25/04/2024 lúc 13:03 (GMT+7)
Breaking News

TS.Trần Chí Thành: Nỗ lực đóng góp cho ngành năng lượng hạt nhân nước nhà

TS.Trần Chí Thành - Viện trưởng Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam (VINATOM), Bộ Khoa học và Công nghệ là tác giả của nhiều công trình khoa học ý nghĩa, giá trị được ứng dụng trong lĩnh vực an toàn hạt nhân. Những kết quả nghiên cứu, giải thưởng, danh hiệu cao quý mà TS.Trần Chí Thành đạt được trong sự nghiệp đã cho thấy chặng đường miệt mài, tận tâm làm việc và cống hiến mà anh đã đi qua.
TS.Trần Chí Thành - Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (VINATOM).

TS. Trần Chí Thành đã trải qua quá trình học tập, nghiên cứu bài bản và chuyên sâu theo chuyên ngành Năng lượng hạt nhân tại Đại học Năng lượng Mátxcơva, với bằng tốt nghiệp xuất sắc cùng luận án tốt nghiệp được giải thưởng Hạng nhất của trường (năm 1989). Anh là người thực hiện chính trong nhiệm vụ lập Báo cáo Nghiên cứu tiền khả thi (Pre-FS) Dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2, đồng thời là cộng tác viên khoa học trong nhiều năm của Khoa An toàn điện hạt nhân - Trường Đại học Công nghệ Hoàng Gia, Thụy Điển trong nghiên cứu liên quan đến phân tích an toàn và diễn biến sự cố trong lò nước sôi. Anh cũng từng được trao giải thưởng Sigvard Eklund, Thụy Điển vào năm 2011 (sau khi Fukushima xảy ra), cho luận án Tiến sỹ: “Mô hình đối lưu hiệu quả dùng để mô phỏng và phân tích quá trình truyền nhiệt của bể nhiên vật liệu nóng chảy ở đáy thùng áp lực lò nước nhẹ”, dùng để mô phỏng tính toán diễn biến sự cố trong lò nước sôi. Với TS. Trần Chí Thành, ngay từ khi còn theo học công nghệ hạt nhân tại trường Đại học Năng lượng Mátxcơva (MEI), một trong những trường hàng đầu trong lĩnh vực này của Nga, anh đã hết sức ngưỡng mộ các nhà khoa học Liên Xô (cũ), đặc biệt là Viện sỹ I.V. Kurchatov vì tài năng và những gì ông đã cống hiến cho khoa học công nghệ nước nhà. Câu nói nổi tiếng của Kurchatov "Hạt nhân không phải là một chiến binh mà là một người thợ", vốn được khắc ở Dubna, luôn gắn với suy nghĩ của anh trong quá trình nghiên cứu và làm việc sau này ở Thụy Điển và Việt Nam. Đây cũng là lý do để anh chọn hướng nghiên cứu về an toàn hạt nhân và có nhiều công bố cũng như tham gia vào các nhóm tính toán an toàn hạt nhân cho các nhà máy điện hạt nhân ở Thụy Điển trước khi về nước.

Khi trở về làm việc, cống hiến tại Việt Nam, dù ở cương vị nào, TS. Trần Chí Thành luôn cố gắng mở rộng mối quan hệ hợp tác với các tổ chức nghiên cứu, ứng dụng hạt nhân uy tín trên thế giới, đặc biệt là Tập đoàn Năng lượng nguyên tử quốc gia Liên bang Nga (ROSATOM), để thúc đẩy và triển khai nhiều dự án nghiên cứu và ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình ở Việt Nam. Việc thực hiện các dự án như vậy không chỉ góp phần nâng cao trình độ của đội ngũ nghiên cứu mà còn mở rộng hơn những ứng dụng năng lượng nguyên tử ở nhiều lĩnh vực kinh tế xã hội như y tế (y học hạt nhân), công nghiệp, nông nghiệp, tài nguyên môi trường... Đặc biệt, để ghi nhận những đóng góp và nỗ lực của anh trong lĩnh vực điện hạt nhân, năm 2019, đại diện ROSATOM đã trao bức tượng Viện sỹ Igor Kurchatov cho TS. Trần Chí Thành nhân dịp kỷ niệm 65 năm vận hành nhà máy điện nguyên tử Obninsk, nhà máy đầu tiên trên thế giới.

TS.Trần Chí Thành vinh dự là người đầu tiên ở Đông Nam Á được trao tặng bức tượng Viện sỹ Igor Kurchatov vì sự đóng góp và thúc đẩy phát triển ngành năng lượng hạt nhân.

