19/04/2024 lúc 07:39 (GMT+7)
Breaking News

Tạo đột phá để khoa học, công nghệ trở thành động lực chủ yếu cho tăng trưởng kinh tế và phát triển đất nước

Trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo luôn được coi là cơ sở quan trọng hàng đầu cho sự phát triển nhanh và bền vững. Hiện nay, trước những thách thức đặt ra từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và quá trình hội nhập quốc tế, Đại hội XIII của Đảng đặc biệt chú trọng vai trò của khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, coi đó là một trong những đột phá chiến lược phát triển đất nước giai đoạn tới.
Ảnh minh họa - dangcongsan.vn

1- Có thể thấy, hiện nay, nguồn nhân lực chất lượng cao cùng với khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo trở thành yếu tố đầu vào quan trọng nhất của lực lượng sản xuất hiện đại, là “chìa khóa” quyết định tốc độ và chất lượng phát triển của các quốc gia và nền kinh tế. Đối với Việt Nam, vai trò của khoa học - công nghệ trong công cuộc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước luôn được Đảng và Nhà nước ta coi trọng. Trong nhiều văn kiện, nghị quyết của Đảng, khoa học - công nghệ được coi là quốc sách hàng đầu, là nền tảng, động lực phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã đánh giá đầy đủ và toàn diện đóng góp của khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong giai đoạn vừa qua.

Những đóng góp quan trọng của khoa học - công nghệ vào thành tựu phát triển chung của đất nước giai đoạn vừa qua được thể hiện qua các kết quả nổi bật sau:

Một là, lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn đã đóng góp vào xây dựng chủ trương, đường lối, chính sách, trực tiếp nhất là Dự thảo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng; thực hiện các chương trình, nhiệm vụ khoa học lớn, như Đề án Nghiên cứu, biên soạn bộ Lịch sử Việt Nam; xây dựng bộ Địa chí quốc gia Việt Nam; nghiên cứu các xu thế mới của thế giới (như cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư...).

Hai là, khoa học cơ bản đạt được nhiều thành tựu, thể hiện qua các chỉ số xếp hạng, công bố quốc tế. Số lượng bài báo công bố quốc tế ISI của Việt Nam trong giai đoạn 2016 - 2020 tăng trung bình 20%. Riêng trong năm 2020, công bố quốc tế của Việt Nam tăng 45% so với năm 2019.

Ba là, khoa học - công nghệ ứng dụng thể hiện những bước tiến rõ nét về trình độ công nghệ. Chỉ số đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng tăng từ 33,6% bình quân giai đoạn 2011 - 2015 lên 45,2% giai đoạn 2016 - 2020. Khoa học - công nghệ ngày càng đóng góp nhiều vào giá trị gia tăng của sản phẩm hàng hóa.

Bốn là, tốc độ tăng năng suất lao động bình quân giai đoạn 2016 - 2020 là 5,8%/năm (cao hơn mức 4,3%/năm của giai đoạn 2011 - 2015). Tỷ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao trong tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa tăng từ 19% năm 2010 lên khoảng 50% năm 2020. Chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam trong những năm gần đây liên tục tăng vượt bậc, năm 2020 xếp thứ 42/131 quốc gia, dẫn đầu nhóm quốc gia có cùng mức thu nhập và đứng thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á (sau Xin-ga-po và Ma-lai-xi-a).

Năm là, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam bắt đầu được hình thành và phát triển. Hiện nay, có khoảng hơn 3.000 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam(1). Số lượng vốn được công bố đầu tư vào các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo đạt xấp xỉ 1 tỷ USD liên tiếp trong 2 năm gần đây, tăng gấp 3 lần so với năm 2017, đưa Việt Nam trở thành quốc gia năng động thứ 3 Đông Nam Á về khởi nghiệp sáng tạo(2).

