29/03/2024 lúc 00:33 (GMT+7)
Breaking News

Tư tưởng Hồ Chí minh về mối quan hệ Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ

Trong công cuộc đổi mới, Đảng ta đã nêu cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”. Trong di sản của mình, mặc dù Chủ tịch Hồ Chí Minh chưa đặt ba nhân tố đó cạnh nhau trong một mệnh đề, nhưng khi xâu chuỗi các nhân tố đó thì nhận rõ mối quan hệ biện chứng giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ. Bài viết làm rõ tư tưởng Hồ Chí Minh về mối quan hệ giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ và thực hiện cơ chế này trong bối cảnh hiện nay.
Ảnh minh họa - Internet

1. Khái lược về mối quan hệ Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ

Tiếp cận theo phương pháp lịch sử, trong cơ chế tổng hợp của ba nhân tố Đảng, Nhà nước và nhân dân thì phải đặt “nhân dân làm chủ” lên trước vì nhân dân có trước Đảng và Chính phủ.

Thực tiễn Việt Nam đã chứng minh tính đúng đắn của trật tự nêu trên. Trước khi Đảng ra đời và chế độ dân chủ cộng hòa được thiết lập, nhân dân đã giữ vị trí quan trọng và có vai trò to lớn trong hàng nghìn năm lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước. Bởi lẽ, lòng dân có trước ý Đảng; chủ nghĩa yêu nước có trước chủ nghĩa cộng sản; tinh thần dân tộc có trước tinh thần quốc tế; giai cấp nông dân ra đời trước giai cấp công nhân; phong trào yêu nước có trước phong trào công nhân; ngay cả khi có phong trào công nhân thì chất lượng vẫn ở trình độ “tự phát” cho đến khi Đảng ta ra đời. 

Đầu năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là sự kết hợp giữa chủ nghĩa Mác - Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước. Sự bổ sung yếu tố mới so với quy luật ra đời của Đảng Cộng sản theo chủ nghĩa Mác - Lênin là phong trào yêu nước cho thấy phong trào yêu nước không chỉ được hình thành trong chiều dài lịch sử dân tộc mà còn đóng vai trò quan trọng, lấp vào “khoảng trống” của phong trào công nhân và là một thành tố không thể thiếu khi Đảng ra đời. Điều đó cũng có nghĩa, Đảng ra đời từ trong nhân dân; nhân dân chở che, đùm bọc, bảo vệ, nuôi dưỡng Đảng. Đảng với dân như cá với nước, có dân là sống, thoát ly dân là chết.

Ngay từ khi ra đời, Đảng ta đã kế thừa, phát huy, phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, nâng lên một trình độ và chất lượng mới cao hơn, đậm nét, rõ ràng và sâu sắc hơn, nhất là độc lập dân tộc gắn liền với CNXH, dân tộc kết hợp với giai cấp, tinh thần yêu nước kết hợp với tinh thần quốc tế vô sản.

Mùa Thu năm 1945, Đảng lãnh đạo toàn dân Tổng khởi nghĩa, lật đổ chế độ thực dân phong kiến, giành chính quyền về tay nhân dân. Từ đó, với tư cách là “người chủ”, giữ địa vị cao nhất, nhân dân trở thành nguồn gốc quyền lực Nhà nước, đòi hỏi sự quản lý, phục vụ của nhà nước. Nhân dân là cội nguồn sức mạnh của Đảng, đồng hành với Đảng, là chỗ dựa vững chắc của Đảng, tạo nên sự gắn bó, hòa quyện giữa ý Đảng - lòng dân, lòng dân - ý Đảng, phát triển trong suốt tiến trình cách mạng.

