29/03/2024 lúc 20:01 (GMT+7)
Breaking News

Phút trải lòng của Tư lệnh ngành giao thông về một năm “vượt sóng”

Năm 2021, dịch Covid 19 lan rộng khiến nhiều lĩnh vực, ngành nghề, doanh nghiệp và người dân gặp khó. Nhưng với trách nhiệm “đi trước mở đường”, ngành giao thông vận tải (GTVT) gánh nhiệm vụ phải đảm bảo hàng hoá, giao thông thông suốt, cùng đó, phải tăng tốc giải ngân, thi công cao tốc Bắc - Nam, hoàn thành và đưa vào sử dụng hàng loạt các dự án trọng điểm…

Năm 2021, dịch Covid 19 lan rộng khiến nhiều lĩnh vực, ngành nghề, doanh nghiệp người dân gặp khó. Nhưng với trách nhiệm đi trước mở đường”, ngành giao thông vận tải (GTVT) gánh nhiệm vụ phải đảm bảo hàng hoá, giao thông thông suốt, cùng đó, phải tăng tốc giải ngân, thi công cao tốc Bắc - Nam, hoàn thành và đưa vào sử dụng hàng loạt các dự án trọng điểm…

Để một cái nhìn toàn cảnh về ngành giao thông trong năm qua, Tạp chí Việt Nam Hội nhập đã có buổi trò chuyện với Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đúng vào những ngày cuối năm 2021.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể

“Khơi mạch cho hàng hoá lưu thông”

Thưa ông, trong giai đoạn đầu chống dịch, nhiều tỉnh, thành phố đến cấp huyện, cấp xã đã có những cách chống dịch riêng, điều này khiến hàng hoá đôi lúc bị “nghẽn mạch” tại các tỉnh phía Nam, Chính phủ và Bộ GTVT đã có những quyết sách gì, thưa ông?

Tôi còn nhớ, thời điểm đó có tới hơn 20 tỉnh thành phía Nam phải giãn cách xã hội. Trong điều kiện đó, để thực hiện được nhiệm vụ lưu thông hàng hoá là cực kỳ khó khăn. Nói thật, lúc đầu chúng tôi rất lúng túng, nhưng sau đó Bộ đã yêu cầu 63 tỉnh, thành phố phải họp trực tuyến hàng ngày để nắm tình hình giao thông, cũng như đôn đốc nhắc nhở các địa phương thực hiện đúng theo chủ trương của Chính phủ. Đặc biệt là vấn đề vận chuyển hàng hóa.

Nếu không vận chuyển được hàng hóa thì nông thôn sẽ thừa hàng, ở thành phố thiếu hàng, bà con rất khó khăn. Không vận chuyển hàng hóa thì không xuất khẩu được. Do đó nhiệm vụ này là thử thách lớn, không chỉ 13 tỉnh thành phía Nam, mà ở mỗi tỉnh thì có tới 10 huyện (20 tỉnh có hàng trăm huyện và có tới 700 đến 800 xã). Mỗi huyện, xã đều có cơ chế cách ly chống dịch Covid khác nhau nên dẫn đến hình thành nên các điểm nghẽn cục bộ.

Tuy nhiên, chúng tôi đã thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, từng bước tháo gỡ theo ngày, theo giờ, vì thế, mặc dù có những chỗ chưa thực sự tốt nhưng nhìn tổng thể giao thông đã thông suốt, đặc biệt là xuất nhập khẩu.

Tính đến cuối năm 2021, sản lượng hàng hoá xuất nhập khẩu thông qua cảng tăng 4%. 4% này thể hiện giao thông vận chuyển hàng hóa thông suốt từ nông thôn đến thành thị, đặc biệt là phục vụ xuất nhập khẩu. Do đó chúng tôi cũng đánh giá đây là thành tựu nổi bật nhất ngành GTVT.

Năm 2021, mục tiêu quan trọng khác của ngành giao thông được Chính phủ giao là hoàn thiện 5 quy hoạch về đường sắt, đường bộ, hàng không, hàng hải và đường thuỷ nội địa. Hiện các đề án này đã và đang thực hiện như thế nào, thưa ông?

Mặc dù khó khăn chồng chất nhưng chúng tôi ý thức được nhiệm vụ giao thông đi trước mở đường, muốn vậy phải “mở đường” về quy hoạch. Chúng tôi ý thức rằng khi các địa phương làm quy hoạch, các vùng làm quy hoạch, các ngành làm quy hoạch, chắc chắn người ta sẽ hỏi giao thông phát triển như thế nào. Giao thông không định hướng được thì người ta không quy hoạch được.