Sáu là, nguồn lực tài chính từ xã hội cho khoa học - công nghệ tăng mạnh. Tỷ trọng đầu tư giữa Nhà nước và doanh nghiệp được cải thiện theo chiều hướng tích cực. Nếu 10 năm trước đây, kinh phí hoạt động khoa học - công nghệ chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước (chiếm khoảng 70% - 80% tổng đầu tư cho khoa học - công nghệ), thì nay đầu tư từ ngân sách nhà nước và từ doanh nghiệp đã tương đối cân bằng, với tỷ lệ tương ứng là 52% và 48%.

Bảy là, nghiên cứu khoa học - công nghệ đã có nhiều đóng góp tích cực trong hoạt động phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Đây là kết quả của đầu tư nghiên cứu khoa học và công nghệ trong một thời gian dài, đã tạo nền tảng để các tổ chức nghiên cứu phát triển nhanh các sản phẩm, như test-kit, vắc-xin, rô-bốt tự hành, công nghệ truy vết...

Tám là, hệ thống các tổ chức khoa học - công nghệ phát triển mạnh, đội ngũ nhân lực khoa học - công nghệ phát triển cả về số lượng và chất lượng với khoảng 72.990 cán bộ nghiên cứu tương đương toàn thời gian (đạt 7,6 người/vạn dân), trong đó, có nhiều nhà khoa học uy tín, được thế giới công nhận. Hệ thống sở hữu trí tuệ và tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng ngày càng hoàn thiện, góp phần khuyến khích hoạt động nghiên cứu sáng tạo trong nước, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, nâng cao chất lượng, khả năng cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa.

Chín là, hoạt động khoa học - công nghệ liên tục đổi mới, tham gia hiệu quả vào các khâu trong quá trình sản xuất của các ngành, lĩnh vực:

Trong lĩnh vực nông nghiệp: khoa học - công nghệ đóng góp trên 30% giá trị gia tăng của ngành và 38% trong sản xuất giống cây trồng, vật nuôi, góp phần đưa Việt Nam vào nhóm các nước xuất khẩu hàng đầu thế giới về gạo, cà-phê, hồ tiêu, cao su, điều nhân...

Trong lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, giao thông: hoạt động khoa họ#c - công nghệ và đổi mới sáng tạo tiếp tục hỗ trợ phát triển sản phẩm, hàng hóa mang nhãn hiệu Việt Nam có giá trị gia tăng và tính cạnh tranh cao trên thị trường; nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, làm chủ công nghệ trong các lĩnh vực cơ khí chế tạo, thiết bị điện, công nghiệp hỗ trợ...

Trong lĩnh vực bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cộng đồng: nhiều công nghệ và kỹ thuật tiên tiến đã được áp dụng trong chẩn đoán và điều trị, giúp nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh, giảm chi phí cho người dân và xã hội. Dù là nước đang phát triển, nhưng Việt Nam đã nằm trong tốp 3 khu vực Đông Nam Á và 43 nước trên thế giới tự sản xuất được vắc-xin, rất thành công trong công tác phòng ngừa và thanh toán các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm; làm chủ được các kỹ thuật và công nghệ y học hiện đại ở trình độ cao, như ghép tạng và đa tạng,... Đặc biệt, trong đại dịch COVID-19, chúng ta đã kịp thời đặt hàng nghiên cứu, phát triển kít xét nghiệm nhanh, hỗ trợ truy vết người tiếp xúc, thiết kế, sản xuất rô-bốt, máy thở, phác đồ điều trị và kháng thể đơn dòng để sản xuất thuốc đặc hiệu điều trị COVID-19, nghiên cứu để sản xuất vắc-xin.

Trong lĩnh vực quốc phòng và an ninh quốc gia: khoa học - công nghệ đã góp phần thiết kế, chế tạo mới và cải tiến được nhiều loại vũ khí, trang thiết bị kỹ thuật công nghệ cao; xây dựng được các hệ thống giám sát và kiểm soát an toàn, an ninh thông tin trên không gian mạng.

