19/04/2024 lúc 09:26 (GMT+7)
Breaking News

Một vài suy nghĩ về khát vọng, lẽ sống thanh niên từ góc độ lý luận

Bên cạnh những mặt tích cực của khát vọng, lẽ sống đối với đời sống con người nói chung và thanh niên nói riêng, giá trị thực sự của khát vọng, lẽ sống về mặt lý luận cũng được hiểu như một phạm trù mang tính tương đối trong quá trình nhận thức chân lý khách quan, trong những rắc rối của tâm lý, tình cảm và các mối quan hệ phức tạp giữa con người với con người.
Ảnh minh họa - Internet

Chúng ta đã và đang chứng kiến những biến đổi sâu sắc của đời sống phát triển kinh tế - xã hội do cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đem lại, với sự chuyển tiếp mạnh mẽ, lớn lao của nhân loại từ nền văn minh công nghiệp sang nền văn minh thông tin, tri thức và chuyển đối số. Vai trò của con người, trong đó có thanh niên, lực lượng lao động và trí tuệ trẻ, vừa dồi dào, sung sức, vừa thể hiện khát vọng, lẽ sống cao đẹp, cống hiến cho sự phát triển của mỗi quốc gia, dân tộc và nhân loại. Thanh niên là nguồn lực, động lực, đồng thời cũng trở thành mục tiêu và thang bậc giá trị quan trọng đánh giá mọi sự phát triển nói chung.

Với tư cách là chủ thể của sự vận động và phát triển của xã hội, thanh niên Việt Nam ngày càng tiếp cận được một cách đúng đắn hơn các quy luật của thực tại khách quan, giúp họ không ngừng nâng cao khả năng nhận thức, mở rộng tầm hiểu biết và hoạt động thực tiễn mà còn thành, củng cố và phát triển một dạng thức đặc biệt của đời sống tinh thần: đó là khát vọng, lẽ sống, với tư cách là giá trị đặc biệt.

Khát vọng, lẽ sống không chỉ tạo ra mục tiêu, động lực, phương thức cho mọi hoạt động thực tiễn của thanh niên và ngược lại, hoạt động thực tiễn tích cực của thanh niên lại là cơ sở để hình thành, củng cố và phát triển khát vọng, lẽ sống tích cực, tiến bộ. Không còn khát vọng, lẽ sống hay nói theo cách tư duy khoa học là khi không còn ý nghĩa của một giá trị, con người đã không chỉ mất đi mục tiêu và sự định hướng của cuộc đời mà còn mất đi cả lý lẽ chính đáng để nuôi dưỡng sự sống của mình.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói một cách rất giản dị mà sâu sắc rằng "Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành". Câu nói của Hồ Chủ tịch thể hiện một khát vọng, lẽ sống lớn lao khi khát vọng, lẽ sống của người chính là khát vọng, lẽ sống của dân tộc Việt Nam và cả cuộc đời Người đã nghĩ, làm, đấu tranh và hi sinh tất cả mọi quyền lợi cá nhân mình cho khát vọng, lẽ sống ấy.

Chương trình “Khát vọng cống hiến – Lẽ sống thanh niên” được Trung ương Đoàn Thanh niên khởi động từ năm 2021, đã đem lại luồng sinh khí mới mới trong đời sống chính trị - xã hội của thanh niên và phong trào thanh niên, không chỉ tạo cơ hội để thanh niên nhìn lại mình, xác định những mục tiêu quan điểm sống quan trọng, đồng hành với yêu cầu, nhiệm vụ phát triển đất nước mà còn truyền cảm hứng tích cực từ thanh niên thế hệ mới năng động, sáng tạo, khát khao cống hiến đến với toàn xã hội.  Để xây dựng giải pháp và những hoạt động thực tiễn hiệu quả, cổ vũ, khuyến khích, nuôi dưỡng khát vọng, lẽ sống tích cực của thanh niên trong thời gian tới đây, các nhà khoa học cần tiếp tục nghiên cứu, xác định cơ sở lý luận, phương pháp luận cho khát vọng, lẽ sống của thanh niên với tư cách là một giá trị đặc biệt trong hệ giá trị của thời đại.

