20/04/2024 lúc 17:18 (GMT+7)
Breaking News

Xúc tiến thương mại trên nền tảng số, kết nối thị trường tiềm năng

Các cuộc kết nối giao thương trực tuyến trên nền tảng số đã giúp cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) tận dụng được cơ hội trong dịch để xuất khẩu, tìm kiếm bạn hàng, hỗ trợ kết nối mạnh mẽ với các thị trường FTA và thị trường tiềm năng.

Các cuộc kết nối giao thương trực tuyến trên nền tảng số đã giúp cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) tận dụng được cơ hội trong dịch để xuất khẩu, tìm kiếm bạn hàng, hỗ trợ kết nối mạnh mẽ với các thị trường FTA và thị trường tiềm năng.

Ảnh minh họa

Hiệu quả giao thương trực tuyến

Trong bối cảnh ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, các hoạt động xúc tiến thương mại (XTTM) truyền thống như hội nghị, hội thảo, giao thương, hội chợ triển lãm nhằm XTTM, đầu tư tại Việt Nam và các nước về cơ bản phải hủy hoặc hoãn thực hiện. Do đó, để kịp thời hỗ trợ địa phương, doanh nghiệp khắc phục khó khăn về gián đoạn thị trường, đồng thời tận dụng lợi thế từ các FTA thế hệ mới, Cục XTTM đã tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Công Thương chỉ đạo các đơn vị liên quan triển khai các hoạt động dẫn dắt, hỗ trợ các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và các nền tảng số vào công tác XTTM.

Theo Cục XTTM (Bộ Công Thương), đơn vị đã sáng tạo, chủ động xây dựng và thực hiện thí điểm hoạt động XTTM trên môi trường trực tuyến như tổ chức hội nghị giao thương trực tuyến; tổ chức và tham gia các hội chợ ảo, triển lãm, gian hàng trực tuyến, đẩy mạnh hỗ trợ DN xuất khẩu qua các sàn thương mại điện tử (TMĐT) lớn trên thế giới như Amazon, Alibaba, Global source…; tuyên truyền, quảng bá sản phẩm thương hiệu Việt Nam; đào tạo, tập huấn online… Trước áp lực triển khai hình thức XTTM hết sức mới, trong điều kiện thị trường biến động và với thời gian gấp nhưng với sự hưởng ứng tích cực của các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp, đến nay, đơn vị tổ chức thành công trên 50 hội nghị quốc tế trực tuyến và trên 500 phiên giao thương trực tuyến tại 45 thị trường xuất khẩu của Việt Nam gồm cả thị trường lớn như Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản và một số thị trường xa ở như châu Phi, Úc...

Đối với hoạt động kết nối cung cầu trong nước và quốc tế, Cục XTTM đã hỗ trợ kĩ thuật và phối hợp với các địa phương như Bắc Giang, Sơn La, Phú Thọ, Hưng Yên, Lâm Đồng, Yên Bái tổ chức thành công các hội nghị XTTM trực tuyến nhằm quảng bá và kí kết thỏa thuận tiêu thụ nông sản vào vụ như vải, nhãn, xoài, rau - củ - quả... Theo thống kê sơ bộ, tổng số lượt doanh nghiệp Việt Nam và nước ngoài được hỗ trợ kết nối trực tuyến là khoảng 100.000 lượt doanh nghiệp, đa dạng các mặt hàng tham gia giao thương như: sản phẩm phòng dịch, nông sản, thực phẩm, sản phẩm tiêu dùng, đồ trang trí nội ngoại thất và vật liệu xây dựng, giày dép, sản phẩm thể thao...

Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp

Để thích ứng với các kịch bản và giải pháp phục hồi nền kinh tế đang được Chính phủ chỉ đạo thực hiện nhằm giúp nền kinh tế vượt qua khó khăn và có thể đón các cơ hội mới sau đại dịch, tận dụng cơ hội từ các FTA đặt ra sự cần thiết phải điều chỉnh nói chung cho cả nền kinh tế cũng như riêng cho hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu. Đối với công tác XTTM, trên cơ sở đánh giá kết quả bước đầu triển khai XTTM trực tuyến thời gian vừa qua, thời gian tới, cần xác định các giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động XTTM. Trong đó, về mặt cơ chế, chính sách, Cục XTTM đang khẩn trương sửa đổi, bổ sung một số quy định mới, ứng phó hiệu quả trong bối cảnh thiên tai, dịch bệnh nhằm tạo hành lang pháp lý phù hợp và thuận lợi để các tổ chức, doanh nghiệp trong nước đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động XTTM, xúc tiến xuất khẩu, quảng bá thương hiệu thông qua môi trường kỹ thuật số.

Trong thời gian tới, Cục XTTM sẽ trực tiếp triển khai và hướng dẫn, phối hợp các địa phương, tổ chức XTTM trong cả nước đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào XTTM như tổ chức các hội nghị, kết nối giao thương, đào tạo, tập huấn trực tuyến; tham gia gian hàng trực tuyến của các hội chợ - triển lãm lớn, uy tín trên thế giới hoặc tổ chức hội chợ, triển lãm trực tuyến cho các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam; triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc XTTM; hệ thống dữ liệu dùng chung về xuất nhập khẩu như mặt hàng, thị trường...

Đặc biệt, triển khai xây dựng và thiết lập hoàn chỉnh ứng dụng Hệ sinh thái về XTTM, một nền tảng CNTT ứng dụng vào hoạt động XTTM một cách toàn diện. Hệ sinh thái về XTTM trên môi trường CNTT cho phép người dùng là doanh nghiệp, nhà xuất khẩu có thể tải miễn phí từ Apple Store hay Android để sử dụng trên điện thoại thông minh, ipad, máy tính và giúp kết nối, giao thương trực tuyến với đa dạng các thị trường, các ngành hàng, mặt hàng.

Cùng với đó, để huy động và chuẩn bị tốt các nguồn lực triển khai cho hệ thống XTTM của Việt Nam, Cục XTTM sẽ tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, đào tạo cho các doanh nghiệp, tổ chức hỗ trợ kinh doanh, cán bộ phụ trách XTTM của các địa phương, hiệp hội nhằm nâng cao năng lực tiếp cận các hình thức XTTM trực tuyến mới; đồng thời thông qua các lớp đào tạo, cung cấp thông tin về thị trường, ngành hàng, nhu cầu xuất - nhập khẩu đến các doanh nghiệp./.