25/04/2024 lúc 01:07 (GMT+7)
Breaking News

Chiến trường không tiếng súng - Kỳ 2: Vượt qua những nỗi đau thầm lặng

Không khói lửa, không tiếng súng, không mưa bom bão đạn..., cuộc chiến của hành trình gần 600 ngày “chống giặc Covid - 19” âm thầm mà tàn khốc và đau thương. Chiến trường nơi tâm dịch Thành phố Hồ Chí Minh khi đợt dịch thứ 4 bùng phát đã đầu quân hơn 24.000 nhân lực y tế tham gia hỗ trợ. Khoảng 2.300 nhân viên trong số đó bị phơi nhiễm khi trực tiếp thực hiện nhiệm vụ, 2 điều dưỡng và một bác sĩ ra đi mãi mãi.

Sẵn sàng đối mặt với cam go, thử thách, kiên cường bền bỉ vượt qua mọi bão giông, hiểm nguy; sức mạnh của sự đồng cảm sẻ chia, của tình yêu thương và lòng nhân ái đã chiến thắng “kẻ thù virus” vô hình nguy hiểm. Ở nơi nóng bỏng nhất, trên những địa bàn nguy hiểm nhất, khi nhân dân cần nhất, những “chiến binh áo trắng” Thái Bình xứng đáng là lực lượng chi viện tuyến đầu, làm tròn sứ mệnh cao cả bảo vệ tính mạng và sức khỏe của Nhân dân.

Tạp chí Việt Nam Hội nhập giới thiệu cùng bạn đọc bút ký “Chiến trường không tiếng súng” của tác giả Phạm Nguyễn Hồng Quang phần nào khắc hoạ và truyền tải đến bạn đọc về “chiến trường khốc liệt này”. “Sinh ra trong cõi hồng trần, đời người phải lấy chữ nhân làm đầu”, các anh, các chị những “chiến binh áo trắng” đẹp mãi trong lòng nhân dân. 

Đã có ai nói, những khó khăn trong cuộc sống là điều không tránh khỏi, việc cần làm là lựa chọn cách thức để vượt qua. Nhưng, vượt qua một nỗi đau, vượt qua trong âm thầm lặng lẽ không hề là một cách thức dễ dàng. Chúng tôi cố gắng không chạm vào nỗi đau của chị - điều dưỡng Nguyễn Thùy Dung, một trong 60 cán bộ y tế của tỉnh Thái Bình tham gia đoàn công tác đầu tiên chi viện phòng chống dịch tại Thành phố Hồ Chí Minh, nhưng ký ức là những mảnh ghép đầy xúc cảm, không thể thoáng qua, không dễ xóa nhòa. Đối diện với chúng tôi, gương mặt che kín gần hết dưới lớp khẩu trang y tế không giấu được đáy sâu đôi mắt vẫn đong đầy nỗi buồn mất mát.

Đúng ngày đầu tiên của tháng 9, vừa hết ca trực ở bệnh viện, đặt bước chân đầu tiên lên xe trở về nơi nghỉ, Dung nhận điện thoại của người thân báo tin bố ốm nặng, khó qua khỏi. Bỗng nhiên, sự mỏi mệt vì áp lực công việc quá tải ập đến, đè nặng lên cả cơ thể cô. Đôi chân như hai khúc chì, cứng nhắc, không muốn bước; tưởng chừng chỉ một tích tắc nữa thôi, đầu gối rệu rã của cô sẽ long ra như những con ốc vít bị tháo rời, khuỵu xuống... Dung không nhớ mình có thể lê về chỗ nằm bằng cách nào nữa, rồi như thể người liệt giường đột nhiên bừng tỉnh sau một cơn mê dài, tiếng chuông điện thoại réo vang lúc 23 giờ đêm của chị gái với giọng nói thổn thức, ngắt quãng, nhả từng từ, từng từ ...bố... mất... rồi... em... ơi.... Đi qua cả một quãng đời, đến giây phút ấy, Dung mới hiểu, mới thấm, thế nào là cảm giác bất lực. Mồ côi mẹ từ nhỏ, đến tuổi trưởng thành lại mất cha. Cô òa khóc, không thể giấu anh em đồng nghiệp được nữa...