1. Khái niệm khát vọng, lẽ sống

Khát vọng, lẽ sống vẫn được coi là một trong những lĩnh vực nghiên cứu phức tạp nhất trong tư duy lý thuyết, khi được hiểu là một dạng thức đặc biệt của đời sống tinh thần, biểu hiện thông qua các trạng thái tâm lý, tình cảm và nhận thức con nguời, đồng thời có quan hệ chi phối tới toàn bộ hành vi, hoạt động sống của con người và xã hội.

Có thể thấy có nhiều định nghĩa khác nhau về khát vọng, lẽ sống từ các góc độ của khoa học và cuộc sống tuy nhiên có thể xác định khát vọng là niềm tin, sự quyết tâm mãnh liệt của cá nhân, lẽ sống là lý tưởng, mục đích cuộc sống chi phối nhận thức, hành động của mỗi cá nhân trong các mối quan hệ và hoạt động xã hội.

Đối với hoạt động chính trị, khát vọng, lẽ sống gắn với lý tưởng chính trị, cách mạng. Đối với khoa học, khát vọng, lẽ sống gắn liền với tri thức, tinh thần thực chứng và quá trình nhận thức chân lý. Đối với cá nhân, quan hệ xã hội, một khát vọng, lẽ sống tích cực bao giờ cũng biểu hiện qua những giá trị mang tính đạo đức, nhân văn, đó có thể là sự phấn đấu, trách nhiệm, yêu thương, chân thành, lòng tôn trọng, sự hi sinh...

Triết học, một khoa học tổng hợp về tư duy lý thuyết đã đặt khát vọng, lẽ sống trong mối quan hệ của hai phạm trù cơ bản vật chất và ý thức, gắn liền với mối quan hệ nhận thức và cải tạo thế giới của con người. Quan điểm chủ nghĩa Mác khẳng định khát vọng, lẽ sống là trạng thái của ý thức xã hội, không chỉ là sự vận động tự thân của ý thức mà là sự sao chép, phản ánh thực tại khách quan vào thế giới nhận thức và tình cảm của con người. Vì lẽ đó, khát vọng, lẽ sống luôn phụ thuộc vào điều kiện lịch sử, hoàn cảnh xã hội và trình độ phát triển của mỗi quốc gia, cộng đồng, dân tộc.

Ở một góc độ cụ thể hơn của tư duy lý luận, có thể thấy khát vọng và lẽ sống như một cặp phạm trù của ý thức có mối quan hệ biện chứng, luôn đồng hành và chi phối lẫn nhau. Khát vọng là mục đích, hoài bão, ước mơ mỗi con người hướng đến thì lẽ sống chính là con đường, phương thức để đi đến mục đích đấy. Nói một cách khác, khi xác định một khát vọng, lý tưởng cao đẹp, lớn lao, cống hiến cho giá trị chung của cộng đồng xã hội thì không thể đồng hành với một lẽ sống cá nhân, tầm thường và tiêu cực mà trái lại phải có một lẽ sống tốt đẹp, tích cực, đúng đắn tương xứng với khát vọng.

2. Khát vọng, lẽ sống hình thành từ hệ quả của quá trình nhận thức chân lý khách quan.

Quá trình nhận thức của con người dù đa dạng và phức tạp đến đâu cũng vận hành theo hướng tiếp cận với sự thật khách quan và chân lý. Chân lý khách quan là cơ sở cần thiết để con người xác định khát vọng, lý tưởng, niềm tin ở mỗi con người, cũng như quan niệm, phương châm sống mà mỗi người phấn đấu trên cơ sở những điều kiện kinh tế -xã hội được xác định. Khát vọng, lẽ sống của thanh niên không đơn thuần do những yếu tố tâm lý, tinh thần ngẫu nhiên, tự phát và chủ quan mà là kết quả của cả một quá trình nhận thức, trải nghiệm chân lý khách quan.