Tâm huyết với chuyên ngành năng lượng hạt nhân, TS. Trần Chí Thành chia sẻ cùng PV Tạp chí Việt Nam hội nhập, Việt Nam đã quan tâm tới nghiên cứu hạt nhân và điện hạt nhân từ rất sớm. Năm 1955, trong chuyến thăm sang Liên Xô, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm nhà máy điện nguyên tử đầu tiên tại Obninsk (27/6/1954). Việt Nam đã gửi các cán bộ sang Liên Xô đào tạo về hạt nhân từ những năm 60 của thế kỷ trước. Anh cho biết, trước đây GS. Nguyễn Đình Tứ, Viện trưởng đầu tiên của VINATOM, cũng đã quan tâm tới việc phát triển điện hạt nhân ngay từ khi Viện mới thành lập. “Trong 20 năm gần đây, Việt Nam đã cố gắng để thực hiện chương trình điện hạt nhân, mặc dù hiện nay đang tạm dừng vì một số lý do khách quan. Quan điểm riêng của cá nhân tôi là Việt Nam sẽ phát triển năng lượng tái tạo, nhưng điện hạt nhân sẽ là lựa chọn tốt,kết hợp cùng năng lượng tái tạo để giải quyết vấn đề năng lượng sắp tới, góp phần tích cực cho phát triển kinh tế đất nước”, anh nói. Hiện nay, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam đang tích cực cùng ROSATOM triển khai dự án Trung tâm Nghiên cứu khoa học công nghệ hạt nhân, với việc xây dựng lò hạt nhân nghiên cứu mới. TS. Trần Chí Thành nhận định, dự án này sẽ thúc đẩy mạnh mẽ, đưa ngành năng lượng nguyên tử Việt Nam lên tầm cao mới, đóng góp cho phát triển kinh tế xã hội, và làm tăng cường hơn nữa sự hợp tác cũng như tình hữu nghị giữa hai nước Việt Nam và Liên bang Nga.

Trong hai năm 2020-2021, có thể nói các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng năng lượng bức xạ hạt nhân đã và đang được triển khai nhiều trong các lĩnh vực y tế, nông nghiệp. Nhiều mục tiêu đặt ra trong năm 2021 đã được TS. Trần Chí Thành và tập thể cán bộ nhà khoa học, chuyên gia của Viện Năng lượng nguyên tửthực hiện, trong đó hướng tới triển khai Dự án Trung tâm Nghiên cứu khoa học công nghệ hạt nhân, tiếp tục thúc đẩy ứng dụng bức xạ hạt nhân, đồng vị phóng xạ trong các ngành công nghiệp, kỹ thuật, nông nghiệp, y tế, tài nguyên môi trường ...Với năm 2022 hiện tại, TS. Trần Chí Thành, cho biết song song với việc thiết kế lò nghiên cứu mới, sẽ đẩy mạnh phát triển đào tạo đội ngũ cán bộ, chuyên gia nghiên cứu các hướng liên quan để khai thác hiệu quả lò mới trong tương lai. TS. Trần Chí Thành đặc biệt dành sự quan tâm đến hai dự án nhà máy điện hạt nhân tại Việt Nam (Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2), và anh nhấn mạnh rằng điện hạt nhân kết hợp cùng với các dạng năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời ...), là mô hình hiệu quả trong cung cấp điện năng công suất lớn, ổn định và đưa phát thải CO2 về zero (theo cam kết COP26), được nhiều nước trên thế giới đang thúc đẩy mạnh mẽ. An ninh năng lượng cũng trở nên vô cùng quan trọng trong bối cảnh mới. Thời gian tới, VINATOM tiếp tục thúc đẩy phát triển các hướng nghiên cứu ứng dụng năng lượng nguyên tử, cũng như công nghệ hạt nhân, đảm bảo an toàn điện hạt nhân, đồng thời đào tạo nguồn nhân lực hạt nhân.

Mặc dù công việc luôn bộn bề với nhiệm vụ quản lý trên cương vị là Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, TS. Trần Chí Thành vẫn dành nhiều thời gian, tâm sức say mê tham gia nghiên cứu khoa học. Đến nay, anh là tác giả của nhiều công trình, nhiều bài báo khoa học về an toàn hạt nhân được đăng tải trang trọng trên các tạp chí uy tín quốc tế. Ngoài ra, TS. Trần Chí Thành nhấn mạnh, nguồn nhân lực, đội ngũ các nhà khoa học, chuyên gia giỏi là chìa khoá thành công của ngành hạt nhân. Anh vẫn luôn cố gắng tham gia giảng dạy, đào tạo cho học viên cao học, sinh viên, các khoá đào tạo bồi dưỡng cán bộ về năng lượng hạt nhân tại nhiều Viện nghiên cứu, trường đại học, các cơ quan chuyên môn liên quan trên cả nước.

TS. Trần Chí Thành luôn để lại ấn tượng về một nhà quản lý bình dị, tận tâm và hết lòng vì sự phát triển của ngành năng lượng hạt nhân Việt Nam. Anh luôn cho rằng "Khoa học công nghệ hạt nhân rất quan trọng trong thúc đẩy tiềm lực khoa học công nghệ và năng lực công nghiệp, cũng như góp phần đảm bảo an ninh và quốc phòng của đất nước". Những dấu ấn đóng góp ý nghĩa của anh chính là chìa khóa cho an ninh năng lượng của đất nước trong tương lai, góp phần đưa đất nước vươn mình mạnh mẽ, sánh ngang với các cường quốc khoa học hạt nhân trong khu vực và trên thế giới.

Tiến Đức