20/04/2024 lúc 10:38 (GMT+7)
Breaking News

Đề xuất hơn 5.750 tỷ đồng xây dựng tuyến Chợ Mới - Bắc Kạn từ vốn đầu tư công

Ban Quản lý dự án 2 vừa có văn bản trình Bộ Giao thông vận tải (GTVT) báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án Đầu tư xây dựng tuyến Chợ Mới - Bắc Kạn với sơ bộ tổng mức đầu tư hơn 5.750 tỷ đồng.

Theo đó, thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị về "Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" nhằm phát triển kết cấu hạ tầng giao thông gắn với các hành lang kinh tế và phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao của các tỉnh trung du miền núi Bắc Bộ. Đầu tư xây dựng tuyến đường sẽ từng bước hoàn thiện tuyến cao tốc hướng tâm Hà Nội - Thái Nguyên - Bắc Kạn - Cao Bằng (CT07) theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Tạo nên hệ thống giao thông kết nối thuận lợi, đa dạng theo trục dọc – ngang như: Trục dọc kết nối tuyến cao tốc CT.07 từ Hà Nội, Bắc Ninh đến các cửa khẩu biên giới của tỉnh Cao Bằng; trục ngang thông qua kết nối các tuyến Đồng Đăng (tỉnh Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (tỉnh Cao Bằng) - thành phố Bắc Kạn - hồ Ba Bể kết nối sang Na Hang (Tuyên Quang) và liên kết với tuyến cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang tới cửa khẩu Thanh Thủy của các tỉnh Trung du miền núi Phía Bắc.

Việc đầu tư xây dựng tuyến đường sẽ tháo gỡ khó khăn cho tỉnh Bắc Kạn nói riêng và các tỉnh miền núi phía Đông Bắc Bộ nói chung trong việc giải quyết nhu cầu đi lại, rút ngắn thời gian di chuyển, tạo liên kết vùng tốt giữa các tỉnh Đông Bắc Bộ với Hà Nội và các tỉnh Đồng bằng Sông Hồng.

Ban Quản lý dự án 2 đã có phương án đề xuất, tuyến Chợ Mới-Bắc Kạn có tổng chiều dài gần 29km. Điểm đầu dự án tại Km0 (kết nối với Km38+600 tuyến Thái Nguyên-Chợ Mới), xã Thanh Bình, huyện Chợ Mới. Điểm cuối dự án tại Km28+807 (giao với Quốc lộ 3B, kết nối với điểm đầu dự án đường Bắc Kạn-hồ Ba Bể), thành phố Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn.

Ngoài ra, dự án sẽ được đầu tư với quy mô mặt cắt ngang theo giai đoạn hoàn thiện đường cao tốc, bề rộng nền đường 22m.

Dự án đã được Bộ GTVT phê duyệt chủ trương đầu tư quy mô 02 làn cao tốc. Theo đó, phạm vi dự án: Điểm đầu dự án tại Km0 (kết nối với tuyến Thái Nguyên – Chợ Mới), xã Thanh Bình, huyện Chợ Mới; điểm cuối dự án tại Km28+807 (giao với QL3B, kết nối với điểm đầu dự án đường Bắc Kạn – hồ Ba Bể), thành phố Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn. Tổng chiều dự án khoảng 28,8 km.

Trên cơ sở sự cần thiết, tính cấp bách, hiệu quả đầu tư, để bảo đảm triển khai thành công và sớm hoàn thành dự án, Dự án sẽ được đầu tư bằng nguồn vốn đầu tư công bố trí cho Bộ GTVT. Ban Quản lý dự án 2 kiến nghị.

Trong giai đoạn 2021-2025, số vốn cần bố trí khoảng hơn 4.900 tỷ đồng (khoảng 85% tổng mức đầu tư); phần còn lại khoảng 843 tỷ đồng (khoảng 15% tổng mức đầu tư) sẽ chuyển tiếp bố trí trong giai đoạn 2026-2030.

Việc đầu tư, hoàn thiện tuyến cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên – Bắc Kạn – Cao Bằng là 1 trong 4 tuyến cao tốc hướng tâm có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện nội dung phát triển kết cấu hạ tầng, liên kết vùng đảm bảo thực hiện thành công Nghị quyết 11-NQ/TW ngày 10/2/2022 và chương trình hành động của Chính phủ và các tỉnh trung du và miền núi Bắc Bộ.

Sau khi dự án hoàn thành sẽ đảm bảo đồng bộ về quy mô, nối thông tuyến đường Hà Nội – Thái Nguyên – Chợ Mới – TP. Bắc Kạn sẽ góp phần tạo nên mạng lưới giao thông có tính kết nối vùng, thống nhất với hệ thống đường bộ trong khu vực, góp 12 phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường công tác đảm bảo an ninh quốc phòng trong khu vực, cụ thể:

Về kinh tế: Tăng cường năng lực lưu thông hành khách và hàng hóa, tiết kiệm thời gian và chi phí vận chuyển. Tăng cường kết nối vùng, đặc biệt là vùng núi phía Đông Bắc Bộ với Hà Nội và Đồng bằng Sông Hồng. Mở rộng thị trường, kết nối các trung tâm kinh tế, chính trị với các khu vực khác; rút ngắn khoảng cách và khắc phục sự chênh lệch trong phát triển giữa các vùng, miền đặc biệt là các tỉnh vùng núi phía Đông Bắc (Bắc Kạn, Cao Bằng, Tuyên Quang, Hà Giang…).
Về xã hội: Giảm thiểu ùn tắc và tai nạn giao thông; tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân. Việc kết nối giữa các trung tâm kinh tế - chính trị, giữa các vùng động lực với vùng khó khăn đã góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân.
Về môi trường: Giảm lưu lượng các phương tiện qua khu vực đông dân cư, giảm thiểu tác động môi trường về khí thải, bụi, tiếng ồn... Từ những kết quả tính toán, phân tích nêu trên cho thấy, việc đầu tư Dự án được đánh giá sơ bộ là có hiệu quả về kinh tế - xã hội.

Thanh Bút