28/03/2024 lúc 20:06 (GMT+7)
Breaking News

Quyền lực ở đô thị và quyền lực của chính quyền đô thị – Từ kinh nghiệm thế giới và đề xuất, khuyến nghị với Việt Nam

Đô thị là “cơ thể sống”, đặc điểm này cho thấy, tính chất cấu trúc hoàn chỉnh và đồng bộ của từng bộ phận cũng như của toàn bộ cơ thể đô thị trong trạng thái, tính chất luôn vận động của nó. Để bảo đảm tính chỉnh thể của một “cơ thể sống – đô thị”, vai trò của chính quyền trong việc định hướng, điều phối, cưỡng chế là rất cần thiết và vô cùng quan trọng.
Ảnh minh họa - Internet

Nhận diện quyền lực ở đô thị

Lý thuyết hiện đại cho thấy có những tiếp cận khác nhau về quyền lực, trong đó có quyền lực ở đô thị, như:

1) Theo chủ thể có: quyền lực cá nhân, quyền lực tổ chức, quyền lực cộng đồng.

2) Theo hình thức có: quyền lực cưỡng bức, quyền lực ban thưởng, quyền lực hợp pháp, quyền lực tham chiếu, quyền lực chuyên gia (1).

3) Theo lĩnh vực có: quyền lực chính trị, quyền lực kinh tế, quyền lực tư tưởng, quyền lực văn hóa, quyền lực gia đình.

4) Theo cơ sở của quyền lực có: sức mạnh (force); vị thế thống trị (dominance); thẩm quyền (authority); sự lôi cuốn, thuyết phục (attraction) (2).

Tham khảo các cách phân loại trên, kết hợp với khung lý thuyết nghiên cứu dựa trên ba trụ cột là: Học thuyết Mác – Lê Nin về nhà nước và pháp luật, tư tưởng nhà nước pháp quyền và Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, quan điểm “Đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, cạnh tranh hiệu quả”(3) có thể định hình quyền lực ở đô thị như sau: 1) Quyền lực của chính quyền. 2) Quyền lực của các tổ chức kinh doanh. 3) Quyền lực của các tổ chức xã hội.

Trong đó quyền lực của chính quyền thể hiện tập trung ở quyền lực hành chính (QLHC); quyền lực của các tổ chức kinh doanh tập trung ở quyền lực kinh tế; quyền lực xã hội thuộc về người dân, các tổ chức xã hội. Theo nguyên lý của nhà nước pháp quyền và quản trị quốc gia thì xu hướng ngày càng mở rộng, phát triển hơn sự tham gia của các tổ chức kinh doanh, tổ chức xã hội, người dân trong quản trị đô thị(4) với việc thực hiện quyền lực theo những hình thức, phương thức thích hợp (trực tiếp, gián tiếp). Có thể mô hình hóa quyền lực ở đô thị:

Phân loại quyền lực theo hướng này không tách QLHC với chính trị; tiếp tục khẳng định và phát triển quyền lực xã hội thông qua các tổ chức xã hội, trong đó có quyền lực truyền thông thể hiện qua các tổ chức xã hội của các nhà báo, phát thanh, truyền hình…; đặc biệt phân loại theo cách này, gắn quyền lực của tổ chức với thẩm quyền của cá nhân trong tổ chức. Cách phân loại như vậy có ý nghĩa với các đề xuất, khuyến nghị ở nội dung sau của bài viết.

 

Quyền lực của chính quyền đô thị

Là một bộ phận quyền lực ở đô thị, quyền lực của chính quyền đô thị (CQĐT) là quyền lực công, được pháp luật quy định, thể hiện thông qua chức năng, nhiệm vụ của các tổ chức, cá nhân trong bộ máy CQĐT. Ph.Ăngghen cho rằng một trong ba đặc trưng cơ bản của Nhà nước: “là sự thiết lập một quyền lực công cộng, không còn trực tiếp là dân cư tự tổ chức thành lực lượng vũ trang nữa” mà do Nhà nước tổ chức ra. Theo Ph.Ăngghen, nội hàm của khái niệm quyền lực công cộng “không phải chỉ gồm những người được vũ trang mà còn gồm những công cụ vật chất phụ thêm nữa, như nhà tù và đủ các loại cơ quan cưỡng bức mà tổ chức xã hội thị tộc không hề biết đến”(5). Như vậy, quyền lực của CQĐT thể hiện trước hết ở sức mạnh cưỡng chế nhằm duy trì trật tự công cộng đối với xã hội đô thị.

