19/04/2024 lúc 17:13 (GMT+7)
Breaking News

Xây dựng không gian mạng an toàn phục vụ tốt hoạt động thông tin, tuyên truyền, định hướng dư luận xã hội

Trong những năm gần đây, hoạt động thông tin, tuyên truyền và định hướng dư luận xã hội trên không gian mạng đang có những thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, đòi hỏi phải có các giải pháp đồng bộ, với những bước đi mang tính chiến lược.
Ảnh minh họa - Internet

Công nghệ thông tin đang phát triển mạnh mẽ từng ngày, từng giờ; công nghệ mạng đã tích hợp vào đời sống tinh thần và vật chất của xã hội, không tách rời sản xuất xã hội, làm thay đổi sâu sắc mô hình kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh toàn cầu. Sự phát triển không ngừng của công nghệ thông tin và các ứng dụng của internet tạo ra một không gian chiến lược mới được gọi là “không gian mạng”, mang lại nhiều cơ hội phát triển cũng như những thách thức cho mọi lĩnh vực đời sống xã hội của các quốc gia. Tại Việt Nam, các hoạt động thông tin, tuyên truyền và định hướng dư luận xã hội được xem là một trong những lĩnh vực đầu tiên chịu sự tác động của không gian mạng. 

Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: “Nâng cao chất lượng, bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống thông tin, báo chí, internet, xuất bản; tăng cường năng lực quản lý không gian mạng. Xây dựng các cơ quan báo chí, tổ hợp truyền thông chủ lực đủ mạnh để thực hiện tốt chức năng thông tin tuyên truyền thiết yếu, làm chủ mặt trận thông tin”(1). Ý thức được tầm quan trọng của không gian mạng đối với đời sống tư tưởng, văn hóa, đạo đức của nhân dân, nhất là của thế hệ trẻ, ngày 5-3-2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 311/QĐ-TTg, phê duyệt Chương trình giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống, văn hóa cho thanh niên, thiếu niên trên không gian mạng giai đoạn 2022 - 2030.

Vai trò của không gian mạng đối với đời sống văn hóa, tư tưởng ở nước ta hiện nay

Thứ nhất, không gian mạng có vai trò quan trọng đối với việc xây dựng hệ tư tưởng chủ đạo của đất nước. 

Trong những năm gần đây, Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng sự phát triển của internet, từ đó, có những chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa an ninh và phát triển, dân chủ và kỷ cương; qua đó đạt được những thành tựu quan trọng, thúc đẩy sự phát triển không gian mạng.

Tính đến tháng 1-2022, ở Việt Nam có 72,1 triệu người dùng internet, tương ứng với 73,2% dân số cả nước (tăng 4,9% so với năm 2021), với 76,95 triệu người sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội, chiếm 78,1% tổng dân số (tăng 6,9% so với năm 2021). Tỷ lệ thuê bao di động sử dụng điện thoại thông minh chiếm 94,6%, cao hơn mức trung bình của thế giới. Thời gian sử dụng internet trung bình hằng ngày của một người là 6 giờ 38 phút, trong đó truy cập từ điện thoại di động là 3 giờ 32 phút, từ các thiết bị khác là 3 giờ 06 phút, có 2 giờ 28 phút sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội. Các phương tiện truyền thông xã hội được sử dụng nhiều nhất theo thứ tự tại Việt Nam là Facebook, Zalo, Facebook Messenger, Tiktok, Instagram, Twitter, Telegram, Pinterest,... riêng mạng xã hội Facebook, có tới 70,4 triệu người sử dụng(2). Điều này cho thấy, không gian mạng đang được phần lớn người dân Việt Nam yêu thích và thực hiện các hoạt động giao tiếp xã hội. Không gian mạng cũng là “không gian dư luận” khổng lồ mà ở đó thông tin (dưới nhiều dạng khác nhau) là sợi dây vô hình liên kết tất cả các thành viên tham gia.