2- Bên cạnh những đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, thời gian qua, hoạt động khoa học - công nghệ ở nước ta còn có một số hạn chế như:

Một là, khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa thực sự trở thành động lực và nền tảng cho phát triển kinh tế - xã hội, cho tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế và tăng năng suất lao động xã hội. Nhiều quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực và địa phương chưa dựa trên cơ sở khoa học chuyên sâu, dẫn đến đầu tư dàn trải, thiếu tính khả thi. Một số nhiệm vụ nghiên cứu chưa bám sát yêu cầu sản xuất và đời sống.

Hai là, trình độ khoa học - công nghệ quốc gia nhìn chung còn khoảng cách so với nhóm đầu khu vực Đông Nam Á. Trừ một số lĩnh vực có tốc độ đổi mới công nghệ khá nhanh, như công nghệ thông tin - viễn thông, dầu khí, hàng không, tài chính - ngân hàng..., nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất vẫn đang sử dụng công nghệ lạc hậu so với mức trung bình của thế giới. Năng lực hấp thụ và đổi mới công nghệ, đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp trong nước còn hạn chế. Năng lực nghiên cứu ứng dụng của các cơ sở giáo dục đại học còn khiêm tốn.

Ba là, hành lang pháp lý, cơ chế, chính sách còn thiếu đồng bộ, chưa thực sự tạo động lực cho phát triển khoa học - công nghệ và ứng dụng kết quả khoa học - công nghệ vào sản xuất, nhất là các chính sách đầu tư, thuế, đấu thầu... Cơ chế, chính sách chưa tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các sản phẩm khoa học - công nghệ trong nước và nước ngoài được trao đổi, mua bán trên thị trường. Còn thiếu những cơ chế, chính sách thực sự khuyến khích doanh nghiệp đầu tư đổi mới, nhập khẩu công nghệ, nhất là đối với những ngành, lĩnh vực chủ lực, mũi nhọn để nhanh chóng ứng dụng vào sản xuất, kinh doanh tạo ra sản phẩm mới có giá trị gia tăng cao. Các trung tâm dịch vụ khoa học - công nghệ chưa thực sự phát huy hiệu quả trong việc thúc đẩy dịch vụ môi giới, chuyển giao, tư vấn, đánh giá, định giá, thẩm định, giám định công nghệ.

Bốn là, đầu tư cho khoa học - công nghệ còn hạn chế; tỷ lệ chi cho khoa học - công nghệ chưa tương xứng với tốc độ phát triển kinh tế của đất nước. Đội ngũ cán bộ khoa học - công nghệ tuy có tăng về số lượng nhưng chất lượng chưa đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Thiếu các tập thể khoa học mạnh, các chuyên gia đầu ngành có khả năng dẫn dắt các hướng nghiên cứu mới, hoặc chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ quốc gia ở trình độ quốc tế. Hiệu quả hoạt động của các tổ chức khoa học - công nghệ công lập chưa cao. Hợp tác quốc tế chưa đi vào chiều sâu, thiếu trọng tâm, chưa chú trọng đến chuyển giao, tiếp thu và làm chủ công nghệ tiên tiến.

Năm là, cơ sở vật chất kỹ thuật và trang thiết bị cho hoạt động khoa học - công nghệ còn thiếu và chưa đồng bộ. Ở một số địa phương, ngân sách đầu tư phát triển cho khoa học - công nghệ chưa được phân bổ, sử dụng đúng mục đích; máy móc, trang thiết bị của các trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng còn nghèo nàn và lạc hậu, chưa được đầu tư, mua sắm kịp thời và đồng bộ. 

