26/04/2024 lúc 20:14 (GMT+7)
Breaking News

Du lịch Thủ đô vươn mình phát triển và hội nhập

VNHN - Thủ đô Hà Nội là một trong hai "cửa ngõ" quan trọng đón khách du lịch đồng thời là cầu nối giữa các tỉnh phía Bắc với cả nước, giữa Việt Nam với khu vực và quốc tế. Sau 10 năm điều chỉnh địa giới hành chính, Thủ đô Hà Nội ngày càng trở thành điểm đến hấp dẫn với du khách trong và ngoài nước, ngành du lịch dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn…

VNHN - Thủ đô Hà Nội là một trong hai "cửa ngõ" quan trọng đón khách du lịch đồng thời là cầu nối giữa các tỉnh phía Bắc với cả nước, giữa Việt Nam với khu vực và quốc tế. Sau 10 năm điều chỉnh địa giới hành chính, Thủ đô Hà Nội ngày càng trở thành điểm đến hấp dẫn với du khách trong và ngoài nước, ngành du lịch dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn…

Tầm vóc mới, diện mạo mới

Những năm qua, được sự quan tâm của Thành phố, các sở, ban, ngành cùng sự chủ động nỗ lực vượt qua khó khăn của ngành du lịch và sự đồng thuận, chung tay của cộng đồng nhân dân, hoạt động du lịch của Thành phố đã có những bước tăng trưởng vượt bậc và đạt được nhiều kết quả tích cực.

Xác định rõ tầm quan trọng của Nghị quyết với sự phát triển du lịch, Sở Du lịch Hà Nội đã phổ biến quán triệt thường xuyên đến các đơn vị, cơ sở trong ngành, từ đó các đơn vị xây dựng kế hoạch cụ thể cho đơn vị mình. Những tư tưởng chỉ đạo của Nghị quyết đã từng bước được vận dụng với các đơn vị, doanh nghiệp du lịch trong xây dựng phương án kinh doanh, mở rộng thị trường, sắp xếp lại doanh nghiệp...

Ảnh : Du khách về với chùa Hương dịp khai hội (xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức)

Công tác quản lý nhà nước về du lịch trong giai đoạn 2008 - 2017 đã được nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động và có chuyển biến tốt. Năm 2015, Sở Du lịch Thành phố được tái thành lập, đã có nhiều cố gắng khắc phục khó khăn, sớm ổn định tổ chức bộ máy, xây dựng và tập trung chỉ đạo thực hiện phát triển ngành du lịch Thủ đô theo đúng định hướng của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XIII đã xác định: "Nâng cao chất lượng và phát triển đồng bộ dịch vụ du lịch trở thành ngành quan trọng trong cơ cấu kinh tế Thủ đô” và Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XIV đề ra là phấn đấu đến 2020 đưa kinh tế du lịch thành “ngành kinh tế mũi nhọn” của Thủ đô…

Hà Nội hiện có gần 6.000 di tích văn hóa lịch sử trong đó có gần 1.200 di tích được xếp hạng quốc gia, nhiều di tích nổi tiếng đã được UNESCO vinh danh như: Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, phố cổ Hà Nội... Hà Nội cũng có hàng nghìn làng nghề trong đó có nhiều làng nghề thủ công truyền thống lâu đời như: Đúc đồng Ngũ Xã, gốm sứ Bát Tràng, lụa Vạn Phúc... Với những lợi thế cơ bản về tài nguyên du lịch nói trên, 10 năm qua, Hà Nội đã phát triển nhiều loại sản phẩm thu hút khách du lịch như: du lịch tham quan di tích văn hóa, lịch sử; du lịch làng nghề; du lịch lễ hội; du lịch ẩm thực, du lịch tổng hợp sinh thái, giải trí, thể thao, nghỉ dưỡng...

Ảnh : Lễ hội Gò Đống Đa sáng mồng 5 âm lịch hàng năm, tái hiện chiến thắng lịch sử của vua Quang Trung

Ngành du lịch đã dần khẳng định vai trò, vị trí là một ngành kinh tế lớn, có tốc độ tăng trưởng ổn định, đóng góp hiệu quả vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Thành phố. Sau 10 năm hợp nhất đến nay, du lịch Hà Nội đã có khách đến từ gần 190 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó lượng lớn khách đến từ các thị trường có khả năng chi trả cao như: Tây Âu, Bắc Mỹ, Đông Âu, Đông Bắc Á.... Hà Nội đã đón từ 1,3 triệu lượng khách du lịch quốc tế năm 2008 tăng lên 4,95 triệu lượt khách du lịch quốc tế vào năm 2017. Thị phần khách quốc tế của Hà Nội ngày càng lớn, từ chỗ chỉ chiếm khoảng 30% cả nước giai đoạn 2000-2010, năm 2017 đã chiếm tỷ trọng gần 40% so với cả nước.

Ngoài ra, giai đoạn 2008 - 2017, khách du lịch nội địa tăng trưởng bình quân đạt 12%/năm, trong đó tăng trưởng mạnh giai đoạn 3 năm từ 2008 đến 2010  với tốc độ tăng trưởng bình quân là 18%/năm. Đặc biệt, năm 2017, ngành du lịch Thủ đô đã phục vụ 23,83 triệu lượt khách, trong đó có 5 triệu lượt khách quốc tế (khách quốc tế có lưu trú đạt hơn 3,5 triệu lượt, tăng 22%); tổng thu đạt 71.000 tỷ đồng. Ngành du lịch đã đóng góp 8,07% vào GRDP của Thành phố, trong đó: đóng góp trực tiếp là 3,24% và đóng góp gián tiếp là 4,83%. Trong 6 tháng đầu năm 2018, Hà Nội đón khoảng trên 13 triệu lượt khách du lịch, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, khách du lịch quốc tế ước đạt trên 3 triệu lượt người, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước và được đánh giá là mức tăng trưởng cao.

