20/04/2024 lúc 03:30 (GMT+7)
Breaking News

"Sức đề kháng" của kinh tế Việt Nam so với các nước ASEAN

VNHN - Ngân hàng Standard Chartered dự báo Việt Nam sẽ tiếp tục là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất ASEAN trong ngắn hạn với mức tăng trưởng dự kiến đạt 6,9% trong năm 2019...

VNHN - Ngân hàng Standard Chartered dự báo Việt Nam sẽ tiếp tục là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất ASEAN trong ngắn hạn với mức tăng trưởng dự kiến đạt 6,9% trong năm 2019...

Theo đó,ngân hàng này nhận định, lĩnh vực sản xuất có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được kỳ vọng sẽ tăng ở mức hai con số trong năm thứ tư liên tiếp và là động lực tăng trưởng chính.

Dự báo trên được đưa ra trong báo cáo kinh tế toàn cầu quý III/2019 do Ngân hàng Standard Chartered phát hành mới đây với tựa đề “The dovish wave grows” (tạm dịch “Làn sóng ôn hòa lan tỏa”).

Theo báo cáo nghiên cứu kinh tế vĩ mô, dòng vốn FDI sẽ tiếp tục chảy mạnh vào Việt Nam trong năm nay, đặc biệt là vào lĩnh vực sản xuất với tổng lượng vốn thu hút được dự kiến đạt 18 tỷ USD. Tăng trưởng xuất khẩu sẽ duy trì ổn định và vượt trội hơn so với các nước trong khu vực. Xuất khẩu hàng điện tử, vốn chiếm khoảng 1/3 trong tổng lượng xuất khẩu, có khả năng sẽ giảm tốc so với những năm gần đây do nhu cầu bên ngoài và giá cả các thiết bị bán dẫn suy giảm.

Tuy nhiên, sự sụt giảm này sẽ được bù đắp nhờ xuất khẩu các mặt hàng truyền thống như dệt may và nông nghiệp ngày càng được cải thiện. Trong bối cảnh nhập khẩu nguyên liệu sản xuất giảm tốc, tăng trưởng nhập khẩu dự kiến sẽ vẫn ở mức gần 10%, nhờ đó cán cân thương mại sẽ tiếp tục thặng dư trong năm 2019.

Trước đó, trong báo cáo Triển vọng phát triển châu Á được công bố vào tháng trước, Ngân hàng Châu Á (ADB) cũng từng đưa ra dự báo Việt Nam là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực Đông Nam Á năm nay. Theo đó, tăng tăng trưởng của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2019 vào khoảng 6,8% dù nền nông nghiệp nước này chịu ảnh hưởng nặng nề do hạn hán và dịch tả lợn châu Phi.

Theo đánh giá của ADB: “Yếu tố quan trọng giúp duy trì đà tăng trưởng của Việt Nam chính là “lực hút FDI”, các dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tăng

27% trong suốt 5 tháng đầu năm 2019”. Do vậy, ADB dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2019 vào khoảng mức 6,8% và năm 2020 giảm không đáng kể với mức ước tính là 6,7%.

Tương tự, trong báo cáo mới đây về kinh tế Việt Nam, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam dự kiến giảm về mức 6,5% năm 2019 và tiếp tục duy trì tốc độ này trong năm sau.

Theo đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế này thấp hơn mức kế hoạch Quốc hội đề ra là từ 6,6% - 6,8%. Còn lạm phát được dự báo ở mức 3,6% trong năm nay và gia tăng lên mức 3,8% vào năm 2020.

Đồng Việt Nam có thể tăng nhẹ

Thực tế cho thấy, ngay từ đầu tháng 8, tỷ giá USD/VND đã giảm xuống dưới tỷ giá mua vào của Ngân hàng Nhà nước NHNN là 23.200 VND/USD và tiếp tục giảm xa mốc này, chốt tháng ở mức 23.140/23.260, giảm 120 VND/USD đối với tỷ giá giao dịch của NHTM và 23.170/23.200, giảm 130/120 VND/USD với tỷ giá tự do. Tỷ giá giảm sâu khiến một phần nguồn ngoại tệ tích lũy từ tháng 6 đã được bán về NHNN, giúp gia tăng dự trữ ngoại hối.

Trong tháng 7, VND cũng đã tăng giá 0,52% so với USD và tính chung cả 2 tháng 6 và 7 đã tăng giá 0,94%, bù lại toàn bộ mức mất giá 0,89% của đợt sóng tháng 5 khi ông Trump tuyên bố áp thuế 25% lên 200 tỷ hàng hóa Trung Quốc. Tại thời điểm cuối tháng 7, tỷ giá mua vào USD/VND của NHTM đã thấp hơn tại cuối 2018 là 25 VND/USD, tương đương 0,11%.