Sáu là, hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia ở Việt Nam đang trong quá trình hình thành, các thành tố và các mối quan hệ giữa các thành tố trong hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia đang từng bước được hoàn thiện và còn mờ nhạt. Hoạt động nghiên cứu và phát triển trong khu vực doanh nghiệp còn hạn chế. Năng lực áp dụng và hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp còn rất thấp. Hoạt động đào tạo trong các cơ sở giáo dục đại học còn thiếu sự gắn kết với nghiên cứu khoa học và với doanh nghiệp. Chưa thiết kế được nhiều nhiệm vụ khoa học - công nghệ có tầm vóc và phạm vi tác động sâu rộng liên ngành, do đó mục tiêu cụ thể của một số chương trình khoa học - công nghệ chưa được như kỳ vọng, chưa tạo được sản phẩm khoa học - công nghệ thực sự mang tính đột phá.

Nguyên nhân chủ yếu của thực trạng trên là:

Về phía các bộ, ngành, địa phương: Nhận thức của một số cấp, ngành và địa phương về vai trò của khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa đầy đủ, toàn diện. Hệ thống các tổ chức trung gian hỗ trợ giải mã, hoàn thiện công nghệ, thí nghiệm, thiết kế và phát triển sản phẩm, định giá công nghệ và tài sản trí tuệ còn thiếu và chưa phát triển. Thông tin, cơ sở dữ liệu, tài liệu về công nghệ, sáng chế, kết quả nghiên cứu chưa được phổ biến rộng rãi tới các doanh nghiệp.

Về phía doanh nghiệp: Doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt là các doanh nghiệp khởi nghiệp khó tiếp cận được các nguồn vốn, tín dụng để tiến hành đổi mới công nghệ do vướng mắc về điều kiện tài sản bảo đảm, số năm kinh nghiệm hoạt động... Nhiều doanh nghiệp chưa có tầm nhìn dài hạn về việc cải tiến, đổi mới công nghệ để phát triển bền vững. Các nỗ lực đổi mới công nghệ tại doanh nghiệp còn mang tính nhỏ lẻ, thiếu hệ thống.

Về cơ chế, chính sách: Cơ chế, chính sách còn một số vướng mắc, dẫn tới quỹ phát triển khoa học - công nghệ của các doanh nghiệp chưa được sử dụng để đầu tư, đổi mới, ứng dụng công nghệ, hỗ trợ đổi mới sáng tạo. Một số cơ chế ưu đãi thuế cho đầu tư nghiên cứu khoa học, đổi mới công nghệ còn khó thực thi do các quy định pháp luật chưa đồng bộ. Chính sách về mua sắm công chưa tạo được động lực khuyến khích việc sử dụng sản phẩm, dịch vụ là kết quả của hoạt động nghiên cứu khoa học, đổi mới, phát triển công nghệ của doanh nghiệp trong nước. Còn thiếu chính sách và các biện pháp hỗ trợ của Nhà nước cho các doanh nghiệp đưa sản phẩm là kết quả của nghiên cứu, phát triển, đổi mới công nghệ tiếp cận được các thị trường tiềm năng. Liên kết giữa các doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp với các cơ sở giáo dục đại học và các cơ quan quản lý nhà nước trong đổi mới, ứng dụng, chuyển giao và phát triển công nghệ còn yếu; chưa có cơ chế khuyến khích sử dụng lực lượng lao động của các cơ sở giáo dục đại học tham gia vào hoạt động đổi mới, cải tiến, phát triển công nghệ tại doanh nghiệp.

3- Trong bối cảnh đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hợp tác quốc tế hiện nay, phát triển mạnh mẽ khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo là yêu cầu cấp thiết được đặt ra. Đây cũng là nội dung được chú trọng trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, đặc biệt được thể hiện đậm nét, đồng bộ, xuyên suốt trong tất cả các phần, từ chủ đề, quan điểm phát triển, mục tiêu chiến lược, các đột phá chiến lược đến phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 (gọi tắt là Chiến lược).

Chiến lược xác định quan điểm, phát triển nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; chủ động nắm bắt kịp thời, tận dụng hiệu quả các cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Hệ thống pháp luật phải thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh tế mới.

Chiến lược xác định khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo là một trong những đột phá chiến lược, là cơ sở quan trọng để phát triển kinh tế năng động, nhanh và bền vững, độc lập, tự chủ. Phát triển mạnh mẽ khoa học- công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh.