Theo lý thuyết quản lý công mới, chính quyền không chỉ thực hiện chức năng cưỡng chế, mà còn thực hiện chức năng khác quan trọng hơn là phục vụ xã hội, đáp ứng các yêu cầu, lợi ích công cộng của người dân, doanh nghiệp (DN) trên các mặt cơ bản, thiết yếu, như: y tế, văn hóa, giáo dục, kinh doanh… Và xét trên phương diện quyền lực thì sự phục vụ đến mức nào đó, tự bản thân nó phát sinh quyền lực, đấy là quyền của sự phục vụ. Vì vậy, cùng với sức mạnh cưỡng chế, quyền lực của CQĐT còn là quyền của sự phục vụ với ý nghĩa cân bằng, hợp lý nhất của nó. Điều này, cũng có nghĩa là không phải vì có quyền lực cưỡng chế mà chính quyền được làm mọi thứ đối với người dân, DN và ngược lại không vì để thỏa mãn yêu cầu của người dân, DN mà bộ máy chính quyền được làm mọi thứ (thực tế phát triển của các nước cho thấy chính quyền không làm tất cả mọi thứ, chỉ làm những việc cần thiết đối với xã hội nhưng xã hội chưa làm hoặc không làm được).

Để quản lý phát triển đô thị, chính quyền cần sự đồng thuận và tham gia của các chủ thể khác trong xã hội đô thị. Thực tiễn cho thấy, không phải lúc nào lợi ích của các chủ thể theo ba nhóm nêu trên cũng tương hợp hoặc không ít khi mẫu thuẫn với nhau. Trong trường hợp đó, CQĐT giữ vai trò định hướng, điều phối lợi ích. Vì vậy, cưỡng chế, phục vụ là chưa đủ mà còn cần quyền định hướng, điều phối lợi ích để có được sự đồng thuận bảo đảm phát triển đô thị với các chỉ số, chỉ tiêu hiện đại theo các mô hình phổ biến, như: đô thị bền vững, đô thị xanh, đô thị thích ứng biến đổi khí hậu, đô thị thông minh…

Từ những nội dung nêu trên, có thể mô hình hóa mô thức thực hiện quyền lực của chính quyền ở đô thị như sau:

 

Thực hiện quyền lực hành chính của chính quyền đô thị

Đô thị là “cơ thể sống”, đặc điểm này cho thấy, tính chất cấu trúc hoàn chỉnh và đồng bộ của từng bộ phận cũng như của toàn bộ cơ thể đô thị trong trạng thái, tính chất luôn vận động của nó. Theo đó, quản lý phát triển đô thị bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trong cả chỉnh thể đô thị. Để bảo đảm tính chỉnh thể của một “cơ thể sống – đô thị”, vai trò của chính quyền trong việc định hướng, điều phối, cưỡng chế là rất cần thiết và vô cùng quan trọng. Kết quả nghiên cứu hoạt động của chính quyền thành phố Paris của Pháp, Berlin của Đức, Barcelona của Tây Ban Nha, Melbourne của Úc cho thấy khá rõ điều này.

Phát triển đa dạng đô thị phù hợp với dân số, diện tích, lịch sử, văn hóa, thế mạnh của mỗi đô thị. Có nhiều thuật ngữ khác nhau để nói về đô thị, như: urban, city, townlet… qua đó phần nào cho thấy sự đa dạng trong phát triển đô thị. Sự đa dạng trong phát triển đô thị còn thể hiện ở lịch sử hình thành, văn hóa vùng miền cũng như các thế mạnh của chính đô thị đó. Sự phát triển các đô thị ở nước ta và các nước cho thấy rõ “tư tưởng tôn trọng đa dạng” trong phát triển đô thị. Theo đó, cùng với vai trò của chính quyền là trách nhiệm của các chủ thể khác, đồng thuận phát triển đô thị theo bản sắc riêng có dựa trên lịch sử, văn hóa, thế mạnh của mỗi đô thị. Kết quả nghiên cứu cho thấy, tổ chức chính quyền và thực hiện quyền hành chính của chính quyền có một số mô hình:

Một là, “Công Hương hợp trị” – Kết hợp giữa quản lý của chính quyền với tự quản đô thị (bằng luật hoặc quy chế). Đây là mô hình được áp dụng khá phổ biến ở các nước thuộc EU, đối với châu Á, có các nước như: Trung Quốc, Ấn Độ… Điểm đáng lưu ý đối với mô hình này là mối quan hệ giữa “Công” với “Hương” trong quản trị đô thị. “Công” về thực chất là chính quyền Trung ương với việc ban hành các quy định pháp luật về những vấn đề căn bản, có tính nguyên tắc trong mối quan hệ giữa chính quyền Trung ương với đô thị, địa phương; “Hương” là chính quyền ở các đô thị với việc ban hành quy định áp dụng với các chủ thể ở đô thị đó. Như vậy, “Công Hương hợp trị” thực chất là kết hợp giữa pháp luật của Nhà nước với quyền tự quản của các đô thị.