2. Tư tưởng Hồ Chí Minh về mối quan hệ Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ

Hồ Chí Minh chỉ rõ, Đảng là lực lượng lãnh đạo, là đội tiên phong, tức là đi đầu đội ngũ quần chúng, dẫn dắt dân tộc, nhưng không biệt phái, không đứng trên mà đứng trong đội ngũ ấy. Quan điểm của Người về lãnh đạo rất đặc biệt: “Lãnh đạo là làm đày tớ nhân dân và phải làm cho tốt”(1). Quan điểm Hồ Chí Minh: “Đảng ta vĩ đại vì nó gần gũi tận trong lòng của mỗi đồng bào ta” là xuất phát từ thực tiễn Việt Nam, mang sắc thái, diện mạo, cốt cách văn hóa Hồ Chí Minh, thể hiện chiều sâu không chỉ trong mối quan hệ với nhân dân làm chủ, Đảng lãnh đạo, Chính phủ phục vụ, mà cả trong toàn bộ di sản của Người, vì tư tưởng Hồ Chí Minh, nói ngắn gọn, đúc kết là vì dân và do dân.

Mối quan hệ giữa nhân dân và Chính phủ được Người chỉ rõ: “Nếu không có nhân dân thì Chính phủ không đủ lực lượng. Nếu không có Chính phủ, thì nhân dân không ai dẫn đường. Vậy nên Chính phủ với nhân dân phải đoàn kết thành một khối”(2). Theo Người, nội hàm “Chính phủ cộng hòa dân chủ” tỏ rõ “là đày tớ chung của dân, từ Chủ tịch toàn quốc đến làng. Dân là chủ thì Chính phủ phải là đày tớ. Làm việc ngày nay không phải là để thăng quan, phát tài. Nếu Chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ. Nhưng khi dân dùng đày tớ làm việc cho mình, thì phải giúp đỡ Chính phủ. Nếu Chính phủ sai thì phải phê bình, phê bình nhưng không phải là chửi”(3).

Người phê phán quan niệm của những cán bộ, đảng viên chỉ thấy Đảng, Chính phủ mà không thấy dân với nhận thức mọi việc họ chỉ chịu trách nhiệm trước Đảng, trước Chính phủ. Người nói: “Thế là đúng, nhưng chỉ đúng một nửa. Họ phụ trách trước Đảng và Chính phủ, đồng thời họ phải phụ trách trước nhân dân. Mà phụ trách trước nhân dân nhiều hơn phụ trách trước Đảng và Chính phủ, vì Đảng và Chính phủ vì dân mà làm các việc, và cũng phụ trách trước nhân dân. Vì vậy nếu cán bộ không phụ trách trước nhân dân, tức là không phụ trách trước Đảng và Chính phủ, tức là đưa nhân dân đối lập với Đảng và Chính phủ”(4).

Nhân dân làm chủ thì Chính phủ và Đảng đều là “trâu ngựa, làm tôi tớ trung thành của nhân dân”(5). Người khẳng định: “Chế độ ta là chế độ dân chủ, nghĩa là nhân dân làm chủ. Đảng ta là Đảng lãnh đạo, nghĩa là tất cả các cán bộ, từ Trung ương đến khu, đến tỉnh, đến huyện, đến xã, bất kỳ ở cấp nào và ngành nào - đều phải là người đầy tớ trung thành của nhân dân”(6).

Hai từ “Chính phủ” trong giai đoạn từ sau Cách mạng Tháng Tám thành công đến sửa đổi Hiến pháp năm 1959 được hiểu như là “Nhà nước”. Nói đến Chính phủ, Hồ Chí Minh ít đề cập đến sự “quản lý” mà nhấn mạnh bổn phận công bộc, phục vụ nhân dân, tập trung vào việc giúp kế hoạch, ý kiến, tạo khung khổ pháp lý. Quan điểm Đảng và Chính phủ phục vụ nhân dân được Người chỉ rõ: “chính sách của Đảng và Chính phủ là phải hết sức chăm nom đến đời sống của nhân dân. Nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân rét là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân dốt là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi”(7).