Xét về số lượng, không có bất cứ một tổ chức, cộng đồng nào có được số lượng thành viên tham gia đông đảo như cộng đồng mạng. Xét về đối tượng, không có một tổ chức, cộng đồng nào có đối tượng tham gia đa dạng như không gian mạng, bởi ai cũng có thể tham gia, không phân biệt giới tính, tuổi tác, nghề nghiệp, dân tộc, quốc tịch. Xét về tính chất, không có một “sân chơi” nào có được mức độ tự do để mỗi cá nhân thể hiện đầy đủ quan điểm, lập trường, cá tính của mình,... như không gian mạng. Xét về chính trị, không gian mạng là không gian lý tưởng để thực hiện các mục tiêu đấu tranh tư tưởng, các chiến lược thông tin, truyền thông của các chủ thể bằng các hoạt động tuyên truyền, tạo dư luận và định hướng dư luận... Đó là một “ngôi nhà” chung, một “sân chơi” chung, một cộng đồng chung, đồng thời cũng là một không gian riêng mà ở đó, yếu tố cá nhân được thể hiện. Không gian mạng làm cho tính chất nguy hiểm tiềm tàng cũng như phức tạp trên mặt trận tư tưởng được thể hiện sâu sắc và diễn biến ngày càng khó lường. Đối với mỗi quốc gia, nắm vững đời sống tư tưởng trên không gian mạng là một nhiệm vụ quan trọng để bảo vệ chủ quyền và sức mạnh chính trị của đất nước.

Ở nước ta hiện nay, việc xác lập hệ tư tưởng chủ đạo là một nhiệm vụ to lớn, nặng nề mà không gian mạng, với lượng người tham gia đông đảo, chiếm phần lớn dân số của cả nước, là địa chỉ cần ưu tiên triển khai thực hiện. Cần biến không gian mạng thành “mảnh đất màu mỡ” để nuôi dưỡng các “hạt giống” tư tưởng tốt đẹp của chủ nghĩa nhân văn, tiến bộ, hòa bình; thành “mảnh đất vững chắc” để xây đắp, củng cố nền tảng tư tưởng do chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nòng cốt; thành “khu vườn tươi tốt” để những “bông hoa” tư tưởng sáng tạo khoe sắc và phụng sự cho sự nghiệp phát triển đất nước theo con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Với vị thế chiếm lĩnh như hiện nay, không gian mạng cần được sử dụng, tận dụng và phát huy một cách mạnh mẽ trong xây dựng hệ tư tưởng chủ đạo của đất nước, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường và thịnh vượng.

Thứ hai, không gian mạng góp phần thúc đẩy phát triển văn hóa, tư tưởng.

Ngày nay, không gian mạng là trung tâm truyền bá thông tin. Việc trao đổi và hội nhập các luồng tư tưởng và các giá trị văn hóa đa dạng vừa làm phong phú thêm đời sống tư tưởng, văn hóa, mở rộng tầm nhìn, vừa thúc đẩy việc tu dưỡng nhân cách và nâng cao trí tuệ con người. Không gian mạng là một nền tảng lớn cho thông tin và dư luận xã hội, trong đó hàng tỷ cư dân mạng được cung cấp thông tin và trao đổi thông tin. Điều này có tác động quan trọng đến cách tìm kiếm tri thức, cách suy nghĩ, cách nhìn nhận về cuộc sống và hoạt động xã hội của họ, đặc biệt là thế hệ trẻ. Do vậy, để xây dựng một quốc gia có không gian mạng thật sự lành mạnh, tích cực, an toàn và phát triển, chúng ta phải có một nền tảng tư tưởng vững chắc, một nền văn hóa đầy sức sống. Chỉ khi đó, mới đủ “sức đề kháng” và phản bác lại các thông tin xuyên tạc, sai trái, hoặc những luồng tư tưởng lệch lạc, phản động; những biểu hiện suy đồi về văn hóa đang được lan truyền, phổ biến trên không gian mạng, gây hoang mang và làm mất lòng tin trong quần chúng nhân dân, làm suy yếu nền văn hóa và hệ tư tưởng chính thống, làm thay đổi các giá trị truyền thống văn hóa, tín ngưỡng, lịch sử của dân tộc, đất nước.

Thứ ba, không gian mạng liên quan đến lợi ích của nhân dân và sự ổn định, phát triển của xã hội.

