20/04/2024 lúc 11:14 (GMT+7)
Breaking News

Tháng Năm… về Nam Đàn quê Bác

Nam Đàn xứ Nghệ nổi tiếng là vùng đất “địa linh nhân kiệt”, “sơn thủy hữu tình”, quê hương của nhiều bậc hiền tài, danh nhân và hào kiệt của đất nước. Người xưa quan niệm rằng: “Lưu giữa ngã ba hai nhánh sông gặp nhau ắt sản sinh ra vĩ nhân cho nhân loại” và chính nơi đây đã sản sinh ra Danh nhân văn hóa thế giới Hồ Chí Minh. Làng quê bình dị nơi Bác sinh ra và lớn lên, những kỷ niệm xưa còn mãi với thời gian,với cuộc đời và thân thế của Người chính là “hồn cốt” của du lịch Nam Đàn hôm nay.

Di tích lịch sử, văn hóa Nam Đàn - những giá trị trường tồn.

Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên là nơi du khách sẽ tìm hiểu đầy đủ hơn về thân thế, thời niên thiếu; về cuộc đời giản dị, lối sống mộc mạc hình thành nên nhân cách và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu. 

Làng Kim Liên (Làng Sen): Nằm cách thành phố Vinh khoảng 12,5km, là quê nội của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nơi có những luỹ tre xanh tỏa bóng mát bên mái nhà tranh đơn sơ; nơi mùa nào cũng đẹp, nhất là về mùa sen nở rộ Tháng Năm, hương sen thơm ngát cả góc trời, mang đến cho du khách những cảm xúc tuyệt vời trong hành trình khám phá các khu du lịch Nam Đàn, Nghệ An. Dẫu đã đi qua cả thế kỷ nhưng những hình ảnh xưa cũ của làng Kim Liên gắn liền với thời niên thiếu của Bác vẫn vẹn nguyên đến bây giờ. Đó là hình ảnh cây đa, giếng nước, đình làng, hay ngôi nhà tranh của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc - Thân phụ của Chủ tịch Hồ Chí Minh... Tất cả sẽ làm gợi nhớ tinh thần yêu nước và ý chí quật cường của người anh hùng dân tộc

Du khách tham quan Làng Sen trong những ngày Tháng 5
Làng Kim Liên gắn liền với tuổi thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Làng Hoàng Trù: Là một trong những di tích lịch sử ở Nghệ An thu hút đông đảo du khách ghé thăm. Nơi đây cách thành phố Vinh khoảng 12km với một ngôi làng nhỏ yên bình có lũy tre xanh và những mái nhà tranh mộc mạc. Đây cũng chính là quê ngoại của vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc - Chủ tịch Hồ Chí Minh; cũng là nơi Bác cất tiếng khóc chào đời. Trải qua bao thăng trầm lịch sử, ngôi làng vẫn giữ vẻ đẹp nét xưa - thanh bình và dung dị.

Nét mộc mạc và thanh bình Làng Hoàng Trù

Mộ bà Hoàng Thị Loan: Bà Hoàng Thị Loan là Thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh. Khu mộ Bà được xây dựng trên đỉnh núi Động Tranh thuộc dãy núi Đại Huệ có độ cao chừng 100m so với mực nước biển. Du khách di chuyển khoảng 269 bậc thang mới có thể lên đến nơi. Đến đây, du khách sẽ vô cùng ấn tượng bởi hình ảnh ngôi mộ nằm trầm mặc được che chở của một giàn hoa giấy tốt tươi, tạo nên phong cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp. Khu mộ có từ năm 1942, do ông Nguyễn Sinh Khiêm chọn đất, được khởi công xây dựng lại vào ngày 19/5/1984 trên chính vị trí mộ cũ. Du khách về với công trình văn hóa tâm linh đặc biệt này sẽ được nghe kể về cuộc đời tần tảo, thương yêu chồng con hết mực, giàu đức hy sinh cao cả của Thân mẫu Bác Hồ…

