29/03/2024 lúc 12:42 (GMT+7)
Breaking News

Quy định chức năng của Cảnh sát biển Việt Nam phù hợp với tính chất hoạt động

VNHN - Chiều qua, tiếp tục chương trình kỳ họp, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Cảnh sát biển Việt Nam.

VNHN - Chiều qua, tiếp tục chương trình kỳ họp, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Cảnh sát biển Việt Nam.

Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Cảnh sát biển Việt Nam.

Về vị trí, chức năng của Cảnh sát biển Việt Nam (Điều 3), Chủ nhiệm Võ Trọng Việt nêu rõ: Quy định “Cảnh sát biển Việt Nam là lực lượng vũ trang nhân dân” là kế thừa Pháp lệnh lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam năm 1998 và năm 2008; thực hiện hơn 20 năm qua không có vướng mắc và đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi của cộng đồng quốc tế, phù hợp với một số quy định của pháp luật; đồng thời làm căn cứ pháp lý để xác định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và là cơ sở xây dựng cơ chế, chính sách, bảo đảm cho hoạt động và tạo điều kiện thuận lợi để Cảnh sát biển Việt Nam hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội giữ như dự thảo Luật Chính phủ trình.

Về phạm vi hoạt động (Điều 11), Chủ nhiệm Võ Trọng Việt nhấn mạnh: Quy định “Cảnh sát biển Việt Nam hoạt động trong vùng biển Việt Nam” là kế thừa Pháp lệnh hiện hành; phù hợp đặc điểm, tình hình vùng biển Việt Nam, thực tiễn hoạt động của Cảnh sát biển Việt Nam, đáp ứng yêu cầu quản lý, bảo vệ biển, đảo giai đoạn hiện nay. Thực tế, một số vùng biển chưa xác định đường cơ sở, nội thủy, lãnh hải; một số vùng có nội thủy rộng, thường xảy ra nhiều hành vi vi phạm pháp luật, trong khi các lực lượng chức năng khác hoạt động trên biển còn hạn chế. Nếu phân chia phạm vi hoạt động trên từng vùng biển cho các lực lượng sẽ dễ dẫn đến bỏ trống vùng biển, bỏ sót, lọt vi phạm, tội phạm; đồng thời lãng phí nguồn lực và làm hạn chế sức mạnh tổng hợp của các lực lượng trong xây dựng thế trận quốc phòng, an ninh trên biển. Tuy nhiên, để bảo đảm chặt chẽ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉnh lý nội dung khoản 1 Điều 11 như sau: “Cảnh sát biển Việt Nam hoạt động trong vùng biển Việt Nam để thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật này”.

Quang cảnh phiên họp chiều 5-11. Ảnh: quochoi.vn

Thảo luận tại phiên họp, nhấn mạnh tình hình vùng biển diễn biến ngày một khó lường, các đại biểu đều thống nhất với sự cần thiết ban hành Luật Cảnh sát biển Việt Nam; cho rằng việc xây dựng luật bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật, nhất là thực hiện Hiến pháp năm 2013 và tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam. Các đại biểu đều cho rằng dự thảo luật đã được nghiêm túc tiếp thu, các nội dung của dự thảo luật đã được rà soát, bảo đảm đồng bộ, thống nhất, nhiều nội dung đã được chỉnh sửa.

Nhiệm vụ, quyền hạn, phạm vi hoạt động của Cảnh sát biển Việt Nam là nội dung được nhiều đại biểu quan tâm. Cơ bản các ý kiến tán thành việc xác định Cảnh sát biển là lực lượng vũ trang nhân dân; tuy nhiên cũng đề nghị cần tiếp tục tập trung rà soát để quy định chức năng, nhiệm vụ, nguyên tắc, phạm vi hoạt động của lực lượng phù hợp với tính chất hoạt động của lực lượng, phù hợp với hệ thống pháp luật, làm rõ nhiệm vụ quyền hạn do Cảnh sát biển Việt Nam chủ trì, để bảo đảm không tạo ra khoảng trống trên biển nhưng cũng tránh chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ.

Đại biểu Bùi Quốc Phòng (Thái Bình) lưu ý đến điều 3, điều 4 của dự thảo luật, quy định: Cảnh sát biển Việt Nam là lực lượng vũ trang nhân dân, lực lượng chuyên trách của Nhà nước, làm nòng cốt thực thi pháp luật và bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn trên biển. Cảnh sát biển Việt Nam đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự thống lĩnh của Chủ tịch nước, sự thống nhất quản lý Nhà nước của Chính phủ và sự chỉ đạo, chỉ huy trực tiếp của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, với phương châm xây dựng lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam theo hướng cách mạng, chính quy, hiện đại.

