18/05/2024 lúc 18:01 (GMT+7)
Breaking News

Chiến thắng Điện Biên Phủ 1954 - Một kết tinh văn hóa quân sự Việt Nam

Văn hoá quân sự Việt Nam, một bộ phận hợp thành văn hóa dân tộc, được hình thành, phát triển trong quá trình lịch sử dựng nước và đấu tranh giữ nước hàng ngàn năm của dân tộc Việt Nam. Thực tiễn lịch sử dựng nước và giữ nước, các thế hệ người Việt Nam đã sáng tạo nên hệ giá trị văn hoá, trong đó nổi bật là lòng yêu nước, thương nòi, khí phách anh hùng, tinh thần bất khuất chống ngoại xâm, lòng nhân ái, khoan dung, ý thức tự cường, tự tôn dân tộc…

Trong đó yêu nước được coi là giá trị nền tảng “giá trị của mọi giá trị”, là “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt chiều sâu văn hoá dân tộc.

Ảnh tư liệu: TTXVN

Là một bộ phận hữu cơ cấu thành văn hóa dân tộc, văn hoá quân sự Việt Nam mang đặc điểm chung của văn hóa dân tộc là Chân - Thiện - Mỹ, song lại có đặc trưng riêng là nẩy sinh, phát triển từ thực tiễn hoạt động quân sự có tính đặc thù Việt Nam. Đó là thực tiễn lịch sử đấu tranh vũ trang hàng nghìn năm của các thế hệ người Việt Nam đương đầu trước các thế lực xâm lược luôn có tiềm lực kinh tế, quân sự lớn mạnh hơn nhiều lần. Chính đặc thù, sự khắc nghiệt lịch sử đó đã tạo nên nét độc đáo có một không hai của văn hoá quân sự Việt Nam.

Với cách tiếp cận trên, các nhà nghiên cứu văn hóa quân sự của Học viện Quốc phòng Việt Nam đã đưa ra quan niệm: “Văn hóa quân sự Việt Nam (dạng thức phi vật thể) là một hệ giá trị, bao gồm các giá trị cơ bản: Cả nước một lòng, toàn dân đánh giặc; lòng yêu nước, thương nòi sâu sắc; tinh thần nhân đạo, nhân văn cao cả; nghệ thuật đánh giặc kiên cường, sáng tạo, độc đáo mang đậm bản sắc dân tộc Việt Nam. Trong đó tính sáng tạo và tính nhân văn là hai đặc trưng nổi bật, đồng thời hai giá trị cơ bản, xuyên suốt hệ giá trị văn hóa quân sự Việt Nam”.

Tính sáng tạo thể hiện đậm nét trên các phương diện tư duy chiến lược quân sự và nghệ thuật quân sự nhằm giành chiến thắng trước các thế lực xâm lược có tiềm lực mạnh hơn nhiều lần. Tính nhân văn biểu hiện ở các giá trị chân, thiện, mỹ trong thực tiễn quân sự vì quyền được sống, quyền độc lập, tự do của dân tộc, góp phần vào sự tồn tại và phát triển của các dân tộc khác. Tính sáng tạo và tính nhân văn gắn bó chặt chẽ, trong đó tính nhân văn là nền tảng, bởi mọi hoạt động quân sự, nếu không được tiến hành trên nền tảng nhân văn, thì sẽ không có công lý và chính nghĩa. Tính sáng tạo và tính nhân văn thể hiện trong toàn bộ tiến trình lịch sử quân sự Việt Nam, đặc biệt là trong các trận quyết chiến chiến lược, tạo bước ngoặt kết thúc chiến tranh, giành độc lập, tự do cho dân tộc. Với ý nghĩa đó, đối chiếu với các trận quyết chiến chiến lược trong lịch sử quân sự dân tộc, thì chiến thắng Điện Biên Phủ 1954 xứng danh là một biểu tượng, một sự kết tinh của văn hóa quân sự Việt Nam, bởi đó là một trận quyết chiến chiến lược, một chiến công hiển hách trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc, mang đầy tính sáng tạo, đậm chất nhân văn, đạt tới tầm vóc như một Bạch Đằng, một Đống Đa, một Chi Lăng trong Thế kỷ XX của dân tộc Việt Nam.

