19/03/2024 lúc 17:56 (GMT+7)
Breaking News

Xuất xứ thương hiệu Bưởi Đoan Hùng nức tiếng

VNHN-Ở Việt Nam có rất nhiều giống bưởi ngon không những nổi tiếng chỉ ở trong nước mà còn được nhiều nơi trên thế giới biết đến và ưa dùng. Đó là bưởi Phúc Trạch (Hà Tĩnh), bưởi Năm Roi (Đồng Nai), bưởi Diễn (Hà Nội), bưởi Da xanh miền đông Nam Bộ và bưởi Đoan Hùng (bưởi Chi Đám và Bằng Luân - Phú Thọ). Còn một vùng bưởi nằm ngay ven sông Chảy: bưởi Khả Lĩnh (Đại Minh - Yên Bái) thì ít người biết đến.

VNHN-Ở Việt Nam có rất nhiều giống bưởi ngon không những nổi tiếng chỉ ở trong nước mà còn được nhiều nơi trên thế giới biết đến và ưa dùng. Đó là bưởi Phúc Trạch (Hà Tĩnh), bưởi Năm Roi (Đồng Nai), bưởi Diễn (Hà Nội), bưởi Da xanh miền đông Nam Bộ và bưởi Đoan Hùng (bưởi Chi Đám và Bằng Luân - Phú Thọ). Còn một vùng bưởi nằm ngay ven sông Chảy: bưởi Khả Lĩnh (Đại  Minh - Yên Bái) thì ít người biết đến.

Ảnh minh họa - TL

Khi tìm lại nguồn gốc cây bưởi Tổ ở Đoan Hùng mới biết rằng chính Khả Lĩnh là một trong hai địa danh lịch sử có giống bưởi ngon nổi tiếng tạo nên thương hiệu bưởi Đoan Hùng từ trong lịch sử.

Chẳng thế mà ca dao cũ đã có câu:

“Bưởi Đoan Hùng lừng danh chí tiếng

Là hai nơi Chi Đám - Đại Minh"

Ngày nay xã Chi Đám thuộc huyện Đoan Hùng tỉnh Phú Thọ; còn xã Đại Minh có thôn Khả Lĩnh đã được cắt chuyển địa giới hành chính về huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái từ năm 1971.

Bưởi Khả Lĩnh hiện được nhân giống và phát triển nhiều nhất ở vùng hạ huyện Yên Bình (Yên Bái) như các xã: Hán Đà, Đại Minh, Vĩnh Kiên, Yên Bình ... và ở các xã vùng thượng huyện Đoan Hùng (Phú Thọ) như: Quế Lâm, Bằng Luân, Bằng Doãn, Đông Khê, Nghinh Xuyên, Phương Trung và một vài địa phương khác  nữa. Nguồn gốc bưởi Khả Lĩnh có cách ngày nay hơn 300 năm, bắt đầu được trồng vào đầu thế kỷ XVIII, từ khi những người dân miền xuôi lên khẩn hoang dựng làng, lập ấp ở đây. Cây bưởi gốc có thể được đem từ một vùng nào đó ở các tỉnh đồng bằng đến, nhưng khi được trồng xuống đất Khả Lĩnh, cây bưởi đã bám rễ sinh trưởng và phát triển rất phù hợp với vùng đất phù sa triền hạ lưu sông Chảy (đoạn từ Thác Bà đến Đoan Hùng).

Bưởi Khả Lĩnh có lá nhỏ; quả dạng dẹt hình bánh rán, khi chín vỏ có màu vàng rơm. Khi gọt vỏ, màu thịt quả trắng, trục đặc, múi dễ tách, vỏ múi dóc, tép mọng nước, mềm, ăn dòn và thơm; có vị ngọt đậm và mát. Trọng lượng trung bình mỗi quả bưởi nặng từ 700 đến 850 gam. vỏ quả mỏng, nhẵn, ít cùi; tỷ lệ ăn được tới 70 - 75% quả; hàm lượng Vitamin cao, đa dạng nhiều Vitamin A, B, C, D, E... Theo tiến sĩ Lữ Văn Quý (Viện rau quả Trung ương), lượng Vitamin có trong 100 gam quả bưởi là 32,6 mg; độ BriX là 13°; tỷ lệ Axít là 0,32%.

