20/04/2024 lúc 15:18 (GMT+7)
Breaking News

Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến đủ điều kiện đưa lên mức độ 4 là 97,3%

Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông về tình hình thực hiện Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ (Báo cáo số 124/BC-BTTTT ngày 30/8/2022), Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (e-Cabinet) trong tháng 8/2022 đã phục vụ 02 phiên họp Chính phủ và xử lý 38 phiếu lấy ý kiến thành viên Chính phủ (thay thế gần 14 nghìn hồ sơ, tài liệu giấy).

Tính đến nay, Hệ thống đã phục vụ 57 hội nghị, phiên họp của Chính phủ và thực hiện xử lý 1.263 phiếu lấy ý kiến thành viên Chính phủ (thay thế gần 452 nghìn hồ sơ, tài liệu giấy).

Ảnh minh họa - vietnamnet.vn

Về công tác chỉ đạo, điều hành

Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ số hóa hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ phận một cửa, việc số hóa hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính đối với 25 dịch vụ công thiết yếu theo Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 08/4/2022 của Chính phủ; thực hiện nghiêm các quy định về bảo đảm an ninh, an toàn, bảo mật dữ liệu, bảo vệ dữ liệu cá nhân; tập trung bố trí nguồn lực triển khai quyết liệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06), bảo đảm theo đúng tiến độ, yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; giao Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, đánh giá hoạt động của Trung tâm điều hành (IOC) tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; giao các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, thành lập tổ liên ngành phân tích dữ liệu phục vụ lãnh đạo Bộ, ngành, địa phương trong công tác chỉ đạo, điều hành IOC; Chính phủ đã ban hành Nghị định số 55/2022/NĐ-CP ngày 23/8/2022 quy định Cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về công tác tiếp công dân, xử lý đơn, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.

Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số: Giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương cần tập trung triển khai trong thời gian tới nhằm tiếp tục thúc đẩy phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, chuyển đổi số quốc gia; ban hành các Quyết định số: 897/QĐ-TTg ngày 26/7/2022 phê duyệt Chương trình “Hỗ trợ Thanh niên khởi nghiệp” giai đoạn 2022 - 2030; 924/QĐ-TTg ngày 02/8/2022 phê duyệt Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh giai đoạn 2021 - 2025; 964/QĐ-TTg ngày 10/8/2022 phê duyệt Chiến lược An toàn, An ninh mạng quốc gia, chủ động ứng phó với các thách thức từ không gian mạng đến năm 2025, tầm nhìn 2030.

Về xây dựng, hoàn thiện thể chế

Sau khi Chính phủ thông qua hồ sơ xây dựng Nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân tại Nghị quyết số 27/NQ-CP ngày 07/3/2022, Bộ Công an đang phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Ban Cán sự đảng Chính phủ và các cơ quan, đơn vị liên quan hoàn thiện báo cáo Ban Cán sự đảng Chính phủ về dự thảo Nghị định. Căn cứ ý kiến của Ban Cán sự đảng Chính phủ, Bộ Công an sẽ phối hợp với Văn phòng Ban Cán sự đảng Chính phủ, Văn phòng Trung ương Đảng để sớm trình Bộ Chính trị cho ý kiến. Ngày 06/7/2022, Bộ Công an đã có Tờ trình số 349/TTr-BCA trình Chính phủ xem xét, ban hành Nghị định quy định về định danh và xác thực điện tử, đến nay, Chính phủ đã ban hành Nghị định.

Về xây dựng nền tảng phát triển Chính phủ điện tử

Tính đến ngày 23/8/2022, tổng số giao dịch thực hiện thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (National Data Exchange Platform - NDXP) trong tháng 8/2022 là 13.225.326; tổng số giao dịch thực hiện thông qua NDXP từ khi khai trương đến nay là 573.681.185; tính từ đầu năm 2022, trung bình hàng ngày có khoảng 1,6 triệu giao dịch thực hiện thông qua NDXP. 

Xây dựng các cơ sở dữ liệu (CSDL) tạo nền tảng Chính phủ điện tử 

CSDL quốc gia về Dân cư: Đến ngày 22/8/2022, lãnh đạo 07 bộ, ngành (Văn phòng Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Bộ Y tế) đã ký kết Kế hoạch đăng ký lộ trình triển khai các nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2022. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có 03 buổi làm việc với các bộ, ngành, đoàn thể để thống nhất một số nhiệm vụ trọng tâm thực hiện Đề án 06.

CSDL về Bảo hiểm: Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đã phối hợp với Bộ Công an thực hiện xác thực thông tin công dân trong CSDL quốc gia về dân cư qua số Chứng minh nhân dân để đối chiếu, đồng bộ (lấy) số Căn cước công dân (CCCD) từ CSDL quốc gia về dân cư sang CSDL của BHXH. Tính đến ngày 18/8/2022, hoàn thành xác thực đúng thông tin công dân của trên 49 triệu người tham gia; việc triển khai thí điểm khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế (BHYT) bằng CCCD gắn chíp; toàn quốc đã có 10.313 cơ sở khám chữa bệnh BHYT thực hiện tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng CCCD gắn chíp; BHXH đã có các văn bản gửi bộ, ngành, địa phương đề nghị phối hợp kê khai mã số BHXH, số định danh cá nhân/CCCD khi nộp hồ sơ tham gia BHXH, BHYT.