Về Đảng lãnh đạo, Người phê bình cách hiểu cho rằng, lãnh đạo chỉ là ra nghị quyết, vạch đường lối, viết chỉ thị “theo cách quan liêu. Cái gì cũng dùng mệnh lệnh. Ép dân chúng làm. Đóng cửa lại mà đặt kế hoạch, viết chương trình rồi đưa ra cột vào cổ dân chúng, bắt dân chúng theo”(8). Còn Chính phủ là công bộc của dân được hiểu: “các công việc của Chính phủ làm phải nhằm vào một mục đích duy nhất là mưu tự do hạnh phúc cho mọi người. Cho nên Chính phủ nhân dân bao giờ cũng phải đặt quyền lợi dân lên trên hết thảy. Việc gì có lợi cho dân thì làm. Việc gì có hại cho dân thì phải tránh”(9).

Lãnh đạo, quản lý phải lo tính cho dân, phục vụ nhân dân, không phải đè đầu, cưỡi cổ dân, vác mặt làm quan cách mạng. Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Hễ còn có một người Việt Nam bị bóc lột, bị nghèo nàn, thì Đảng vẫn đau thương, cho đó là vì mình chưa làm tròn nhiệm vụ. Cho nên Đảng vừa lo tính công việc lớn như đổi nền kinh tế và văn hóa lạc hậu của nước ta thành một nền kinh tế và văn hóa tiên tiến, đồng thời lại luôn luôn quan tâm đến những việc nhỏ như tương cà mắm muối cần thiết cho đời sống hằng ngày của nhân dân. Cho nên Đảng ta vĩ đại vì nó bao trùm cả nước, đồng thời vì nó gần gũi tận trong lòng của mỗi đồng bào ta”(10).

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta từ thân phận nô lệ bước lên địa vị người chủ và Chính phủ, cán bộ trở thành đày tớ dân, đem lại hạnh phúc cho dân là hai giá trị lớn nhất của chế độ mới. Đó cũng là hạt nhân trong quan hệ Đảng, Nhà nước và nhân dân. Đảng lãnh đạo, nhưng dân là chủ, là gốc. Vì vậy, Đảng phải hiểu dân, hỏi dân, học dân. Đảng “Không học hỏi dân thì không lãnh đạo được dân. Có biết làm học trò dân, mới làm được thầy học dân”(11); “Ý dân là ý trời. Làm đúng ý nguyện của dân thì ắt thành. Làm trái ý nguyện của dân thì ắt bại”(12). Vì vậy, “đối với dân, ta đừng có làm gì trái ý dân. Dân muốn gì, ta phải làm nấy”(13).

Đảng lãnh đạo nhưng số lượng đảng viên chỉ là thiểu số so với nhân dân. Nếu không có nhân dân giúp sức thì Đảng không làm được việc gì hết. Vì vậy, người lãnh đạo không nên kiêu ngạo, mà nên hiểu thấu. Phải dùng kinh nghiệm của nhân dân. Phải “Giữ chặt mối liên hệ với dân chúng và luôn luôn lắng tai nghe ý kiến của dân chúng, đó là nền tảng lực lượng của Đảng và nhờ đó mà Đảng thắng lợi... cách xa dân chúng, không liên hệ chặt chẽ với dân chúng, cũng như đứng lơ lửng giữa trời, nhất định thất bại”(14).

Đảng lãnh đạo học hỏi quần chúng nhưng không theo đuôi quần chúng. Không phải dân chúng nói gì cũng phải theo. Vấn đề là ở chỗ, phải hiểu rằng dân chúng đồng lòng, việc gì cũng làm được; dân chúng không ủng hộ, việc gì làm cũng không nên. “Dân chúng biết giải quyết nhiều vấn đề một cách giản đơn, mau chóng, đầy đủ, mà những người tài giỏi, những đoàn thể to lớn, nghĩ mãi không ra”(15).

Xây dựng đất nước đàng hoàng, to đẹp là một cuộc chiến khổng lồ chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi. Vì vậy, “việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng, làm cho mỗi đảng viên, mỗi đoàn viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ đảng giao phó cho mình, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân”(16). Hồ Chí Minh viết “trước hết nói về Đảng”, “trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng” nhằm khẳng định tầm quan trọng hàng đầu của mọi tầm quan trọng, bởi đó là bổn phận của đội tiên phong, bộ tham mưu, của từng cán bộ, đảng viên gánh vác trọng trách với dân tộc. Mặt khác, “nước lấy dân làm gốc”(17); “Gốc có vững cây mới bền, Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”(18).

