20/04/2024 lúc 03:02 (GMT+7)
Breaking News

Ra mắt 'Chiến lược La bàn', EU quyết không để mình 'chậm hơn một bước'

Khi Nga tăng cường sức mạnh quân sự ở Ukraine, Belarus; Trung Quốc thử tên lửa có thể mang đầu đạn hạt nhân hay Mỹ tập trung vào Thái Bình Dương, Liên minh châu Âu (EU) lại phản ứng theo cách riêng của mình - đưa ra một tài liệu chính sách quốc phòng.

Khi Nga tăng cường sức mạnh quân sự ở Ukraine, Belarus; Trung Quốc thử tên lửa có thể mang đầu đạn hạt nhân hay Mỹ tập trung vào Thái Bình Dương, Liên minh châu Âu (EU) lại phản ứng theo cách riêng của mình - đưa ra một tài liệu chính sách quốc phòng.

Ảnh minh họa - theneweuropean.eu

Nâng cao năng lực tự quyết, không 'dựa dẫm' vào NATO

Các bộ trưởng quốc phòng Liên minh châu Âu (EU) hôm 16/11 đã lần đầu tiên thảo luận về "Chiến lược La bàn" một kế hoạch nhằm tăng cường khả năng quân sự của liên minh trong bối cảnh họ nhận ra rằng Lục địa già không phải lúc nào cũng có thể trông chờ vào sự bảo vệ của Mỹ hoặc Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Trước đó, trong một cuộc họp chung chiều 15/11, các bộ trưởng quốc phòng EU đã chuyển cho các ngoại trưởng của khối bản tóm tắt của tài liệu này.

Cuộc họp của các bộ trưởng quốc phòng đánh dấu sự khởi đầu của cuộc tranh luận về tham vọng của EU khi nỗ lực tự đảm bảo an ninh, nâng cao năng lực tự quyết định "số phận" khi xung đột nổ ra.

Việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan đã thúc đẩy mong muốn này khi các đồng minh của Mỹ trong EU hầu như đã không được hỏi ý kiến về việc rút quân, khiến nhiều nước thất vọng.

Tuy nhiên, các đề xuất được nêu trong bản dự thảo 28 trang lần này cho thấy khoảng cách giữa tham vọng và khả năng thực tế của EU.

Theo kế hoạch đề ra, EU có thể triển khai nhanh một lực lượng lên đến 5.000 binh sĩ tới các khu vực xung đột bắt đầu từ năm 2025. Thế nhưng đây là một kế hoạch ít khả thi trong bối cảnh nhiều quốc gia thành viên EU không muốn tăng chi tiêu cho quốc phòng. Năm 1999, EU cũng đã cam kết thành lập một lực lượng lên tới 60.000 quân nhưng đã thất bại.

Tuy nhiên, tài liệu chính sách trên vẫn nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ các thành viên chủ chốt trong EU như Pháp, quốc gia có kế hoạch thúc đẩy hoàn thiện văn kiện này vào mùa Xuân năm 2022, khi Paris đảm nhận chức Chủ tịch luân phiên của EU.

Vấn đề này cũng sẽ nằm trong chương trình nghị sự cuộc họp các nhà lãnh đạo EU vào tháng 12 tới. Những người ủng hộ nói rằng điểm mạnh của kế hoạch là tính khả thi. Josep Borrell, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách đối ngoại và an ninh của EU, tuyên bố với báo giới sau khi kết thúc cuộc họp hôm 16/11 rằng: "Đây không chỉ là một tài liệu chính thức, mà còn là một hướng dẫn hành động”.

Trước thềm cuộc họp, Bộ trưởng Quốc phòng Matej Tonin của Slovenia trong vai trò Chủ tịch luân phiên của EU, tuyên bố: “Chúng tôi rất vui vì tài liệu này mang tính thực tế nhưng cũng đầy tham vọng”. Tuy nhiên, sau khi nhận được phản hồi từ các ngoại trưởng EU, ông Tonin thừa nhận vẫn còn nhiều việc phải làm. Ông nói: “Chúng tôi cần một số điều chỉnh liên quan đến Nga và Địa Trung Hải”.

