29/03/2024 lúc 08:26 (GMT+7)
Breaking News

Đồng Hỷ, Thái Nguyên: Thu nhập cao từ nghề làm mỳ gạo

“Bát mỳ khi nấu lên có màu trắng ngà như màu của hạt gạo, sợi mỳ nhỏ, dẻo dai, đậm vị lại thơm…”. Đó là đánh giá của nhiều người dân ở xã Hợp Tiến (Đồng Hỷ) khi sử dụng sản phẩm mỳ gạo của gia đình anh Bùi Văn Tưởng và chị Dương Thị Dung, ở xóm Đoàn Kết. Anh chị là người tiên phong và cũng là một trong 2 hộ làm mỳ gạo ở xã Hợp Tiến hiện nay.

“Bát mỳ khi nấu lên có màu trắng ngà như màu của hạt gạo, sợi mỳ nhỏ, dẻo dai, đậm vị lại thơm…”. Đó là đánh giá của nhiều người dân ở xã Hợp Tiến (Đồng Hỷ) khi sử dụng sản phẩm mỳ gạo của gia đình anh Bùi Văn Tưởng và chị Dương Thị Dung, ở xóm Đoàn Kết. Anh chị là người tiên phong và cũng là một trong 2 hộ làm mỳ gạo ở xã Hợp Tiến hiện nay.

Gia đình anh Bùi Văn Tưởng, xóm Đoàn Kết, xã Hợp Tiến (Đồng Hỷ) đóng gói sản phẩm mỳ gạo vừa mới làm ra 

Có lẽ khi nói đến sản phẩm mỳ gạo của xã Hợp Tiến, không ít người cho rằng có nhiều hộ dân ở xã cùng làm nghề này hoặc Hợp Tiến là vùng chuyên sản xuất mỳ gạo. Tuy nhiên, khi tìm hiểu thông tin về sản phẩm mỳ gạo ở xã, chúng tôi hoàn toàn bất ngờ khi cả xã Hợp Tiến chỉ có 2 hộ dân làm nghề. Trong đó, gia đình anh Tưởng được biết đến với sản phẩm mỳ ngon có tiếng ở đây.

Kể cho chúng tôi về cơ duyên đến với nghề, anh Tưởng cho biết: Bố mẹ vợ tôi (ở huyện Phú Bình) là hộ chuyên sản xuất mỳ gạo từ hàng chục năm trước. Nhận thấy đây là sản phẩm dễ tiêu thụ nên từ năm 2006, vợ chồng tôi cũng bắt đầu theo nghề. Với “món nghề” gia truyền lại thêm việc kỹ tính trong việc lựa chọn nguyên liệu, sản xuất nên sản phẩm mỳ của gia đình làm ra đều được các đại lý, người dân trong và ngoài xã tiêu thụ hết. Bình quân mỗi tháng, gia đình tôi bán được khoảng 6 tấn mỳ gạo, với giá bán 22 nghìn đồng/kg, thu khoảng hơn 130 triệu đồng. Trừ các chi phí, gia đình tôi thu lãi từ 18-20 triệu đồng/tháng từ nghề làm mỳ gạo.

Không giấu nghề, anh Tưởng thoải mái chia sẻ với chúng tôi về các công đoạn làm ra sản phẩm mỳ gạo tiêu chuẩn. Theo đó, để làm ra sản phẩm mỳ cuối cùng phải qua nhiều khâu: Ngâm gạo, nghiền bột, ủ bột, cán mỳ, rửa, phơi… Ở từng khâu đều phải có những chú ý riêng mới có được sản phẩm như ý. Đơn cử như việc ngâm gạo, phải vo gạo sạch sẽ rồi mới đem ngâm. Thời gian ngâm phải đủ 4 tiếng trước khi cho vào nghiền. Anh Tưởng cho biết thêm: Điều chỉnh nhiệt độ và cho lượng bột phù hợp vào máy cán sợi là khâu cực kỳ quan trọng. Bởi, nếu để nhiệt độ nóng quá mà lượng bột cho vào máy ít thì sợi mỳ dễ bị đứt gãy. Còn nếu cho nhiều bột mà nhiệt độ không đủ nóng sẽ khiến mỳ bị sống, sợi mỳ không trong. Bột mỳ sau khi được cán sợi, đem ủ qua đêm rồi rửa với nước lạnh để tách sợi, tránh bết dính và cuối cùng là đem phơi nắng.

Cũng theo anh Tưởng, việc lựa chọn gạo để làm mỳ cũng quan trọng không kém. Gạo ngon nhất thường là giống Bao thai nhưng giá thành khá cao, hơn nữa mỳ khi nấu hơi dính nên vợ chồng anh sử dụng gạo Khang dân. Anh Tưởng chia sẻ: Gia đình tôi thường mua thóc Khang dân của bà con trong xã về xay xát lấy gạo làm mỳ. Giống Khang dân địa phương không bị lai tạp như nhiều nơi khác nên mỳ nấu không bị nát. Bình quân mỗi năm, gia đình thu mua khoảng 50 tấn thóc cho người dân trong xã. Ngoài ra, để màu sắc của mỳ trắng đẹp, gia đình anh Tưởng chú trọng việc phơi nắng. Mỳ được phơi nắng đủ 1 ngày sẽ trắng trong. Nếu trời mưa, gia đình anh chị phải sấy mỳ bằng hơi nóng của điều hòa công nghiệp, vào mùa đông có thể phơi dưới nắng, gió hanh nên mỳ vẫn đảm bảo về mẫu mã và chất lượng. 

Nhờ tâm huyết trong từng khâu, sản phẩm mỳ của gia đình anh Tưởng luôn được đánh giá có chất lượng ngon, giá bán hợp lý nên được nhiều người ủng hộ. Chị Triệu Thị Vinh, ở xóm Bãi Bông, xã Hợp Tiến bộc bạch: Hơn 10 năm nay, gia đình tôi thường xuyên sử dụng sản phẩm mỳ gạo của gia đình anh Tưởng. Mỳ ở đây nấu không bị nhão hay nát, thơm mùi gạo. Hơn nữa, biết rõ về quy trình làm mỳ của anh chị nên tôi rất yên tâm khi sử dụng, không lo đến việc sản phẩm mỳ có sử dụng hóa chất độc hại. 

Nói đến dự định trong thời gian tới, anh Tưởng cho hay: Hiện nay, bình quân mỗi ngày, vợ chồng tôi làm được khoảng 2 tạ mỳ nhưng cũng không cung ứng đủ cho thị trường. Gia đình cũng đã có ý định mở rộng quy mô nhưng còn vướng mắc việc thuê lao động, bởi thời gian bắt đầu làm mỳ thường rất sớm, từ khoảng 3-4 giờ sáng nên khó thuê người làm. Ngoài ra, khi muốn tăng năng suất, gia đình cần phải đầu tư thêm máy móc, nhà xưởng với chi phí khá cao. Tuy nhiên, về lâu dài, vợ chồng tôi cũng sẽ tính đến việc đầu tư mở rộng quy mô sản xuất. Cùng với đó, sẽ đăng ký nhãn hiệu để sản phẩm được nhiều người biết đến, tin tưởng và sử dụng hơn.