Như vậy, Đảng lãnh đạo nhưng phải dựa vào dân theo tinh thần “dễ mười lần không dân cũng chịu. Khó trăm lần dân liệu cũng xong”. Hồ Chí Minh khẳng định: “Để giành lấy thắng lợi trong cuộc chiến đấu khổng lồ này cần phải động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân”(19). Đảng và Chính phủ phải có kế hoạch thật tốt, sẵn sàng, rõ ràng, chu đáo, tránh bị động, thiếu sót, sai lầm để phát triển kinh tế và văn hóa nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân.

3. Thực hiện cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ theo tư tưởng Hồ Chí Minh trong bối cảnh hiện nay

Khi nói “bối cảnh hiện nay” là đặt trong tình hình thế giới và đất nước ở những thập niên đầu thế kỷ XXI tới giữa thế kỷ XXI. Trong 36 năm qua, từ khi Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo công cuộc đổi mới, đất nước đã tiến những bước dài chưa từng thấy trong lịch sử dân tộc. Kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa và con người đều đổi mới. Tình hình thế giới và trong nước có cả thuận lợi và khó khăn đan xen. Điều quan trọng cần nhận thức thấu đáo là dù thế giới đổi thay nhưng tư tưởng Hồ Chí Minh không thay đổi, vẹn nguyên giá trị, vạch đường đổi mới, soi sáng tương lai, trường tồn cùng dân tộc và nhân loại. Trong bối cảnh mới, chúng ta cần tiếp tục nghiên cứu, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh để thực hiện tốt mối quan hệ giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ.

Thứ nhất, về nhân dân làm chủ. Các văn kiện trong thời kỳ đổi mới, đặc biệt là Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), Hiến pháp năm 2013, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII đều trở lại tinh thần căn cốt về dân chủ và phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong di sản Hồ Chí Minh.

Nhất quán quan điểm phát huy dân chủ XHCN, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân, Đảng ta nhấn mạnh, dân chủ XHCN là bản chất của chế độ ta, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển đất nước. Đảng khẳng định tôn trọng, bảo đảm và thực hiện trong thực tế các quyền con người, quyền công dân; chăm lo hạnh phúc và sự phát triển tự do của mỗi người; thực hiện đúng đắn, hiệu quả dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, đặc biệt là dân chủ ở cơ sở. Quyền làm chủ gắn với nghĩa vụ làm chủ, được ghi trong Hiến pháp, pháp luật và được pháp luật bảo đảm, đồng thời là ý thức và trách nhiệm của mỗi công dân.

Điểm nhấn quan trọng từ tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò, vị trí của nhân dân là thực hành dân chủ, phát huy sức dân để mỗi một người dân có ăn, có mặc, có chỗ ở, có học hành, được chữa bệnh. Quán triệt tư tưởng của Người, Đảng chỉ rõ: “Thực hiện tốt, có hiệu quả phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”(20)

Thứ hai, về Nhà nước quản lý. Nhà nước Dân chủ Cộng hòa ra đời, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước của dân, do dân, vì dân. Vai trò to lớn của Nhà nước là “kéo dài” sự lãnh đạo của Đảng trên phạm vi toàn xã hội; là cơ quan thể hiện và thực thi quyền lực của nhân dân, công cụ để nhân dân làm chủ. Nhà nước vừa tổ chức, quản lý xã hội, vừa phục vụ nhân dân.

Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, cần thực hiện có hiệu quả vai trò tổ chức và hoạt động của Nhà nước trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng pháp luật theo tinh thần “trăm đều phải có thần linh pháp quyền”(21). Một Nhà nước hoạt động theo pháp luật đồng nghĩa với việc xây dựng cơ cấu tổ chức bộ máy; đủ hiệu lực kiểm tra, kiểm soát, xét xử, thi hành án, trừng trị những kẻ phạm pháp theo tinh thần “Pháp luật phải thẳng tay trừng trị những kẻ bất liêm, bất kỳ kẻ ấy ở địa vị nào, làm nghề nghiệp gì”(22). Phải thực hiện một cách kiên quyết, kiên trì, triệt để, không ngừng nghỉ, quyết tâm cao về chống tham ô, tham nhũng, lãng phí, quan liêu. Phải tập trung chống bệnh quan liêu vì quan liêu dung túng, nuôi dưỡng, là nguồn gốc sinh ra tham ô, lãng phí. Quan liêu, mệnh lệnh là xa dân. Quan liêu không bị trừng trị, sớm muộn sẽ dẫn tới mất chính quyền.

Nhà nước quản lý hay phục vụ, vấn đề cốt tử vẫn là con người, vì mọi việc đều do con người làm ra. Dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh, phải đặc biệt quan tâm tới việc xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức về đạo đức, chuyên môn, nghiệp vụ theo tinh thần làm nghề gì cũng phải học, làm nghề gì phải thông thạo nghề ấy trên nền tảng đạo đức cách mạng liêm khiết, chính trực, chí công vô tư, tinh thần trách nhiệm và tận tâm, tận lực cống hiến.

Thứ ba, Đảng lãnh đạo. Trong di sản Hồ Chí Minh cũng như hiện nay, Đảng lãnh đạo là vấn đề trọng yếu, vì cách mạng phải có Đảng như thuyền phải có người cầm lái, mà cầm lái thì phải vững. Đảng là người tiêu biểu cho trí tuệ, danh dự, lương tâm của dân tộc, vạch đường, chỉ lối; không chỉ là đội tiên phong của giai cấp công nhân mà còn là đội tiên phong của dân tộc. Ngoài lợi ích của dân tộc và Tổ quốc, Đảng ta không có lợi ích nào khác.

Đảng lãnh đạo chứa đựng nội dung rộng lớn, sâu sắc. Nói ngắn gọn là tập trung ở phương thức lãnh đạo và đội ngũ cán bộ, đảng viên. Đảng lãnh đạo Nhà nước và toàn xã hội, nhưng là một thành tố của hệ thống chính trị, hoạt động trong khuôn khổ của Hiến pháp và pháp luật. Đảng không phải là cơ quan quyền lực nhà nước và không làm thay chức năng quản lý nhà nước, mà Đảng thể hiện rõ là lực lượng lãnh đạo, với phương thức lãnh đạo bằng đường lối, Cương lĩnh; bằng thuyết phục, nêu gương và kiểm tra. Không kiểm tra coi như không lãnh đạo. Kiểm tra việc thực hiện đường lối và hoạt động của đảng viên. Đây là một trong những cách tốt nhất để tránh tệ chuyên quyền, độc đoán, dẫn tới đảng trị.

Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, hai khía cạnh là phương thức lãnh đạo và cán bộ, đảng viên đều đòi hỏi đạo đức, trí tuệ và dân chủ. Bổn phận của Đảng và cán bộ, đảng viên là phụng sự Tổ quốc và phục vụ nhân dân. Muốn vậy, phải có trí tuệ sáng suốt, coi nhân dân và thực tiễn là thầy, thường xuyên chịu sự kiểm tra, giám sát của nhân dân, tin vào dân, dựa vào dân, phát huy cao độ sức sáng tạo và sự ủng hộ tích cực, mạnh mẽ của nhân dân.

Đại hội XIII chỉ rõ: “Thắt chặt hơn nữa mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng”(23). Đó chính là sự quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về “đảng viên thì phải dựa vào nhân dân mà xây dựng Đảng”(24). Đảng ta chỉ rõ sự hài lòng và tín nhiệm của nhân dân là tiêu chí quan trọng để đánh giá chất lượng tổ chức bộ máy và chất lượng cán bộ, đảng viên.