Bàn thờ bái vọng nghi ngút khói hương giữa tâm dịch Sài Gòn như ảo ảnh mà Dung không bao giờ ngờ được nó không chỉ còn là ở trong các bài báo cô đọc trên internet, mà đã trở thành câu chuyện có thực của cuộc đời cô, rơi vào đúng thời điểm cô cũng đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức ngoài sức tưởng tượng trước khi lên đường nhận nhiệm vụ chi viện. Nhưng rồi khó khăn không trường tồn, chỉ có con người cứng rắn trường tồn. Sau ba ngày để tang, nén nỗi đau thầm lặng cháy âm ỉ mỗi giây, mỗi phút trong sâu thẳm cõi lòng, Dung quay trở lại nơi biết bao bệnh nhân đang chờ đợi cô, cần cô hơn lúc nào hết.

Tòa nhà bệnh viện dã chiến 24 tầng, tầng 1 nơi Dung làm tiếp nhận những bệnh nhân nhiễm Covid-19 nặng nhất. Trong đời làm nghề, chưa bao giờ Dung thấy ở đâu bệnh nhân đông như nơi này. Nhưng điều làm cô thực sự sốc những ngày đầu đặt chân vào đây là tỷ lệ bệnh nhân tử vong quá cao, ranh giới giữa sự sống và cái chết mỏng như tờ giấy pơ luya, nhanh trong một tích tắc. Hàng ngày trực tiếp chứng kiến sự đau thương mất mát, nỗi buồn ly biệt với người cha quá cố cũng nguôi ngoai đi phần nào. Dung thấy được an ủi khi cha vẫn còn là người may mắn, hạnh phúc ra đi trong vòng tay của những người thân thương; còn ở đây, nơi cô hàng ngày bước qua bước lại, bệnh nhân chết không có người thân bên cạnh, đơn độc một mình ra đi... Có bệnh nhân vừa còn ngồi trên giường bệnh đó thôi, cũng vừa tự vận động đi lại khá ổn trước mặt mọi người, vậy mà một lúc sau đã chết gục trong nhà vệ sinh. Có gia đình bốn mẹ con đều nhiễm bệnh cùng vào nhập viện, hai trong bốn đôi mắt đã bị mù. Đau đớn thay, chính hai đôi mắt không thể còn nhìn thấy ánh sáng ấy lại mất luôn cả cơ hội chớp mở trong bóng tối. Sau hai ngày người mẹ mù ra đi vĩnh viễn, cô con gái mù cũng đầu hàng số phận, xuôi tay nhắm mắt.

Dung còn nhớ ngày rằm tháng 7, 7 ca tử vong liên tiếp. Sân bệnh viện càng chờ càng vắng lặng tiếng lăn bánh của xe vận chuyển thi hài. Tử thi cứ khênh ra rồi lại khênh vào, cuối cùng đành xếp gọn ở góc phòng của người còn sống. Nhiều bệnh nhân tinh thần hoảng loạn, thậm chí bị sang chấn về tâm lý khi trực tiếp chứng kiến, bỗng chốc bệnh trở nặng hơn, diễn biến nhanh, 10 ngày liên tục sốt và ho ra máu, không đáp ứng thuốc, không qua khỏi. Nặng thì thế, nhẹ cũng nằm tại chỗ, từ bơm thuốc, cho ăn đến thay bỉm, dọn vệ sinh... đều một tay điều dưỡng chăm lo. Chăm sóc bệnh nhân mắc Covid – 19 là công việc mới hoàn toàn, chưa từng có tiền lệ. Việc tập huấn cũng chỉ diễn ra trong một buổi chiều ngắn ngủi với những kiến thức chăm sóc bệnh nhân nhẹ, khác xa hoàn toàn với thực tế chăm sóc toàn diện bệnh nhân nặng. Ấy vậy mà rồi “trăm hay không bằng tay quen”, vừa làm vừa học hỏi, rút kinh nghiệm, Dung luôn hoàn thành tốt nhất mọi công việc được giao, làm hết sức mình có thể.