Hai là, “Một cấp chính quyền, hai cấp quản lý” hoặc “Hai cấp chính quyền, ba cấp quản lý”. Cấp chính quyền được định hình với 2 cơ cấu là cơ quan đại diện nhân dân và cơ quan thực hiện QLHC nhà nước. Cấp quản lý chỉ có cơ quan thực hiện QLHC nhà nước. Mô hình này được tổ chức ở đô thị một số nước, như: Trung Quốc, Cộng hòa liên bang Đức. Tuy vậy, số lượng cấp chính quyền, cấp hành chính ở mỗi quốc gia có khác nhau.

Ba là, “Hội đồng – nhà quản lý” và “Thị trưởng – Hội đồng”. Sự khác biệt của hai mô hình này chính là việc đề cao vai trò của tập thể (Hội đồng) hoặc đề cao vai trò của cá nhân (Thị trưởng) trong quản trị đô thị. Mỗi mô hình đều có những mặt ưu điểm nhưng cũng có những hạn chế, theo đó các nước áp dụng phù hợp với lịch sử hình thành, quy mô phát triển của mỗi đô thị. Ví dụ: Mô hình “Hội đồng – nhà quản lý” được áp dụng ở một số thành phố, như: Minneapolis, Houston, Seattle, Iowa của Hoa Kỳ.

Bốn là, những năm gần đây, cùng với sự phát triển mô hình các đô thị sinh thái, đô thị xanh… là mức độ phát triển, ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số vào quản trị đô thị, theo đó xuất hiện các ý tưởng mới về mô hình đô thị, như: đô thị thông minh, đô thị đa tâm, đô thị “10 phút”, đô thị “15 phút”(6).

Phân quyền quản lý theo lĩnh vực và theo hướng chịu trách nhiệm toàn diện và đến cùng, cũng là ý cần tham khảo trong thực hiện QLHC của CQĐT. Đô thị là một chỉnh thể, ở đó không chỉ là tập hợp những ngôi nhà riêng lẻ, mà là một cơ thể sống, là cách thức phân bổ dân cư chủ yếu của xã hội công nghiệp, do vậy cần tránh quản lý cắt khúc, ai cũng có trách nhiệm nên không rõ trách nhiệm thuộc chủ thể nào.

Định hình và thực hiện tốt trách nhiệm của các chủ thể khác (trọng tâm là DN, các tổ chức xã hội) trong phát triển đô thị. Cùng với chính quyền, các DN, tổ chức xã hội và người dân cũng cần có trách nhiệm trong xây dựng, phát triển đô thị. Trách nhiệm của các chủ thể khác trong phát triển đô thị thể hiện trên những phương diện khác nhau, thông qua các quy định của pháp luật và quy định của đô thị. Nghiên cứu kinh nghiệm của các nước cho thấy có một số mô hình thực hiện trách nhiệm, như: “Hợp tác Công – Tư”, hoặc phối hợp giữa “Nhà nước – Thị trường – Xã hội”. Mới đây, trong phát biểu của mình, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nêu quan điểm, định hướng giải pháp trong hợp tác công tư, cụ thể là: “Đa dạng hóa huy động nguồn lực, đẩy mạnh hợp tác công tư, lấy nguồn lực Nhà nước dẫn dắt và kích hoạt mọi nguồn lực xã hội"(7).

Một số bài học kinh nghiệm và khuyến nghị

Thứ nhất, trên phương diện nhận thức.

Phân tách rõ hơn về quyền lực ở đô thị với quyền lực của chính quyền ở đô thị theo hướng chính quyền thực hiện QLHC công trên cơ sở mô thức với bốn nội dung: định hướng, điều phối, phục vụ, cưỡng chế (khi cần thiết). Từng bước chuyển dần nhận thức từ quản lý đô thị (việc của chính quyền) sang quản trị đô thị theo hướng mở rộng sự tham gia của các chủ thể ngoài chính quyền nhà nước với ý nghĩa đối tác, đồng thuận trong xây dựng phát triển đô thị. Sử dụng linh hoạt các hình thức phân công, phối hợp và kiểm soát QLHC theo các mô hình tổ chức CQĐT trên cơ sở quy mô đô thị, mục tiêu, yêu cầu phát triển đô thị, kết hợp với các yếu tố lịch sử hình thành, bản sắc văn hóa của mỗi đô thị.

