29/03/2024 lúc 20:18 (GMT+7)
Breaking News

Trường Sơn nơi tôi trở lại (kỳ 5): Tâm sự của những người gác rừng

Rừng Hà Tĩnh còn có cả một kho gỗ đầy ắp, với trữ lượng đạt gần 40 triệu m3, trong đó rừng tự nhiên chiếm đến 31 triệu m3, rừng trồng đạt trên dưới 10 triệu m3. Để có được một góc nhìn chính xác, tác giã phải trăn trở, lặn lội lắng nghe lời tâm sự day dứt, của những người gác rừng ở chốn “thâm sơn cùng cốc” này.
Lực lượng kiểm lâm tại Vũ Quang luôn thể hiện hết sức trách nhiệm để chăm sóc bảo vệ rừng

Những cánh rừng đầy ắp gỗ quý

Khi xuống núi, ông Hoàng Quốc Huấn, Chi cục trưởng Kiểm lâm-Lâm nghiệp, Sở nông nghiệp phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hà Tĩnh cho biết: Hà Tĩnh có tổng diện tích 535.853ha rừng và đất lâm nghiệp. Trong đó đất có rừng chiếm 335.485ha, diện tích rừng tự nhiên 217.367ha, rừng trồng 118.118ha, đất chưa có rừng 24.368ha, tỷ lệ độ che phủ cho đến quý 2/2022 bình quân đạt 52,5%. Cũng theo ông Huấn, thực hiện chủ trương giao đất, giao rừng cho nông dân sống quanh vùng rừng, Hà Tĩnh là tỉnh được các Bộ ngành Trung ương ghi nhận, đánh giá cao về thực hiện chủ trương giao đất, giao rừng. Đến nay toàn tỉnh đã giao 324.962 ha rừng và đất lâm nghiệp cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân quản lý, chiếm đến 90,3% trong đó có 21 chủ rừng tổ chức/254.223ha, kết thúc năm 2021 tỉnh tiếp tục giao 25.400 hộ gia đình, cộng đồng dân cư/70.739ha, số diện tích 34.891ha còn lại đang giao cho UBND các xã quản lý, chiếm 9,7%.

Được biết, Hà Tĩnh là tỉnh có tiềm năng lớn về lâm nghiệp của vùng Bắc Trung Bộ, là tâm điểm sinh quyển của dãy Bắc Trường Sơn nên công tác quy hoạch, bảo vệ và phát triển rừng được UBND tỉnh luôn đặt lên hàng đầu. Nhờ làm tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, nên diện tích rừng tăng nhanh qua các năm, nâng độ che phủ của rừng ngày một tăng trưởng, lợi ích kinh tế từ rừng được khẳng định, giá trị sản xuất và xuất khẩu tăng nhanh. Công tác bảo vệ, phát triển rừng ngày càng được xã hội hóa, tạo thêm việc làm ổn định cho hàng vạn lao động, góp phần xóa đói, giảm nghèo, tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Từ đó cho thấy rừng đã và đang giữ vai trò vô cùng quan trọng, vừa mang lại nguồn lợi kinh tế cao, vừa làm nhiệm vụ phòng hộ, chống xói mòn, bạc màu và bảo vệ môi trường sinh thái. Ngoài nguồn lợi của rừng như trên thì rừng còn cung cấp cho con người một khối lượng gỗ rất lớn, do chủ trương đóng cửa rừng không khai thác theo chu kỳ, hàng chục năm nay bao gồm các vùng rừng nguyên sinh già cội, thứ thì chết, thứ đổ gục nằm ngan ngát trên khắp các cánh rừng “nội bất xuất, ngoại bất nhập”.

Theo số liệu kết quả điều tra quy hoạch rừng của Bộ nông nghiệp-phát triển nông thôn từ năm 2010, rừng tự nhiên của Hà Tĩnh còn có trử lượng gỗ đạt 28 triệu m3, chưa kể gỗ rừng trồng. Ông Đặng Bá Thức, Hội khoa học nông lâm nghiệp, nguyên Chi cục trưởng chi cục Lâm nghiệp Hà Tĩnh cho biết, tăng trưởng rừng hàng năm là 2%. Cũng theo ông Thức, với mức tăng trưởng này, nhân với 10 năm, nhân với 28 triệu m3 thì đến năm 2022, rừng tự nhiện Hà Tĩnh phải có trên 30 triệu m3 gỗ nằm trên rừng, như một kho gỗ khổng lồ bất di bất dịch vì chủ trương đóng cửa rừng không được phép khai thác. Còn nói về gỗ rừng trồng nguyên liệu bình quân hàng năm Hà Tĩnh có gần 10 triệu m3 khai thác, xuất bán cho các nhà máy chế biến gỗ trong khu vực, đây cũng là nguồn thu lớn từ rùng và đất lâm nghiệp, theo ông Thức.

Tâm sự day dứt của những người gác rừng!

