29/03/2024 lúc 15:39 (GMT+7)
Breaking News

Di sản văn hóa, du lịch Phú Yên “lên” tạp chí

VNHN-Tạp chí Việt Nam hội nhập vừa thực hiện chuyên đề về xứ “hoa vàng cỏ xanh”: Phú Yên - Di sản văn hóa, phát triển và hội nhập.

VNHN-Tạp chí Việt Nam hội nhập vừa thực hiện chuyên đề về xứ “hoa vàng cỏ xanh”: Phú Yên - Di sản văn hóa, phát triển và hội nhập.

Nữ doanh nhân Phú Yên hoạt động trong lĩnh vực du lịch đọc tạp chí Việt Nam hội nhập, chuyên đề về Phú Yên - Ảnh: YÊN LAN

Có sự phối hợp của ThS Nguyễn Hoài Sơn trong vai trò chủ biên và sự tham gia của các nhà báo: Nguyễn Hữu Bình, Phan Thanh Bình, Thùy Trang, Huỳnh Đức Thế…, chuyên đề này như một bức tranh toàn cảnh về di sản văn hóa, du lịch Phú Yên, thế mạnh và tiềm năng của các địa phương trên vùng đất này…

Mở đầu chuyên đề là Tổng quan du lịch Phú Yên, những thế mạnh, tiềm năng du lịch Phú Yên được giới thiệu đến bạn đọc. Đó là bờ biển dài 189km, nhiều nơi quanh co, núi biển liền kề tạo thành đầm, vịnh, gành… đẹp kỳ thú, hoang sơ; là danh thắng Gành Đá Đĩa khiến du khách ngỡ ngàng khi lần đầu đặt chân lên những phiến đá, là Bãi Môn - Mũi Điện độc đáo, là vịnh Vũng Rô gắn liền với huyền thoại về những chuyến tàu Không số và đường Hồ Chí Minh trên biển, là vịnh Xuân Đài tuyệt đẹp gắn với nhiều sự kiện lịch sử liên quan đến vùng đất Phú Yên, là đầm Ô Loan nổi tiếng với đặc sản sò huyết, hàu…, là các suối nước khoáng nóng: Phú Sen, Lạc Sanh, Trà Ô, Triêm Đức rất thích hợp phát triển loại hình du lịch nghỉ dưỡng…

Phú Yên là vùng đất có bề dày lịch sử - văn hóa, có những đóng góp quan trọng trong tiến trình lịch sử dân tộc. Trong một bài viết về chuyên đề này, TS Đào Nhật Kim cung cấp cho độc giả yêu thích lịch sử những thông tin thú vị: “Năm 1611, tên gọi Phú Yên chính thức xuất hiện với đơn vị hành chính cấp phủ, thuộc dinh Quảng Nam và trở thành vùng đất trấn giữ biên cương phía nam của Đại Việt...

Trải qua những biến động lịch sử, vùng đất và con người Phú Yên đã hình thành những giá trị, tạo nên sắc thái một Phú Yên kiên cường, bất khuất, cần cù, sáng tạo trong hành trình 418 năm phát triển của mình…”. Còn trong Di sản văn hóa và phát triển du lịch thời kỳ hội nhập, ThS Nguyễn Hoài Sơn viết: “Di sản văn hóa là tài nguyên du lịch đặc biệt, chính vì sự đa dạng, phong phú của bản sắc văn hóa luôn hấp dẫn sự khám phá của khách du lịch.

Do vậy, gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa là yếu tố góp phần phát triển du lịch bền vững. Ngược lại, du lịch là một phương thức để phát huy các giá trị văn hóa có hiệu quả nhất, đặc biệt đối với du khách trong nước và bạn bè quốc tế…”.

Không chỉ cung cấp cho bạn đọc nhiều thông tin thú vị về văn hóa, danh lam thắng cảnh xứ hoa vàng - cỏ xanh, chuyên đề Phú Yên - Di sản văn hóa, phát triển và hội nhập còn giới thiệu với độc giả những thế mạnh, tiềm năng của các địa phương trong tỉnh: TP Tuy Hòa với những bước chuyển mình mạnh mẽ hòa nhập chuỗi đô thị hiện đại ở khu vực duyên hải Nam Trung Bộ; TX Sông Cầu với tiềm năng lớn về phát triển du lịch; huyện miền núi Đồng Xuân đang đổi thay và khởi sắc từng ngày; huyện Đông Hòa - đô thị công nghiệp và dịch vụ trong tương lai; Tuy An - miền di tích và danh thắng; Sông Hinh - quê hương của sử thi cùng những sắc màu văn hóa; Sơn Hòa với quyết tâm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng; Tây Hòa đang khởi sắc; Phú Hòa - một trong những vựa lúa của Phú Yên với diện mạo mới. Bên cạnh đó, chuyên đề còn có các bài viết về một số đơn vị, cá nhân. Những hình ảnh đẹp cũng góp phần tăng sự lôi cuốn của chuyên đề.

Đọc chuyên đề Phú Yên - Di sản văn hóa, phát triển và hội nhập trên tạp chí Việt Nam hội nhập, độc giả phương xa sẽ hiểu hơn về xứ “hoa vàng cỏ xanh” và yêu mến mảnh đất này.

NAM PHƯƠNG-baophuyen.com.vn