Không gian mạng là nền tảng có tác dụng to lớn, góp phần hỗ trợ và nâng cấp, mở rộng lượng thông tin cần xử lý và lưu trữ, làm tăng tốc độ xử lý, trao đổi thông tin, nâng cao khả năng truy cập đến các nguồn tài nguyên thông tin. Xét về mặt quản lý nhà nước, không gian mạng giúp nâng cao tính linh hoạt trong hoạt động quản lý nhà nước, nâng cao khả năng cơ động của hệ thống bảo đảm cốt yếu cho quốc gia. Đi kèm với những ưu thế đó, không gian mạng luôn tiềm ẩn các nguy cơ vô cùng to lớn, đó là: 1- Nguy cơ phá hoại chức năng quản lý nhà nước; 2- Nguy cơ phá vỡ tổ chức và vô hiệu hóa các hệ thống bảo đảm cốt yếu của quốc gia; 3- Nguy cơ định hướng lại ý thức xã hội(3)

Thực tế cho thấy, chỉ riêng trong năm 2021, thiệt hại do các loại tội phạm mạng gây ra trên thế giới ước tính trung bình khoảng 102,3 triệu USD/tháng. Tại Việt Nam, các loại tội phạm công nghệ cao cũng không ngừng tìm cách tấn công vào các hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia, các ngành giao thông - vận tải, tài chính, ngân hàng... nhằm chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước, dữ liệu khách hàng, gây ra nhiều hậu quả hết sức nghiêm trọng. Theo thông tin từ Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an, trong 5 tháng đầu năm 2022, Bộ Công an đã phát hiện, phân tích hơn 8 triệu cảnh báo, dấu hiệu liên quan đến hoạt động tấn công mạng. Trong đó, phát hiện, xác minh, xử lý gần 400 cuộc tấn công mạng vào các trang, cổng thông tin điện tử trong nước; phát hiện gần 1.000 địa chỉ IP trong nước bị khai thác lỗ hổng bảo mật, nhiễm mã độc, nằm trong các mạng máy tính “ma” của các đối tượng tin tặc. Đồng thời, phát hiện, xử lý 840 chuyên án, vụ việc liên quan đến tội phạm mạng, tội phạm sử dụng công nghệ cao (tăng 42% so với 6 tháng cuối năm 2021)(4).

Không gian mạng là “ngôi nhà” chung của cộng đồng mạng, vì thế, các thành viên ở trong đó đều chịu ảnh hưởng của nó. Không gian mạng là ảo nhưng chủ thể sử dụng là thật, và các chủ thể cần được bảo đảm bởi một không gian lành mạnh, an toàn bằng một hệ thống các quy định pháp luật quốc tế, quốc gia, trong đó làm rõ quyền, nghĩa vụ của các bên tham gia. Cần ngăn chặn các loại tội phạm mạng, đặc biệt là các loại tội phạm mạng mới, bảo vệ lợi ích của người dân và sự hài hòa, ổn định của xã hội, tránh các nguy cơ đe dọa an ninh con người và an ninh quốc gia.

Thứ tư, không gian mạng đi tiên phong trong cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng hiện nay. 

Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin và ứng dụng internet đã làm thay đổi sâu sắc cách thức tạo ra dư luận, phổ biến dư luận và định hướng dư luận. Nhiều tình huống mới và vấn đề mới trong lĩnh vực tư tưởng nảy sinh và gia tăng trên không gian mạng; nhiều quan điểm sai trái, thù địch, tư tưởng phản động, cực đoan cũng được tạo ra và “lên men” trong môi trường không gian này. 

