25/04/2024 lúc 22:54 (GMT+7)
Breaking News

Xuất khẩu tôm khởi sắc, tăng tốc dịp cuối năm

VNHN - Sau thời gian dài sụt giảm, gần đây giá tôm nguyên liệu ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tăng trở lại, giúp người nuôi phấn khởi tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích. Tình hình xuất khẩu tôm có dấu hiệu khởi sắc, tạo đà cho các doanh nghiệp tăng tốc vào những tháng cuối năm.

VNHN - Sau thời gian dài sụt giảm, gần đây giá tôm nguyên liệu ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tăng trở lại, giúp người nuôi phấn khởi tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích. Tình hình xuất khẩu tôm có dấu hiệu khởi sắc, tạo đà cho các doanh nghiệp tăng tốc vào những tháng cuối năm.

Ảnh minh họa

Hy vọng cho người chăn nuôi

Theo các doanh nghiệp chế biến tôm xuất khẩu tại ĐBSCL, do năm 2018, các thị trường lớn trên thế giới mua tôm rất nhiều nên từ đầu năm 2019 đến nay họ mua chậm lại, vì vậy ảnh hưởng đến xuất khẩu tôm trong nước. Giá tôm xuất khẩu không tốt, nên các doanh nghiệp chưa đẩy mạnh xuất bán, từ đó ảnh hưởng giá tôm nguyên liệu những tháng qua. Gần đây, các doanh nghiệp tăng cường mua vào để trả nợ những đơn hàng cũ. Dự báo, những tháng tới, tình hình xuất khẩu khả quan hơn và giá tôm nguyên liệu tăng thêm.

Ở Cà Mau, qua thống kê cho thấy, tôm thẻ đang tăng trở lại. Cụ thể, tôm thẻ loại 100 con/kg giá từ 85.000 - 90.000 đồng/kg, loại 60 con/kg giá 105.000 - 110.000 đồng/kg; tôm sú loại 20 con/kg giá 240.000 - 260.000 đồng/kg, loại 30 con/kg giá khoảng 200.000 đồng/kg, loại 40 con/kg giá 140.000 đồng/kg... 

Ông Võ Văn Chồi, Chủ tịch UBND xã Ngọc Tố, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) cho hay: “8 tháng đầu năm 2019, nông dân trong xã thả nuôi 2.100ha tôm các loại. Trong đó, 783ha tôm nuôi đạt lợi nhuận, 448ha hòa vốn, 177ha thua lỗ, số diện tích còn lại chưa thu hoạch. Nguyên nhân thua lỗ là do tôm bị dịch bệnh chết, hoặc phải thu hoạch sớm khi tôm còn non; đối với các hộ hòa vốn phần nhiều rơi vào cảnh tôm chậm lớn. Có thể nói, thời gian qua, giá tôm nguyên liệu không cao, cộng với dịch bệnh khiến người nuôi vất vả. Hiện nay, giá tôm tăng lên đem lại hy vọng cho nhiều hộ nuôi đẩy mạnh sản xuất đợt cuối năm”. 

Chủ động xuất khẩu

Hiện nay, xuất khẩu tôm có dấu hiệu phục hồi khá, các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu sang những thị trường chính như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản... nhằm tạo bứt phá trong thời điểm cuối năm. 

Kim ngạch xuất khẩu tôm của cả nước trong 6 tháng đầu năm 2019 giảm tới 12% so với cùng kỳ, trong đó những thị trường lớn như EU giảm gần 26%, Nhật Bản giảm 2,8%, Hoa Kỳ giảm 2%, Trung Quốc giảm 4,9%... khiến doanh nghiệp dồn sức tháo gỡ, chạy đua cho những tháng còn lại. Nhờ đó, tín hiệu thị trường gần đây chuyển biến tích cực. Xuất khẩu tôm trong tháng 7/2019 đạt tới 334 triệu USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2018. 

 Tín hiệu tích cực hơn là Bộ Thương mại Mỹ vừa kết luận cuối cùng về đợt rà soát hành chính thuế chống bán phá giá lần thứ 13 (POR13) giai đoạn từ (01/02/2017 đến 31/01/2018) đối với tôm nước ấm đông lạnh của Việt Nam. Mức thuế cuối cùng dành cho 2 bị đơn bắt buộc (Công ty CP thực phẩm Sao Ta và Công ty CP Nha Trang Seafoods) đều ở mức 0%. Mức thuế suất riêng rẽ áp dụng cho các công ty còn lại không được chọn mẫu đối với 29 công ty cũng ở mức 0%. Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) cho rằng, mức thuế cuối cùng 0% cho 31 công ty là tín hiệu tích cực đối với các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu tôm của Việt Nam, nhất là trong bối cảnh bảo hộ đang diễn biến phức tạp. 

Tuy nhiên, cũng không ít khó khăn vây quanh xuất khẩu tôm, trong đó có đồng nhân dân tệ mất giá so với USD, do căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ; những doanh nghiệp xuất khẩu vào Trung Quốc bị ảnh hưởng, bởi khi xuất sang Trung Quốc thường tính bằng đồng nhân dân tệ, sau đó quy ra USD. Đối với thị trường Hoa Kỳ, dù áp dụng cho 31 công ty hưởng thuế suất 0%, nhưng các nhà chuyên môn lưu ý, ngành chức năng Hoa Kỳ sẽ siết chặt vấn đề kháng sinh, cũng như các hàng rào kỹ thuật. Vì vậy, doanh nghiệp không được chủ quan, mà cần phải đầu tư vùng nuôi hoặc liên kết sản xuất để tạo ra nguồn tôm nguyên liệu sạch, đảm bảo chất lượng khi xuất khẩu.