29/03/2024 lúc 18:20 (GMT+7)
Breaking News

Thái Nguyên: Điều chỉnh mức đầu tư Dự án xây dựng hạ tầng KCN Sông Công II

Dự án xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp (KCN) Sông Công II có quy mô 250ha do Ban Quản lý các KCN tỉnh làm chủ đầu tư được triển khai từ cuối năm 2018. Hiện nay, Dự án đang dần hoàn thành theo đúng tiến độ đề ra để nhanh chóng đón nhận các doanh nghiệp lớn đầu tư.

Thực hiện Quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định phê duyệt Dự án xây dựng hạ tầng KCN Sông Công II - diện tích 250ha của UBND tỉnh, Ban Quản lý các KCN tỉnh đã nhanh chóng triển khai công tác bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB), phê duyệt thiết kế thi công giai đoạn I của Dự án với diện tích 124ha, phê duyệt thiết kế thi công giai đoạn II của Dự án với diện tích 126ha và xây dựng kết cấu hạ tầng để thu hút các nhà đầu tư vào KCN. Dự án xây dựng hạ tầng KCN Sông Công II bao gồm 3 dự án: Dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu tái định cư phục vụ GPMB KCN Sông Công II; Dự án đường 36m nối KCN Sông Công II với Quốc lộ 3 cũ và nút giao Sông Công; Dự án xây dựng hạ tầng KCN Sông Công II.

Khu công nghiệp Sông Công II

Đến năm 2021, mặc dù hạ tầng khu công nghiệp chưa hoàn thành 100%, nhưng diện tích đất công nghiệp đã được các nhà đầu tư đăng ký lấp đầy với 16 dự án, trong đó: 09 dự án FDI, 07 dự án DDI. Tổng số vốn đăng ký 1,3 tỷ USD và 750 tỷ đồng, tỷ lệ lấp đầy đạt 100%. Các dự án tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực sản xuất như: Cơ khí chế tạo máy; cơ khí, sản xuất, lắp ráp ôtô; sản phẩm hàng điện tử...

Tại kỳ họp thứ hai, Hội đồng nhân dân tỉnh tỉnh Thái Nguyên khóa XIV (8/2021) đã thông qua thông qua đồ án quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Sông Công II - giai đoạn 2 và báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án.

Ngày 23/3/2022, UBND tỉnh Thái Nguyên đã có Tờ trình về việc thông qua điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp Sông Công II diện tích 250ha. Theo đó, tổng mức đầu tư của dự án được đề nghị điều chỉnh sẽ tăng thêm gần 600 tỷ đồng (từ 1.757,776 tỷ đồng thành 2.347,151 tỷ đồng) do tăng chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng.

Nút giao Sông Công, cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên nối đường dẫn vào khu công nghiệp Sông Công II

Báo cáo của chủ đầu tư cho biết, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng đến nay đã thực hiện được hơn 235ha trên tổng 250ha (ước tính đạt 94%). Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện phần chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng ước tính 1.229.694.485.026 đồng (tăng 712.694.485.026 đồng so với quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư), dẫn đến vượt tổng mức đầu tư đã được phê duyệt.

Trong quá trình triển khai thực hiện, đơn giá các loại đất trên địa bàn được phê duyệt có sự điều chỉnh, thay đổi theo từng giai đoạn; chính sách bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn cũng có sự điều chỉnh Quá trình thống kê, kê khai kiểm đếm, phê duyệt phương án cho thấy số liệu thống kê có sự chênh lệch với phương án sơ bộ ban đầu. Do đó dẫn đến vượt giá trị dự toán chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Nguồn vốn đầu tư cũng được điều chỉnh thành vốn ngân sách Nhà nước và vốn huy động từ nguồn vận động nhà đầu tư ứng trước tiền thuê đất do thực tế không phát hành được trái phiếu chính quyền địa phương (200 tỷ đồng) để thực hiện dự án thay vì các phương án vốn đã được phê duyệt: Nhà đầu tư ứng trước tiền thuê đất giai đoạn 1 (50ha đầu tiên); Ngân sách địa phương dùng để đền bù, giải phóng mặt bằng 50ha đầu tiên 200 tỷ đồng; Nguồn vốn phát hành trái phiếu chính quyền địa phương 200 tỷ đồng; Nguồn vốn vận động ứng trước của 50ha đầu tiên 555 tỷ đồng. Các giai đoạn tiếp theo của dự án, tỉnh thực hiện theo phương thức cuốn chiếu, lấy nguồn vốn vận động nhà đầu tư ứng trước của giai đoạn 1 để triển khai dự án.

Ngoài ra, Ban Quản lý các Khu công nghiệp Thái Nguyên đã sử dụng nguồn ứng trước tiền thuê đất cho công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và xây dựng hạ tầng kỹ thuật dự án.

UBND tỉnh Thái Nguyên cũng đề xuất điều chỉnh thời gian thực hiện dự án từ năm 2017 đến năm 2023 thay vì tiến độ dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trước đó từ năm 2017 đến năm 2020.

KCN Sông Công 2 được đánh giá là một trong những dự án trọng điểm của tỉnh nhằm từng bước đẩy mạnh, nâng cao chất lượng thu hút đầu tư, để Thái Nguyên phấn đấu sớm trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại. Đến nay, mặc dù hạ tầng khu công nghiệp chưa hoàn thành 100%, nhưng diện tích đất công nghiệp đã được các nhà đầu tư đăng ký lấp đầy với 16 dự án, trong đó: 09 dự án FDI, 07 dự án DDI. Tổng số vốn đăng ký 1,3 tỷ USD và 750 tỷ đồng, tỷ lệ lấp đầy đạt 100%. Các dự án tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực sản xuất như Cơ khí chế tạo máy; cơ khí, sản xuất, lắp ráp ôtô; sản phẩm hàng điện tử... Hiện nay, các dự án đang trong giai đoạn xây dựng nhà xưởng, dự kiến cuối năm nay có một số nhà máy sẽ đủ điều kiện đi vào sản xuất. Theo dự kiến, khi lấp đầy và đi vào hoạt động, KCN Sông Công 2 sẽ thu hút vốn đầu tư quy đổi gần 1,5 tỷ USD. Các dự án trong KCN mỗi năm sẽ tạo kim ngạch xuất khẩu trên 2 tỷ USD, nhập khẩu trên 1,6 tỷ USD, tạo việc làm mới cho 30.000 lao động, nộp ngân sách khoảng 1.000 tỷ đồng/năm.

Cơ quan miền núi phía Bắc