Đặc biệt trong quả bưởi Đoan Hùng nói chung (Chi Đám và Khả Lĩnh) còn chứa lượng Pectin lớn: 0,5%, có tác dụng chống nhiễm xạ, chống xơ cứng động mạch và tác dụng chữa bệnh đường ruột.

Nhiều tài liệu khoa học đã công bố, xác định việc thường xuyên ăn bưởi sẽ làm cho nhuận phổi, mát gan và chống ung thư...

Hiện nay bưởi Khả Lĩnh được nhân giống để trồng rộng rãi bằng phương pháp triết cành. Cành bưởi được chiết bó khoảng 3 đến 4 tháng thì ra dễ. Kể từ khi trồng xuống đất nếu được chăm sóc tốt sau 3 năm sẽ bắt đầu ra quả. Cây bưởi 12 đến 15 năm tuổi có chiều cao trung bình 7 - 8m, tán rộng khoảng 8 - 10m, năng xuất trung bình 200 - 250 quả. Hoa bưởi là nguyên liệu đặc biệt để triết xuất tinh dầu bưởi dùng trong công nghiệp và chế biến hương liệu.

Bưởi Khả Lĩnh đã được nhiều người biết đến như một thứ sản vật đặc trưng  của địa phương, một thứ qủa quý riêng để làm qùa; sau mỗi chuyến đi xa, dùng ăn tráng miệng sau bữa ăn; dùng ăn đệm trên bàn hội nghị; dùng để thờ trên mâm ngũ quả trong những ngày lễ tết ở mỗi gia đình; ở các ngôi đình, đền chùa trong thôn, xóm...Tương truyền dưới thời phong kiến bưởi Khả Lĩnh còn được dùng để tiến Vua. Người dân làng Khả Lĩnh dùng quả bưởi để bầy mâm ngũ quả lớn vào nhang án của đình thờ Thành Hoàng làng và những người có công với nước, lập làng.

Tại Đại Minh hiện còn 1 số cây bưởi có trên dưới 100 năm tuổi. Quả của những cây bưởi ấy tuy có nhỏ hơn cây bưởi tơ nhưng chất lượng thì hết sức đặc biệt. Vỏ quả mỏng như vỏ quả cam Vinh, tép bưởi mọng nước, thơm và ngọt dịu, ăn ngon được nhiều người ưa thích. Có lẽ do chất đất được cấu tạo bởi địa tầng đặc biệt, nhiều đá cuội, độ ẩm cao, khí hậu sạch, đất mát nên giống bưởi quý của Khả Lĩnh chỉ được trồng trên đất Đai Minh mới cho sản phẩm là quả bưởi ngon và quý như vậy.

Ngày nay, bưởi Khả Lĩnh đã được thị trường hàng hoá và người tiêu dùng khắp nơi tôn vinh. Xong để khôi phục và phát triển cây bưởi đặc sản này cần được các ngành, các cấp đặc biệt quan tâm nhiều hơn nữa. Việc đầu tư chăm sóc cây bưởi Khả Lĩnh hiện thời hầu như chưa đáp ứng đúng yêu cầu kỹ thuật. Hầu hết cây bưởi ở đây đều còn đang phải tự cạnh tranh với khí trời, tự tìm kiếm chất hữu cơ trong đất mà sống. Đến mùa thì theo quy luật ra hoa kết trái. Chưa có ai nghiên cứu một cách khoa học để áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng và chăm sóc cây. Mặt khác do sự nhận biết được bưởi Khả Lĩnh là 1 giống bưởi quý đặc biệt, có thể trở thành thương hiệu đặc biệt hàng xuất khẩu, hàng tiêu dùng - loại hàng đặc sản của địa phương còn hạn chế nên việc khôi phục và phát triển nhân rộng giống bưởi Khả Lĩnh còn chưa được quan tâm thoả đáng.

Hy vọng trong thời gian tới, tiếp tục được các ngành, các cấp quan tâm, dự án bảo tồn và phục tráng giống bưởi quý này sẽ được mở rộng khắp vùng; con đường về làng bưởi sẽ được mở rộng hơn , xã Đại Minh được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới... Chỉ khi đó giống bưởi quý Khả Lĩnh mới có được thương hiệu riêng để khẳng định giá trị của giống bưởi đặc sản có từ hơn 300 năm nay, góp mặt trong họ hàng các sản vật quý hiếm của Việt Nam, không chỉ riêng ở trong nước mà còn ở cả trên trường quốc tế./.