25/04/2024 lúc 02:14 (GMT+7)
Breaking News

Hội thảo Khoa học “Dự án mỏ sắt Thạch Khê Hà Tĩnh - Tiếp tục hay dừng khai thác?"

Hội Khoa học Kinh tế Môi trường Việt Nam vừa tổ chức Hội thảo Khoa học "Dự án mỏ sắt Thạch Khê Hà Tĩnh - Tiếp tục hay dừng khai thác?". Hội thảo với sự tham gia của các đại biểu đại diện các cơ quan của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam và hơn 40 chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu trong các lĩnh vực có liên quan ở Trung ương và tỉnh Hà Tĩnh.

Toàn cảnh Hội thảo Khoa học "Dự án mỏ sắt Thạch Khê Hà Tĩnh

Hội thảo còn có sự tham gia của ông Nguyễn Tiến Mạnh - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn than Khoáng sản Việt Nam; TS.Phạm Lê Hùng - Sáng lập viên Công ty Cổ phần Khai thác mỏ sắt Thạch Khê, cùng đông đảo các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương đến dự và đưa tin.

Chủ trì Hội thảo gồm PGS.TS Lưu Đức Hải - Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam; PGS.TS Trương Mạnh Tiến - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế Môi trường; PGS.TS Nguyễn Thế Chinh - Phó Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam; GS.TS Hoàng Xuân Cơ - Tổng Thư ký Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam.

Các tham luận báo cáo tại Hội thảo gồm: Báo cáo tham luận của GS.TSKH Đặng Trung Thuận - Chủ tịch Hội Địa hóa Việt Nam; GS.VS Nguyễn Huy Mỹ - Viện tháo khô mỏ Liên Bang Nga tại Việt Nam; GS.TS Trần Thanh Hải - Hiệu trưởng Trường Đại học Mỏ Địa chất và các Báo cáo tham luận của GS.TS Nguyễn Văn Đính; GS.TS Mai Trọng Nhuận; PGS.TS Nguyễn Hồng Phương; PGS.TS Trần Bình Chư; PGS.TS Chu Văn Ngợi; PGS.TS Trần Văn Thụy; PGS.TS Cao Thế Hà; Đại tá ThS Nguyễn Trọng Thắng; PGS.TS Hoàng Xuân Cơ; PGS.TS Trương Mạnh Tiến; PGS.TS Lưu Đức Hải; PGS.TS Nguyễn Tường Quân;  PGS.TS Hà Huy Phong…

GS.TSKH Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu Tư.
GS.TSKH Đặng Trung Thuận - Chủ tịch Hội Địa hóa Việt Nam chia sẻ tại Hội thảo.
Đoàn Chủ tịch, Đại diện Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam - Đơn vị tổ chức Hội thảo.

Đặt vấn đề tại Hội thảo, PGS.TS Lưu Đức Hải cho biết, trong chuyến thị sát và làm việc tại Hà Tĩnh ngày 11/6/2022 về Dự án mỏ sắt Thạch Khê, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo:"Việc quyết định dừng hay tiếp tục triển khai Dự án phải có đánh giá khoa học, khách quan; có đánh giá tác động tổng thể từ kinh tế đến tính chất xã hội, đời sống người dân, môi trường và các vấn đề liên quan; việc đánh giá cũng phải mang tính dự báo dài hơi".

Căn cứ vào chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, tổ chức thành viên của Liên  hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, đã chủ động phối hợp với các chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu tiến hành nghiên cứu, khảo sát thực địa và làm việc với các cơ quan, tổ chức hữu quan của Hà Tĩnh về Dự án mỏ sắt này.

Tại Hội thảo, hầu hết các chuyên gia, nhà khoa học đều đưa ra khuyến cáo và đề nghị Chính phủ dừng khai thác mỏ sắt Thạch Khê vì còn nhiều vấn đề chưa được giải quyết thấu đáo như: Công nghệ, kỹ thuật khai thác chưa phù hợp với đặc thù địa chất mỏ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tác động lớn đến môi trường, ảnh hưởng phát triển kinh tế - xã hội địa phương, đời sống dân sinh khu vực gần dự án; phương thức vận chuyển quặng khó khả thi, hiệu quả thấp, ảnh hưởng lớn đến hệ thống hạ tầng giao thông của tỉnh; thị trường tiêu thụ quặng sắt chưa chắc chắn; năng lực tài chính không đảm bảo. Bên cạnh đó, dự án khó đảm bảo được hiệu quả kinh tế và quá trình thực hiện đã để lại nhiều hệ lụy, khó khăn về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh cho các xã vùng ảnh hưởng trực tiếp. Do vậy, việc chấm dứt dự án sẽ đảm bảo được vấn đề môi trường, nhất là môi trường dọc dải ven biển miền Trung; sẽ không đặt ra các vấn đề rủi ro, hệ lụy về môi trường, thảm họa thiên tai có thể đe dọa nghiêm trọng đến đời sống, môi trường đầu tư, môi trường biển, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; bảo vệ nguồn tài nguyên đến khi đủ điều kiện khai thác hiệu quả. Từ đó, góp phần thực hiện chủ trương, định hướng phát triển xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường.

