04/05/2024 lúc 08:40 (GMT+7)
Breaking News

Cây thị trên ngàn năm tuổi-Chứng tích lịch sử chống giặc Minh của nghĩa quân Lê Lợi bị lãng quên

Cây thị cổ ở xã Sơn Phúc, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh đã có trên ngàn năm tuổi, đến nay vẫn đứng sừng sững, đầy sức sống. Giá trị của nó không chỉ là một cây cổ thụ hiếm có của quốc gia, mà còn gắn với sử tích “Con cáo trắng cứu vua” trong lịch sử chống giặc Minh của nghĩa quân Lê Lợi, Nguyễn Trãi và Nguyễn Tuấn Thiện ở Khu Căn cứ Đỗ Gia, Hương Sơn, Hà Tĩnh thế kỷ XV.

Sử  tích “Con cáo trắng cứu vua” ẩn náu trong lòng cây thị

Vào một ngày giữa tháng 3/2023 đoàn chúng tôi bao gồm nhà sử học, nhà báo, nhà văn ngược ngàn lên Hương Sơn để tìm hiểu về cây thị có trên ngàn năm tuổi, gắn với sự tích Con cáo trắng cứu vua” “Cây thị ăn thề” trong lịch sử chống giặc Minh của nghĩa quân Lê Lợi, Nguyễn Trãi và Nguyễn Tuấn Thiện ở Khu Căn cứ Đỗ Gia, thuộc xã Sơn Phúc nay gọi là xã Kim Hoa.

Cây Thị có trên ngàn năm tuổi này đứng cạnh nhà bà Trần Thị Nhuận 90 tuổi, tại xóm Kim Sơn (trước đây gọi là xóm Thịnh, làng Cổ Đậu), xã Sơn Phúc, nay là xã Kim Hoa, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Chu vi thân cây chỗ tiếp giáp với mặt đất khoảng 12m, có chiều cao từ 35- 50m, cành lá xum xuê, đường kính thân cây có đến 5 -6 người ôm không xuể. Phía trong gốc thân cây rỗng, 4-5 người có thể ẩn náu lánh nạn được. Hiện tại cây thị vẫn đứng sừng sững, cành lá vẫn tốt tươi, xanh mướt.  Cứ đến đầu mùa xuân thì cây nảy lộc đâm chồi, ra hoa kết trái. Trái thị chín vào khoảng trung tuần tháng 7 âm lịch, quả chín màu vàng to bằng quả cam bù, tỏa mùi thơm ngào ngạt khắp cả vùng đồi núi này. Người dân ở đây coi gốc thị như một "bảo bối" bảo vệ họ, bảo vệ mảnh đất họ đang an cư lạc nghiệp. Cứ đến ngày rằm tháng 7 âm lịch và từ ngày mùng 4 tết âm lịch, con cháu trong họ, dân trong xã, người tứ phương về cầu tự thắp hương tưởng niệm rất đông. Đặc biệt có rất nhiều người đến cầu tài, cầu tự, cầu yên đều được, các cặp vợ chồng hiếm muộn đến đây cầu xin sinh con đẻ cái, nhiều cặp đã đạt được nguyện vọng.

Cây thị cổ này gắn liền với rất nhiều truyền thuyết về một thời khai sinh lập quốc của vua Lê Lợi và Nguyễn Trãi cùng tướng quân Nguyễn Tuấn Thiện. Tương truyền rằng, vào những năm đầu của thế kỷ XV, khi cuộc khởi nghĩa chống giặc Minh vua Lê Lợi ở Lam Sơn, Thanh Hóa gặp khó, nên nhà vua đã quyết định kéo quân di chuyển vào vùng đất Đỗ Gia (tức Hương Sơn, Hà Tĩnh ngày nay) để lập căn cứ địa. Khi vào đến Hương Sơn thì nhà vua bị giặc Minh truy đuổi, quân tướng nhà vua  vượt sông Ẩn Giang, qua bãi lầy xóm Thịnh, làng Cổ Đậu thì phát hiện thấy  cây thị xum xuê cổ thụ, phần gốc bị rỗng ruột, vua Lê Lợi được thủ lĩnh nghĩa quân Cốc Sơn Nguyễn Tuấn Thiện cùng đội quân chỉ dẫn nhà vua chui vào ẩn nấp trong hốc cây thị này. Khi giặc Minh đuổi đến gần thì cũng là lúc trời nhá nhem tối khó tìm ra vết tích, chúng bèn ra lệnh thả bầy chó săn bao vây  xung quanh cây thị. Trong lúc tính mạng của nhà vua đang hết sức lâm nguy, bỗng dưng xuất hiện  con cáo to đốm trắng ngồi trên ngọn cây thị, khi đàn chó xuất hiện, cáo trắng sợ nên từ trên cao nhảy xuống rồi bỏ chạy thục mạng. Ngay lập tức đàn chó săn cùng đội binh lính nhà Minh thi nhau đuổi theo bởi chúng nhầm tưởng đó là đội nghĩa quân nhà vua bỏ chạy và chúng đuổi theo, nhờ vậy mà vua Lê Lợi mới thoát chết trong tay giặc Minh. Cũng từ đó người dân trong vùng mới có chuyện kể: Con cáo trắng cứu vua” thoát chết từ gốc cây thị. 