Ở Việt Nam hiện nay, các thế lực thù địch ở trong nước và nước ngoài đang ra sức sử dụng không gian mạng để bôi nhọ hình ảnh và làm suy giảm vị thế đất nước cũng như hệ thống chính trị nước ta. Chúng tăng cường chống phá Đảng ta và hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa, bôi nhọ lãnh đạo Đảng và Nhà nước, truyền bá những tư tưởng thù địch, kích động hận thù, bất mãn, mâu thuẫn...  Trong những năm gần đây, nhiều cuộc tấn công mạng và những hành vi gây rối, phá hoại an ninh truyền thống và phi truyền thống trên không gian mạng ngày càng gia tăng với những thủ đoạn vô cùng tinh vi, nguy hiểm, gây thiệt hại nghiêm trọng. Đó là các hoạt động tán phát tin giả, tin xấu, độc hại, gây nhiễu loạn đời sống xã hội, đặc biệt là đời sống tư tưởng, chính trị trong các tầng lớp nhân dân. Việt Nam thường xuyên nằm trong tốp 3 quốc gia bị tấn công mạng nhiều nhất trong những năm 2018, 2019, 2020 và là quốc gia có tỷ lệ gặp phải mã độc tống tiền cao nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2019(5)... Thời gian qua, tại Việt Nam đã phát hiện trên 3.000 trang web, blog, tài khoản mạng xã hội và gần 100 hội, nhóm trên mạng xã hội Facebook thường xuyên đăng tải thông tin chống Đảng, Nhà nước, kích động gây rối an ninh, trật tự, kích động biểu tình, bạo loạn, thực hiện “cách mạng màu”, “cách mạng đường phố”, làm nhiễu loạn đời sống và an ninh tư tưởng, chính trị trong nước,...(6).

Không gian mạng đã trở thành “vùng lãnh thổ đặc biệt” thứ năm thuộc lãnh thổ quốc gia bên cạnh đất liền, hải đảo, vùng biển, vùng trời của một quốc gia(7). Có thể nói, nếu không bảo đảm được an ninh không gian mạng thì không thể có an ninh quốc gia; sự an toàn của không gian mạng liên quan trực tiếp đến an ninh tư tưởng và an ninh chính trị của đất nước. Do đó, để bảo vệ an ninh quốc gia từ sớm, từ xa, việc bảo đảm an ninh không gian mạng cần được ưu tiên quan tâm. Đặc biệt, hoạt động thông tin, tuyên truyền, đấu tranh chống các luận điệu xuyên tạc, phản động, bóp méo sự thật, chống phá Đảng và Nhà nước của các thế lực thù địch trên không gian mạng phải được coi là trọng tâm tiên phong trong cuộc đấu tranh tư tưởng trên không gian mạng hiện nay.

Một số yêu cầu đặt ra đối với hoạt động thông tin, tuyên truyền và định hướng dư luận xã hội trên không gian mạng hiện nay

Trước sự ảnh hưởng ngày càng lớn của không gian mạng đối với hoạt động thông tin, tuyên truyền và định hướng dư luận xã hội, việc bảo đảm cho không gian mạng trở nên lành mạnh, an toàn đã trở thành yêu cầu cấp bách hiện nay. Trong bối cảnh không gian mạng phát triển mạnh mẽ cả chiều rộng lẫn chiều sâu với sự ra đời của vô số mạng xã hội, hệ sinh thái của thông tin và dư luận xã hội đều đang có những thay đổi sâu sắc, thì các văn bản quy phạm pháp luật, quản lý của Nhà nước đối với các hoạt động diễn ra trên không gian mạng chưa theo kịp. Chính vì lẽ đó, cần chủ động nắm bắt “mặt trận” tư tưởng và định hướng dư luận xã hội càng sớm càng tốt; phải xác định hoạt động thông tin, tuyên truyền và định hướng dư luận xã hội trên không gian mạng là nhiệm vụ trọng tâm, cần được ưu tiên trong công tác tư tưởng của Đảng.

Về yêu cầu chung, hoạt động thông tin, tuyên truyền và định hướng dư luận xã hội trên không gian mạng phải bảo đảm lập trường rõ ràng theo đường lối chính trị, định hướng tuyên truyền và định hướng giá trị đúng đắn; giữ vững sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước; lấy trọng tâm, trọng điểm là phục vụ sự phát triển của đất nước, gìn giữ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân; đồng thời, tăng cường đối thoại nhằm bóc trần và phản bác những luận điệu xuyên tạc, bôi nhọ của các thế lực thù địch với âm mưu chống phá đất nước ta.