Khuôn viên mộ Bà Hoàng Thị Loan

Chùa Đại Tuệ là ngôi chùa cổ, thờ Phật Bà Đại Tuệ, Phật Thế Tôn, Phật Di Lặc, Bác Hồ và 5 vị vua gắn liền với lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Nơi đây được xem là một trong những chốn hành hương sở hữu nhiều thắng cảnh bậc nhất của mảnh đất Bắc Trung Bộ. Chùa tọa lạc trên dãy núi Đại Huệ ở độ cao 500m so với mực nước biển; nằm trong một không gian tĩnh lặng, cảnh vật hữu tình. Đứng tại nơi cao nhất của ngôi chùa, du khách có thể nhìn ngắm toàn cảnh huyện Nam Đàn cũng như một số huyện khác của tỉnh Nghệ An và tỉnh Hà Tĩnh.

Toàn cảnh Chùa Đại Tuệ

Đền Chung Sơn thờ gia tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh nằm trên đỉnh núi Chung, xã Kim Liên. Ngôi đền là địa chỉ văn hóa mang ý nghĩa lịch sử để nhân dân và du khách bày tỏ niềm kính phục, tấm lòng tri ân đối với sự hy sinh của những người thân yêu trong gia đình Bác.

Toàn cảnh Đền Chung Sơn

Khu Di tích Phan Bội Châu là Di tích Quốc gia đặc biệt, nằm ở thị trấn Nam Đàn. Tại đây lưu giữ, trưng bày những kỷ vật xúc động, thiêng liêng về quê hương, gia đình, thời niên thiếu của nhà yêu nước nhiệt thành, nhà văn hóa và tư tưởng lớn Phan Bội Châu. Khu di tích đã và luôn là địa chỉ đỏ, là điểm đến của nhiều đoàn khách đến từ Nhật Bản; của nhiều cán bộ, giáo viên và học sinh từ khắp mọi nơi mỗi khi đến với quê Bác Nam Đàn… 

Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Phan Bội Châu

Đình Hoành Sơn là Di tích Quốc gia đặc biệt, nằm bên hữu ngạn sông Lam, thuộc xã Khánh Sơn (Nam Đàn). Đình được xây dựng và hoàn thành năm 1763; thờ Uy Minh Vương Lý Nhật Quang - con trai thứ 8 của Vua Lý Thái Tổ. Đình Hoành Sơn được xem là công trình đẹp nhất miền Trung, với nhiều chạm khắc trang trí trên gỗ rất độc đáo và tinh xảo, hội tụ đầy đủ nhất tinh hoa văn hóa dân tộc. Đây cũng là điểm du lịch tâm linh của du khách thập phương…

Lễ đón nhận Di tích Quốc gia đặc biệt Đình Hoành Sơn

Khu Di tích Vua Mai Hắc Đế nằm ở ven sông Lam, thuộc địa phận thị trấn Nam Đàn, được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích lịch sử, văn hóa cấp Quốc gia. Khu di tích có 3 hạng mục là đền Vua Mai, cách đền khoảng 3km là mộ Vua Mai và mộ mẹ Vua. Vua Mai Hắc Đế có tên húy là Mai Thúc Loan, quê tại Đông Liệt (nay là xã Nam Thái). Năm 713, Mai Thúc Loan đã vận động nhân dân, anh hùng hào kiệt nổi dậy chống lại ách đô hộ của nhà Đường. Nghĩa quân của Mai Hắc Đế đã quét sạch quân xâm lược ra khỏi bờ cõi, lập nên nhà nước Vạn An.