Do đó, năm 2020 và cả năm 2021, toàn ngành GTVT đã tập trung hoàn thành 5 quy hoạch và đã thông qua lấy ý kiến các Bộ ngành, lấy ý kiến 63 tỉnh thành, báo cáo Hội đồng thẩm định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ để Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Đến thời điểm này Bộ GTVT đã công bố 4 quy hoạch, riêng quy hoạch hàng không thì Thường trực Chính phủ đã họp rồi, chúng tôi đã tiếp thu, trình lại Chính phủ. Phó thủ tướng Lê Văn Thành đã đồng ý dự kiến ban hành cuối năm 2021, đầu năm 2022. Như vậy, trong 37 quy hoạch ngành toàn quốc, thì 5 quy hoạch ngành giao thông là hoàn thành nhanh nhất.

Hiện 63 tỉnh thành cũng làm quy hoạch tổng thể địa phương, nhưng đến thời điểm này chưa công bố tỉnh nào công bố hoàn thành. Ngoài ra chúng ta còn quy hoạch vùng, vùng Đông Nam Bộ, vùng Tây Nam Bộ, vùng Bắc Bộ..., các quy hoạch vùng cũng đang thực hiện. Nói tóm lại, chúng tôi đánh giá đây là thành tích thứ 2 của Bộ GTVT trong năm qua.

Hàng loạt các dự án trọng điểm về đích

Trong năm qua, đích thân Bộ trưởng là tổ trưởng tổ đặc biệt đốc thúc giải ngân, đến thời điểm này, tiến độ giải ngân toàn ngành như thế nào, thưa ông?

Năm nay, nguồn vốn Chính phủ giao cho giao thông khoảng 43.400 tỷ đồng, chúng tôi đã nỗ lực giải ngân đạt khoảng 40.000 tỷ đồng. Cụ thể, tính đến ngày 31/12/2021, giải ngân khoảng 37.000 tỷ đồng, nhưng tính gộp cả tháng 1/2022, dự kiến giải ngân khoảng hơn 40 ngàn tỷ đồng, đạt 96% kế hoạch Chính phủ giao.

Tôi cho rằng, đây là thành tích thứ 3 của ngành giao thông, bởi năm 2017, toàn ngành chỉ giải ngân đạt khoảng 25.000 tỷ đồng; năm 2018 đạt 28.000 tỷ đồng, năm 2019 và năm 2020 cao nhất chỉ hơn 30.000 tỷ đồng. Năm 2021, dù chồng chất khó khăn, nhiều công trường ách tắc, thiếu đất, bị Covid trên công trường… nhưng chúng tôi đã điều hành quyết liệt để chỉ đạo, xử lý các vướng mắc để giải ngân trên 40.000 tỷ đồng, đạt 96% kế hoạch (cao hơn bình quân cả nước là 87% kế hoạch).

Nhờ sức giải ngân mạnh mẽ nên năm qua, hàng loạt các dự án trọng điểm ngành GTVT đã cán đích. Đặc biệt là các dự án chây ì, dự án kéo dài hàng chục năm qua đã hoàn thành. Ông đánh giá sao về điều này?

Nói thật, câu hỏi anh vừa đặt là tôi cho rằng đó là thành công thứ tư của Bộ GTVT trong năm qua. Điều đáng mừng nhất là một số dự án tồn đọng kéo dài hàng chục năm đã được giải quyết, ví dụ như Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông. Trong 3 năm qua, chúng tôi đã tập trung phối hợp với các Bộ ngành, địa phương thẩm định, rà soát… và mới đây đã đưa vào vận hành tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của cả nước. Đến thời điểm này, dự án hoạt động ổn định, không có vấn đề gì.

Một dự án khác, dù nhỏ nhưng nhiều năm qua gây bức xúc dư luận, nay mới khắc phục được đó là sửa chữa mặt cầu Thăng Long. Trong 2 năm qua, Bộ GTVT đã yêu cầu các kỹ sư Việt nghiên cứu bài bản trước khi triển khai “vá” mặt cầu. Đến nay, dự án đã hoàn thành nhờ công nghệ Việt Nam. Thực tế gần 1 năm khai thác, tình hình hiện nay rất tốt.

Thứ ba là việc sửa chữa đường băng Tân Sơn Nhất và Nội Bài. Hiện toàn bộ công tác sửa chữa của sân bay Nội Bài đã hoàn thành phần xây lắp. Chúng tôi đã thử nghiệm và dự kiến sẽ đưa đường băng thứ 2 vào hoạt động trước Tết Nhâm Dần. Như vậy, 2 đường băng nâng cấp cùng với các đường lăn tại sân bay Nội Bài cơ bản đáp ứng được các yêu cầu vận tải khoảng 50 triệu hành khách/năm, tương đương với sân bay Tân Sơn Nhất.