Sau khi thoát nạn, vua Lê Lợi cùng lực lượng khởi nghĩa lưu lại nơi đây tiếp tục chỉ huy Nghĩa quân xây dựng Căn cứ Đỗ Gia phối kết hợp cùng với thủ lĩnh và nghĩa quân Cốc Sơn Nguyễn Tuấn Thiện dấy binh khởi nghĩa chống giặc Minh ở miền biên ải Hương Sơn, Lê Lợi đã làm lễ chiêu quân, kết nghĩa anh em. Sau đó, cả hai người cùng giết ngựa trắng uống máu, cắt tóc ăn thề ngay dưới gốc cây thị cổ thụ này, nên có thơ: Cắt tóc, giết ngựa trắng /Dưới gốc thị thề nguyền/Nguyện đồng tâm đồng chí /Phá giặc xây cơ đồ, những vần thơ trên vẫn còn được lưu truyền mãi mãi cho đến nay. Cây thị này là minh chứng lịch sử, nơi Lê Lợi từng giết ngựa trắng, cắt máu ăn thề, kết nghĩa anh em với Nguyễn Tuấn Thiện. Vì vậy mới có truyền thuyết “Cây thị ăn thề” .

Chu vi thân cây chỗ tiếp giáp với mặt đất khoảng 12m, có chiều cao từ 35- 50m, cành lá xum xuê, đường kính thân cây có đến 5 -6 người ôm không xuể.

Ngược dòng lịch sử 

Theo ghi chép của Đại Việt sử ký toàn thư, Đại Việt thông sử và nhiều nguồn sử liệu khác, sau sáu năm lễ Tế cờ (1418) truyền hịch đánh đuổi giặc Minh, cuối năm 1424 Bình Định vương Lê Lợi “thực hiện kế hoạch chiến lược của danh tướng Nguyễn Chích đánh vào Nghệ An để tìm đất đứng chân”. Ngày 20 tháng Chín năm Giáp Thìn (1424), nghĩa quân Lam Sơn bất ngờ tấn công đồn Đa Căng (Thọ Xuân, Thanh Hóa) để khai thông đường vào Nghệ An.

                 Gốc cây thị khi nhà vua Lê Lợi lánh nạn ở tầng trên

Tháng 10/1424, nghĩa quân bắt đầu bao vây thành Trà Lân đồng thời chốt chặn phòng địch từ thành Nghệ An và Diễn Châu lên ứng cứu. Sau hai tháng bị vây hãm, lại không có viện binh, tướng Cầm Bành và toàn bộ quân lính nhà Minh phải mở thành đầu hàng. Cả một vùng rộng lớn ở miền Tây Nghệ An được giải phóng, nhân dân hồ hởi hưởng ứng.

Mùa xuân năm Ất Tỵ (1425), quân Minh tập trung lực lượng từ Đông Quan và thành Nghệ An phản công hòng lấy lại thành Trà Lân. Nghĩa quân Lam Sơn đã lập trận địa phục kích, tiêu diệt phần lớn quân địch ở Khả Lưu, Bồ Ải - những vị trí hiểm yếu trên đường lên thành Trà Lân. Thắng lớn trận này, nghĩa quân khai thông đường tiến xuống đồng bằng Nghệ An. Giặc Minh lâm vào thế bị động, phải “đóng giữ cửa thành bền chặt”.