Đáng chú ý, dù tỷ giá giao dịch giảm mạnh nhưng tỷ giá trung tâm vẫn trong xu hướng đi lên, tăng tiếp 7 VND/USD trong tháng 7, lên mức 23.073  VND/USD, tiến dần đến tỷ giá mua vào của NHNN. Điều này cho thấy sự nhất quán trong điều hành của Ngân hàng Nhà nước để có thể linh hoạt ứng phó với nhưng diễn biến bất ngờ từ bên ngoài mà thực tế đã xảy ra ngay vào đầu tháng 8.

Theo dự đoán của Standard Chartered, thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì chính sách linh hoạt trong ngắn hạn để hỗ trợ tăng trưởng, khi lạm phát vẫn còn ở mức thấp.

Đơn vị này cũng dự báo lạm phát sẽ tăng khiêm tốn ở nửa cuối năm, đạt trung bình 2,8% so với mức 2,6% trong nửa đầu năm và lạm phát cơ bản, không bao gồm giá thực phẩm, năng lượng, dịch vụ chăm sóc sức khỏe và giáo dục, sẽ tăng lên 2% trong năm nay.

Các chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Standard Chartered kỳ vọng lãi suất chính sách sẽ không thay đổi trong năm 2019 và đồng Việt Nam (VND) sẽ tăng giá nhẹ.

Dòng vốn FDI mạnh mẽ và thặng dư tài khoản vãng lai sẽ hỗ trợ VND trong ngắn hạn và tỷ giá USD-VND được dự đoán sẽ đạt 23.100 vào cuối năm 2019 và 23.000 vào giữa năm 2020.

Đà tăng trưởng cho nhiệm vụ mới

Mới đây, Vụ Chính sách Thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cũng vừa phát đi báo cáo về "Thành tựu và định hướng phát triển của Việt Nam trong trụ cột Cộng đồng Kinh tế ASEAN".

Cụ thể, sau khi Cộng đồng ASEAN (AEC) được hình thành vào cuối năm 2015, ASEAN cơ bản trở thành một thị trường chung bao gồm khoảng 600 triệu dân, với tổng GDP gần 2.800 tỷ USD, tạo nên một không gian sản xuất tương đối đồng bộ, giúp phát huy lợi thế chung của khu vực ASEAN. Hàng hóa, dịch vụ, vốn, đầu tư và lao động có tay nghề sẽ được tự do lưu chuyển trong ASEAN mà không chịu bất cứ sự phân biệt đối xử nào giữa các thành viên.

Tham gia vào tiến trình xây dựng cộng đồng này, Việt Nam có thêm nhiều cơ hội để tiếp cận thị trường trong và ngoài khu vực, qua đó mở rộng thị trường, đa dạng hóa mặt hàng xuất khẩu; ổn định nguồn nhập khẩu và hạ giá đầu vào nhập khẩu, từ đó, góp phần dịch chuyển cơ cấu kinh tế và thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội.

Sau 24 năm Việt Nam gia nhập ASEAN, khu vực này đã trở thành một trong những đối tác kinh tế - thương mại quan trọng hàng đầu của Việt Nam.

Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, so với thời điểm bắt đầu tham gia Khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA) năm 1996, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và khu vực ASEAN đã tăng hơn 9,5 lần, từ 5,9 tỷ USD năm 1996 lên gần 56,3 tỷ USD trong năm 2018 trong đó kim ngạch xuất khẩu là 24,5 tỷ USD và kim ngạch nhập khẩu là 31,8 tỷ USD trong năm 2018.

Bên cạnh lợi ích về tăng trưởng kinh tế, việc hội nhập vào khu vực kinh tế ASEAN còn đem lại những tác động tích cực cho xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam theo hướng đa dạng hóa cơ cấu mặt hàng xuất khẩu, tăng cường thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng như mở rộng cơ hội đầu tư sang các nước ASEAN và cơ hội kinh doanh từ bên ngoài; tạo cơ hội để các doanh nghiệp cải thiện năng lực

cạnh tranh; tiếp cận các nguồn hỗ trợ về khoa học-công nghệ, học tập kinh nghiệm quản lý tiên tiến, góp phần nâng cao trình độ và năng lực của đội ngũ cán bộ và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Ngoài ra, những tác động tích cực từ AEC sẽ góp phần tạo chuyển biến trong việc xây dựng và hoàn thiện chính sách, luật lệ và thủ tục trong nước, phù hợp hơn với yêu cầu hội nhập quốc tế.