Còn tại đường băng Tân Sơn Nhất, đến thời điểm này 2 đường băng đã vận hành khai thác rồi, chỉ còn 1 vài đoạn đường lăn nhưng không ảnh hưởng đến vấn đề khai thác, cơ bản là hoàn thành toàn bộ. Như vậy Chính phủ đặt ra năm 2020, 2021 phải nâng cấp xong toàn bộ 4 đường băng sân bay và các đường lăn để đảm bảo công suất khoảng 50 triệu hành khách/năm mỗi sân bay đã hoàn thành.

Cũng phải chia sẻ thế này, việc thi công đường băng Tân Sơn Nhất diễn ra trong bối cảnh vô cùng khó khăn, đặc biệt là trong điều kiện Covid-19 ở TP.HCM lan rộng. Thậm chí, đã có lúc đường băng phải dừng một khoảng thời gian để phòng chống Covid. Bởi thời điểm đó, chúng ta chưa phủ kín tiêm vắc-xin thì trong công trường đã có một số kỹ sư, công nhân bị dương tính. Vì thế, UBND TP.HCM bắt buộc họ phải cách ly. Tuy nhiên, đến nay dự án đã cơ bản hoàn thành cho thấy nỗ lực lớn của Tổng Công ty Cảng hàng không (ACV) và các nhà thầu.

Đối với các dự án cao tốc Bắc – Nam nhiều khó khăn chồng chất từ nguyên vật liệu, đất đắp khan hiếm, giá thép tăng cao, có trường hợp nhiễm Covid trên công trường… ông đánh giá sao về tiến độ giải ngân và thi công các dự án này?

Tính đến thời điểm này, Bộ GTVT đang đẩy mạnh thi công 8 dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông theo nguồn vốn đầu tư công. Về cơ bản, các dự án đều đáp ứng được tiến độ đề ra. Cụ thể, Bộ đang chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ Dự án Cam Lộ - La Sơn, dự kiến, qua Tết âm lịch sẽ bắt đầu thảm lớp nhựa bề mặt. Còn Dự án cầu Mỹ Thuận 2 hiện đã hoàn thành toàn bộ móng trụ, chỉ còn lại trụ tháp, dây văng. Do yếu tố đặc thù nên Quốc hội đồng ý hoàn thành dự án trong năm 2023. Đối với 5 dự án đối tác công tư (PPP) chuyển sang đầu tư công, có 3 dự án hoàn thành trong 2022 và 2 dự án còn lại hoàn thành vào năm 2023. Tất cả các dự án này đang kiểm soát tiến độ hàng ngày hàng tuần.

Có thể nói, dự án cao tốc Bắc – Nam trải dài trên nhiều địa bàn, nhưng chúng ta đã đảm bảo tốt tiến độ, giải ngân trong điều kiện Covid lan rộng. Chúng tôi đánh giá đây là sự nỗ lực rất lớn của ngành và sự đồng hành của địa phương giúp đỡ, hỗ trợ, đặc biệt là vắc-xin để triển khai chương trình trọng điểm quốc gia.

Liên tiếp trong 10 năm qua, tai nạn giao thông (TNGT) giảm sâu trên ba tiêu chí, ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?

Tôi còn nhớ, những năm 2011 và 2012 số người chết vì TNGT mỗi năm khoảng 12.000 người, đó thực sự như một “cuộc chiến”. Có quá nhiều người đang độ tuổi lao động họ đi làm và không bao giờ trở về nữa, rất đau xót. Vì thế, mục tiêu giảm TNGT và số người chết luôn được đặt lên hàng đầu.

Số liệu đến năm 2020 cho thấy, có khoảng 6.700 người chết vì TNGT mỗi năm, dự kiến năm 2021 còn khoảng 6.000 người. Như vậy chúng ta giảm 10 năm liên tục, từ 12.000 người chết xuống 6.000 người. Trong khi phương tiện ngày càng tăng, nhất là ô tô. Mỗi năm hiện nay tăng mới khoảng 400.000 ô tô mới. Do số lượng xe ngày càng tăng, dân cư ngày càng đông, giao thông trên đường ngày càng phức tạp, tôi cho rằng, việc kéo giảm TNGT, số người chết là một thành tích lớn.

Có thể nói rằng, trong một năm đầy “sóng gió” nhưng về cơ bản ngành giao thông đã hoàn thành các mục tiêu mà Chính phủ, Quốc hội đề ra. Đó là động lực để trong năm 2022 toàn ngành phải cố gắng hơn nữa  giải ngân trên 50.000 tỷ đồng Chính phủ giao, giảm thiểu số người chết vì TNGT và về đích hàng loạt các dự án cao tốc trọng điểm…

Trân trọng cảm ơn ông!