Nghĩa quân tiếp tục tiến xuống bao vây thành Nghệ An và tiến sang Đỗ Gia (Hương Sơn) xây dựng căn cứ địa ở Động Tiên Hoa/ Đảng Phủ - vùng ngã ba sông Khuất (hói Nầm) và Ngàn Phố. Đỗ Gia đã trở thành chiến khu, thành căn cứ quân sự chủ yếu của nghĩa quân Lam Sơn với đại bản doanh ở Đảng Phủ. Đảng Phủ là một nhánh phía Tây Bắc của dãy núi Mồng Gà. Một số tài liệu còn chép cụ thể hơn là  động Tiên Hoa, còn gọi là động Tiên hay động Tiên Soa ở trên núi Hoa Bảy, nay thuộc xã Sơn Phúc, huyện Hương Sơn Hà Tĩnh. Theo GS Sử học Phan Huy Lê, tại xã Sơn Phúc ngày nay còn có các địa danh như xóm Thịnh, xóm Hào, xóm Kho, xóm Cấm, bãi nhà Dinh, khe Tiền, bãi Triều Lương, đền Lam Sơn triều lĩnh … là những minh chứng cho các ghi chép lịch sử này.

Cũng từ đấy, đội quân Cốc Sơn trở thành một bộ phận thiết yếu của nghĩa quân Lam Sơn, Nguyễn Tuấn Thiện đã trở thành người chỉ huy tài giỏi, cùng Lê Lợi đánh nhiều trận đánh xuất sắc, trong đó có trận Khuất Giang (núi Nầm) là trận chiến đấu oanh liệt nhất, tiêu diệt gần 2 vạn quân Minh (trong tổng số 10 vạn quân do Trần Trí đem vào Giao Châu cùng với ngụy quân).

Có thể nói chiến thắng ở cửa sông Khuất Giang là trận quyết chiến chiến lược nghĩa quân Lam Sơn, chuyển từ thế bị động sang thế chủ động để từ đó phản công vào phía Nam và ra phía Bắc. Những người tham gia trận đánh ở cửa sông Khuất Giang năm ấy được Lê Lợi ghi công lớn không chỉ là các danh tướng đã từng sát cánh chiến đấu cùng  nghĩa quân từ lâu như Nguyễn Xí, Đinh Lễ, Đinh Liễn... mà còn có những võ quan mới ra nhập tướng quân như Nguyễn Tuấn Thiện, Nguyễn Tu, Nguyễn Lai... họ đều xứng đáng được liệt vào tầng lớp khai quốc công thần.

Để tưởng nhớ sự tích lịch sử trên, ngày 15/7 năm Tân Tỵ 2001, con cháu dòng họ Nguyễn Tuấn và nhân dân địa phương đã đóng góp xây dựng một miếu thờ nhỏ ngay dưới gốc cây thị cổ này và khắc lên tấm bia

Sau trận Khuất Giang, Nguyễn Tuấn Thiện được vua Lê Lợi phong Định Quốc Công và đã cùng với Lê Lợi chiến đấu bảo vệ vững chắc căn cứ Đỗ Gia, giành thế chủ động tiến quân vào giải phóng Tân Bình,Thuận Hóa, ra giải phóng hoàn toàn Nghệ An, Thanh Hóa, sau đó tiến ra bắc bằng những trận đánh quyết chiến như: Chúc Động, Tốt Động, chém Liễu Thăng ở Chi Lăng bắt 2 tướng Hoàng Phúc, Thôi Tụ ở Xương Giang, kết thúc cuộc kháng chiến chống quân Minh, giải phóng hoàn toàn đất nước. Sau khi quân xâm lược nhà Minh được quét sạch ra khỏi đất nước, năm Thuận Thiên thứ nhất (1428), Nguyễn Tuấn Thiện được liệt vào hàng khai quốc công thần và được phong làm Tĩnh Nạn tuyên lực trung liệt minh nghĩa khai quốc công thần Đô tổng quản phó nguyên soái Trung lãng đại phu tá phụng thánh vệ Đại tướng quân, tước Đại trí tự. Trong bộ Hoàng Minh thực lục của nhà Minh có nhiều lần nói đến Lê Thiện như một dũng tướng của nghĩa quân Lam Sơn trong những trận đánh khoảng năm (1420 – 1427). Lê Thiện (Nguyễn Tuấn Thiện) với quê quán và chức tước được khẳng định, Lê Thiện là một vị tướng tài giỏi của nghĩa quân Lam Sơn, tham gia cuộc khởi nghĩa vào năm 1424, đã lập nhiều chiến công vào giai đoạn cuối của cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc do Lê Lợi và Nguyễn Trãi lãnh đạo. Ông được vua ban quốc tính họ Lê nên gọi là Lê Thiện. Khi xảy ra sự kiện nhà Hậu Lê nghi kị giết hại công thần, ông xin từ quan về quê và chọn đất Ninh Xá để an trí. Khi mất, ông được nhân dân địa phương mai táng và lập miếu thờ trên ngọn đồi Kim Quy. Đền thờ của ông hiện ở xã Sơn Ninh, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh.