BHXH Việt Nam tiếp tục kết nối, trao đổi, chia sẻ dữ liệu giữa BHXH với Cục Chuyển đổi số quốc gia (Bộ Thông tin và Truyền thông), Bộ Tư pháp, Tổng cục Thuế, Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), Bộ Y tế; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Giáo dục và Đào tạo; phối hợp với Văn phòng Chính phủ kết nối và chia sẻ dữ liệu chứng thực từ bản sao điện tử và các dữ liệu dịch vụ công liên quan đến CSDL quốc gia về Bảo hiểm theo quy định hiện hành, đồng thời triển khai thí điểm chứng thực thông tin trên sổ BHXH phù hợp với CSDL quốc gia về Bảo hiểm; tiếp tục phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các Bộ liên quan hoàn thiện quy trình để tích hợp cung cấp các dịch vụ công; BHXH Việt Nam đã cung cấp 100% dịch vụ công mức độ 4 lên cổng dịch vụ công của ngành và tích hợp, cung cấp 25 dịch vụ công trực tuyến của ngành trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.

CSDL hộ tịch điện tử toàn quốc: Tính đến ngày 21/8/2022, Hệ thống đã có 30.397.109 dữ liệu đăng ký khai sinh, trong đó có 7.612.566 trẻ em được cấp Số định danh cá nhân theo quy định; 6.520.606 dữ liệu đăng ký kết hôn; 4.354.459 dữ liệu đăng ký khai tử và 7.662.672 dữ liệu khác.

Về xây dựng các hệ thống thông tin đổi mới lề lối, phương thức làm việc, phục vụ người dân, doanh nghiệp

Các hệ thống thông tin đổi mới lề lối, phương thức làm việc

Trục liên thông văn bản quốc gia: Số lượng văn bản điện tử gửi, nhận trong tháng 8/2022 là 690.109 văn bản (gửi: 145.560 văn bản, nhận: 544.549 văn bản). Từ khi khai trương (12/3/2019) đến nay Hệ thống có tổng số hơn 13,7 triệu văn bản điện tử được gửi và nhận giữa các cơ quan hành chính nhà nước trên Trục liên thông văn bản quốc gia.

Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (e-Cabinet): trong tháng 8/2022 đã phục vụ 02 phiên họp Chính phủ và xử lý 38 phiếu lấy ý kiến thành viên Chính phủ (thay thế gần 14 nghìn hồ sơ, tài liệu giấy). Tính đến nay, Hệ thống đã phục vụ 57 hội nghị, phiên họp của Chính phủ và thực hiện xử lý 1.263 phiếu lấy ý kiến thành viên Chính phủ (thay thế gần 452 nghìn hồ sơ, tài liệu giấy).

Hệ thống thông tin báo cáo Quốc gia, Trung tâm thông tin chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ: Hệ thống đã kết nối, liên thông các hệ thống thông tin, CSDL có chức năng báo cáo của 74 bộ, cơ quan, địa phương; đã cung cấp thông tin, dữ liệu của 15/151 chế độ báo cáo trên Hệ thống; 167/200 chỉ tiêu kinh tế - xã hội theo Quyết định số 293/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và 04/12 chỉ tiêu chủ yếu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 Quốc hội giao Chính phủ được cung cấp trên Hệ thống; kết nối 37 chỉ tiêu thông tin dữ liệu trực tuyến; Xây dựng kho dữ liệu tổng hợp với trên 310 chỉ tiêu kinh tế - xã hội; 250 bảng hiển thị dữ liệu cho các chỉ tiêu. Tiếp tục phối hợp với các chuyên gia và các bộ, ngành xây dựng và hiển thị 17 nhóm chỉ tiêu phục vụ chỉ đạo điều hành hàng ngày, hàng tháng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; tiếp tục triển khai kết nối, tích hợp các thông tin dữ liệu từ các CSDL quốc gia, CSDL chuyên ngành, hệ thống thông tin của các bộ, cơ quan, địa phương với Trung tâm.

Các hệ thống thông tin phục vụ người dân, doanh nghiệp

Tính đến ngày 24/8/2022, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến đủ điều kiện đưa lên mức độ 4 là 97,3% (chiếm 54,51% tổng số thủ tục hành chính).

Từ ngày 20/7/2022 đến ngày 20/8/2022, Cổng Dịch vụ công quốc gia đã có hơn 290 nghìn tài khoản đăng ký; trên 2,9 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái; hơn 480 nghìn lượt thực hiện các dịch vụ tiện ích; trên 288 nghìn hồ sơ trực tuyến thực hiện từ Cổng; trên 139 nghìn giao dịch thanh toán trực tuyến với số tiền hơn 245 tỷ đồng. Từ khi khai trương đến nay đã cung cấp 3.856 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4; đã có hơn 2,63 triệu tài khoản đăng ký; hơn 127,7 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái; trên 6,6 triệu lượt thực hiện các dịch vụ tiện ích; hơn 4,5 triệu hồ sơ trực tuyến thực hiện từ Cổng; trên 1,2 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến với số tiền hơn 2.587 nghìn tỷ đồng; trên 184 nghìn cuộc gọi tới tổng đài tư vấn hỗ trợ.

Về việc xây dựng CPĐT gắn kết chặt chẽ với bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng, an ninh quốc gia, bảo vệ thông tin cá nhân 

Trong tháng 8/2022, Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông đã ghi nhận, cảnh báo và hướng dẫn xử lý 907 cuộc tấn công mạng gây ra sự cố vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam, giảm 7,7% so với tháng 7/2022, tăng 6,9% so với cùng kỳ tháng 8/2021./.

Mạnh Tuyền - Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ

...