả. Các địa phương hầu như chủ yếu tập trung cho việc tổ chức các hoạt động bề nổi ở trong nước như lễ hội, các sự kiện văn hóa, kinh tế gắn với du lịch. Trong khi khách du lịch lại ít quan tâm đến các lễ hội được khai mạc hoành tráng, các cuộc biểu diễn văn nghệ không chuyên mang đậm tính quần chúng... mà họ thường quan tâm nhiều hơn đến bản sắc văn hóa truyền thống. Mặt khác, sau đại dịch Covid-19, du lịch được mở cửa từng bước, vẫn chưa lấy lại ngay được tốc độ tăng trưởng như trước đại dịch; Công tác kết nối, khai thác các thị trường mới, thị trường tiềm năng còn chậm, gặp nhiều khó khăn; nặng về xu hướng lựa chọn các điểm đến gần thay vì lựa chọn điểm đến có khoảng cách xa của một số thị trường trọng điểm của Việt Nam; Các đường bay quốc tế cũng chậm kết nối, chậm khôi phục tần suất như trước dịch Covid-19; Rồi các yếu tố tác động khác như lạm phát, tỉ giá tăng, xung đội chính trị... cũng ảnh hưởng lớn đến lượng khách quốc tế đến Việt Nam thời gian qua. 

Để phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, chất lượng, bền vững và thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, ngày 16/01/2017 Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.  Quan điểm đầu tiên của Nghị quyết nêu rõ “Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn là định hướng chiến lược quan trọng để phát triển đất nước, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác”. Thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội khóa XIV thông qua Luật Du lịch 2017; trình Chính phủ ban hành Nghị định số 168/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch; Nghị định số 30/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định mô hình quản lý khu du lịch quốc gia và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan tạo khung khổ pháp lý, điều kiện thuận lợi phát triển ngành du lịch. 

Chính phủ cũng đã có Nghị quyết số 103/NQ-CP ngày 06/10/2017 ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị và quá trình triển khai thực hiện cũng đạt được nhiều kết quả tích cực. Quá trình thực hiện Nghị quyết đã giúp các bộ, ban, ngành và các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương đổi mới về nhận thức, tư duy và phát triển du lịch; cơ cấu lại ngành du lịch bảo đảm tính chuyên nghiệp, hiện đại và phát triển bền vững theo quy luật của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế… Bên cạnh đó, hệ thống pháp luật về du lịch đã thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển du lịch, đảm bảo tính minh bạch và khả thi, đáp ứng yêu cầu, hiệu quả thi hành; có nhiều quy định đổi mới như bảo đảm hơn về chất lượng dịch vụ du lịch, chuyên nghiệp hóa hoạt động kinh doanh lữ hành, chú trọng quyền và lợi ích hợp pháp của khách du lịch, đa dạng hóa các dịch vụ du lịch. 

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được trong thời gian qua, ngành du lịch vẫn còn phải gặp phải một số khó khăn, hạn chế… Trong đó có những vấn đề thuộc về cơ chế, chính sách, như: Đến nay, Du lịch chưa thuộc danh mục ngành nghề khuyến khích đầu tư theo Luật Đầu tư năm 2020, chưa thuộc danh mục lĩnh vực được thực hiện đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) theo Luật. Việc thực hiện các quy định về phát triển kinh tế đêm gắn với thu hút khách du lịch còn vướng các quy định của pháp luật về an ninh trật tự, bảo vệ môi trường, lao động... Ngành du lịch cũng gặp phải tình trạng đứt gãy nguồn nhân lực sau 02 năm đóng băng do dịch bệnh: Gián đoạn, đứt gãy liên kết giữa các doanh nghiệp lữ hành Việt Nam và các doanh nghiệp lữ hành đối tác ở nước ngoài…

Từ thực tế đó, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã kiến nghị Quốc hội, Chính phủ sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư và Luật PPP theo hướng đưa du lịch thành ngành nghề ưu đãi, khuyến khích đầu tư cũng như là lĩnh vực được triển khai phương thức đầu tư đối tác công tư. Sửa đổi, bổ sung Luật Di sản văn hóa theo hướng tăng cường hơn các biện pháp bảo tồn và phát huy giá trị của các di sản gắn với hoạt động du lịch; thu hút nguồn lực xã hội hóa trong khai thác, phát huy giá trị di sản. Sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật có liên quan theo hướng xây dựng chính sách hấp dẫn, cạnh tranh về đất đai, tài chính, điện, nước cho các dự án đầu tư phát triển du lịch. Sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật có liên quan để triển khai được Đề án phát triển kinh tế du lịch… Đây được xem là những bổ sung, sửa đổi cần thiết cho du lịch có điều kiện phát triển mạnh và bền vững hơn. 

Cũng với tinh thần như vậy, ngày 25/12/2023 tại Hà Nội đã diễn ra phiên họp Hội đồng thẩm định quy hoạch mạng lưới cơ sở du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2045, do Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì. Quy hoạch được dựa trên 6 quan điểm, gồm: Phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu GDP; Phát triển du lịch quốc tế đồng thời với tăng cường khai thác có hiệu quả du lịch nội địa; phát triển du lịch trên cơ sở phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế quốc gia, gắn phát triển du lịch với bảo tồn phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa dân tộc; phát triển du lịch gắn với chuyển đổi số, tận dụng thành tựu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; phát triển du lịch bền vững, sáng tạo, phát huy yếu tố con người, lấy giá trị văn hóa Việt Nam làm nền tảng, bảo vệ môi trường.

Vấn đề Chuyển đổi số trong hoạt động du lịch cũng là một chủ trương lớn và rất cần thiết nhằm thúc đẩy phát triển du lịch nhanh, bền vững. Tuy nhiên, để thực hiện chuyển đổi số trong du lịch một cách hiệu quả, có giá trị thiết thực, đòi hỏi ngành Du lịch phải có chiến lược bài bản, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, tạo sự thay đổi phương thức quản lý, vận hành, quản trị ngành Du lịch. Theo đó, cần bám sát thực hiện một số trọng tâm, cụ thể như: Ban hành chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số (đối với ngành Du lịch) đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Xây dựng và hoàn thiện thể chế, môi trường pháp lý đồng bộ cho thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh trong du lịch; thiết lập các chuẩn mực pháp lý, quy tắc ứng xử trên môi trường số hình thành xã hội số; Phát triển hạ tầng số và các ứng dụng số như Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo (VR), tương tác thực tại ảo (AR), điện toán đám mây, di động, phân tích dữ liệu lớn (SMAC); Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực du lịch số; Đẩy mạnh các hoạt động đầu tư công tập trung vào hạ tầng khung, hạ tầng thiết yếu, xúc tiến, quảng bá các sản phẩm dịch vụ du lịch… Công tác quảng bá, xúc tiến du lịch cũng cần được đẩy mạnh thông qua các hội nghị xúc tiến tới những thị trường trọng điểm. Đồng thời, doanh nghiệp kinh doanh du lịch, doanh nghiệp hàng không tích cực quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam tại các thị trường trọng điểm như Đông Bắc Á, Đông Nam Á, Bắc Mỹ…/.

Lê Xuân Minh

...