Chiến lược cũng đề ra phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo trước yêu cầu của thời kỳ mới, cụ thể là: Tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật phù hợp với cơ chế thị trường và thông lệ quốc tế; cho phép thực hiện cơ chế thử nghiệm chính sách mới, thúc đẩy triển khai và ứng dụng công nghệ mới, đổi mới sáng tạo, mô hình kinh doanh mới. Đổi mới mạnh mẽ cơ chế hoạt động nghiên cứu, quản lý khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo. Quan tâm đầu tư đúng mức nghiên cứu khoa học cơ bản; tập trung nghiên cứu, ứng dụng công nghệ lõi, công nghệ số; tập trung hỗ trợ triển khai nghiên cứu ứng dụng phát triển công nghệ cho một số ngành và lĩnh vực then chốt. Cơ cấu lại, nâng cao năng lực, hiệu quả các cơ sở nghiên cứu; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học - công nghệ trong các doanh nghiệp, trường đại học, cơ sở đào tạo gắn với nhu cầu thị trường. Phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Phát triển mạnh thị trường khoa học - công nghệ gắn với xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về khoa học, công nghệ; tăng cường công tác bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ; mở rộng và nâng cao hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế. Đẩy mạnh hội nhập và hợp tác quốc tế về khoa học - công nghệ...

Những nội dung về khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo thể hiện trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nói chung và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 nói riêng là căn cứ quan trọng để lĩnh vực khoa học - công nghệ xây dựng và triển khai các nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn 2021 - 2030. Trước tiên là tích cực xây dựng Chiến lược phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021 - 2030, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, Nghị định quy định cơ chế tự chủ của các tổ chức khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo công lập, Đề án quy hoạch tổ chức mạng lưới khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo công lập giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy doanh nghiệp thành trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo thông qua hoạt động đổi mới, hấp thụ và làm chủ công nghệ... Để khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự là lực lượng sản xuất trực tiếp, là động lực nâng cao năng suất lao động, nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội thì không chỉ đòi hỏi sự nỗ lực của lĩnh vực khoa học - công nghệ, mà còn cần có sự vào cuộc chủ động, tích cực, quyết liệt của cả hệ thống chính trị với sự chung tay, góp sức của tất cả các ngành, các cấp, các địa phương, giới trí thức, doanh nghiệp và toàn xã hội trong nghiên cứu, ứng dụng, phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Những nhiệm vụ trọng tâm của lĩnh vực khoa học - công nghệ cần được tập trung thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2025 bao gồm:

Thứ nhất, hoàn thiện hành lang pháp lý và tập trung nguồn lực để thực hiện nội dung đột phá chiến lược về khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Thực hiện tốt vai trò điều phối của Bộ Khoa họ#c và Công nghệ cùng với các bộ, ngành, địa phương trong quản lý, thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động đổi mới sáng tạo trong các cơ sở giáo dục đại học và đặc biệt là trong doanh nghiệp. Triển khai đồng bộ, mạnh mẽ các hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo để tạo động lực nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả của nền kinh tế.

Triển khai áp dụng khung thể chế thử nghiệm có kiểm soát đối với hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo trong một số dự án khoa học - công nghệ cụ thể hoặc một số nhóm đối tượng đặc thù, như doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, viện nghiên cứu, trường đại học...

Bảo đảm tỷ lệ chi ngân sách nhà nước tối thiểu 2%, phân bổ và sử dụng có hiệu quả và trọng tâm nguồn lực ngân sách nhà nước cho hoạt động khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo. Khuyến khích nhiều doanh nghiệp thành lập và tăng quy mô các quỹ phát triển khoa học - công nghệ, sử dụng quỹ cho hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và đổi mới công nghệ. Triển khai các giải pháp để thúc đẩy, khuyến khích khu vực tư nhân và doanh nghiệp đầu tư mạnh mẽ cho khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Thứ hai, hoàn thiện hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, trong đó doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm, các cơ sở giáo dục đại học là các chủ thể nghiên cứu mạnh.