Phát biểu tại Hội thảo, GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE) đã nêu rõ quan điểm của mình: “việc dừng hay tiếp tục nghiên cứu để đưa ra quyết định với dự án này cần phải có sự cân nhắc thật kỹ lưỡng theo quan điểm phát triển bền vững, không thể hy sinh môi trường để đánh đổi lấy kinh tế, không phát triển kinh tế đơn thuần mà không kiểm soát môi trường. Tất cả các dự án kinh tế lớn cần được xem xét dưới nhiều góc độ, nhất là dưới góc độ kinh tế và môi trường. Đối với dự án mỏ sắt Thạch Khê, từ khi được khai thác đến khi tạm dừng đã bộc lộ nhiều khuyết điểm về công nghệ, môi trường, an sinh xã hội. Nếu tiếp tục nghiên cứu các khía cạnh của dự án sẽ tốn thêm hàng nghìn tỷ đồng để thăm dò địa chất, đánh giá tác động môi trường, lập báo cáo nghiên cứu khả thi…. Vì vậy tôi đồng tình với Tỉnh ủy và UBND tỉnh Hà Tĩnh, Bộ KH&ĐT không triển khai dự án này, giao cho chủ đầu tư và UBND tỉnh thực hiện các thủ tục cần thiết, tiến hành san lấp mặt bằng, giải quyết một số công việc có liên quan đến môi trường và dân sinh".

Đoàn đại biểu Hà Tĩnh tham dự Hội thảo

Thảo luận về vấn đề trên, PGS.TS Trần Bỉnh Chư, Tổng hội địa chất Việt Nam nhận định tài nguyên địa chất của tụ khoáng sắt Thạch Khê rất lớn. Đặc điểm cấu trúc địa chất tụ khoáng sắt Thạch Khê hết sức phức tạp, vừa sâu lại gần biển, nằm dưới trầm tích bở rời. Điều kiện địa chất công trình thủy văn vùng cực kỳ phức tạp. Hiện nay chưa có một nước nào khai thác quặng sắt bờ biển, trừ khai thác sa khoáng. Chính vì vậy, nên dừng dự án này bởi đây là tài nguyên khoáng sản sắt cho tương lai.

Cùng chung quan điểm với PGS.TS Trần Bỉnh Chư,  PGS.TS Trần Văn Thụy, Khoa Môi trường, Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: mỏ sắt Thạch Khê là một trong những mỏ sắt có trữ lượng lớn nhất Đông Nam Á, có thể đáp ứng nhu cầu nguyên liệu phục vụ cho công nghiệp gang thép của đất nước trong nhiều năm. Tuy nhiên Thạch Khê lại là một khu vực có điều kiện tự nhiên cực kỳ phức tạp, thời tiết khí hậu không ưu đãi, khoáng sản nằm sát biển, quặng phân bố sâu dưới mực nước biển, có lớp đất phủ mềm yếu, nhiều nước ngầm. Ngoài ra vị trí địa lý của mỏ quặng có nhiều lợi thế cho phát huy tiềm năng các giá trị cảnh quan, giá trị dịch vụ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững. "Đây là bài toán phức tạp cần có hướng đi phù hợp, giải quyết hài hòa phát triển kinh tế, bảo vệ cảnh quan, môi trường và hệ sinh thái biển. Việc tạm dừng dự án là cần thiết cho đến khi có thuyết minh khoa học, minh bạch được công nghệ phù hợp, đảm bảo tính thống nhất với quy hoạch tổng thể", PGS.TS Trần Văn Thụy đánh giá.

Trong bài tham luận của mình, GS.TSKH Đặng Trung Thuận cũng lưu ý việc khai thác mỏ sắt Thạch Khê tiềm ẩn nhiều rủi ro và sự cố môi trường. Trong thời điểm hiện nay, một là dừng vĩnh viễn dự án để định hướng đầu tư mới hoặc tạm dừng để khảo sát, phân tích, đánh giá và đưa ra các giải pháp tối ưu về công nghệ khai thác, bảo vệ môi trường. Để làm rõ thêm ý kiến của GS.TSKH Đặng Trung Thuận, PGS.TS Nguyễn Hồng Phương - Phó Giám đốc Trung tâm báo cáo động đất và cảnh báo sóng thần, Viện Vật lý địa cầu đã đưa ra những dự báo về môi trường trên cơ sở phân tích khoa học về  khai thác mỏ sắt Thạch Khê Hà Tĩnh có thế gây ra động đất kích thích, hiểm họa sóng thần từ khu vực biển Đông là hiện hữu đối với vùng bờ biển Thạch Hà.

