19/04/2024 lúc 20:42 (GMT+7)
Breaking News

TP.HCM kiến nghị cơ chế đặc thù mới thay thế Nghị quyết 54

Ngày 10.5, HĐND TP.HCM tổ chức giám sát UBND TP.HCM về tình hình thực hiện Nghị quyết số 54/2017 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM và Nghị quyết số 25 của HĐND TP.HCM.

 

Quang cảnh buổi giám sát – (Ảnh: Internet).

Báo cáo tại buổi giám sát, ông Nguyễn Trần Phú - Phó Giám đốc Sở Tài chính TP.HCM cho biết, Nghị quyết 54, Nghị quyết 25 được thực hiện có hiệu quả, các đề án cơ bản hoàn thành đúng kế hoạch đề ra, đạt kết quả tích cực, tạo sự chủ động nhiều hơn cho TP.HCM.

Tiến độ các dự án nhóm A được đẩy nhanh; việc huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính… giúp thành phố có thêm nguồn lực phát triển, trong đó giai đoạn 2018 – 2021 đã phát thành công 2.800 tỷ đồng và vay lại từ nguồn chính phủ vay nước ngoài hơn 12.219 tỷ đồng. Sau nhiều năm tỷ lệ điều tiết liên tục giảm dần qua các thời kỳ thì năm 2022, tỷ lệ ngân sách để lại cho TP.HCM được điều chỉnh từ 18% lên 21%...

Việc được chủ động, xem xét chuyển mục đích của các dự án sử dụng trên 10 ha đất trồng lúa giúp rút ngắn thời gian, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, đảm bảo thực hiện kế hoạch sử dụng đất hàng năm đã phê duyệt, tạo nguồn lực phát triển KT-XH, đảm bảo quốc phòng, an ninh. TP đã trình HĐND TP thông qua 32 dự án với tổng diện tích hơn 1.800 ha.

Ngoài ra, việc đẩy mạnh uỷ quyền cho các cơ quan chuyên môn, địa phương, phát huy vai trò người đứng đầu đã tạo sự chủ động cho các cơ quan, đơn vị, nhất là giải quyết thủ tục hồ sơ hành chính, phục vụ tốt hơn người dân; chính sách tăng thêm thu nhập được đảm bảo công khai, minh bạch, giúp cải thiện đời sống cán bộ, công chức viên chức, nâng cao hiệu quả làm việc…

Chủ tịch HĐND TP.HCM - bà Nguyễn Thị Lệ phát biểu tại buổi giám sát – (Ảnh: Internet).

Tuy nhiên, vẫn có một số nội dung triển khai còn chậm so với dự kiến do ảnh hưởng của dịch Covid-19; còn ý kiến khác nhau giữa các bộ ngành và một số vấn đề mới, phức tạp, có tác động lớn. Ngoài ra, cơ chế tài chính chưa được phát huy như mong đợi, TP.HCM chưa có đủ nguồn vốn đáp ứng nhu cầu hạ tầng ngày càng gia tăng.

Phó giám đốc Sở Tài chính cho biết TP.HCM đang xây dựng nhiều nội dung mới trong nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 sẽ hết hiệu lực trong năm 2022. Dự kiến, ngoài đề xuất tiếp tục thực hiện các cơ chế đã thí điểm, TP.HCM muốn bổ sung cả chính sách đặc thù cho Thành phố Thủ Đức và sửa đổi Nghị định 93 năm 2001 về phân cấp quản lý một số lĩnh vực cho TP.HCM.

Chủ tịch HĐND TP.HCM đề nghị từ nay đến cuối năm, trước khi Nghị quyết 54 hết hiệu lực, thành phố nhanh chóng đề xuất hai loại phí là thẩm định hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính tại kho, bãi đất công để HĐND xem xét, thông qua.

Bà Lệ cũng giao UBND thành phố rà soát lại tiến độ thực hiện việc thu hồi các dự án chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa trên 10 ha mà HĐND đã thông qua. Nếu dự án không khả thi, cần trình HĐND huỷ bỏ, tránh để “chủ trương trên giấy” làm khổ dân. Chính quyền TP.HCM cần làm rõ hạn chế, tồn tại trong quá trình thực hiện Nghị quyết 54, từ đó làm cơ sở thực hiện chính sách mới./.

Trí Đức - Bảo Châu