29/03/2024 lúc 04:22 (GMT+7)
Breaking News

Phản ứng chính sách phải 'trúng' và 'đúng' trong xây dựng pháp luật

Chính phủ vừa tổ chức phiên họp trực tuyến toàn quốc về công tác xây dựng thể chế, được xác định là một trong “3 khâu đột phá chiến lược” cho sự phát triển của đất nước. Bên cạnh những kết quả to lớn thì công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật còn bộc lộ nhiều bất cập, vướng mắc, đòi hỏi phải tháo gỡ kịp thời, đáp ứng sự phát triển của đất nước.

Chính phủ vừa tổ chức phiên họp trực tuyến toàn quốc về công tác xây dựng thể chế, được xác định là một trong “3 khâu đột phá chiến lược” cho sự phát triển của đất nước. Bên cạnh những kết quả to lớn thì công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật còn bộc lộ nhiều bất cập, vướng mắc, đòi hỏi phải tháo gỡ kịp thời, đáp ứng sự phát triển của đất nước.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị toàn quốc về công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

 

Có “thể chế chất lượng cao” để giải phóng sức sản xuất

Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII tiếp tục xác định, cải cách thể chế là một trong “3 khâu đột phá chiến lược” cho sự phát triển của đất nước, đồng thời đề ra một số định hướng ưu tiên trong xây dựng và hoàn thiện thể chế phát triển, trực tiếp liên quan tới công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật của Chính phủ và các bộ, ngành, chính quyền địa phương trong giai đoạn 2021-2025. Đây là nền tảng cơ bản để hoàn thành mục tiêu đưa nước ta trở thành “nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa, có thu nhập cao” vào năm 2045 từ vị trí là quốc gia thu nhập trung bình thấp hiện nay.

Do đó, làm sao để công tác xây dựng “thể chế chất lượng cao” tạo ra môi trường giải phóng sức sản xuất, huy động, khai thác nguồn lực hiệu quả để phát triển hạ tầng đồng bộ, hiện đại, giải phóng mọi tiềm năng phát triển của đất nước là yêu cầu bức thiết hiện nay.

Muốn vậy, một trong yêu cầu cơ bản là phải bảo đảm tính ổn định của hệ thống pháp luật theo đúng tinh thần Văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Điều này đòi hỏi Nhà nước chỉ sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành các văn bản pháp luật dựa trên một sự cân nhắc, tính toán thật căn cơ, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về đánh giá tác động KT-XH, bảo đảm được tính dự báo, tính khả thi của các quy định pháp luật.

Một trong những vấn đề được các chuyên gia xây dựng pháp luật và nhân dân rất quan tâm là cần đề cao tốc độ phản ứng chính sách nhưng phản ứng chính sách phải “trúng và đúng”. Đặc biệt là quyết tâm đẩy nhanh nhất tốc độ phản ứng chính sách, tốc độ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật nhưng nhất quyết không đánh đổi “chất lượng thể chế” để lấy tốc độ ban hành thể chế. Đồng thời, sau khi pháp luật đã được ban hành thì phải kiên trì thực hiện thật nghiêm. Không vì chủ trương và quy định đã đúng mà cứ gặp chút khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực thi thì lại dừng lại, đề nghị sửa đổi, bổ sung.

Tổng kết 15 năm triển khai Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam theo Nghị quyết số 48-NQ/TW, Bộ Chính trị đã khẳng định: Đến nay, hệ thống pháp luật đã “cơ bản đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, tạo hành lang pháp lý để phát triển KT-XH, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đẩy mạnh hội nhập quốc tế, góp phần quan trọng vào việc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng”. Vai trò của pháp luật và thực thi pháp luật ngày càng được chú trọng trong tổ chức và hoạt động của Nhà nước và đời sống xã hội.

Hiện tại, Bộ Tư pháp cũng đang rất nỗ lực, phối hợp chặt chẽ, trách nhiệm với Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành tham mưu xây dựng, trình Chính phủ để báo cáo Quốc hội các dự án luật, tập trung vào những vấn đề mang tính cấp bách, bức xúc, nổi cộm cần tháo gỡ ngay trong bối cảnh hiện nay, đã nhận được sự đồng tình, đánh giá cao từ dư luận xã hội, cộng đồng doanh nghiệp.

Các quy định còn cồng kềnh, chồng chéo, thiếu ổn định, dự báo không cao

Tuy nhiên, thực tế công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế thời gian đã bộc lộ những hạn chế, bất cập cần sớm được sửa đổi, bổ sung cho kịp với sự phát triển của thực tiễn của đất nước.

Theo Bộ Tư pháp, phân tích kỹ hiện trạng thể chế hiện nay, nhất là thực trạng hệ thống pháp luật, có một số vấn đề cần được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành và chính quyền các cấp cùng với hệ thống chính trị quan tâm, xử lý, khắc phục.