Tiến sĩ M.J. Adler, một trong những học giả nghiên cứu các vấn đề xã hội nổi tiếng của Mỹ, khi tổng kết những tư tưởng lớn của nhân loại đã đưa ra một nhận xét thật xác đáng: “Định nghĩa chân lý thì dễ, để biết được một phát biểu nào đó có đúng hay không thì khó hơn nhiều và theo đuổi chân lý là khó khăn nhất”.[1]

Câu nói ngắn gọn và thâm thuý của M. J. Adler đã phác hoạ ra một cấu trúc vận hành của các yếu tố tinh thần trong đó có khát vọng, lẽ sống gồm có ba trục tác động tương hỗ. Thứ nhất là chân lý khách quan, thứ hai là sự nhận thức về chân lý khách quan để có được niềm tin và thứ ba là theo đuổi chân lý hay còn gọi là hành động theo chân lý. Sự hình thành, vận động và biến đổi của khát vọng hay lẽ sống là biểu hiện thực tế của mối quan hệ tương tác giữa ba trục tác động tương hỗ nói trên. Khi nhận thức đúng đắn và sâu sắc về chân lý khách quan, con người sẽ có được sự tin tưởng vững chắc vào khát vọng, lẽ sống bản thân và khi nhận thức còn sai lệch, chưa hoàn toàn đúng đắn, niềm tin khát vọng, lẽ sống của con người sẽ hời hợt, mơ hồ, thậm chí là không xác định được. Khi không nhận thức được chân lý, con người sẽ hoài nghi, thậm chí không tin tưởng cái mà họ ngộ nhận gọi tên khát vọng, lẽ sống.

Là một nhân tố chủ quan, khát vọng, lẽ sống của thanh niên có thể phản ánh đúng hoặc không đúng sự thực khách quan và chân lý. Khi phản ánh đúng, nó trở thành ý thức gần với hiện thực xã hội, khát vọng, lẽ sống có tính khách quan sẽ tạo cho con người cơ sở khoa học và sức mạnh, chủ động vượt qua mọi khó khăn, cam go của cuộc đời, xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn. Nếu khát vọng, lẽ sống không gắn với sự phát triển của xã hội hiện thực và quá trình nhận thức chân lý khách quan thì bản thân khát vọng, lẽ sống cũng sẽ trở thành thứ viển vổng, phi thực tế.

Thực tế cho thấy, sự nhận thức sai lạc về chân lý cũng có thể dẫn đến một trong những điều tệ hại nhất trong cuộc sống của con người, đó là sự sai lạc trong xác định khát vọng, lẽ sống. Trường hợp này xảy ra, con người sẽ không tin vào một chân lý khách quan mà thay vào đó một “chân lý ảo” và tất nhiên sự hình thành của “khát vọng ảo”, ”lẽ sống ảo” và sẽ tạo ra những ngộ nhận sai lầm của chủ thể, sự rối loạn giá trị khi họ vẫn ngỡ tưởng là chân lý.

3. Khát vọng, lẽ sống là trạng thái đặc biệt của tâm lý, tình cảm

Bên cạnh những quy luật của nhận thức chân lý, khát vọng, lẽ sống còn là một trong những trạng thái đặc biệt của tâm lý, tình cảm đặc biệt của con người, chịu sự chi phối của những quy luật tâm sinh lý lứa tuổi, quá trình phát triển con người trong môi trường, điều kiện sống không gian và thời gian xác định.

Mặc dù khát vọng, lẽ sống với tư cách là sản phẩm của ý thức cá nhân (hay một nhóm nhân khẩu học xã hội) phản ánh và nằm trong sự chi phối của điều kiện vật chất, môi trường kinh tế - xã hội, tuy nhiên cũng là trạng thái tinh thần riêng nhiều mầu sắc phong phú của các chủ thể, thể hiện những xúc cảm và hành vi khác nhau, có sự thay đổi nhất định theo thời gian.