Và lời thỉnh cầu

Cây Thị cần được tôn tạo

Cây thị cổ ở xã Sơn Phúc, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh đã có trên ngàn năm tuổi, gắn với nhiều sự kiện lịch sử trong cuộc kháng chiến chống giặc Minh xâm lược của nghĩa quân Lê Lợi, Nguyễn Trãi và Nguyễn Tuấn Thiện ở khu Căn cứ Đỗ Gia, Hương Sơn thế kỷ XV. Ngoài ý nghĩa lịch sử về cây thị còn có ý nghĩa tâm linh rất lớn. Người dân nơi đây xem “cây thị ăn thề” như là vị thánh của làng, bao đời con cháu sống ở đây đã luôn có ý thức giữ gìn vun đắp cho cây thị mãi mãi được trường tồn và mong ước cây thị sớm được Nhà nước công nhận là Cây Di sản, được xếp hạng Di tích quốc gia, được bảo tồn, gìn giữ để giáo dục truyền thống cho các thế hệ mai sau. Vì thế nên hầu hết người dân ở đây họ mong muốn nhà nước cần  có chủ trương đầu tư xây dựng khu di sản, bảo tồn vị thế giá trị về lịch sử dựng nước của nghĩa quân Lê Lợi, Nguyễn Trãi, trong đó có sự đóng góp của cây thị quý hiếm này. Nếu không mỗi năm mưa lũ đổ về gây xói lỡ, nguy cơ cây bị đổ bất kỳ lúc nào bởi thời tiết khí hậu ngày một khắc nghiệt. 

Cụ ông Nguyễn Văn Thiệu nay gần 90 tuổi là người thường lui tới hương khói nơi bàn thờ dưới gốc cây thị nói

Nếu được xếp hạng Di tích quốc gia, nơi đây sẽ trở thành một điểm nhấn cùng với các khu di tich lịch sử như Thành Lục Niên, Nhà thờ Nguyễn Tuấn Thiện…nơi dạy học của Nguyễn Trãi cùng chuổi kết nối du lịch với các địa danh lịch sử khác như động Tiên Hoa, núi Hoa Bảy, sông khuất Giang, miếu Cầu mưa, giếng Làng Lau…sẽ trở thành điểm đến của nhiều du khách, góp phần phát triển các tua du lịch về miền di sản văn hóa du lịch non nước tâm linh, góp phần tạo công ăn việc làm, nâng cao đời sống dân sinh trong vùng khó khăn này. Đó cũng là mong muốn nguyện vọng rất chính đáng của chính quyền và nhân dân địa phương nơi đây.   

Để tưởng nhớ sự tích lịch sử trên, ngày 15/7 năm Tân Tỵ 2001, con cháu dòng họ Nguyễn Tuấn và nhân dân địa phương đã đóng góp xây dựng một miếu thờ nhỏ ngay dưới gốc cây thị cổ này và khắc lên tấm bia: Thệ Phát Sơ Thù Minh Hạ. Quyết Tâm Bất Dịch Trợ Hòa Đào (Gốc thị sử tích, mùa thu Ất Tỵ Lê Lợi - Nguyễn Tuấn Thiện tuyên thề).

                                   Miền trung những ngày cuối tháng 3 năm 2023

Anh Bình - Trọng Thắng

 

...