28/04/2024 lúc 20:02 (GMT+7)
Breaking News

Cần giải pháp lâu dài cho vùng ngập

VNHNO - Hơn 20 ngày qua, một số địa phương của Hà Nội đã chịu ảnh hưởng nặng nề do ngập lụt kéo dài. Bên cạnh công tác khắc phục hậu quả, thành phố cũng đề ra những giải pháp lâu dài nhằm phòng, chống những hiện tượng tương tự xảy ra.

VNHNO - Hơn 20 ngày qua, một số địa phương của Hà Nội đã chịu ảnh hưởng nặng nề do ngập lụt kéo dài. Bên cạnh công tác khắc phục hậu quả, thành phố cũng đề ra những giải pháp lâu dài nhằm phòng, chống những hiện tượng tương tự xảy ra.

Tập trung ổn định đời sống, sản xuất nhân dân sau ngập lụt

Trong những ngày có mặt tại vùng ngập thôn Nhân Lý (xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ), chúng tôi ấn tượng mạnh với hình ảnh những chiếc thuyền xuôi ngược trong các con ngõ. Đây là phương tiện duy nhất giúp người dân đi lại. Nước lũ đã khiến toàn bộ các tuyến đường trong thôn bị ngập nước. Không chỉ gây khó khăn cho việc di chuyển, tình trạng ngập lụt kéo dài còn mang theo nhiều nỗi lo về dịch bệnh, ô nhiễm môi trường. 

Theo ông Đỗ Đức Thịnh, Chánh văn phòng Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) thành phố, do ảnh hưởng của mưa lũ, trên địa bàn Hà Nội có một số địa phương bị ngập lụt như: Chương Mỹ, Quốc Oai, Mỹ Đức… Trong đó, chịu ảnh hưởng nặng nhất là huyện Chương Mỹ với 11 xã. Hiện nay, mực nước trên sông Tích, sông Bùi đang rút và ở mức dưới báo động 3. Tình hình úng ngập tại một số khu vực ngoài bãi sông ở các huyện đã cơ bản được giải quyết.

Người dân thôn Nhân Lý (xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ) di chuyển bằng thuyền trong những ngày ngập lụt - Ảnh: Nguyễn Vũ.

Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Đinh Mạnh Hùng cho biết, để bảo đảm đời sống nhân dân, huyện đã hỗ trợ cho các xã, thị trấn bị ngập những nhu yếu phẩm như: Gạo, mỳ tôm, lương khô, bột giặt, nến… Cơ quan chức năng cũng tiến hành khám, chữa bệnh cho 2.377 người dân vùng ngập và cấp phát thuốc, hóa chất cho các xã, thị trấn để thực hiện vệ sinh môi trường. 

Hiện, huyện đang tập trung làm công tác vệ sinh môi trường theo phương châm nước rút tới đâu, xử lý môi trường tới đó; đồng thời, triển khai phương án khôi phục sản xuất; xử lý các sự cố đê điều, thủy lợi…

Chánh văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN thành phố Đỗ Đức Thịnh cũng cho hay, nhằm khắc phục diện tích sản xuất nông nghiệp bị úng ngập, toàn bộ diện tích lúa ngập sâu 5.167ha đã được bơm tiêu cứu lúa. Diện tích ngập trắng 4.425ha, mất khoảng 40% phải cấy lại hoặc cấy dặm. Diện tích hoa màu bị dập nát một phần đang được người dân chăm sóc và phục hồi là 270ha. Cùng với đó, các ngành liên quan cũng đã phối hợp với các huyện chịu ảnh hưởng tập trung trong công tác bảo đảm an toàn đê, công trình thủy lợi, y tế, vệ sinh môi trường trong vùng úng ngập.

Cần giải pháp lâu dài cho vùng ngập

Trao đổi về nguyên nhân của tình trạng ngập lụt tại các địa phương thời gian qua, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hà Nội Chu Phú Mỹ giải thích, do lũ rừng ngang từ tỉnh Hòa Bình tràn về, cụ thể, mưa lũ từ huyện Kim Bôi (tỉnh Hòa Bình) tràn về huyện Mỹ Đức và từ huyện Lương Sơn (tỉnh Hòa Bình) tràn về huyện Chương Mỹ dẫn đến tình trạng ngập lụt nghiêm trọng như nhiều ngày qua. Nguyên nhân thứ hai là do khả năng thoát nước của các sông chính kém. Ngoài ra, một vấn đề nữa là trong quá trình phát triển nhiều hệ thống cơ sở hạ tầng đã lấn ra hành lang thoát nước của các sông và làm giảm khả năng thoát lũ. Việc này không chỉ xảy ra ở sông Bùi mà ở nhiều sông khác trên cả nước.

Giám đốc Sở NN&PTNT Chu Phú Mỹ cũng cho hay, để giảm thiệt hại do lũ rừng ngang gây ra, thành phố đang tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ NN&PTNT để nghiên cứu và triển khai các phương án cứng hóa, bảo đảm an toàn cho các tuyến đê khi lũ rừng ngang về lớn. Về việc này, thành phố sẽ thuê tư vấn tính toán bảo đảm kỹ thuật các chỉ tiêu phòng lũ. 

Bên cạnh đó, Sở NN&PTNT Hà Nội cũng đề nghị các quận, huyện, sở, ngành rà soát lại công tác chuẩn bị vật tư dự phòng, phương tiện sẵn sàng ứng phó các sự cố đê điều; tổ chức tốt phương án hiệp đồng với lực lượng quân đội, công an trên địa bàn. Cùng với đó, rà soát lại quy hoạch khu vực úng ngập tại các huyện Quốc Oai, Phúc Thọ, Chương Mỹ, Mỹ Đức… để phát triển kinh tế-xã hội theo hướng bền vững. 

Trong khi đó, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho rằng, cần có sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng của thành phố với các cơ quan Trung ương và cơ quan khoa học nghiên cứu, quy hoạch lại dân cư, sản xuất, tính toán vùng lõi các công trình công cộng thích ứng được với mức nước của năm 2018. 

Kiến nghị về giải pháp lâu dài phòng, chống lũ tại địa phương, Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Đinh Mạnh Hùng đề nghị thành phố quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng cho khu vực trọng điểm ngập úng và bị ảnh hưởng bởi lũ rừng ngang. 

Trong đó, cần xử lý toàn bộ tuyến đê tả sông Bùi bằng cừ bê tông dự ứng lực từ nay đến trước mùa lũ năm 2019, thực hiện thí điểm trên đoạn xung yếu nhất của đê tả sông Bùi có chiều dài khoảng 1.500m từ cầu Bến Cốc đến hết Thanh Bùi. Đồng thời, cần sớm thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư, bố trí vốn để triển khai thực hiện dự án nâng cấp đê tả sông Bùi, hữu sông Đáy (nâng cao cốt đê theo quy hoạch, kết hợp đê và đường giao thông)./.

Theo Qdnd.vn