Từ góc độ nhận thức, khát vọng, lẽ sống là giá trị định hướng và động lực tiềm tàng cho ý chí và hành vi sáng tạo vô tận của con người. Ngay từ thời tiền sử, khát vọng là cái để con người thiết lập và phát huy trí tưởng tượng, bay bổng với những bài ca, nốt nhạc, với những hình vẽ kỳ thú trên các vách đá, với những câu truyện truyền thuyết và thần thoại xen lẫn chất hiện thực và huyền hoặc, song cũng thấm đậm những giá trị con người và nhân văn sâu sắc. Cùng với sự phát triển của xã hội, con người bước ra từ niềm tin thần thoại để đến với thế giới hiện thực, từ bị động đến chủ động, từ tư duy quan sát, tổng hợp, tích lũy kinh nghiệm cho đến những ý tưởng khoa học, khám phá và cải tạo thế giới. Khát vọng, lẽ sống vừa là thế giới nội tâm, tình cảm đa dạng và phong phú của con người, đồng thời là nguồn tri thức sáng tạo đưa con người vượt lên những giới hạn của chính mình trong sự phát triển của mọi lĩnh vực từ chính trị, kinh tế,văn hóa, xã hội cho đến quan hệ giữa con người với con người.

Cũng với tính chất là một biểu hiện của trạng thái ý thức, tình cảm, khát vọng, lẽ sống không phải lúc nào cũng có thể là vững chắc và bất biến. Tuỳ thuộc vào điều kiện và hoàn cảnh bên ngoài, vào nhận thức của chính con người mà khát vọng, lẽ sống có thể biến đổi. Ranh giới giữa khát vọng, lẽ sống và không có khát vọng, lẽ sống trong quá trình nhận thức của con người luôn là tương đối mỏng manh. Trên thực tế, một khi trạng thái phai nhạt khát vọng, lý tưởng xuất hiện, để tạo dựng khát vọng, lẽ sống vững chắc trở lại, người ta lại phải cần đến sự hỗ trợ của các chuẩn mực, giá trị văn hóa xã hội.

4. Khát vọng, lẽ sống là hệ quả của những quá trình tương tác xã hội giữa con người với con người

Cuộc sống của con người là một quá trình tương tác giữa họ với nhau trong suốt chiều dài của lịch sử. Con người có mối quan hệ không chỉ ở các quá trình lao động, sản xuất ra của cải vật chất mà còn cả trên những lĩnh vực khác nhau của đời sống văn hoá tinh thần trong đó có khát vọng, lẽ sống. Nói cách khác, khát vọng, lẽ sống thanh niên không chỉ là một sản phẩm ý thức chủ quan mà con được hình thành, củng cố từ những mối quan hệ, tương tác xã hội.

Nhà xã hội học nổi tiếng người Mỹ, người đặt nền móng cho lý thuyết Tương tác biểu trưng trong xã hội học là G. Mead (1863 - 1931) đã cho rằng con người chỉ có thể khẳng định được mình trong mối quan hệ với người khác. Để trở thành chính mình, các cá thể phải “đi ra ngoài bản thân mình”, tự đánh giá bản thân bằng cách đặt mình vào vị trí của những người khác và xem xét nhận thức và hành vi của mình từ quan điểm đó. Mead nhấn mạnh rằng: “Chỉ có việc đặt mình vào vị thế của những người khác, chúng ta mới có thể quay trở lại để hiểu được chính mình”.

Mead đưa ra một thí dụ khá thú vị trong ngôn ngữ khi cho rằng một con người tồn tại với ý nghĩa một cái tôi ( I ) được khẳng định sẽ bao hàm  một phần là cái tôi thuần tuý (SELF) và một phần còn lại là cái tôi do người khác tác động vào (ME). Thực tế cho thấy trong bối cảnh của sự tương tác xã hội thì nhận thức của cá nhân chịu sự tác động bởi chính nhận thức của người khác.

Khát vọng, lẽ sống cũng không nằm ngoài quy luật tương tác xã hội khi khát vọng, lẽ sống của một người lại cộng sinh thành khát vọng, lẽ sống của nhiều người khác và khát vọng, lẽ sống của nhiều người khác lại dẫn dắt khát vọng, lẽ sống của mỗi cá nhân. Những khát vọng, lẽ sống chân chính, tích cực, gần với chân lý khách quan thì bao giờ cũng tạo ra sức lan toả, không có giới hạn trong cộng đồng xã hội và ngược lại những khát vọng, lẽ sống tiêu cực sẽ bị cộng đồng dần dần phủ nhận.