Theo ông Borrell, “các đội phản ứng nhanh của EU” được nêu trong dự thảo trên thực tế rất phù hợp để đối phó với các cuộc khủng hoảng trong những năm gần đây, chẳng hạn như các cuộc giao tranh ở biên giới.

Ví dụ, EU gần đây đã phải vật lộn với một khủng hoảng ở biên giới của khối với Belarus, nơi hàng nghìn người di cư đang bị mắc kẹt, phải dựng trại ở biên giới trong điều kiện thời tiết băng giá và thiếu lương thực, thực phẩm.

EU đã cáo buộc Belarus lôi kéo người di cư từ Trung Đông và các nơi khác đến Minsk, sau đó đưa họ tới biên giới-chiến thuật mà EU gọi là “một cuộc tấn công hỗn hợp”. Nhiều người di cư đã chết trong điều kiện khắc nghiệt.

Tuần trước, các lực lượng biên phòng Ba Lan đã sử dụng hơi cay và vòi rồng để ngăn chặn những người di cư cố gắng vượt biên vào Ba Lan. Một số nhà lãnh đạo EU đã công khai cáo buộc Nga giúp Belarus dàn dựng kế hoạch, tạo ra hỗn loạn và sự lo lắng trong EU.

Không đi vào "vết xe đổ"

Một số quốc gia, đặc biệt là các quốc gia ở Đông Âu, lo ngại rằng việc thúc đẩy quân sự hóa của EU có thể làm suy yếu sức mạnh của một trong những lực lượng bảo vệ lâu đời của Lục địa già, đó là NATO.

Ông Borrell đã bác bỏ lập luận này, nhấn mạnh các kế hoạch của EU thực sự là “một cách để làm cho NATO mạnh hơn, thông qua việc củng cố sức mạnh phòng thủ của EU”.

Ông chỉ ra việc Tổng thống Mỹ Joe Biden, Tổng tư lệnh của lực lượng quân đội lớn nhất trong NATO, đã hỗ trợ khả năng quốc phòng mạnh mẽ hơn của EU. Mỹ lâu nay vẫn thúc giục châu Âu đầu tư phát triển quân đội chung. Tổng thống Mỹ Joe Biden nói rằng điều đó sẽ bổ sung cho NATO.

Với tài liệu này, đây là lần đầu tiên EU xây dựng một tầm nhìn toàn diện để giải quyết một loạt mối đe dọa toàn cầu, từ việc Mỹ xoay trục sang châu Á, khả năng quân sự đang bị tụt hậu của EU cho đến những nâng cấp công nghệ cần thiết. Kế hoạch còn đưa ra các mốc thời gian cụ thể để đạt được những mục tiêu đó và dự kiến cập nhật thường xuyên về việc thực hiện kế hoạch.

Mặc dù vậy, một số người vẫn giữ thái độ hoài nghi tương đối lớn. Những người chỉ trích lưu ý rằng EU đã từng thảo luận vấn đề này trước đây.

Năm 1999, các nhà lãnh đạo EU đã đồng ý thành lập trong vòng 4 năm một “lực lượng quân sự lên đến 50.000-60.000 quân”, có thể triển khai trong vòng 60 ngày cho các sứ mệnh quân sự kéo dài ít nhất một năm. Tuy vậy, điều đó chưa bao giờ xảy ra.

Năm 2007, EU đã thiết lập một hệ thống sẵn sàng chiến đấu gồm 1.500 quân để dập tắt các cuộc khủng hoảng. Nhưng lực này này chưa bao giờ được sử dụng.

Ông Borrell nhấn mạnh “bất kỳ tiến bộ hữu hình nào đối với các cường quốc quân sự của EU đều đòi hỏi phải bắt đầu từ việc tăng chi tiêu quốc phòng”.

Sau khi thất bại ít nhất hai lần trong việc thực hiện những cam kết chính về nâng cấp khả năng quân sự, EU phải thận trọng. Cần tránh để bất kỳ khoảng cách nào giữa tham vọng chính trị và năng lực thực tế dẫn đến việc có thể thỏa hiệp quá mức và không thực hiện được một kỳ vọng hay cam kết nào đó.