Đối với doanh nghiệp: Rà soát, sửa đổi các quy định về xét duyệt nhiệm vụ khoa học - công nghệ theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi để doanh nghiệp tham gia nghiên cứu và ứng dụng kết quả nhiệm vụ khoa học - công nghệ vào sản xuất - kinh doanh. Tiếp tục triển khai các chính sách để phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, biến khởi nghiệp sáng tạo là một trong những động lực đột phá cho đổi mới mô hình tăng trưởng. Xây dựng và phát triển các trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia; đẩy nhanh thành lập các trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia, trước mắt là tại thành phố Hà Nội, thành phố Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh; tăng cường liên kết các mạng lưới đổi mới sáng tạo trong và ngoài nước. Có chính sách thúc đẩy khu vực tư nhân, cá nhân và các doanh nghiệp lớn đầu tư mạo hiểm cho khởi nghiệp sáng tạo; xây dựng cơ chế hợp tác công - tư trong đầu tư mạo hiểm cho khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo. Bên cạnh đó, triển khai đồng bộ, tổng thể các giải pháp nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp thông qua các hoạt động hỗ trợ về đổi mới, chuyển giao, ứng dụng và làm chủ công nghệ, tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng, khai thác sáng chế và xác lập quyền sở hữu trí tuệ, thông tin về khoa học - công nghệ.

Đối với các viện nghiên cứu, trường đại học: Có chính sách khuyến khích chuyển dịch, liên thông nguồn nhân lực trình độ cao giữa các viện nghiên cứu, trường đại học và khu vực doanh nghiệp. Nghiên cứu xây dựng các quy định phù hợp để giảng viên, cán bộ nghiên cứu ở các cơ sở giáo dục đại học dành thời gian nhất định trong năm thực hiện công tác nghiên cứu, cải tiến, đổi mới công nghệ tại doanh nghiệp. Xây dựng cơ chế ưu tiên tăng cường tiềm lực, hỗ trợ cho các nhóm nghiên cứu mạnh tham gia nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, tham gia thực hiện nhiệm vụ trong các chương trình khoa học - công nghệ cấp quốc gia, tham dự các hội thảo, hội nghị quốc tế, công bố quốc tế. Xây dựng và thực hiện chương trình phát hiện và bồi dưỡng các nhóm nghiên cứu trẻ tiềm năng, ươm tạo doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong các cơ sở giáo dục đại học. Xây dựng các chuẩn mực về đạo đức trong nghiên cứu khoa học phù hợp với thông lệ quốc tế.

Thứ ba, tập trung xây dựng năng lực công nghệ cốt lõi, thúc đẩy năng suất, chất lượng, tận dụng thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Triển khai hiệu quả và đồng bộ, có trọng điểm các chương trình khoa học - công nghệ cấp quốc gia, cơ cấu lại các chương trình khoa học - công nghệ cấp quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, trong đó doanh nghiệp cần đóng vai trò trung tâm, phục vụ thiết thực các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Xây dựng, tổ chức thực hiện 1 - 2 chương trình, dự án phát triển công nghệ lớn, có tầm vóc, với sự tham gia của cả khu vực công và tư, có cơ chế thu hút đa dạng nguồn lực (vốn đầu tư phát triển, sự nghiệp khoa học - công nghệ, sự nghiệp kinh tế, nguồn lực từ doanh nghiệp,...) để tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội. Đầu tư nguồn lực để tổ chức triển khai thực hiện chiến lược về trí tuệ nhân tạo (AI), chiến lược vũ trụ. Phát triển Khu công nghệ cao Hòa Lạc thành trung tâm hỗ trợ nghiên cứu và phát triển công nghệ cao, gắn kết với hoạt động của Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc (VKIST) để nghiên cứu, thử nghiệm, phát triển công nghệ tiên tiến.