Về yêu cầu cụ thể, hoạt động thông tin, tuyên truyền và định hướng dư luận trên không gian mạng cần tuân thủ các nội dung sau:

Thứ nhất, tuân thủ sự lãnh đạo đúng đắn, xuyên suốt của Đảng đối với công tác tư tưởng nói chung và hoạt động thông tin, tuyên truyền nói riêng.

Đây là một yêu cầu quan trọng nhằm giữ vững vai trò lãnh đạo toàn diện của Đảng đối với Nhà nước và xã hội. Dù bối cảnh truyền thông phát triển và có thay đổi như thế nào thì vai trò lãnh đạo cũng như các nguyên tắc lãnh đạo của Đảng đối với công tác thông tin, tuyên truyền cũng không thay đổi. 

Đặc biệt, về chính trị, phải đặt đường lối chính trị của Đảng lên hàng đầu, kiên định quan điểm báo chí - truyền thông của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định nguyên tắc tích cực tuyên truyền, định hướng đối với dư luận xã hội, thống nhất “ý Đảng” với “lòng dân”, đưa quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng thành hành động có ý thức của nhân dân; kịp thời phản ánh thực tiễn đời sống kinh tế - xã hội đất nước; đi sâu và làm phong phú thêm đời sống tinh thần của nhân dân. Các cơ quan báo chí, truyền thông cần làm tốt hơn nữa vai trò tiên phong trong phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, ghi lại trung thực những diễn biến và đổi thay của thời đại, thúc đẩy tiến bộ xã hội, giám sát sự công bằng và công lý xã hội.

Thứ hai, tuân thủ định hướng đúng đắn của Đảng đối với công tác dư luận xã hội

Định hướng là vấn đề cơ bản, là cơ sở của hướng dẫn dư luận xã hội. Lịch sử và thực tiễn cho thấy, không được đánh giá thấp sức mạnh của dư luận xã hội, nhất là trong bối cảnh không gian mạng phát triển mạnh mẽ như hiện nay. Dư luận xã hội trên không gian mạng tốt có thể trở thành “mảnh đất” nuôi dưỡng những tư tưởng tốt đẹp, là “lực đẩy” của đạo đức xã hội, là “chất keo” gắn kết cộng đồng, là “bàn đạp” của sự phát triển. Ở chiều ngược lại, nó có thể là “con dao sắc” sẵn sàng “giết chết” đời sống tinh thần của người dân và có thể biến thành “chất xúc tác” cho tình trạng bất ổn xã hội, thậm chí có thể biến thành nơi “tập hợp lực lượng” cho những cuộc biểu tình, bạo loạn, lật đổ, thực hiện “cách mạng màu”, “cách mạng đường phố”... của các thế lực thù địch. Thực chất, các cuộc biểu tình, “cách mạng màu” ở một số nơi trên thế giới, như ở Pháp, một số nước Đông Âu, Bắc Phi,... trong những năm qua đều bắt đầu được hô hào, tập hợp từ các mạng xã hội và lan truyền nhanh chóng. Mạng xã hội đã đóng vai trò là “thủ lĩnh tổ chức” của hầu hết các “cuộc nổi dậy chính trị” mà không có người lãnh đạo cụ thể. 

Do vậy, công tác dư luận xã hội trên không gian mạng cần tuyệt đối tuân thủ sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, góp phần thúc đẩy công cuộc đổi mới và phát triển đất nước, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc và duy trì sự hài hòa, ổn định và phát triển của xã hội. Cho dù là cơ quan báo chí trung ương hay cơ quan báo chí địa phương, cho dù là phương tiện truyền thông truyền thống hay phương tiện truyền thông mới, cho dù đó là tin tức thời sự, tin tức xã hội hay các chương trình, chuyên mục giải trí khác, thì tuyệt đối không được phép cung cấp kênh để truyền bá những tư tưởng chệch hướng, những phát ngôn sai sự thật hay những thông tin giả mạo, độc hại làm rối loạn dư luận xã hội.

Thứ ba, kiên trì giữ vững mục tiêu đoàn kết, ổn định chính trị - xã hội; đồng thời, khuyến khích sự tham gia tích cực của quần chúng trong hoạt động thông tin, tuyên truyền và định hướng dư luận xã hội theo chủ trương, đường lối của Đảng.

