19/04/2024 lúc 05:34 (GMT+7)
Breaking News

Giám đốc Sở Công thương Ninh Thuận: 3 biện pháp bình ổn giá xăng dầu đang thực hiện hiệu quả

Thời gian vừa qua, giá xăng dầu đã tăng liên tục và tăng ở mức cao. Trong bối cảnh đó, lãnh đạo Chính phủ hết sức quan tâm, thường xuyên có chỉ đạo quyết liệt về: Đảm bảo nguồn cung xăng dầu phục vụ đời sống sinh hoạt của người dân và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và điều hành hợp lý giá cả mặt hàng xăng dầu.
Ông Võ Đình Vinh - Giám đốc Sở Công thương Ninh Thuận. Ảnh: baoninhthuan.com

Chia sẻ với phóng viên VNHN, ông Võ Đình Vinh - Giám đốc Sở Công thương tỉnh Ninh Thuận cho hay; việc bình ổn giá là việc Nhà nước áp dụng biện pháp thích hợp về điều hòa cung cầu, tài chính, tiền tệ và biện pháp kinh tế, hành chính cần thiết khác để tác động vào sự hình thành và vận động của giá, không để giá hàng hóa, dịch vụ tăng quá cao hoặc giảm quá thấp bất hợp lý.

Về vấn đề bình ổn giá xăng dầu: Căn cứ các Nghị định của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu (Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03/9/2014 và Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 01/11/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP) quy định thẩm quyền điều hành giá bán xăng dầu thuộc liên Bộ Công Thương - Tài chính, theo nguyên tắc: Giá bán xăng dầu được thực hiện theo cơ chế thị trường, có sự điều tiết của Nhà nước, phù hợp với diễn biến giá xăng dầu thế giới và tình hình kinh tế xã hội trong từng thời kỳ.

Bình ổn giá Xăng dầu thực hiện 3 biện pháp.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, giá xăng dầu trong nước liên tục tăng cao theo giá nhiên liệu thế giới. Giá xăng dầu tăng không chỉ ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, mà cũng tạo sức ép lớn đối với việc điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ, đặc biệt đối với chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Chính vì vậy, bình ổn giá xăng dầu là giải pháp không thể thiếu để góp phần ổn định kinh tế, giảm áp lực, khó khăn cho đời sống người dân và hoạt động của doanh nghiệp.

Ông cho biết; để bình ổn giá xăng dầu trong nước, liên Bộ Công Thương - Tài chính đã triển khai các biện pháp, theo đó có 3 biện pháp đã được thực hiện trong thời gian qua và cần tiếp tục được tập trung thực hiện trong thời gian tới để có thể kiềm chế tối đa mức tăng giá xăng dầu:

Một là, sử dụng công cụ Quỹ bình ổn giá xăng dầu (Quỹ BOG) một cách hiệu quả và linh hoạt nhằm hạn chế biến động mạnh của giá xăng dầu trong nước so với biến động giá của thế giới, góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ việc phục hồi kinh tế.

Hai là, điều chỉnh các loại thuế, phí trong cơ cấu giá xăng dầu (thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế nhập khẩu…). Đến ngày 11/07/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã 02 lần thông qua nghị quyết giảm thuế bảo vệ môi trường. Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Tài Chính và các Bộ, ngành liên quan tiếp tục rà soát, đề xuất các phương án trong phạm vi có thể để giảm các loại thuế có liên quan đến cơ cấu giá xăng dầu.

Ba là, cần triển khai đồng bộ các giải pháp khác như: các chính sách an sinh để hỗ trợ người dân, đặc biệt các đối tượng hộ nghèo, hộ chính sách… và các giải pháp hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp khi hoạt động SXKD đang bị ảnh hưởng rất lớn bởi biến động giá xăng dầu…

Tuấn Khôi