Khu Di tích vua Mai Hắc Đế

Những đặc sản đậm đà hương vị và bản sắc quê hương xứ Nghệ

Về với Nam Đàn, du khách không chỉ hiểu hơn vùng đất “địa linh, nhân kiệt”, “sơn thủy hữu tình”, mà còn có thể thưởng thức những món ngon đậm đà hương vị quê hương xứ Nghệ, như: tương Nam Đàn, các sản phẩm làm từ Sen, thịt me Nam Nghĩa, bột sắn dây, hến sông Lam và chanh Thiên Nhẫn…

Tương Nam Đàn: Tương là một trong những sản phẩm truyền thống của người dân Nam Đàn. Cũng như các loại tương khác, tương Nam Đàn cũng được chế biến từ những nguyên liệu quen thuộc với đời sống như đỗ tương, đậu nành, nếp, muối... Song, để hình thành nên “Tương Nam Đàn” lại là một quy trình riêng, rất kỳ công, trải qua quá trình ủ và lên men tạo ra thành phẩm nổi danh khắp vùng. 

Tương Nam Đàn với hương vị đặc trưng

Theo các nghệ nhân ở đây: Tương Nam Đàn thơm ngon là do được làm từ những hạt đậu tương nhỏ, dài, do người dân địa phương trồng. Loạt hạt này khi làm tương không nát, chua… Tương Nam Đàn đạt chuẩn phải có màu vàng ươm hoặc màu cánh gián. Khi ăn, thực khách sẽ cảm nhận được vị mát lành của hương phù sa trong từng hạt đậu.

Nghệ nhân Làng nghề Phạm Hải Đường

Tương Nam Đàn không chỉ là món ăn bình dị, gần gũi với người xứ Nghệ, mà còn phục vụ trong những nhà hàng nổi tiếng ở Việt Nam, xuất khẩu sang các nước bạn. Với Tương Nam Đàn, ta chỉ thưởng thức một lần là nhớ mãi… Để rồi, không biết từ bao giờ, dân gian đã có câu ca thật nặng tình:

Anh đi anh nhớ quê nhà

Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương

Hay:

Ai về ăn nhút Thanh Chương

Dừng chân nếm thử vị tương Nam Đàn…

Tương là món ăn bình dị và gần gũi trong mỗi bữa cơm gia đình.

Cho nên, làng nghề tương Nam Đàn cũng là địa điểm không thể bỏ qua nếu có dịp du lịch Nam Đàn - Nghệ An. Du khách đến làng nghề tương Nam Đàn không chỉ được thưởng thức và mua đặc sản về làm quà, mà còn được tận mắt khám phá và trải nghiệm quy trình làm tương của người dân miền quê thấm đẫm tình người.

Sen Kim Liên: Ở xã Kim Liên, huyện Nam Đàn Sen được trồng từ lâu đời. Đặc biệt, ở quê nội, quê ngoại của Bác Hồ có những hồ sen rất lớn được người dân gìn giữ và chăm sóc cẩn thận… Những năm gần đây, diện tích ao, hồ trồng sen ở xã ngày càng được mở rộng. Bên cạnh loại sen hồng truyền thống, nhiều giống sen quý khác cũng được đem về trồng tạo nên nhiều cảnh quan đẹp cho quê Bác.

Các sản phẩm làm từ Sen

Gìn giữ, phát huy và lan tỏa sản phẩm ý nghĩa từ Sen trên chính quê hương Bác là việc làm ý nghĩa và cần thiết cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau. Hợp tác xã Sen quê Bác đã và đang thực hiện nhiệm vụ và sứ mệnh đáng trân trọng đó. Hiện nay, HTX Nông nghiệp Sen Kim Liên có tất cả 12 sản phẩm làm từ sen, trong đó có 9 sản phầm đạt OCOP: 4 sản phẩm đạt 4 sao và 5 sản phẩm đạt 3 sao.

Ông Phạm Kim Tiến - Giám đốc CTHĐQT HTX Nông nghiệp Sen quê Bác

 trao đổi với PV Tạp chí Việt Nam hội nhập.