Điều dễ nhận thấy nhất là hệ thống pháp luật vẫn còn cồng kềnh với số lượng lớn văn bản dưới luật, nhất là văn bản của các bộ, ngành, UBND các cấp. Một số quy định còn chồng chéo, mâu thuẫn; tính khả thi, tính dự báo chưa cao, ảnh hưởng đến tính ổn định của hệ thống pháp luật. Một số quy định chưa đáp ứng yêu cầu “chính xác, phổ thông, cách diễn đạt phải rõ ràng, dễ hiểu” theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, dẫn đến việc hiểu, áp dụng không thống nhất. Điều khoản về thực hiện chuyển tiếp trong một số văn bản quy phạm pháp luật chưa rõ ràng, gây khó khăn trong thi hành pháp luật. Trong các quy định cụ thể lại vừa có quy định chung, vừa có quy định chuyên ngành làm cho hệ thống pháp luật cồng kềnh, người dân thấy rắc rối, khó tiếp cận.

Hệ thống pháp luật nước ta tuy đã bảo đảm sự bao quát, khá toàn diện, song trong từng lĩnh vực vẫn còn có chế định chưa thật sự đầy đủ, chưa đáp ứng nhu cầu điều chỉnh các quan hệ xã hội, nhất là trước những tác động phức tạp của đại dịch COVID-19, sự xuất hiện những hiện tượng KT-XH mới trước tác động ngày càng nhanh của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Các chuyên gia cho rằng, hiện nay hầu hết các lĩnh vực của đời sống đều có luật điều chỉnh, nhưng thực tế cho thấy, còn nhiều vấn đề, hiện tượng kinh tế mới phát sinh mà chưa kịp điều chỉnh như kinh tế chia sẻ, kinh tế ban đêm, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số…

Thực tế cuộc sống đặt ra bắt buộc chúng ta phải hoàn thiện để khỏa lấp các khoảng trống pháp luật đang đặt ra hiện nay.

Vẫn còn “hiểu không đúng, không nắm vững” nguyên tắc áp dụng pháp luật

Theo nhiều chuyên gia về xây dựng pháp luật, việc hoàn thiện hệ thống pháp luật đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng có phần còn dừng ở mức “bảo đảm thực hiện đúng và đủ các cam kết quốc tế”, mà chưa tận dụng cao nhất những quy định linh hoạt, có lợi cho Việt Nam từ điều ước quốc tế để bảo vệ tối đa lợi ích của Nhà nước, tổ chức, cá nhân trong nước.

Bên cạnh đó, hiệu quả thi hành pháp luật còn hạn chế, ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận cán bộ, nhân dân chưa cao, tình hình vi phạm pháp luật, tranh chấp, khiếu kiện còn diễn biến phức tạp. Việc gắn kết giữa xây dựng pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật trong một số lĩnh vực chưa thực sự hiệu quả, chưa phản ánh đầy đủ, kịp thời nhu cầu thực tiễn. Một số bất cập trong các quy định của pháp luật đã phát hiện, nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung. Kết quả tổng hợp những phản ánh, kiến nghị của các cơ quan, tổ chức, cá nhân về bất cập của các văn bản quy phạm pháp luật cho thấy, nhiều vướng mắc, bất cập xuất phát từ việc hiểu không đúng, không nắm vững nguyên tắc áp dụng pháp luật dẫn đến lúng túng, thậm chí áp dụng sai pháp luật. Thể chế về tổ chức thi hành pháp luật còn nhiều bất cập.

Những hạn chế, bất cập này có nguyên nhân khách quan là do nước ta đang trong quá trình đẩy mạnh công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế nên tình hình thực tiễn chuyển biến nhanh chóng, phát sinh nhiều vấn đề mới, khó dự báo. Bên cạnh đó, công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật đặt trong bối cảnh có nhiều vấn đề phát sinh từ đại dịch COVID-19, từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư… cũng phần nào ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng.

Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận thì nguyên nhân chủ quan vẫn là chủ yếu như: Nhận thức của lãnh đạo một số cơ quan còn chưa thật sự đầy đủ về nội dung, yêu cầu của công tác xây dựng pháp luật; việc chấp hành kỷ cương, kỷ luật trong công tác xây dựng pháp luật trong một số trường hợp chưa nghiêm; việc lấy ý kiến của đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản còn có phần hình thức; một số dự thảo văn bản được xây dựng trong khi chưa có sự điều tra, khảo sát, tổng kết thực tiễn thấu đáo và chưa bảo đảm tính dự báo. Công tác rà soát pháp luật phục vụ xây dựng dự thảo văn bản chưa được coi trọng đúng mức. Nguồn lực đầu tư cho công tác tác xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thi hành pháp luật nhìn chung chưa tương xứng với tầm quan trọng, tính chất khó khăn, phức tạp của nhiệm vụ. Cơ chế đảm bảo cho người dân giám sát thi hành pháp luật còn chưa thực sự phát huy hiệu quả trong thực tiễn. Các điều kiện đảm bảo thi hành pháp luật còn chưa đầy đủ, nhất là về tổ chức, bộ máy, biên chế, kinh phí và cơ chế phối hợp. Hoạt động xây dựng đội ngũ cán bộ pháp luật chưa thực sự sát với yêu cầu thực tiễn.