Hà Nội cũng có cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch tương đối tốt. Sau 10 năm hợp nhất mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, tính đến hết năm 2017, số lượng cơ sở lưu trú trên địa bàn tăng gần 5 lần, đạt 3.546 cơ sở, số lượng buồng phòng tăng hơn 3,5 lần, đạt 60.458 buồng phòng, chiếm 12% so với tổng số buồng phòng lưu trú cả nước; trong đó 599 cơ sở lưu trú đã xếp hạng. Nhân lực du lịch Hà Nội cũng đã phát triển mạnh với lao động trực tiếp có chất lượng tương đối tốt. Tính đến nay, toàn ngành có khoảng 90.500 lao động trực tiếp có chất lượng tương đối tốt. Bên cạnh đó còn có khoảng 200.000 lao động gián tiếp tham gia các hoạt động có liên quan đến hoạt động du lịch. Đặc biệt, các doanh nghiệp liên doanh nước ngoài có đội ngũ cán bộ trình độ cao, chuyên nghiệp, được đào tạo bài bản, thông thạo nhiều ngoại ngữ.

Trong thời gian qua, ngành Du lịch Thủ đô đã chủ trì tổ chức đăng cai thành công nhiều sự kiện lớn như: Chương trình Năm Du lịch quốc gia 2010 tại Hà Nội và một số sự kiện du lịch tiêu biểu như: Liên hoan Du lịch làng nghề truyền thống Hà  Nội, Liên hoan ẩm thực Hà Thành, Ký ức Hà Nội, Festival Áo dài,… Phối hợp với Hiệp hội du lịch Việt Nam tổ chức thành công Hội chợ du lịch quốc tế Việt Nam- VITM Hanoi từ 2013 đến nay. Tích cực tham gia xúc tiến du lịch tại các sự kiện trong nước hàng năm như: ITE thành phố Hồ Chí Minh, Ngày hội Du lịch thành phố Hồ Chí Minh; Lễ hội Hoa Ban tỉnh Điện Biên, Năm Du lịch Quốc gia tại các địa phương; Hội nghị xúc tiến mở các tuyến hàng không đến thành phố Hải Phòng;…

Đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn

Có thể khẳng định, ngành du lịch Thủ đô đã từng bước khẳng định được vai trò, vị trí là ngành kinh tế lớn, tốc độ tăng trưởng ổn định, quy mô hoạt động ngày càng mở rộng, đóng góp có hiệu quả vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Thành phố.

Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Đức Hải cho biết, thời gian tới, để cụ thể hóa mục tiêu đến năm 2020, Hà Nội đón 30 triệu lượt khách, trong đó có 5,7 triệu lượt khách quốc tế, ngành du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Thủ đô, ngành du lịch Hà Nội cần tập trung phát triển sản phẩm du lịch Hà Nội chất lượng cao, gắn với xây dựng thương hiệu Du lịch Thủ đô.

Ảnh : Đại lộ Thăng Long - tuyến đường quan trọng kết nối phát triển được đưa vào khai thác sau khi mở rộng địa giới hành chính Hà Nội

“Các sản phẩm du lịch đặc trưng có thể nhắc tới như: khu vực trung tâm chính trị Ba Đình (gồm Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, Bảo tàng Hồ Chí Minh, công viên Bách thảo) gắn với khu di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long, khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám; khu vực phố cổ, phố cũ, hồ Hoàn Kiếm; khu vực xung quanh hồ Tây và vùng phụ cận; khu di tích Cổ Loa, múa rối nước Đào Thục; Khu vực di tích Đền Hai Bà Trưng; Khu du lịch núi Sóc, hồ Đồng Quan; khu vực Chùa Hương, thắng cảnh Hương Sơn, hồ Quan Sơn, Tuy Lai; khu vực Ba Vì, làng cổ Đường Lâm, chùa Thầy, chùa Tây Phương; làng nghề gốm sứ Bát Tràng, dệt lụa Vạn Phúc, sơn mài Hạ Thái, du lịch cộng đồng, du lịch kết nối giữa phố nghề và làng nghề truyền thống với các điểm tham quan du lịch khác…” – Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội thông tin.

Một trong những ưu tiên hàng đầu của thành phố trong những năm tới đối với ngành Du lịch Thủ đô là đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, phát triển các sản phẩm du lịch hoàn chỉnh, có chất lượng cao, hấp dẫn khách du lịch. Thành phố thúc đẩy tiến độ các dự án đầu tư phát triển các khu, điểm du lịch và khách sạn, cơ sở lưu trú du lịch cao cấp. Hà Nội thu hút các nhà đầu tư xây dựng điểm dừng chân, vườn hoa, tiểu cảnh, không gian nghệ thuật, điểm du lịch, điểm trung chuyển khách, giới thiệu sản phẩm du lịch theo quy hoạch của thành phố.

Với những giải pháp thiết thực và mang tính khoa học nêu trên, tin tưởng rằng, trong thời gian tới, du lịch Hà Nội sẽ tiếp tục phát triển mạnh và thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Thủ đô./.