Những nghiên cứu về dư luận xã hội đã cho thấy sức mạnh của sự tương tác xã hội trong hình thành và biến đổi khát vọng, lẽ sống của thanh niên là mạnh mẽ như thế nào. Để củng cố khát vọng, lẽ sống tích cực cần phải xây dựng những thông điệp phản ánh tính chân thực, khách quan và toàn diện về các quá trình, hiện tượng xã hội, bên cạnh đó cần nghiên cứu, xây dựng những quy trình chuẩn và khoa học cho các hoạt động truyền thông về khát vọng, lẽ sống tích cực cũng như đánh giá đúng sự giao tiếp thông tin trong các nhóm xã hội.

5. Khát vọng, lẽ sống là cơ sở định hướng hành vi, hành động cá nhân

Nhận thức đúng đắn thì sẽ có hành vi và hành động đúng đắn, là một logic của khoa học mà cũng là logic của cuộc sống. Tuy nhiên từ góc độ tâm lý học, quá trình nhận thức đến hành động của con người còn trải qua một chặng đường của những trạng thái tư duy khác nhau từ cân nhắc, đắn đo, tính toán cho đến quyết định. Trong quá trình từ nhận thức đến hành động, khát vọng, lẽ sống có dẫn dắt sự quyết định sự lựa chọn hành vi, hành động phù hợp. Con người sẽ chỉ yên tâm hành động khi họ tin rằng hành động đó là đúng đắn, phù hợp với niềm tin, giá trị của bản thân và xã hội. Cũng có những người trông chờ ở sự may rủi vì họ còn hoài nghi, nhưng không một ai lại mong muốn hành vi của mình đi ra ngoài mục đích ban đầu.

Các nhà xã hội học theo thuyết hành vi thường cho rằng từ nhận thức đến hành vi, con người còn phải trải qua các cấp độ trung gian, trước hết, đó là sự kiểm định nhận thức, sau đó là kiểm định các trạng thái tin hoặc không tin vào khát vọng, lẽ sống bản thân. Các trạng thái này sẽ quyết định các phương án khác nhau của hành vi.

Nhà xã hội học, G. Mead (1863 - 1931) phác hoạ ra một cơ cấu hành vi cá nhân gồm có 4 giai đoạn cơ bản, khi vận dụng phân tích khát vọng, lẽ sống sẽ thấy các giai đoạn này gắn bó và liên kết với nhau theo một trình tự biện chứng. 

Giai đoạn 1: Đây là giai đoạn xuất hiện các nhu cầu của hành động. Các cá nhân bị thôi thúc hành động dựa trên cơ sở sự phản ứng của cá nhân trước những vấn đề và những tình huống nảy sinh trong cuộc sống. Nhu cầu chính là động cơ, là cội nguồn của hành động. Chẳng hạn, khi một người bị đói, trong anh ta sẽ xuất hiện nhu cầu muốn được ăn...Trong giai đoạn này, con người hoạt động một cách bản năng theo kiểu phản ứng lại môi trường.

Giai đoạn 2 : Giai đoạn mà con người nhận thức về sự kiện và tình huống khách quan. Cá nhân tìm hiểu, phân tích và tìm cách lý giải về tình huống của anh ta, về khả năng thích nghi với môi trường mà trong đó đã làm nảy sinh các nhu cầu. So với giai đoạn một, những nhận thức của cá nhân trong giai đoạn này đã được phân tích và so sánh sâu sắc hơn. Tính tự nhiên, bản năng giảm xuống do tác động của quá trình xã hội hoá cá nhân. Hành động của con người chuyển sang mức độ đáp trả một cách rõ ràng những kích thích từ bên ngoài. Đây là một cáp độ phản ứng cao hơn so với hành động của giới động vật.

Giai đoạn 3 : Nhận thức của con người được tích luỹ thành những kinh nghiệm, con người bắt đầu sự cân nhắc và lựa chọn các phương án thao tác cho hành động của mình. Trong giai đoạn này, con người kiểm định và xây dựng niềm tin cho giá trị, trong đó có khát vọng, lẽ sống và hành động của mình.

Giai đoạn 4 : Giai đoạn 4 được coi là giai đoạn hành động, khi giá trị hay khát vọng, lẽ sống đã được xây dựng, các phương án hành động đã được xác định. Con người hành động một cách có ý thức với niềm tin rằng hành động của họ sẽ đến được với mục tiêu khát vọng, lẽ sống được xác định từ ban đầu.

Mô hình hành động của Mead đã cho thấy vị trí quan trọng của khát vọng, lẽ sống trong cơ cấu tư duy và hành động của con nguời. Trong cơ cấu này, khát vọng, lẽ sống nằm ở giữa, nó chịu sự tác động của nhận thức chân lý nhưng lại là cơ sở để quyết định sự lựa chọn hành vi của con người. Về phương diện này, khát vọng, lẽ sống là nhân tố quan trọng dẫn tới thành công. Bởi vậy có thể nói khát vọng, lẽ sống là ngọn đuốc soi đường cho nhận thức và là cơ sở quyết định của hành vi, hoạt động thực tiễn của mỗi cá nhân.

Một vài lời kết

Bên cạnh những mặt tích cực của khát vọng, lẽ sống đối với đời sống con người nói chung và thanh niên nói riêng, giá trị thực sự của khát vọng, lẽ sống về mặt lý luận cũng được hiểu như một phạm trù mang tính tương đối trong quá trình nhận thức chân lý khách quan, trong những rắc rối của tâm lý, tình cảm và các mối quan hệ phức tạp giữa con người với con người.

Trong sự phát triển đa dạng của các chủ thể nhận thức và văn hóa, giá trị khát vọng, lẽ sống của thanh niên luôn có những cách giải mã khác nhau. Trong câu chuyện nổi tiếng Hoàng tử bé của tác giả Saint Exupery, một cậu bé đã cố giải thích với người lớn bức vẽ của mình về hình ảnh một chú trăn nuốt chú voi trong bụng nhưng những người lớn thì bức tranh đó vẫn chỉ đơn giản là một chiếc mũ phớt không hơn không kém. Tương tự như vậy, nếu là một bức tranh của danh họa Piccasso hay một bản nhạc của thiền tài Beethoven được dạo lên thì cũng có muôn ngàn cách giải thích về giá trị từ những khát vọng, lẽ sống của chủ thể khác nhau từ những người cảm nhận nó.

Khát vọng, lẽ sống trong sự tồn tại đa dạng của thế giới nhận thức và hành vi của thanh niên, nó luôn đứng trước những nguy cơ, thách thức cũng những rắc rối không được giải mã đúng do con người tạo ra từ những khoảng trống trong chính nền văn hóa của mình. Tôn trọng khát vọng, lẽ sống ở mỗi cá nhân sẽ tạo ra đối thoại, học hỏi và chia sẻ văn hóa và xây dựng khát vọng, lẽ sống tích cực cho các nhóm xã hội rộng lớn.

Từ khía cạnh văn hóa, khát vọng, lẽ sống có mối liên hệ chặt chẽ với các chuẩn mực, giá trị của cá nhân và xã hội. Các chuẩn mực, giá trị vừa là những biểu hiện của sự phân loại, đúc kết kinh nghiệm trong nhận thức, vừa cơ sở tạo nên khát vọng, lẽ sống tích cực góp phần định hướng và điều chỉnh nhận thức, hành động của con người. Còn ngược lại khi những chuẩn mực sai lầm, không phù hợp, chậm thay đổi, không thích nghi với những biến đổi trong hoàn cảnh thực tế, thì sự bảo thủ là trở ngại lớn nhất để thanh niên đến được với những khát vọng, lẽ sống tích cực, đúng đắn nhất.

TS. Đặng Vũ Cảnh Linh

Viện Nghiên cứu Thanh niên

[1] . Mortimer. J. Adler (2004), “Những tư tưởng lớn từ những tác phẩm vĩ đại”. NXb Văn hoá thông tin, Hà Nội, trang 14.

...