19/04/2024 lúc 08:12 (GMT+7)
Breaking News

Công ty Nam Tây Nguyên: Phát triển kinh tế gắn với bảo vệ rừng

Thời gian qua, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên đã làm tốt nhiệm vụ trọng tâm là quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Bên cạnh đó, việc xây dựng các phương án nhằm phát triển kinh tế cũng đã đạt được nhiều thành quả tích cực, góp phần cho sự phát triển về kinh tế - xã hội tại huyện Tuy Đức nói riêng và tỉnh Đắk Nông nói chung.

Thời gian qua, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên đã làm tốt nhiệm vụ trọng tâm là quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Bên cạnh đó, việc xây dựng các phương án nhằm phát triển kinh tế cũng đã đạt được nhiều thành quả tích cực, góp phần cho sự phát triển về kinh tế - xã hội tại huyện Tuy Đức nói riêng và tỉnh Đắk Nông nói chung.

Có trụ sở đặt tại xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức tỉnh Đắk Nông, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên quản lý 26.259 hecta rừng, trong đó có khoảng 23 nghìn hecta rừng tự nhiên, còn lại là diện tích rừng trồng và đất nông nghiệp.

Trụ sở Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên.

Tại huyện Tuy Đức, đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là người đồng bào dân tộc thiểu số, đa số đời sống của người dân gắn liền với rừng và đất rừng. Bên cạnh đó, việc di dân tự do trên địa bàn huyện Tuy Đức nói chung và xã Quảng Trực nói riêng ngày càng tăng nên nhu cầu về đất sản xuất ngày càng nhiều, dẫn đến tình trạng phá rừng làm nương rẫy ngày càng tăng và diễn biến phức tạp. Song với sự yêu nghề của đội ngũ cán bộ, công nhân viên, tầm nhìn sáng suốt của lãnh đạo công ty, triển khai nhiều biện pháp bảo vệ rừng và phương án phát triển kinh tế phù hợp với tình hình thực tiễn tại địa phương, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên đã hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Quan tâm xây dựng Đảng bộ, phát triển Đảng viên. (Đại hội Đảng bộ Công ty nhiệm kỳ 2020-2025)

Giai đoạn 2016-2020, bằng những biện pháp đúng đắn như phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an huyện, xã, ban lâm nghiệp Quảng Trực, Bộ đội Biên Phòng tại địa phương để tuần tra, kiểm tra, truy quét, phát hiện và xử lý các vụ vi phạm về Lâm nghiệp, thường xuyên tổ chức tập huấn nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ, nhân viên của công ty, tích cực tuyên truyền, vận động người dân tố giác hành vi vi phạm, thuê người dân, già làng, Trưởng bản, người có uy tín tham gia tuyên truyền và bảo vệ rừng…

Ông Nguyễn Ngọc Bình – Chủ tịch Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên.

Từ đó, số vụ phá rừng và khai thác lâm sản giảm theo từng năm. Ngoài ra, việc mạnh dạn xây dựng và triển khai các mô hình sản xuất kinh doanh, chuyển đổi sang phát triển cây công nghiệp, khai thác và chế biến lâm sản, áp dụng hình thức liên doanh liên kết, giao khoán với các hộ dân tại địa phương từ đó tạo công ăn việc làm, mang lại thu nhập ổn định cho người dân tại địa phương đã mang lại hiệu quả cao trong việc quản lý, bảo vệ rừng và phát triển kinh tế.

 Vào mùa mưa, đây là phương tiện để cán bộ, nhân viên của công ty qua sông, suối để vào chốt quản lý bảo vệ rừng.

Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Ngọc Bình – Chủ tịch Công ty cho biết: Chúng tôi luôn xác định nhiệm vụ then chốt là quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Tuy nhiên, theo tôi nghĩ với tình hình kinh tế, đời sống của người dân hiện nay vẫn còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là người dân tộc thiểu số, rồi từ những cái khó đó họ tìm đến rừng để nương tựa, phá rừng lấy đất. Vậy nên, bên cạnh việc quản lý bảo vệ rừng chúng tôi đã và đang cố gắng phát triển xây dựng các phương án, chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế, chuyển giao kỹ thuật… Từ đó tạo công ăn việc làm cho người dân và như vậy thì đồng nghĩa với việc giảm thiểu được nguy cơ phá rừng, lấn chiếm đất rừng tại địa phương.

Mặc dù thiếu thốn nhiều thứ, chỗ ngủ tạm bợ tại các chốt bảo vệ rừng, nhưng các cán bộ nhân viên vẫn luôn nở nụ cười...

Hiện nay, để thực hiện công tác quản lý, sử dụng và phát triển rừng theo hướng bền vững, đồng thời khắc phục những hạn chế mà công ty đang gặp phải, công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên đã xây dựng Phương án Quản lý bảo vệ rừng giai đoạn 2020-2030, nhằm xác định các biện pháp cơ bản trong quản lý phát triển tài nguyên rừng bền vững, nâng cao hiệu quả sử dụng rừng, thu hút nguồn lực, đầu tư để tái tạo lại rừng, tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương, xóa đói giảm nghèo, thực hiện công nghiệp hóa hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, ổn định, từng bước nâng cao đời sống cho nhân dân trong vùng.

 Con đường bê tông dài hàng km Công ty cùng chung tay xây dựng.

Theo đó, tập trung quản lý bảo vệ các diện tích rừng hiện có, phát triển rừng sao cho diện tích rừng cung ứng dịch vụ môi trường rừng là lớn nhất. Bên cạnh đó, tạo các nguồn thu khác từ các hoạt động như khai thác lâm sản ngoài gỗ chủ yếu là cây thuốc, lồ ô và tre nứa, phát triển du lịch sinh thái, kinh doanh tổng hợp, phát triển xưởng sản xuất chế biến nông, lâm sản. Bên cạnh những nhiệm vụ kinh tế quan trọng, công ty sẽ cân bằng các mục tiêu bảo vệ môi trường sinh thái và phát triển xã hội.