Những sản phẩm từ sen đều được xem như vị thuốc. Hạt sen có nhiều chất dinh dưỡng: Tinh bột, đường, protein, canxi, sắt…, có tác dụng dưỡng tâm, ích thận, kiện tỳ, giảm stress, giải tỏa căng thẳng, góp phần an thần, trị mất ngủ, hay quên, suy dinh dưỡng. Củ sen có tác dụng làm mát máu, mát gan, điều hòa kinh mạch, lưu thông khí huyết. Lá sen có tác dụng an thần, dễ ngủ, chống co thắt cơ trơn, chống choáng phản vệ, ức chế hiện tượng loạn nhịp tim, giảm cân, giảm cholesterol, ổn định huyết áp….

Bột sắn dây Đại Huệ: Nam Đàn là địa phương có tập quán và phong trào trồng cây sắn dây nhiều nhất ở Nghệ An hiện nay với diện tích lên đến 300 - 400 ha, tập trung ở các xã có đất đồi vệ dưới chân núi Đại Huệ... 

Tinh bột sắn dây (Đông y gọi là cát căn) không chỉ làm thuốc chữa bệnh, mà còn được dùng rất phổ biến làm nước giải khát trong ngày nắng nóng. Thời gian qua, huyện Nam Đàn phối hợp với Tổ chức JICA của Nhật Bản xây dựng thương hiệu, đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ bột sắn dây nhằm nâng cao thu nhập cây trồng. Bột sắn dây cũng trở thành sản phẩm phục vụ cho phát triển du lịch của địa phương… Vào mùa Hè, du khách khi đến Nam Đàn rất nên uống một cốc nước sắn dây ngon, thơm mát và bổ dưỡng.

Thành phẩm sắn dây

Thịt Me Nam Đàn: Trên mảnh đất Nghệ An có rất nhiều quán đặc sản thịt me, thịt nghé nhưng ngon và nổi tiếng nhất phải kể đến vùng đất Nam Đàn. Nam Đàn là huyện đồng bằng (một vài xã bán sơn địa). Con me, nghé ở đây được chăn thả tự nhiên trên đồi núi, đồng ruộng và bãi bồi ven sông Lam nên thịt rất thơm. Thịt me, thịt nghé Nam Đàn xưa nay đã là một loại thực phẩm bổ dưỡng, vừa ngon vừa dễ ăn, giúp mọi người bồi bổ sức khỏe và tái tạo sức lao động. “Thị Me Nam Đàn” đã trở thành thương hiệu trong vùng, miền và cả nước.

Đặc sản riêng có ở Nam Đàn

Chanh Thiên Nhẫn: Núi Thiên Nhẫn là một thắng cảnh ở huyện Nam Đàn. Nơi đây từng được vua Lê Lợi chọn để xây dựng Thành Lục Niên làm bàn đạp để đánh tan quân Minh xâm lược; La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp chọn làm nơi để ẩn cư và dạy học…Trên vùng đất núi cằn cỗi Thiên Nhẫn có một loài cây đặc sản, đó là cây Chanh. Ngày nay, ngoài sản phẩm quả chanh tươi, chanh đã được người dân chiết xuất thành nhiều sản phẩm phục vụ người tiêu dùng trong nước và định hướng xuất khẩu: Tinh dầu chanh, tinh dầu lá chanh, tinh dầu sả chanh, nước cốt chanh nguyên chất, nước cốt chanh mật ong, rượu vang chanh, nước ngâm giải độc, dầu gội đầu, nước lau sàn, nước rửa chén bát, chanh mật ong, chanh gừng mật ong, siro sả chanh, bột chanh…

Sản phẩm Chanh Sấy

… Về Nam Đàn hôm nay là về với nơi cội nguồn “địa linh, nhân kiệt”; về với những giá trị văn hóa, tinh thần bất tử; với một miền ẩm thực “dân giã” mà không thể nào quên… Tháng Năm về với Nam Đàn thơm ngát hương Sen, lắng đọng một hồn quê thấm đẫm tình của Bác, của con người xứ Nghệ tiếp nối và lan tỏa suốt bao đời…

Minh Ngọc