Theo đó, lấy việc đoàn kết và đồng thuận xã hội, ổn định chính trị - xã hội làm mục tiêu chính; đồng thời, tập trung phản ánh bản chất tích cực và lành mạnh của xã hội, thể hiện một cách khách quan bức tranh toàn cảnh về sự phát triển và tiến bộ trên mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội đất nước. Trong thời đại ngày nay, sự nghiệp cách mạng nước ta đang bước vào bối cảnh mới với những đặc điểm lịch sử mới và những thách thức, khó khăn chưa từng có. Chính vì thế, chúng ta phải khơi dậy sức mạnh của toàn Đảng, toàn xã hội, chung sức đồng lòng, huy động mạnh mẽ sự nhiệt tình, chủ động, sáng tạo của mọi đối tượng trong xã hội, trong đó quần chúng nhân dân là lực lượng hùng mạnh nhất.

Để làm tốt hoạt động thông tin, tuyên truyền và định hướng dư luận xã hội, cần tăng cường thông tin luồng tư tưởng chủ đạo và dư luận xã hội tích cực. Thông tin phiến diện hoặc thông tin quá nhiều về những hiện tượng tiêu cực, mặt trái của xã hội, ít thông tin về mặt tích cực, những tấm gương người tốt, việc tốt, dễ gây ra tình trạng mệt mỏi, mất tinh thần, mất niềm tin trong dư luận xã hội. Tất nhiên, các kênh thông tin của Đảng, Nhà nước phải tuân thủ sự thống nhất giữa giám sát dư luận và tuyên truyền tích cực. Một mặt, phản ánh mặt tích cực của xã hội; mặt khác, vẫn phải đối diện với những vấn đề còn hạn chế, bất cập trong đời sống xã hội, phản ánh tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân, giải quyết những khúc mắc, bức xúc của người dân một cách kịp thời và định hướng dư luận lành mạnh, tích cực cho người dân.

Thứ tư, coi trọng việc đổi mới hoạt động thông tin, tuyên truyền và định hướng dư luận xã hội.

Hoạt động thông tin, tuyên truyền và định hướng dư luận hiện nay cần thích ứng với tình hình mới, nhất là thích ứng với sự tiến bộ không ngừng của quá trình thông tin hóa xã hội và công nghệ thông tin tích hợp trên không gian mạng; đẩy mạnh phát triển các loại phương tiện truyền thông, bao gồm các phương tiện truyền thông truyền thống và các phương tiện truyền thông mới; tận dụng tối đa các ứng dụng công nghệ mới để đổi mới phương thức thông tin, truyền thông cũng như hoạt động của báo chí và chiếm lĩnh những đỉnh cao của truyền thông thông tin. Hoạt động thông tin, tuyên truyền và định hướng dư luận phải đổi mới về cách tiếp cận, nội dung, thể loại, hình thức, phương pháp, phương tiện, hệ thống, cơ chế và nâng cao tính đồng bộ, hiệu quả của các thiết chế thông tin, truyền thông, báo chí trong môi trường không gian mạng. Cần thích ứng với xu thế truyền thông phân hóa và khác biệt, đẩy nhanh việc xây dựng mô hình hướng dẫn dư luận xã hội mới trong bối cảnh các phương tiện truyền thông xã hội phát triển bùng nổ.

Một số giải pháp xây dựng không gian mạng an toàn, lành mạnh, bảo đảm phục vụ tốt hoạt động thông tin, tuyên truyền và định hướng dư luận xã hội thời gian tới

Thứ nhất, củng cố và tăng cường thông tin, tuyên truyền về hệ tư tưởng chủ đạo. 

Mục đích của công tác tư tưởng, tuyên truyền, thông tin và định hướng dư luận xã hội là nhằm củng cố quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, sự lãnh đạo của Đảng trên lĩnh vực tư tưởng, củng cố nền tảng tư tưởng chung cho sự đoàn kết, xây dựng và phát triển đất nước của toàn Đảng, toàn dân. Do đó, hoạt động thông tin, tuyên truyền và định hướng dư luận xã hội cần khơi dậy những mặt tích cực của đời sống xã hội, khuyến khích việc rèn luyện và thực hành các giá trị tốt đẹp của chủ nghĩa xã hội; nắm bắt thời điểm, mức độ và tầm ảnh hưởng của việc thông tin, tuyên truyền, định hướng dư luận xã hội trên không gian mạng, để làm cho môi trường không gian mạng được an toàn, lành mạnh, phục vụ sự phát triển của xã hội.