Thứ hai, trên phương diện pháp luật.

Nghiên cứu cơ sở pháp lý quản lý đô thị theo hướng kết hợp giữa luật (đô thị) với quy chế (đối với mỗi đô thị) và văn bản do chính quyền các đô thị ban hành. Nghiên cứu định hình mới về cơ chế bầu cử CQĐT, xác định vị trí, tính chất của các tổ chức thuộc CQĐT. Nghiên cứu đề xuất việc trưng cầu ý dân được thực hiện ở cả trung ương và địa phương. Kinh nghiệm các nước như: Thụy Sĩ, Hàn Quốc, Hungari, New Zealand và một số bang của Hoa Kỳ cho thấy như vậy sẽ tốt hơn cho quản trị đô thị.

Thứ ba, trên phương diện thực tiễn.

Cần chuyển đổi mô thức lãnh đạo của CQĐT theo hướng ngày càng mở rộng, phát triển hơn sự tham gia của các tổ chức, người dân trong quản trị đô thị với những hình thức, phương thức thích hợp. Đô thị là một cơ thể sống, vì vậy, bất kỳ một sự “trục trặc” nào trong hệ thống cấu trúc cũng sẽ dẫn tới những rối loạn trong các hoạt động đô thị, “Sự cân bằng – Ổn định – Bền vững” là tiêu chí ưu tiên trong quản trị phát triển của đô thị hiện đại. Khi quy mô của các hoạt động kinh tế đô thị gia tăng sẽ dẫn đến đòi hỏi phải có chính sách và cơ chế hợp tác liên vùng. Theo đó, chính quyền có trách nhiệm “đồng hành cùng DN” trong phát triển kinh tế đô thị liên vùng, lan tỏa thông qua quyền định hướng, điều phối trong QLHC.

Cùng với những thực tiễn nêu trên, thực hiện văn hóa “nhận trách nhiệm và xin từ chức”, phân quyền, phân công trách nhiệm rõ ràng… là điều kiện để gia tăng tính hiệu quả của quản lý đối với đô thị từ kinh nghiệm của các nước. Phát triển hơn nữa hợp tác “Công – Tư” với các hình thức: lãnh đạo công – quản trị tư, đầu tư tư – sử dụng công, đầu tư công – quản lý tư cũng là vấn đề đặt ra trên phương diện thực tiễn đối với nước ta./.

------------------------------------

Ghi chú:

1. Mô hình 5 loại quyền lực của John French và Bertram Raven. https://www.mindset.vn, ngày 29/3/2022.

2. Lý luận về quyền lực chính trị. http://nguyentuan1986.vn, ngày 26/01/2017.

3. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập 2. H. NXB Chính trị quốc gia, 2021, tr 337.

4. Bộ chỉ số (KPI) đô thị thông minh Việt Nam giai đoạn đến năm 2025 (Phiên bản 1.0) do Bộ Thông tin và Truyền thông công bố.

5. C. Mác và Ph.Ăngghen. Toàn tập. Tập 21. H. NXB Chính trị quốc gia, 1995, tr. 254.

6. “Thành phố 15 phút”, “thành phố 10 phút”. https://congnghe.tuoitre.vn, ngày 07/12/2021.

7. Hưng Yên có điều kiện để phát triển toàn diện, hài hòa, nhanh và bền vững. nguồn: https://hungyen.gov.vn, ngày 24/12/2021.

Tài liệu tham khảo:

1. Bàn về cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước ở Việt Nam hiện nay. http://yenbai.noichinh.vnngày 30/07/2021.

2. Học viên Hành chính Quốc gia. Những vấn đề hiện đại về Nhà nước và Pháp luật. H. NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, 2021.

3. TS Vũ Văn Thái (chủ biên). Phân tích và thiết kế tổ chức hành chính nhà nước. H. NXB Lao động – Xã hội, 2021.

4. Văn phòng Quốc hội. Trung tâm Thông tin – Thư viện và Nghiên cứu khoa học Nghị viện châu Âu. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2007.

5. Joseph S. Nye, Jr . Tương lai của quyền lực. H. NXB Thông tin và Truyền thông, 2016.

TS Tạ Ngọc Hải - Viện Khoa học tổ chức nhà nước, Bộ Nội vụ

ThS Lục Việt Dũng, Học viện Chính trị khu vực I

quanlynhanuoc.vn

...