19/04/2024 lúc 05:54 (GMT+7)
Breaking News

Nỗ lực 'ngoại giao con thoi' của châu Âu có giúp hạ nhiệt căng thẳng Nga-Ukraine?

Bên cạnh việc cố gắng chứng tỏ bản thân trên trường quốc tế, cả ba nước Anh, Pháp, Đức đều có chung một mục tiêu: ngăn chặn nguy cơ căng thẳng Nga-Ukraine trở thành một cuộc xung đột.

Bên cạnh việc cố gắng chứng tỏ bản thân trên trường quốc tế, cả ba nước Anh, Pháp, Đức đều có chung một mục tiêu: ngăn chặn nguy cơ căng thẳng Nga-Ukraine trở thành một cuộc xung đột.

Các quốc gia châu Âu đang tìm cách ngăn tình hình căng thẳng Nga-Ukraine biến thành một cuộc xung đột. (Nguồn: EU)

Những tuần qua, châu Âu vô cùng nhộn nhịp khi lãnh đạo các nước liên tục thực hiện các chuyến công du nước ngoài, một phần trong những nỗ lực ngoại giao nhằm tìm phương án hạ nhiệt căng thẳng Nga-Ukraine.

Cụ thể, Tổng phống Pháp Emmanuel Macron đến thăm và làm việc tại Moscow, Kiev và Berlin. Thủ tướng Anh Boris Johnson có cuộc gặp với lãnh đạo NATO ở Brussels, rồi bay tới Ba Lan để thăm các binh sĩ đang đóng quân tại đây. Trong khi đó, tân Thủ tướng Đức Olaf Scholz có chuyến thăm chính thức đầu tiên tới Mỹ và sau đó cũng đến Nga và Ukraine.

Với những chuyến đi dồn dập như vậy, ba nhà lãnh đạo dường như có nhiều mục tiêu khác nhau, từ gửi những tín hiệu tích cực tới các cử tri trong nước, đến chứng minh bản thân trên trường quốc tế. Nhưng tựu chung, tất cả đều mong muốn tìm ra một giải pháp để ngăn chặn một cuộc xung đột quân sự nổ ra trên lãnh thổ châu Âu.

Năm 2014, khi Nga đưa quân vào Ukraine, lúc đó cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel, với khả năng nói tiếng Nga lưu loát và kinh nghiệm hơn chục năm tiếp xúc với Tổng thống Nga Vladimir Putin, đã chủ động đi đầu để đoàn kết châu Âu, có những biện pháp phản ứng cụ thể và đưa ra các lệnh trừng phạt đối với Moscow.

Sau đó, chính bà Merkel và Tổng thống Pháp Francois Hollande đã đứng ra làm trung gian và giúp các bên liên quan đạt được một biện pháp hòa bình với Thỏa thuận Minsk.

Nhưng giờ đây, châu Âu có thể cảm nhận ảnh hưởng từ sự vắng bóng của bà Merkel, khi “lục địa già” phải đối mặt với cuộc khủng hoảng an ninh đầu tiên kể từ khi bà rời ghế tháng 12 vừa qua.

Tân Thủ tướng Đức từng bước khẳng định vị thế

Dù mới chỉ đảm nhận vị trí Thủ tướng Đức trong vài tháng, nhưng việc trở thành thủ tướng của một quốc gia đông dân nhất và có nền kinh tế lớn nhất Liên minh châu Âu (EU) đã ngay lập tức tạo ra sức ảnh hưởng và uy tín nhất định cho ông Olaf Scholz.

Cách tiếp cận của ông phản ánh phong cách thận trọng của bà Merkel, và khi còn là Bộ trưởng Tài chính và Phó Thủ tướng, ông đã tạo dựng được danh tiếng là cánh tay vững chắc của bà Merkel trong các cuộc khủng hoảng.

Tuy vậy, căng thẳng Nga-Ukraine vẫn là một thử thách lớn đối với nhà lãnh đạo này. Thời gian qua, đã có không ít chỉ trích hướng tới Đức vì chính phủ của ông Scholz đã chậm chạp đưa ra những phản ứng cứng rắn trước Nga.

Chính phủ liên minh của ông cũng gặp không ít khó khăn để đạt đồng thuận về một cách tiếp cận với Moscow, cũng như đưa ra các lệnh trừng phạt khả thi và về việc liệu đường ống dẫn khí đốt tự nhiên Dòng chảy Phương Bắc 2 (Nord Stream 2) có nên được sử dụng làm đòn bẩy hay không.

Trong một cuộc họp báo tại Nhà Trắng ngày 14/2, ông cho biết Đức “tuyệt đối thống nhất” với Mỹ và các đồng minh NATO khác, đồng thời khẳng định “chúng tôi sẽ không hành động khác nhau”. Tuy nhiên, ông tránh đưa ra bất cứ tuyên bố trực tiếp nào về Nord Stream 2.

Trong khi đó, chính Tổng thống Mỹ Joe Biden mới là người đưa ra một thông điệp mạnh mẽ rằng: “Nếu Nga điều quân, tức là xe tăng hoặc quân đội Nga vượt qua biên giới Ukraine thêm một lần nữa thì sẽ không còn Nord Stream 2”.

Ông Wolfgang Ischinger, cựu đại sứ Đức tại Mỹ và là Chủ tịch Hội nghị An ninh Munich, nhận định: “Tân Thủ tướng Đức cần thời gian để làm quen với tình hình mới”.