Như vậy, thực hiện cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ theo tư tưởng Hồ Chí Minh trong bối cảnh hiện nay chính là tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng trong điều kiện mới. Trong đó nổi lên mối quan hệ giữa Đảng và Nhà nước, mà cụ thể là “Đảng lãnh đạo Nhà nước bằng Cương lĩnh, chiến lược, các chủ trương, chính sách lớn, bằng công tác tổ chức, cán bộ, bằng kiểm tra, giám sát; lãnh đạo thể chế hóa các quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng thành chính sách, pháp luật; lãnh đạo xây dựng tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ, công chức đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; lãnh đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, Hiến pháp và pháp luật”(25).

Trong mối quan hệ Đảng lãnh đạo với nhân dân làm chủ. Đảng ta chỉ rõ việc “Quy định cụ thể Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình”(26).

Mối quan hệ giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ trong di sản Hồ Chí Minh gắn với toàn bộ quá trình xây dựng chế độ dân chủ nhân dân và quá độ lên CNXH. Sự gắn bó, tác động của ba nhân tố và vai trò của từng nhân tố tạo nên sức mạnh tổng hợp của hệ thống động lực, thúc đẩy quá trình cách mạng. Tuy nhiên, cả lý luận và thực tiễn - nhất là xuất phát và đối chiếu với thực tiễn Việt Nam, thì tâm tư, nguyện vọng, đòi hỏi, sự hài lòng, tín nhiệm của các tầng lớp nhân dân chính là tiêu chí, thước đo quan trọng để đánh giá năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, hiệu quả quản lý của Nhà nước, chất lượng cán bộ, đảng viên. Thủ tướng Phạm Văn Đồng khẳng định: “Vai trò làm chủ của nhân dân có tác dụng quyết định đến việc tăng cường hiệu lực và chất lượng quản lý của Nhà nước, nâng cao năng lực và hiệu quả lãnh đạo của Đảng”(27).

Nhân dân làm chủ cần được hiểu ở một tầm mức rộng và sâu, trước mắt và lâu dài. Trong chế độ XHCN - khi vẫn còn Nhà nước quản lý - thì vấn đề làm chủ vừa là quyền lợi, vừa là trách nhiệm của người dân, thể hiện ở chỗ họ được hưởng quyền dân chủ; được đòi hỏi, yêu cầu Đảng, Nhà nước thực hiện tốt trách nhiệm lãnh đạo, quản lý của mình. Ở địa vị cao nhất, nhân dân phát huy sức sáng tạo, lòng hăng hái để tạo ra động lực, nguồn lực cho cách mạng, giúp Đảng và Nhà nước - với tính chất là phương tiện để nhân dân làm chủ, ngày càng sắc bén, hiệu lực, hiệu quả. Về lâu dài, theo quy luật tiến hóa của lịch sử, khi Nhà nước tiêu vong, nhân dân sẽ trực tiếp làm chủ đất nước, tự quản xã hội.

Thực hiện cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ gắn với đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đã đạt được một số thành tựu. Tuy nhiên, đây là vấn đề lớn, khó và phức tạp cần phải tiếp tục tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận để hoàn thiện và cụ thể hóa. Điều quan trọng là chúng ta phải kiên định, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh, học tập và làm theo phong cách của Người.

_________________

(1), (16), (19) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.15, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.292, 616, 617.

(2), (9), (13) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr.64, 21, 169.

(3), (4), (8), (14), (15), (17), (18) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.74-75, 334, 333, 326, 335, 501, 502.

(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr.50.

(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.13, tr.83-84.

(7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.9, tr.518.

(10) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr.402.

(11), (22) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.6, tr.432, 127.

(12) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.10, tr.63.

(21) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.1, tr.473.

(20), (23), (25), (26) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.173, 191, 196-197, 198.

(24) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.8, tr.281.

(27) Phạm Văn Đồng: Hồ Chí Minh tinh hoa và khí phách của dân tộc, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2012, tr.330.

PGS, TS BÙI ĐÌNH PHONG

Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh