19/04/2024 lúc 22:16 (GMT+7)
Breaking News

Liên kết vùng, kết nối tiêu thụ sản phẩm- sự sống còn của doanh nghiệp, hợp tác xã

Sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, không có thị trường tiêu thụ ổn định, “được giá mất mùa, được mùa mất giá” là những khó khăn, trở ngại của các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX).

Do đó, liên kết giữa doanh nghiệp - HTX- nhà nông và có sự hỗ trợ của nhà nước để mở rộng vùng trong sản xuất, sản xuất an toàn, quy mô lớn, xây dựng chuỗi kết nối tiêu thụ sản phẩm là việc làm cấp bách hiện nay. Đây là ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý, các HTX lại diễn đàn “Đẩy mạnh liên kết vùng tăng tốc phát triển kinh tế” do Tạp chí Kinh doanh (Liên minh HTX Việt Nam) tổ chức sáng 26/10.

Chỉ 30% HTX liên kết, tiêu thụ nông sản cho nông dân

Cung cấp thông tin tại diễn đàn, ông Nguyễn Văn Thịnh, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam cho biết, khu vực kinh tế tập thể (KTTT)- HTX hiện thu hút khoảng 7 triệu thành viên với 3,28 triệu hộ nông dân tham gia, chiếm khoảng 38% tổng số hộ nông dân cả nước.

“Cả nước hiện cũng đã tổ chức được hơn 1.600 chuỗi cung ứng nông sản an toàn, trong đó có sự thanh gia của hơn 300 doanh nghiệp, 150 HTX. Tỷ lệ nông sản chủ lực tiêu thụ thông qua liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản từ 10% năm 2017 đã tăng lên hơn 30% hiện nay, trong đó tỷ lệ HTX nông nghiệp thực hiện liên kết, tiêu thụ nông sản cho nông dân đạt 37%, tăng 25% trong giai đoạn”, ông Thịnh nói.

Tuy nhiên, vai trò của các HTX trong liên kết vùng, tiêu thụ nông sản của các HTX vẫn còn nhiều hạn chế. Cụ thể, có hơn 70% số HTX nông nghiệp trong cả nước chưa tham gia tiêu thụ nông sản hoặc có tham gia nhưng mức độ, quy mô không đáng kể.

“Việc hợp tác, liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân còn chưa bền vững, chủ yếu vẫn là thoả thuận mua bán, tổ chức các vùng nguyên liệu đạt chuẩn về chất lượng, sản xuất theo hợp đồng gắn với thị trường tiêu thụ diễn ra chậm, tiêu thụ sản phẩm còn qua nhiều khâu trung gian, hiệu quả kinh tế thấp… Việc tổ chức các kênh tiêu thụ nông sản tại thị trường trong nước và xuất khẩu còn gặp khó khăn do chất lượng sản phẩm và sản xuất bền vững vẫn còn chưa đáp ứng được yêu cầu khắt khe của đối tác”, ông Thịnh nêu thực tế.

Đồng tình quan điểm này, nhưng TS Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, trong bối cảnh mới ở Việt Nam hiện nay, khu vực HTX còn gặp nhiều khó khăn, trở ngại.

“Ngoài những vấn đề nội tại từ nông dân, HTX, những vấn đề khách quan về địa kinh tế, địa chính trị, dịch bệnh đã tác động không nhỏ đến nền kinh tế của Việt Nam, trong đó có khu vực yếu thế nhất là nông dân, HTX. Do vậy, cần phải cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng hình thành cụm liên kết ngành và tăng cường sức chống chịu của nền kinh tế theo hướng bền vững, cần tính đến lợi thế so sánh. Đồng thời gia tăng ứng dụng chuyển đổi số để tích cực tham gia vào các Hiệp định thương mại tự do và từng bước chuyển đổi số, áp dụng kinh doanh số của các doanh nghiệp, HTX, trong đó có cách sản xuất, hành xử của người dân, HTX về chuyển đổi số, thương mại không giấy tờ”, bà Minh nói.

Đừng để người nông dân cô đơn

Đánh giá cao vai trò của người nông dân, các HTx trong việc sản xuất, kinh doanh, nhưng ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho rằng, việc xây dựng vùng nguyên liệu bền vững bằng phương pháp liên kết sản xuất, gắn với chế biến sâu là câu chuyện đã được các cơ quan chức năng và chính quyền quan tâm nhiều năm, bởi thực tế, vùng nông sản ở Việt Nam hiện rất đa dạng, phong phú với nhiều diện tích, nhiều vùng trồng.

Nêu ví dụ về vùng Lục Ngạn của tỉnh Bắc Gang trước đây được biết đến thương hiệu của vải thiều. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, Lục Ngạn còn trồng được cây vú sữa và đã cho sản phẩm. Còn vùng Cao Phong với thương hiệu cam, nhưng nhiều vùng khác cũng có thể trồng được cam Cao Phong… Điều này cho thấy, chúng ta có rất nhiều vùng đất có thể trồng nhiều loại cây thương phẩm chứ không chỉ có đặc hữu ở vùng nào.

 

“Tuy nhiên, nếu cứ để phát triển các loại cây trồng, các loại sản phảm một cách tự phát, ồ ạt, không theo quy hoạch thì câu chuyện không chỉ gói gọn trong việc được mùa mất giá, được mất mùa, mà còn đánh mất thương hiệu sản phẩm của các vùng nguyên liệu thế mạnh, tạo ra sự ế ẩm. Hệ luỵ lớn hơn là xảy ra tình trạng “được giá thì đua nhau trồng, mất giá thì thi nhau chặt” để chuyển đổi sang loại cây trồng khác. Và hệ luỵ cuối cùng là người nông dân chịu thiệt thòi”, ông Toản nói.

Do vậy ông Toản nhấn mạnh, cần phải tăng cường liên kết, gắn liền với công tác quy hoạch, gắn với việc đầu tư, chế biến sâu để giảm chi phí sản xuất, giảm tổn thất sau thu hoạch, đồng thời gắn với nhu cầu thị trường, chu kỳ sản xuất, thị trường đầu ra. Đặc biệt là phải tổ chức lại sản xuất, sản xuất an toàn, hình thành chuỗi liên kết theo giá trị nâng cao thu nhập cho nông dân.

“Muốn làm được việc này, người nông dân, HTX cần phải thay đổi tập tục sản xuất, hình thành người nông dân chuyên nghiệp, người nông dân ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, truy suất nguồn gốc, sản xuất an toàn theo nhu cầu thị trường, đồng thời cần sự vào cuộc của các doanh nghiệp, nhà khoa học, cơ quan chức năng và chính quyền các cấp. Chúng ta không để người nông dân, HTX cô đơn trên hành trình sản xuất, tiêu thụ nông sản do mình làm ra”, ông Toản nói.

Trong khi đó, ông Dương Thái Trung, Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho rằng, phía Bộ Công thương đã rất tích cực để mở rộng thị trường tiêu thụ các mặt hàng nông sản tại thị trường trong nước và quốc tế để hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX và người sản xuất.

Nêu dẫn chứng về con số này, ông Trung cho biết: “Năm 2010 Việt Nam mới chỉ có 3 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, nhưng đến năm 2021, nhóm hàng nông sản đã có 10 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó có 6 nhóm hàng xuất khẩu trên 3 tỷ USD gồm gạo đứng thứ hai thế giới, chiếm 18,2% thị phần; hồ tiêu đứng thứ nhất thế giới với 14,3% thị phần; hạt điều đứng thứ hai với 9,5% thị phần; cà phê chiếm 40% thị phần… với hơn 100 quốc gia”.

PHẠM DUY

Thanh Bút