"ASEAN còn là hạt nhân để giúp Việt Nam có điều kiện thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư với các đối tác quan trọng khác như: Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, New Zealand, Australia, Trung Quốc,...thông qua ký kết hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa ASEAN với các đối tác này. Có thể khẳng định, việc triển khai hợp tác kinh tế sâu rộng và toàn diện của Việt Nam với các nước khác trong khu vực và trên thế giới sẽ không thể thành công như mong đợi, nếu ta không phải là thành viên tích cực trong ASEAN.

Mặc dù có nhiều thuận lợi để tạo nên những thành quả tích cực trong tiến trình hội nhập ASEAN đối với Việt Nam, Bộ Công Thương cho rằng còn nhiều hạn chế, thách thức do những nguyên nhân khách quan và chủ quan gây ra.

Thứ nhất, về mặt khách quan, một số khó khăn có thể kể đến như: làn sóng bảo hộ trên thế giới chưa có dấu hiệu suy giảm, làm ảnh hưởng tới hợp tác đa phương và khu vực.

"Tuy ASEAN là một thị trường lớn, về cơ bản đã xóa bỏ hàng rào thuế quan nhưng nhìn chung, chúng ta chưa có nhiều các sản phẩm mũi nhọn có lợi thế cạnh tranh so với các nước ASEAN khác. Về thị trường nhân lực, ta không thể so với Indonesia, Philippines; về dịch vụ, ta kém Singapore, Thái Lan...", Bộ Công Thương cho hay.

Thứ hai, về mặt chủ quan, môi trường cạnh tranh sẽ trở nên gay gắt hơn do hội nhập kinh tế khu vực mang lại, đặc biệt khi các quốc gia thành viên có đặc thù sản xuất khá tương đồng, có thế mạnh chung trong nhiều lĩnh vực sản xuất và dịch vụ.

Trong khi đó, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế cần được cải thiện đáng kể, liên quan đến nhiều yếu tố như: hạn chế về cơ sở hạ tầng bao gồm cả yếu tố hạ tầng cứng (đường sá, cảng biển, cảng hàng không, năng lượng, viễn thông, công nghệ thông tin...) và hạ tầng mềm (hệ thống pháp lý, bộ máy hành chính, cơ chế một cửa...); hạn chế về nguồn nhân lực; tốc độ điều chỉnh cơ cấu kinh tế để lợi ích tăng trưởng kinh tế được phân bổ đồng đều hơn; hạn chế về nhận thức của các cấp, các

ngành, doanh nghiệp, người dân trong việc đáp ứng hài hòa với quá trình hội nhập kinh tế.

Những thành quả mà hội nhập kinh tế ASEAN mang lại cho Việt Nam là rất tích cực, tuy nhiên các thách thức mà ta gặp phải cũng không nhỏ. Do đó, để đạt được những thành tựu này một cách bền vững, công cuộc hội nhập kinh tế ASEAN trong thời gian tới cần có những định hướng, chính sách phù hợp.

Bộ Công Thương nhận định, trong thời gian tới, đặc biệt là trong năm 2020 khi Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN, chúng ta cần thể hiện định hướng tiếp tục coi hội nhập ASEAN là một trong những ưu tiên trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, khẳng định tinh thần chủ động, năng động trong việc triển khai các sáng kiến thực hiện Cộng đồng Kinh tế ASEAN, góp phần phát huy tố chất của một khu vực kinh tế ASEAN năng động, trung tâm và nhiều tiềm năng.

Từ việc xây dựng ASEAN trở thành khu vực trung tâm, ta tiếp tục thúc đẩy hợp tác giữa ASEAN và các nước đối tác, nhất là với EU khi Việt Nam là điều phối viên trong quan hệ hợp tác ASEAN-EU, và với RCEP - khu vực đại diện cho 50% dân số thế giới và 32% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu.

Bộ Công Thương cho rằng, Việt Nam cần hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy sự tham gia mạnh mẽ hơn của cộng đồng doanh nghiệp, các hiệp hội ngành hàng... trong công cuộc hội nhập kinh tế quốc tế.

Một mặt, Chính phủ sẽ tiếp tục hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp tận dụng tốt hơn ưu đãi của các hiệp định FTA trong khuôn khổ ASEAN và ASEAN cộng, cũng như tham gia sâu hơn vào các chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng trong khu vực và toàn cầu.

Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng cần chủ động đào tạo nâng cao năng lực, tăng sức cạnh tranh, nắm bắt chính sách để có thể đương đầu với sự cạnh tranh về cả chất và lượng mà việc hội nhập kinh tế mang lại.