Emmanuel Macron: Người đối thoại với Putin

Bị bà Merkel “che khuất” từ ​​lâu trên trường quốc tế, nhưng Tổng thống Pháp đã khẳng định vai trò trung tâm trong các cuộc đàm phán giữa Ukraine và Nga.

Ông đã thúc đẩy một giải pháp ngoại giao thông qua các cuộc đàm phán "Định dạng Normandy" liên quan đến Pháp, Đức, Ukraine và Nga.

Trong cuộc hội đàm kéo dài 5 tiếng rưỡi với Tổng thống Nga, ông Macron mang giọng điệu hòa giải khi gọi Nga là “bạn” và khẳng định: “Nếu an ninh châu Âu bị lung lay thì an ninh của Nga không được đảm bảo”. Bên cạnh đó, Tổng thống Pháp cũng nhiều lần đề cập đến các cuộc điện đàm với người đồng cấp Nga thời gian qua.

Một số nhà quan sát đặt ra câu hỏi về việc liệu ông Macron có toan tính gì khác không.

Dù trong các vấn đề an ninh, Tổng thống Pháp muốn châu Âu không phải dựa vào Mỹ trong các vấn đề an ninh khu vực, thế nhưng ông vẫn thường xuyên tham khảo ý kiến ​​của Tổng thống Biden và với các đồng minh châu Âu của mình.

Đặc biệt, sau những bất ngờ và sự tức giận mà Pháp phải hứng chịu liên quan đến thỏa thuận chia sẻ công nghệ tàu ngầm hạt nhân của AUKUS, dường như đang có một nỗ lực phối hợp giữa hai bờ Đại Tây Dương để tránh trường hợp đó lặp lại.

Theo sau cuộc họp ở Moscow, nhà lãnh đạo Pháp đã đưa ra một tuyên bố chung với Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda, cảnh báo rằng “bất kỳ hành động xâm lược quân sự nào nữa của Nga đối với Ukraine đều sẽ gây ra những hậu quả lớn và phải trả giá nghiêm trọng”.

Theo ông Marc Endeweld, tác giả một số cuốn sách về chính sách đối ngoại của Pháp, Tổng thống Macron đang cố gắng để lại di sản lớn, giống như mà những gì cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy từng đạt được. Năm 2008, ông Sarkozy đã làm trung gian hòa giải cho cuộc khủng hoảng giữa Gruzia và Nga.

Do đó, chính phủ Pháp đã ra sức nói rằng nỗ lực của ông Macron là hữu ích. Trong một cuộc họp báo, một quan chức cấp cao của Pháp nhắc lại lời khen ngợi của Tổng thống Putin, rằng ông Macron là “người duy nhất mà ông ấy (Putin) có thể thực hiện những cuộc thảo luận sâu sắc như vậy”.

Thủ tướng Johnson và tham vọng ‘Nước Anh toàn cầu

Việc Anh rời EU khiến quốc gia này càng khó khẳng định vị thế là một trong những quốc gia lãnh đạo châu Âu. Thế nhưng điều đó không ngăn được nỗ lực của Thủ tướng Anh để “ đưa phương Tây xích lại gần nhau ” trong vấn đề Ukraine.

Rõ ràng, Anh đóng một vai trò lớn trong việc hỗ trợ quân sự cho Ukraine. Nước này đã cung cấp 2.000 vũ khí chống tăng, huấn luyện cho 22.000 binh sĩ Ukraine và cam kết hỗ trợ 110 triệu USD cho hải quân Ukraine.

Tuy đã nhấn mạnh rằng binh lính Anh sẽ không chiến đấu ở Ukraine nhưng ông Johnson đã gửi 350 lính thủy đánh bộ Hoàng gia đến Ba Lan.

Thêm vào đó, khi gặp Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, Thủ tướng Anh đã đề nghị tăng gấp đôi quân số của Anh tại Estonia, triển khai thêm máy bay phản lực đến Nam Âu và cử một tàu khu trục và tàu tuần tra ngoài khơi tới phía đông Địa Trung Hải.

Thủ tướng Boris Johnson cho biết, đây “có lẽ là thời điểm nguy hiểm nhất” và là “cuộc khủng hoảng an ninh lớn nhất mà châu Âu phải đối mặt trong nhiều thập kỷ”.

Đối với chính phủ của ông, cuộc khủng hoảng Ukraine tạo cơ hội để chứng minh rằng nước Anh thời hậu Brexit vẫn là một quốc gia có thế lực đáng gờm trên chính trường thế giới.

Bên cạnh đó, London cũng khá thoải mái khi tiếp xúc với Moscow, do nước này không phụ thuộc quá nhiều vào khí đốt tự nhiên của Nga như các nước châu Âu khác.

Việc rút khỏi EU đã hạn chế cơ hội trở thành cầu nối xuyên Đại Tây Dương, nhưng Anh vẫn là một trong những cường quốc quân sự hàng đầu ở NATO và châu Âu, và là một thành viên của liên minh tình báo Five Eyes cùng với Mỹ và Pháp.

Thuật ngữ “ngoại giao con thoi” xuất hiện lần đầu trên tờ New York Times vào tháng 1/1974 nhằm miêu tả hoạt động ngoại giao của Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger nỗ lực hoà giải xung đột ở Trung Đông, bằng cách thực hiện chuyến công du tới các nước liên quan.

Về cơ bản, ngoại giao con thoi miêu tả nỗ lực ngoại giao của một bên thứ ba với vai trò người hoà giải và trung gian, thông qua các cuộc đàm phán bí mật và gián tiếp sẽ giúp các bên tranh chấp có thể xây dựng lòng tin và nâng cao sự hiểu biết lẫn nhau.