“Điều này là hoàn toàn phù hợp, nhằm khẳng định và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của nhà nước, để nâng cao chất lượng của Cảnh sát biển Việt Nam, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên biển theo quy định của pháp luật Việt Nam”, đại biểu nhấn mạnh.  

Dẫn chứng khoản 1 điều 47 Luật Biển Việt Nam quy định lực lượng tuần tra, kiểm soát bao gồm lực lượng có thẩm quyền của Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và các lực lượng tuần tra khác trên biển, đại biểu cho rằng, như vậy, trong vùng nội thủy Việt Nam, có tối thiểu 2 lực lượng tuần tra, kiểm soát, chưa kể đến kiểm ngư và lực lượng biên phòng.

Đại biểu cho rằng: Thực tế hiện nay, vùng nội thủy nước ta có nhiều lực lượng cùng tuần tra, kiểm soát, bảo đảm an ninh, trật tự, song ngoài vùng nội thủy như vùng lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa là địa bàn rộng, rất quan trọng, cần phải có lực lượng đủ mạnh được trang bị hiện đại thì mới đáp ứng được yêu cầu tuần tra, kiểm soát, giữ gìn an ninh trật tự, bảo đảm an toàn và phối hợp bảo vệ an toàn chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

"Chỉ có lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam mới có đủ điều kiện để thực hiện và hoàn thành nhiệm vụ ở những khu vực này", đại biểu nhấn mạnh và đề nghị cần bổ sung quy định về phạm vi hoạt động của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam, bao gồm cả vùng biển và vùng lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam cho phù hợp, tránh sự chồng chéo trong nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát với các lực lượng khác, đồng thời cũng xác định cụ thể về phạm vi hoạt động của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam.

Đại biểu Võ Đình Tín (Đắc Nông) thì quan tâm đến chức năng của Cảnh sát biển Việt Nam. Đại biểu cho biết: Theo quy định tại khoản 2 điều 3 của dự án luật, Cảnh sát biển Việt Nam có chức năng tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đề xuất với Đảng, Nhà nước về chính sách, pháp luật bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn trên biển; bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trong vùng biển Việt Nam; quản lý về an ninh, trật tự, an toàn và bảo đảm việc chấp hành pháp luật Việt Nam, thỏa thuận quốc tế, điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Theo đại biểu, quy định trên cho thấy chức năng thứ nhất và thứ hai của dự thảo luật đều có quy định về phạm vi để thực hiện chức năng của Cảnh sát biển Việt Nam trên biển trong vùng biển Việt Nam. Ở chức năng thứ 3 của dự thảo luật không giới hạn phạm vi, điều này có nghĩa là Cảnh sát biển Việt Nam thực hiện chức năng này cả trên không và trên đất liền, sẽ dẫn đến việc chồng lấn chức năng của các cơ quan khác và không thống nhất với quy định tại điều 11 của dự thảo luật về phạm vi hoạt động của Cảnh sát biển Việt Nam.

Vì vậy, đại biểu đề nghị chỉnh lý khoản 2 điều 3 của dự thảo luật, theo hướng Cảnh sát biển Việt Nam có chức năng tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đề xuất với Đảng, Nhà nước về chính sách, pháp luật và chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn trên biển; bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trong vùng biển Việt Nam; quản lý về an ninh, trật tự, an toàn và bảo đảm việc chấp hành pháp luật Việt Nam, thỏa thuận quốc tế, điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên trong vùng biển Việt Nam.

Đại biểu cũng băn khoăn về điều khoản quy định việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam, (điều 36). Theo đó, cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam được đào tạo, bồi dưỡng tại cơ sở đào tạo của Cảnh sát biển Việt Nam. Đại biểu đề nghị xem xét lại quy định tại điều luật này, bởi lẽ theo đại biểu, quy định này chưa phù hợp với chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ và không thống nhất với quy định khác của dự thảo luật.

Việc quy định như điều 36 của dự thảo luật chưa phù hợp với nghị quyết 18 ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về một số vấn đề về sắp xếp, đổi mới bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, dẫn tới cách hiểu là Cảnh sát biển Việt Nam phải có cơ sở đào tạo bồi dưỡng riêng trong khi thực tế hiện nay, Cảnh sát biển Việt Nam đã có cơ sở đào tạo trong hệ thống các trường đào tạo của Bộ Quốc phòng./.

Theo Qdnd.vn