Tính sáng tạo của văn hóa quân sự Việt Nam kết tinh ở chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ

Tính sáng tạo của chiến thắng Điện Biên Phủ thể hiện tập trung, đậm nét ở quyết tâm chiến lược và phương pháp tác chiến chiến dịch, chiến lược (nghệ thuật quân sự) đã được áp dụng trong trận quyết chiến chiến lược. Đại tướng, Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam Võ Nguyên Giáp, trong cuốn sách “Điện Biên Phủ” (Nxb QĐND - 1969) khẳng định rằng: “Thắng lợi của Điện Biên Phủ, trước hết là do Chủ trương kiên quyết kháng chiến của Đảng ta là hoàn toàn đúng đắn. Đó là con đường duy nhất để bảo vệ thành quả cách mạng Tháng Tám, bảo vệ nền độc lập của Tổ quốc. Từ chủ trương về chính trị ở tầm chiến lược đó, Đảng ta trên cơ sở đường lối quân sự của chủ nghĩa Mác - Lênin vận dụng vào thực tiễn cụ thể của chiến tranh cách mạng của một nước thuộc địa nửa phong kiến, phải chiến đấu chống một kẻ địch mạnh về số lượng, vũ khí và trang bị, trong vòng vây của chủ nghĩa đế quốc. Đó cũng là sự phát triển rất phong phú của truyền thống bất khuất và mưu lược của tổ tiên ta dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin”[1]. Quyết tâm chiến lược của đường lối chính trị, quân sự trên là cơ sở để hoạch định phương pháp tác chiến chiến dịch, chiến lược (nghệ thuật quân sự) để giành thắng lợi trong trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ 1954. Tính sáng tạo của chiến thắng Điện Biên Phủ 1954 biểu hiện từ trong công tác chuẩn bị đến chủ trương và thực hành phương pháp tác chiến chiến dịch chiến lược.

Trong công tác chuẩn bị, nổi lên là nghệ thuật điều địch và thay đổi phương châm tác chiến. Chúng ta đã thực hành tài tình nghệ thuật điều địch làm thất bại ý đồ tập trung lực lượng cơ động chiến lược ở đồng bằng Bắc Bộ của chúng. Qua đó, Quân đội ta đã từng bước giành lại quyền chủ động chiến lược bằng một loạt kế hoạch tiến công để chuẩn bị cho trận quyết chiến chiến lược trên một chiến trường do chúng ta lựa chọn. Nắm chắc mọi mưu đồ của địch, quân ta đã sử dụng một bộ phận chủ lực, mở cuộc tiến công vào những điểm hiểm yếu mà địch tương đối sơ hở, làm thất bại ý đồ chiến lược chủ yếu, tiêu diệt từng bộ phận lực lượng địch, tiến tới làm phá sản kế hoạch chiến lược của chúng. Nét đặc sắc nhất của nghệ thuật điều địch là chúng ta đã tạo nên tình thế, buộc địch phải ném chủ lực xuống thung lũng Điện Biên Phủ. Việc quân xâm lược Pháp phải đưa quân chủ lực lên chiến trường miền núi Tây Bắc vốn không nằm trong ý đồ chiến lược của chúng, cũng như Điện Biên Phủ trước đó không nằm trong kế hoạch của Nava. Khi quân Pháp bị động đổ quân xuống thung lũng Điện Biên Phủ thì quân ta đã nhạy bén, ngay lập tức nắm thời cơ, hạ quyết tâm tiêu diệt chúng và biến tập đoàn cứ điểm của địch ở Điện Biên Phủ thành một trận quyết chiến chiến lược lớn nhất của Quân đội nhân dân Việt Nam, đưa cuộc kháng chiến chống Pháp đến thắng lợi cuối cùng. Song, làm thế nào để tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, một tập đoàn có sức mạnh quân sự mà địch từng tuyên bố là “bất khả chiến bại”, đòi hỏi chúng ta phải có phương châm, phương pháp tác chiến phù hợp, hiệu quả. Tinh hoa nghệ thuật quân sự Việt Nam trong các cuộc kháng chiến chống xâm lược trong lịch sử đã được vận dụng triệt để, sáng tạo, đó là trước kẻ thù luôn luôn hơn ta về tổng thể, nhưng ông cha ta luôn biết cách tập trung binh lực, hỏa lực tối đa để giành những chiến thắng có tính chiến lược, trước khi giải quyết chiến dịch bằng trận đánh cuối cùng. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, quân ta chỉ có ưu thế tương đối hơn địch về một số mặt song địch lại chiếm ưu thế hơn ta trên nhiều phương diện. So sánh riêng thời điểm Đông Xuân 1953 - 1954: về quân số (địch 48 vạn, ta 24 vạn bao gồm cả chủ lực và địa phương); về trang bị vũ khí: địch hơn hẳn ta với 580 máy bay các loại, 391 tầu chiến, 25 tiểu đoàn pháo 155 và 105mm, 10 trung đoàn, 6 tiểu đoàn và 10 đại đội tăng - thiết giáp. Ta 1 trung đoàn lựu pháo 105mm (24 khẩu), 1 trung đoàn sơn pháo 75mm, 1 trung đoàn pháo hỗn hợp (súng cối 82mm, DKZ 75mm và hỏa tiễn H6), 1 trung đoàn pháo cao xạ (72 khẩu 37mm và 72 súng máy 12,7mm).