Thứ hai, tăng cường xây dựng các nội dung thông tin lành mạnh, đúng đắn.

Thực hiện đổi mới các đơn vị sản xuất thông tin (báo, tạp chí, đài phát thanh, truyền hình, các đơn vị truyền thông, mạng xã hội,...) và thúc đẩy đổi mới về quan niệm, nội dung, hình thức, phương pháp, phương tiện công khai trên không gian mạng. Đấu tranh chống lại các luận điệu xuyên tạc, thù địch trên không gian mạng, tuyệt đối không được thờ ơ, cho qua những luồng thông tin, tư tưởng chệch hướng, đi ngược sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, lợi ích của dân tộc; phải kiên quyết đấu tranh chống lại sự tấn công của các tin đồn ác ý, các thông tin bôi nhọ, hạ thấp uy tín cá nhân và lãnh đạo các cấp. Các cơ quan của Đảng, Nhà nước và cán bộ lãnh đạo các cấp phải sử dụng thông thạo internet để tìm hiểu dư luận và triển khai công việc, ứng dụng internet như một nền tảng mới để đảng viên và cán bộ lãnh đạo giao tiếp với quần chúng nhân dân, hiểu nhân dân, gần gũi nhân dân, giải quyết những vấn đề còn khúc mắc, bất cập trong đời sống nhân dân; đồng thời, cần đưa không gian mạng thành một kênh mới để tăng cường giám sát của nhân dân.

Thứ ba, thiết lập và cải tiến hệ thống quản lý mạng toàn diện.

Không gian mạng cũng giống như xã hội thực, thúc đẩy tự do, nhưng cũng phải tuân thủ các quy định pháp luật. Cần tôn trọng quyền trao đổi ý kiến, bày tỏ ý chí của cư dân mạng, đồng thời với xây dựng môi trường mạng an toàn, lành mạnh theo pháp luật, quyền và lợi ích hợp pháp của cư dân mạng được bảo đảm.

Cần nâng cao khả năng quản trị mạng và thiết lập cơ quan quản trị mạng toàn diện với sự tham gia của các chủ thể liên quan, tạo ra một hệ thống mới về đồng quản lý và tương tác tích cực trên tinh thần tuân thủ pháp luật phù hợp với các giá trị đạo đức, văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam; rà soát để sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện pháp luật và các quy định về dịch vụ thông tin mạng, bảo vệ an ninh mạng, quản lý xã hội mạng...; tích hợp chức năng của các cơ quan liên quan trong quản lý nội dung, quản lý ngành và cơ chế liên kết, phối hợp trong phòng, chống tội phạm mạng; xây dựng cơ chế xử lý phù hợp, đủ sức răn đe; thường xuyên “làm sạch internet” để tạo ra một môi trường mạng an toàn và văn minh...

Thứ tư, thúc đẩy tích hợp truyền thông, thông tin phát triển theo chiều sâu. 

Cần tích hợp, tối ưu hóa quy trình và tái cấu trúc nền tảng thông tin để thực hiện tích hợp có hiệu quả các nguồn lực truyền thông với các yếu tố sản xuất khác nhau. Đồng thời, thực hiện tích hợp và kết hợp các yếu tố như nội dung thông tin, ứng dụng công nghệ, phương pháp quản lý nhằm thúc đẩy sự thay đổi về chất, mở rộng hiệu quả tích hợp, tạo ra một nhóm phương tiện truyền thông chính thống mới có sức ảnh hưởng và khả năng cạnh tranh mạnh mẽ để tiến hành thông tin và định hướng dư luận xã hội trên không gian mạng hiệu quả.