Thứ tư, sửa đổi, hoàn thiện chính sách tài chính, quy định quản lý nhiệm vụ khoa học - công nghệ để thúc đẩy khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Tiếp tục tháo gỡ rào cản, vướng mắc từ quy định sử dụng quỹ phát triển khoa học - công nghệ của doanh nghiệp để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư mạnh mẽ cho hoạt động đổi mới, ứng dụng, làm chủ công nghệ, đổi mới sáng tạo. Rà soát, hoàn thiện chính sách về đầu tư công để khuyến khích hợp tác công - tư trong lĩnh vực khoa học - công nghệ. Tiếp tục hoàn thiện các quy định về xây dựng dự toán, quản lý, sử dụng, thanh quyết toán kinh phí phù hợp với đặc điểm của hoạt động khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, đặc biệt là tính rủi ro, để đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo phương thức khoán chi đến sản phẩm cuối cùng. Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc chuyển giao tài sản hình thành trong nhiệm vụ khoa học - công nghệ sử dụng vốn nhà nước, chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ vào đời sống. Sửa đổi đồng bộ giữa các quy định của pháp luật về thuế và quy định pháp luật về khoa học - công nghệ để triển khai có hiệu quả các cơ chế ưu đãi thuế đối với doanh nghiệp cho đầu tư nghiên cứu khoa học, đổi mới công nghệ. Xây dựng cơ chế ưu đãi thuế thu nhập cá nhân cho các đối tượng hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Sửa đổi các chính sách về mua sắm công nhằm khuyến khích việc sử dụng sản phẩm, dịch vụ là kết quả của hoạt động nghiên cứu khoa học, đổi mới, phát triển công nghệ của doanh nghiệp.

Thứ năm, chuyển đổi số và hiện đại hóa hoạt động quản lý nhà nước về khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Chuyển đổi số công tác quản lý nhà nước về khoa học - công nghệ: Số hóa nhiệm vụ khoa học - công nghệ các cấp để công khai, minh bạch, bảo đảm xây dựng được hệ thống cơ sở dữ liệu về nhiệm vụ khoa học - công nghệ, phục vụ công tác quản lý nhà nước và nhu cầu tra cứu của nhà khoa học và công dân. Phát triển cơ sở dữ liệu về tiềm lực khoa học - công nghệ (tổ chức, nhân lực, tài chính, cơ sở vật chất, thông tin), bảo đảm được cập nhật theo thời gian. Số hóa toàn bộ hoạt động chỉ đạo, điều hành và quản lý hồ sơ, công việc của Bộ Khoa học và Công nghệ, hồ sơ công việc được xử lý trên môi trường mạng được kết nối, liên thông và chia sẻ dữ liệu. Thực hiện công tác cải cách hành chính, đáp ứng mục tiêu, yêu cầu của Chương trình chuyển đổi số quốc gia và Kế hoạch chuyển đổi số của Bộ Khoa học và Công nghệ: Tập trung thực hiện hiệu quả 6 giải pháp trong chương trình cải cách hành chính của Chính phủ. Sử dụng công nghệ số để kết nối, hỗ trợ mạng lưới các nhà quản lý, nhà khoa học, cơ sở giáo dục đại học và doanh nghiệp từ Trung ương đến địa phương. Đơn giản hóa thủ tục hành chính đối với các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Khoa học và Công nghệ, đẩy mạnh việc cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh và kiểm tra chuyên ngành; lấy người dân và nhà khoa học làm trung tâm phục vụ; hướng tới cắt giảm thời gian và chi phí giải quyết thủ tục hành chính một cách thực chất. Cung cấp thông tin minh bạch, hỗ trợ cho các nhà khoa học trong quá trình thực hiện nhiệm vụ khoa học - công nghệ.

TS. Lê Xuân Định 

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ

---------------

(1) Thống kê ước tính từ Topica Founder Institute giai đoạn 2012 - 2019
(2) Theo báo cáo của ESP Capital năm 2019

...