19/04/2024 lúc 08:07 (GMT+7)
Breaking News

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị sửa Luật Phòng, chống bạo lực gia đình

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị sửa Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ) nhằm hoàn thiện thể chế về công tác PCBLGĐ theo hướng tăng cường các biện pháp bảo vệ các quyền con người theo Hiến pháp năm 2013; góp phần gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình, dân tộc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong tình hình mới.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị sửa Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ) nhằm hoàn thiện thể chế về công tác PCBLGĐ theo hướng tăng cường các biện pháp bảo vệ các quyền con người theo Hiến pháp năm 2013; góp phần gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình, dân tộc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong tình hình mới.

Ảnh minh họa

Bộ Văn  hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) cho biết, Luật PCBLGĐ được Quốc hội khóa XII thông qua ngày 21/10/2007, có hiệu lực thi hành từ 1/7/2008.

Sau hơn 13 năm thi hành Luật, nhận thức của người dân, cộng đồng và chính quyền các cấp đã chuyển biến tích cực. Trách nhiệm PCBLGĐ không chỉ riêng của một ngành, một cấp mà thuộc trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội. Mọi hành vi bạo lực gia đình (BLGĐ) đều bị lên án và xử lý. Tình trạng BLGĐ đã có xu hướng giảm đáng kể theo từng năm cả về số vụ và mức độ bạo lực.

Mặc dù đạt được kết quả nêu trên, song tình trạng BLGĐ vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường. Một số địa phương vẫn xảy ra các vụ BLGĐ nghiêm trọng. Điều tra quốc gia bạo lực với phụ nữ được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổng Cục thống kê, Quỹ dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam thực hiện năm 2019, công bố năm 2020 cho thấy: Có 31,6% phụ nữ phải chịu ít nhất một hình thức bạo lực trong 12 tháng (kể từ lúc điều tra), cứ 3 phụ nữ có gần 1 người (32%) bị chồng bạo lực thể xác/hoặc bạo lực tình dục…

Từ thực trạng về kết quả thực hiện Luật PCBLGĐ, Bộ VHTT&DL đề xuất sửa đổi Luật PCBLGĐ (năm 2007) nhằm hoàn thiện thể chế về công tác PCBLGĐ theo hướng tăng cường các biện pháp bảo vệ các quyền con người theo Hiến pháp năm 2013; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của các thiết chế Nhà nước, xã hội cũng như vai trò của gia đình về lĩnh vực này, góp phần gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình, dân tộc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong tình hình mới.

Nguyên tắc phòng, chống bạo lực gia đình

Dự thảo Luật PCBLGĐ (sửa đổi) gồm 9 chương, 80 điều, tăng 3 chương và 34 điều so với Luật PCBLGĐ hiện hành.

Trong đó, dự thảo nêu rõ nguyên tắc PCBLGĐ: Thực hiện đồng bộ các biện pháp PCBLGĐ, chú trọng công tác giáo dục, tuyên truyền pháp luật và các kiến thức, kỹ năng về PCBLGĐ phù hợp với truyền thống văn hóa, phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc Việt Nam và bảo đảm bình đẳng giữa các thành viên trong gia đình.

Vi phạm pháp luật trong PCBLGĐ phải được ngăn chặn, xử lý kịp thời, bảo đảm tính răn đe, giáo dục; bảo đảm các nguyên tắc bình đẳng giới và quyền con người trong PCBLGĐ.

Phối hợp liên ngành trong PCBLGĐ và bảo vệ hỗ trợ người bị BLGĐ; thực hiện nêu gương trong PCBLGĐ đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang.

Ưu tiên bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của thành viên yếu thế trong gia đình (phụ nữ có thai, phụ nữ nuôi con nhỏ, trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật) và bảo đảm yếu tố nhạy cảm giới trong xử lý vụ việc BLGĐ.

Người có hành vi BLGĐ với phụ nữ đang mang thai, người khuyết tật, người cao tuổi, trẻ em; người có hành vi bạo lực trong tình trạng đã sử dụng rượu, bia; người có hành vi bạo lực đã bị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xử lý mà vẫn tiếp tục vi phạm là tình tiết tăng nặng trong xử lý vi phạm pháp luật về PCBLGĐ.

Bên cạnh đó, dự thảo cũng nêu rõ những hành vi bị cấm như cưỡng bức, kích động, xúi giục, giúp sức người khác thực hiện hành vi BLGĐ; dung túng, bao che BLGĐ; làm lộ, phát tán thông tin, làm sai lệch thông tin về BLGĐ dưới mọi hình thức; sử dụng các ứng dụng của khoa học, công nghệ nhằm kích động BLGĐ; nói xấu hoặc đe dọa thành viên gia đình…