Ưu tiên phát triển các thiết bị di động, xây dựng và phát triển nền tảng thông tin truyền thông di động quốc gia; hỗ trợ các phương tiện truyền thông chính thống sử dụng thông tin di động chiếm lĩnh vị trí hàng đầu trong định hướng tư tưởng, dẫn dắt dư luận xã hội. Đồng thời, tăng cường thúc đẩy sáng tạo, đổi mới các công nghệ cốt lõi quan trọng để tạo ra những đột phá trong công nghệ thông tin, truyền thông;  ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong thu thập tin tức, sản xuất, phân phối, tiếp nhận và phản hồi thông tin. Phối hợp giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phương tiện truyền thông truyền thống và phương tiện truyền thông mới, phương tiện truyền thông trung ương và phương tiện truyền thông địa phương, phương tiện truyền thông đại chúng và phương tiện truyền thông chuyên biệt. Thiết lập hệ thống truyền thông đa phương tiện với các nguồn lực chuyên sâu, cấu trúc hợp lý, phối hợp hiệu quả.

Để thực hiện những giải pháp này, đòi hỏi cán bộ lãnh đạo các cấp phải nhận thức sâu sắc rằng, việc tạo dựng một không gian mạng lành mạnh, an toàn là ưu tiên hàng đầu hiện nay. Những nhiệm vụ quan trọng, cấp bách trước mắt là: Phải bám sát đường lối chính trị của Đảng, định hướng dư luận xã hội và giữ vững những giá trị tốt đẹp của xã hội; cần đưa không gian mạng thành nơi giao tiếp, thông tin với quần chúng, hướng dẫn quần chúng, phục vụ quần chúng; tập trung chiếm lĩnh không gian mạng bằng các lý luận khoa học, văn hóa tiên tiến và các giá trị truyền thống tốt đẹp; quản lý mạng văn minh, sử dụng và truy cập internet một cách có hiểu biết; xây dựng các “hàng rào xanh” và “rào chắn an ninh” vững chắc nhằm tạo ra một không gian mạng lành mạnh, an toàn, phục vụ lợi ích của nhân dân và sự phát triển toàn diện của đất nước./.

PGS,TS Vũ Trọng Lâm 

Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản

---------------------------------

(1) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 272
(2) Xem: “Digital 2022: Vietnam” (Tạm dịch: Kỹ thuật số 2022: Việt Nam), http://datareportal.com/reports/digital-2022-vietnam (3) Xem: Nguyễn Văn Thành: “Bàn về chủ quyền quốc gia trên không gian mạng - Những yêu cầu bảo đảm các chỉ số an ninh, an toàn trong bối cảnh hiện nay”, Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc gia Bảo đảm chủ quyền quốc gia trên không gian mạng, do Bộ Công an và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp tổ chức, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. 1, tr. 50
(4) Xem: Quỳnh Vinh: “Phát hiện, xử lý 840 chuyên án, vụ việc liên quan tội phạm mạng”, Báo Công an nhân dân điện tử, ngày 6-6-2022, https://cand.com.vn /Cong-nghe/phat-hien-xu-ly-840-chuyen-an-vu-viec-lien-quan-toi-pham-mang-i656116/
(5) Xem: Thành Luân: “Việt Nam nằm trong top 3 bị tấn công mạng nhiều nhất”, Báo Thanh niên điện tử, ngày 8-3-2019, https://thanhnien.vn/viet-nam-nam-trong-top-3-quoc-gia-bi-tan-cong-mang-nhieu-nhat-post831891.html“Báo cáo của Microsoft: Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ nhiễm mã độc tống tiền cao nhất châu Á - Thái Bình Dương”, ngày 24-6-2020, https://news.microsoft.com/vi-vn/2020/06/24/bao-cao-cua-microsoft-viet-nam-la-quoc-gia-co-ty-le-nhiem-ma-doc-tong-tien-cao-nhat-chau-a-thai-binh-duong-nam-2019/
(6) Xem: Nguyễn Trọng Nghĩa: “Quan điểm của Đảng và Nhà nước về bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng và bảo đảm an ninh mạng”, Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc gia Bảo đảm chủ quyền quốc gia trên không gian mạng, do Bộ Công an và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp tổ chức, Sđd, t. 1, tr. 10
(7) Có quốc gia còn đưa ra khái niệm “vùng không gian vũ trụ”

...