Trong hoạch định và thực hành phương châm, phương pháp tác chiến chiến dịch, chiến lược. Lúc đầu quân ta xác định “đánh nhanh thắng nhanh”, sau được chuyển sang phương châm “đánh chắc tiến chắc” của Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp. Phương châm này đã thể hiện tư duy quân sự sáng tạo tầm chiến lược, bảo đảm chắc thắng cho trận quyết chiến chiến lược, bởi nó tạo cơ sở để thực hành phương pháp tác chiến (nghệ thuật) đột phá tiêu diệt lần lượt từng cụm cứ điểm địch. Đây là một phương pháp tác chiến kinh điển, đồng thời là giải pháp đúng đắn, sáng tạo trong chiến dịch tiến công để giải quyết một tập đoàn cứ điểm mạnh. Ở từng trận đánh của chiến dịch, bộ đội ta đã có sự trưởng thành vượt bậc trong đánh công sự vững chắc của địch. Chính cách đánh đó đã bảo đảm giành thắng lợi từng bước, không thể đảo ngược của trân quyết chiến chiến lược. Như vậy, với quyết tâm chiến lược sáng suốt và nghệ thuật quân sự sáng tạo, chiến thắng Điện Biên Phủ là trận hiệp đồng binh chủng lớn nhất và là chiến thắng vĩ đại nhất trong Cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược của quân và dân ta. Với Chiến thắng Điện Biên Phủ, nhân dân ta đã phá tan kế hoạch Nava cùng mọi mưu đồ chiến lược của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, góp phần quyết định vào thắng lợi của Hội nghị Giơnevơ về lập lại hòa bình ở Đông Dương.

Tính nhân văn của của văn hóa quân sự Việt Nam kết tinh ở chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ

Chiến thắng Điện Biên Phủ là một minh chứng về tính đúng đắn của đường lối kháng chiến phù hợp với nguyện vọng và lợi ích cơ bản của nhân dân, của dân dộc phù hợp với quy luật phát triển tất yếu của lịch sử. Bởi nó đáp ứng mục tiêu trước mắt của dân tộc Việt Nam, một dân tộc đã gần 100 năm bị thực dân Pháp đô hộ, cưỡng bức, đó là quyền được sống, quyền được độc lập; mặt khác thể hiện khát vọng về tương lai tươi đẹp của công cuộc xây dựng đời sống mới ấm no, tự do, hạnh phúc của toàn dân. Đường lối đó đã tạo cơ sở để xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc, động viên được lực lượng to lớn của nhân dân tham gia kháng chiến, đặc biệt là tham gia vào trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ. Nhân dân ta đã hưởng ứng lời kêu gọi của Trung ương Đảng và Chính phủ: “Tất cả cho mặt trận, tất cả để chiến thắng, đã dồn sức người sức của để chi viện cho mặt trận Điện Biên Phủ... Nhân dân ta đã lập được một kỳ tích hoàn toàn ngoài sự ước lượng của địch. Chúng ta đã bảo đảm việc cung cấp tiếp tế cho một lực lượng bộ đội rất lớn, tác chiến trên một mặt trận rất xa hậu phương trong một thời gian dài, một việc mà quân địch cho là chúng ta không thể nào làm được”[2]. Chính điều này đã tạo nên một “tử huyệt”, một bất ngờ có tính chiến lược.

Thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ 1954 có một ý nghĩa lịch sử to lớn, là tác nhân quan trọng, trực tiếp đưa đến ký kết Hiệp nghị Giơ-ne-vơ lập lại hòa bình ở Việt Nam và Đông Dương. Kỷ niệm 10 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Điện Biên Phủ như là một cái mốc chói lọi bằng vàng của lịch sử. Nó ghi rõ nơi chủ nghĩa thực dân lăn xuống dốc và tan rã, đồng thời phong trào giải phóng dân tộc khắp thế giới đang lên cao đến thắng lợi hoàn toàn”. “Đó là thắng lợi vĩ đại của nhân dân ta mà cũng là thắng lợi chung của tất cả các dân tộc bị áp bức trên thế giới”. Trong bài viết đăng trên tạp chí Cộng sản số ra ngày 7/5/2009, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết: “Điện Biên Phủ là trận đánh tiêu diệt và bắt sống quân viễn chinh xâm lược lớn nhất, gọn nhất của quân đội ta, dân tộc ta và của phong trào giải phóng dân tộc trong thế kỷ XX”. Trong tâm trí của của ban bè, của các lực lượng tiến bộ trên thế giới thì “Chiến thắng Điện Biên Phủ đã làm cho các dân tộc thuộc địa ngửng cao đầu” (phát biểu của trưởng đoàn đại biểu Quân đội An-giê-ri Ô man  U-xê-đích thăm Việt Nam năm 1960). Còn Chủ tịch Nhà nước Cu Ba Phi-đen Ca-xtơ-rô đánh giá: “Từ trước đến nay chưa từng có một cuộc chiến tranh nào mà một nước nhỏ, kinh tế lạc hậu như Việt Nam mà vẫn đánh thắng Pháp và Mỹ. Đó là vô song. Trên thế giới chưa từng có. Trong lịch sử chưa từng thấy”. Giá trị nhân văn to lớn của chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ chính là sự chiến thắng của chính nghĩa đối với phi nghĩa, chiến thắng của khát vọng độc lập, tự do, quyền tự quyết, bất khả xâm phạm của các dân tộc đối với các thế lực xâm lược trà đạp lên quyền sống, quyền tự do của con người. Đồng thời, nó còn là khâu đột phá mở đầu cho sự sụp đổ hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa thực dân cũ, cổ vũ các dân tộc ở các nước thuộc địa đứng lên giành tự do, độc lập cho dân tộc mình.

Chiến thắng Điện Biên Phủ 1954 - một sự kết tinh văn hóa quân sự Việt Nam, sau 70 năm vẫn giữ nguyên giá trị, khẳng định tầm vóc là một trong những chiến công hiển hách nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. Việc tiếp cận chiến thắng Điện Biên Phủ 1954 từ lát cắt văn hóa quân sự không chỉ góp phần khẳng định giá trị lịch sử, mà còn có tính thời sự thực tiễn, tiếp tục kế thừa, phát huy tính sáng tạo và nhân văn trong trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận chiến tranh nhân dân với lực lượng vũ trang nhân dân là nòng cốt; thực hiện phương châm bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, từ trong hòa bình xây dựng; vận dụng phép biện chứng phân biệt rõ đối tượng, đối tác; đẩy mạnh hội nhập quốc tế về quốc phòng - an ninh; kế thừa, phát triển nghệ thuật quân sự Việt Nam lên tầm cao mới, sẵn sàng đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược, bảo vệ vững chắc Tổ quốc, góp phần vào công cuộc gìn giữ hòa bình, an ninh quốc tế. 

Đại tá, PGS.TS Hà Nguyên Cát (Học viện Quốc phòng)


[1]1. Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Điện Biên Phủ, Nxb QĐND, Hà Nội, 1969, tr.155.

[2]. Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Điện Biên Phủ, Nxb QĐND, Hà Nội, 1969, tr.94 - 95.

...