Các cơ quan báo chí tham dự đưa tin về Hội thảo

Cũng tại Hội thảo này, Ông Nguyễn Tiến Mạnh - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn than Khoáng sản Việt Nam cho biết: “Công ty Cổ phần sắt Thạch Khê đã triển khai dự án theo đúng chỉ đạo Bộ Chính trị (Thông báo số 72/TB-TW ngày 9/5/2007); chỉ đạo của Chính phủ tại Thông báo số 136/TB-VPCP ngày 30/8/2006 cũng như sự kêu gọi đầu tư của tỉnh Hà Tĩnh". Ông Nguyễn Tiến Mạnh cũng đã viện dẫn các văn bản chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Chính trị, cụ thể: Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 9792/VPCP-TH ngày 14/11/2016: ‘‘… khẩn trương hoàn thành thủ tục, đảm bảo tiến độ khởi công dự án mỏ sắt Thạch Khê, Hà Tĩnh trong quý I/2017”; Đặc biệt là chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 10/2/2022 về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045: “… Đánh giá hiệu quả đầu tư, hiệu quả kinh tế - xã hội bền vững để xem xét đầu tư các dự án khai thác, chế biến: Sắt Thạch Khê (Hà Tĩnh)…, hoàn thành trước năm 2030”.

Theo ý kiến của đại diện TKV, đến nay dự án đã thực hiện đầy đủ các chỉ đạo của cấp thẩm quyền; đảm bảo tuân thủ đầy đủ các quy định trong hoạt động khai thác chế biến khoáng sản nên không có cơ sở pháp lý để dừng dự án.

Tuy nhiên, qua quá trình tranh luận, các chuyên gia, nhà khoa học và nhiều đại biểu vẫn chưa đồng tình với ý kiến đưa ra của TKV vì còn nhiều quan ngại về các vấn đề như: Công nghệ, kỹ thuật khai thác; phương thức vận chuyển quặng; thị trường tiêu thụ; năng lực tài chính; hiệu quả kinh tế, rủi ro về xã hội; an toàn trong khai thác, ảnh hưởng đến môi trường, đời sống dân sinh… nếu tiếp tục khai thác mỏ sắt Thạch Khê.

Theo đánh giá, tổng sản lượng quặng khai thác từ mỏ Thạch Khê có thể đạt mức 370-400 triệu tấn - Ảnh minh họa

Theo GS.TS.VS Nguyễn Huy Mỹ - Viện Tháo khô mỏ Liên bang Nga tại Việt Nam: “Chủ đầu tư cần chứng minh hiệu quả đầu tư, hiệu quả kinh tế - xã hội bền vững qua báo cáo khả thi và bên phản biện cần chỉ rõ các sai sót trong các giải pháp kỹ thuật và giải pháp ngăn ngừa tác động môi trường...".  GS.TS.VS Nguyễn Huy Mỹ cũng kiến nghị, theo tinh thần của Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị: "Đánh giá hiệu quả đầu tư, hiệu quả kinh tế - xã hội bền vững cần xem xét đầu tư các dự án khai thác, chế biến sắt Thạch Khê Hà Tĩnh"... đến năm 2030. Chủ trương rất đúng vì đã hơn 5 năm qua, chưa có lời giải một cách khoa học cho việc dừng hay triển khai dự án. Tuy vậy, nếu để đến năm 2030, quá lâu sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân và phương hướng phát triển kinh tế của doanh nghiệp và của tỉnh Hà Tĩnh.

Các chuyên gia cũng đã thảo luận các vấn đề liên quan đến công nghệ khai thác đối với các mỏ lộ thiên, hoạt động đổ thải lấn biển trong khai thác mỏ Thạch Khê tới môi trường và hệ sinh thái biển ven bờ; bài toán nước ngầm cho mỏ sắt Thạch Khê giai đoạn vận hành cũng như một số tai biến, rủi ro và sự cố môi trường trong quá trình khai thác mỏ sắt có thể xảy ra; giải pháp mà TKV sẽ phải thực hiện nếu dự án tiếp tục triển khai…

Trong thời gian diễn ra Hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học đã trình bày tham luận và đưa ra nhiều ý kiến đánh giá chuyên sâu về Dự án mỏ sắt Thạch Khê. Phần tranh luận, phản biện diễn ra rất sôi nổi về những vấn đề nổi cộm liên quan đến Dự án.

Các ý kiến đóng góp tại Hội thảo sẽ được báo cáo, kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền.

Các đại biểu tham dự Hội thảo

Trọng Thắng 

Hội Khoa học Kinh tế Hà Tĩnh

...