Giữ được cả một tài nguyên rừng bao la hùng vĩ của dãy Bắc Trường Sơn nói riêng tại Hà Tĩnh như thế, phải ghi nhận sự quản lý, bảo vệ rừng của lực lượng Kiểm lâm, của các Ban quản lý rừng phòng hộ, và đặc biệt của lực lượng trực tiếp ngày đêm bảo vệ rừng bám trụ nơi chốn “Thâm sơn cùng cốc” để giữ gìn từng tấc đất, từng cành cây, ngọn cỏ, không để cháy rừng, không để kẻ gian xâm hại rừng. Họ được ví như những người chiến sỹ xung kích ngoài mặt trận, tận tâm làm việc với suy nghĩ giản đơn: Còn rừng là còn đất, còn người. Công việc thầm lặng của họ mỗi ngày đã góp phần không nhỏ trong việc giữ lại những cánh rừng tự nhiên hàng trăm năm tuổi. Ngoài gian nan vất vả của nghề rừng như dãi nắng dầm mưa, sên vắt, muỗi vằn, bão lũ, nhiều khi mưa rừng đột xuất trút xuống nước từ thượng nguồn đỗ về nhấn chìm núi rừng, khe suối. Những lúc như thế người gác rừng lại phải trèo lên cây cao để nương thân, nhịn đói cả tuần lễ, chờ khi nước rút mới tìm cách cắt đường, xuống núi trở về trong tình trạng sức khỏe bị suy kiệt. Đó là tâm sự của những người gác rừng ở Vũ Quang.

Một vị Trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ nói thẳng với chúng tôi rằng, nếu so sánh thu nhập với mặt bằng chung của xã hội hiện nay thì thành phần quản lý rừng như chúng tôi phải chịu thiệt thòi rất nhiều, bởi thu nhập đồng lương quá ít ỏi, bên cạnh dó đối với nghề rừng vất vả như nhà báo biết đó, cuộc sống quả là vô cùng khó khăn, thiếu thốn. Bởi thế, Nguyên Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường sau khi thực tế một số địa bàn, kiểm tra công tác quản lý bảo vệ rừng ở một số tỉnh về, Bộ trưởng đã phải thốt lên giữa nghị trường Quốc hội rằng: “Phải làm sao để có nguồn tiền đầu tư cho mỗi héc ta rừng 1 triệu đồng mới giữ được rừng lâu dài, bền vững”. Đấy là điều mong muốn của vị Bộ trưởng phụ trách ngành đã phải thốt lên giữa diễn dàn Quốc hội như thế, bởi thực trạng hiện nay của lực lượng bảo vệ rừng là: “thu nhập thì thấp, trách nhiệm thì cao”.

Trưởng ban quản lý rừng phòng hộ Ngàn Phố, Hương Sơn Nguyễn Hữu An trăn trở: Ban quản lý rừng phòng hộ Ngàn Phố được giao quản lý, bảo vệ trên 44 ngàn ha rừng, nơi hội tụ hệ sinh thái đa dạng, phong phú của cả dãy Bắc Trường Sơn, chủ yếu là rừng tự nhiên, rừng phòng hộ đầu nguồn, trong đó có cả khu vực rừng Rào Àn, là địa bàn thiết yếu của cả khu vực rừng đặc dụng. Nếu để xảy ra bất kỳ hình thức nào xâm hại đến rừng như cháy rừng, phá rừng thì trước hết lực lượng bảo vệ ở đó phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật. Cũng theo ông An, cả vùng rừng đặc dụng trên 44 ha mênh mông như thế, theo định biên như hiện nay chỉ được sử dụng 50 lao động kể cả gián tiếp, trong đó 22 người được hưởng lương sự nghiệp hàng tháng, còn lại 28 người chủ yếu là những người trực tiếp gác rừng, do ban tạo nguồn để trả, tháng nào tạo được nguồn thì trả, còn chưa có nguồn thì trả sau. Cuộc sống thu nhập của những người gác rừng là như thế đó, vì thế cuộc sống của những người gác rừng rất khó khăn, vất vả, trong lúc đó trách nhiệm của họ phải quản lý, bảo vệ hàng ngàn héc ta rừng. Vì thế lãnh đạo Ban chúng tôi luôn nhắc nhở anh em, dù khó khăn đến mấy phải quyết tâm khắc phục, cùng nhau vượt qua mọi khó khăn để bảo vệ rừng thật tốt những cánh rừng đầu nguồn, nên mới giữ được rừng như hôm nay”.

Còn đối với một số công ty Lâm nghiệp dịch vụ như Hương Sơn, Chúc A cả hai đơn vị này một thời oanh liệt của ngành lâm nghiệp cả nước, hai đơn vị đều là Anh hùng, riêng về Lâm trường Hương Sơn (tên gọi củ của thời anh hùng) được phong tặng 2 lần Anh hùng lực. Anh hùng lượng vũ trang, Anh hùng trong thời kỳ đổi mới. Nói về nguồn thu nhập của cả hai đơn vị này còn khó khăn hơn rất nhiều so với Kiểm lâm, Ban quan lý rừng phòng hộ. Theo tôi được biết, cái tết vừa rồi (2022), Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh phải “phát lệnh” giao ngành tài chính tỉnh vay tạm nguồn nào có thể được để giúp các Công ty lâm nghiệp để có tiền lương cho công nhân ăn tết. Đây quả là một quyết định nhân văn của Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, mặc dù ngày Tết đã cận kề, có biết bao trăm công nghìn việc của một vị lãnh đạo đứng đầu chính quyền tỉnh, vì sự nghiệp bảo vệ rừng, vì cuộc sống của những người gác rừng.

Kết thúc bài viết, tác giả xin được trích nguyên câu nói của một nhân viên gác rừng ở Nghệ An nói: “Chúng em luôn mơ ước khi mô đến tháng cũng được nhận lương, mặc dù đồng lương ít ỏi, nhưng đó là niềm vui của những người gác rừng của chúng em”.

Bắc Trường Sơn những ngày đầu xuân 2022

Anh Bình