 “Cảnh giới cao nhất của mạnh mẽ là chấp nhận. Khi nào chúng ta có thể chấp nhận được mọi biến cố xảy đến với mình, chúng ta là người mạnh mẽ nhất”. Khác với điều dưỡng Nguyễn Thùy Dung, bác sĩ chuyên khoa cấp I gây mê hồi sức Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đỗ Ngọc Hoàng gặp biến cố “có một không hai”: bị phơi nhiễm với Covid – 19 trong một ca trực đêm tự tay đặt ống nội khí quản cho 4 bệnh nhân để thở máy.

Hoàng cười chia sẻ với chúng tôi: Lúc đầu mới biết kết quả xét nghiệm dương tính, thú thật em cũng hơi lo. Nhưng là bác sĩ giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực hồi sức, đặc biệt là kinh nghiệm chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân Covid nguy kịch, cộng với “bản lĩnh lâm sàng” vốn có, em đã nhanh chóng vượt qua tâm lý hoang mang. Hàng ngày em tự chăm sóc bản thân, giữ tinh thần lạc quan, tuân thủ việc dùng thuốc theo phác đồ. Và dù trong khu điều trị, đã bàn giao vị trí kíp trưởng, nhưng Hoàng vẫn luôn theo dõi sát và tư vấn cách giải quyết mọi công việc của khoa, của kíp, của nhóm kịp thời, hiệu quả, góp phần cứu sống được nhiều bệnh nhân rơi vào tình trạng nguy kịch, từng bước giảm tỷ lệ tử vong đáng kể.

Ngay sau khi khỏi bệnh, bảo đảm thực hiện thời gian cách ly theo quy định, Hoàng nhanh chóng trở lại cùng anh chị em trong đoàn tiếp tục tham gia chăm sóc và điều trị các bệnh nhân Covid – 19. Những trải nghiệm thực tế khi chính mình trở thành bệnh nhân Covid – 19 càng làm Hoàng thêm thấu hiểu nỗi đau thể xác cũng như sự xáo trộn thậm chí khủng hoảng về tâm lý của người bệnh. Được tín nhiệm phân công đầu quân vào nơi khó khăn, vất vả nhất của bệnh viện dã chiến, Hoàng đã phát huy triệt để kinh nghiệm, kỹ năng chuyên môn trong khám, điều trị, chăm sóc bệnh nhân Covid – 19 nặng và nguy kịch thở máy. Hạnh phúc bao nhiêu với những bệnh nhân thoát được cửa tử, thì cũng bấy nhiêu lần, Hoàng và đồng nghiệp không khỏi yếu lòng, đau đớn rơi nước mắt khi chứng kiến những bệnh nhân qua đời vì biến chứng nguy hiểm của Covid – 19, dù các anh đã tận tâm, tận lực bằng cả khối óc và trái tim mong muốn cứu sống được họ. Song dẫu nghiệt ngã là vậy, cuộc sống vẫn trao tặng những khoảnh khắc, dấu ấn khó quên, từ những điều bình dị. Vẫn nụ cười đôn hậu, Hoàng không giấu niềm tự hào khi chia sẻ tình cảm của bệnh nhân chào đón anh bằng giọng đồng thanh thông báo “Bác sĩ Hoàng Thái Bình đến đấy!”. Hoán trả cho những nỗi đau thầm lặng, anh như được tiếp thêm nghị lực, niềm tin và sức mạnh vào những ngày tháng tươi sáng hơn...

Phạm Nguyễn Hồng Quang